Hồi còn công tác, tôi là mẫu người ít giao lưu, chơi bời, thăm thú…bởi suốt ngày cứ chúi mũi vào công việc. Nhưng khi được giao quản lý văn nghệ địa phương, đôi lúc cũng đi đây đi đó, rồi cũng tiếp khách, giao lưu. Ở lĩnh vực văn nghệ đố anh nào sống biệt lập được.
Gần 20 năm trước, chả nhớ rõ năm nào, một hôm tôi nhận được điện thoại của anh em bên An ninh: “Xin thông báo để bác biết, ngày mai có ông nhà thơ Bùi Minh Quốc sẽ đến chỗ bác đấy!…”. “Vâng, thế có vấn đề gì không chú?”. “Ông nhà thơ này có hơi ‘phức tạp’, bác phải thận trọng…”. Tôi bảo: “Giới văn nghệ sĩ họ đến với Hội văn nghệ là thường tình, chỉ vì cái tình đồng nghiệp và vui vẻ, thậm chí có khi chỉ uống chén rượu nhạt rồi phắn, hoặc chuyện tào lao, có lúc tán về văn chương thơ phú hết cả buổi. Chú cứ yên tâm đi” … Nói vậy, chứ tôi chưa biết nhiều về ông Quốc, chỉ nghe qua báo chí, ông là một nhà thơ danh tiếng trên văn đàn. Tôi nói với Chánh Văn phòng – Nhà văn Đoàn Hữu Nam, nếu mai bác Bùi Minh Quốc đến thăm Hội thì chú lo bố trí nơi ăn chốn nghỉ nhé.
Gần trưa hôm sau, thấy có một người ăn mặc xuềnh xoàng, tóc dài chấm vai, dáng người “bụi bặm”, khắc khổ, đi con xe máy hình như honda “đầu vênh máy cánh” vào cơ quan, xưng là Nhà thơ Bùi Minh Quốc. Chưa gặp nhau bao giờ, nhưng tôi rất vui vì được tiếp đón một nhà thơ tài năng và danh tiếng.
Tôi hỏi: “Anh đi từ đâu mà cưỡi con xe cà tàng này?”. Ông bảo: “Thì đi ‘phượt’ cho nó tự do, thoáng đãng. Thế mà nó (ông chỉ vào con xe) đưa tôi từ Lâm Đồng, qua nhiều tỉnh miền Trung, Tây Bắc…nay đến với Lào Cai đấy !…”. Tôi phục lăn. Nhưng trong lòng thì rất thương ông, vì có tuổi rồi mà “một mình một ngựa” đi khắp đất nước bằng cái xe máy như đồ đồng nát, chả nề hà mưa nắng, gió sương! Ông Quốc hơn tôi 8 tuổi, nhưng nếu phải tôi thì lạy giời, đố dám đi như vậy!
Anh em Văn phòng hội đưa chúng tôi lên quán thịt chó Cây Sung ở Cốc Lếu. Tất cả độ hơn chục người. Rất may, lại gặp và “kết nạp” thêm vào “hội nhậu” hai thầy giáo Trường Cao đẳng Sư Phạm là Nguyễn Sơn và Phạm Duy Nghĩa. Nghĩa lúc ấy là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, nay anh là Nhà lý luận phê bình văn học - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội…
Tôi bảo ông Quốc, anh đi vất vả thế, uống rượu thịt chó với chúng tôi cho nó dân dã, rồi ở đây chơi vài hôm cho lại sức. Nhưng ông bảo, để xem đã, chứ hành trình của tôi còn phải đi thăm mấy tỉnh Việt Bắc nữa. Tôi nói đùa, người ta đi thăm các tỉnh đều có thuộc cấp tháp tùng, chứ chả ai “đơn thương độc mã” như bác? (cười)…
Trong bữa ăn, tôi hỏi thăm về gia đình, con cái… Ông bảo, cháu Bùi Hương Dương Ly lấy chồng ngoại quốc, giờ ở bên Anh (hay Pháp gì đó, tôi không nhớ rõ). Tôi nói, thảo nào bài thơ “Mẹ vẫn đào hầm” (thực ra tên bài thơ là “Đất quê ta mênh mông”), anh lấy bút danh là Dương Hương Ly, nay mới biết đó là tên con gái đầu của anh. Tôi biết, anh có hàng chục tác phẩm văn học nổi tiếng, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến thơ, nhưng nói thật, tôi chưa được đọc anh nhiều. Ấn tượng nhất đối với tôi là bài thơ “Lên Miền Tây”, “Đất quê ta mênh mông” và bài thơ anh khóc chị ấy… Ông Quốc ngắt lời, đấy là “Bài thơ về Hạnh phúc”. “À đúng rồi, “Bài thơ về hạnh phúc”, tôi đọc lần nào cũng rưng rưng nước mắt. Tôi đồng cảm, hiểu anh đã đau như thế nào khi chị Dương Thị Xuân Quý ngã xuống giữa chiến trường lúc 28 tuổi, bỏ lại chồng và đứa con gái nhỏ. Đúng là “Anh mất em như mất nửa cuộc đời”…
Giữa lúc ấy, có một thanh niên ở mâm bên bưng chén rượu sang. Anh rất lễ phép, tự giới thiệu tên và nói đang công tác bên Công an. Anh bảo, cháu được biết tên tuổi nhà thơ Bùi Minh Quốc từ lâu, cháu rất ngưỡng mộ bác. Hôm nay có cơ duyên được gặp bác ở đây, cháu xin chúc sức khỏe bác cùng các cô chú, anh chị bên Hội Văn học nghệ thuật. Xin mời mọi người cạn ly và chúc các văn nghệ sĩ có nhiều thành công trong sáng tạo. Tất cả cùng “zô” và vui vẻ cạn chén.
Được biết, từ sau năm 1975, Bùi Minh Quốc có nhiều bài thơ mang tư tưởng phê phán, nên ít người nói về thơ của anh, thậm chí ngay ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” nổi tiếng, có rất nhiều người hát, kể cả NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa… nhưng hình như ở đâu cũng chỉ thấy giới thiệu ‘sáng tác của Phan Huỳnh Điểu’. Còn phần lời là phổ “Bài thơ về tình yêu” của Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) thì người ta đều… “quên”! Lúc đầu tôi không để ý, cứ tưởng cả nhạc và lời đều là của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu! Khi rõ chuyện, tự nhiên thấy buồn cho thế sự…
Nhưng với tôi, bài thơ xúc động nhất được phổ nhạc vẫn là bài: “Đất quê ta mênh mông” (9/1967)
“Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh
nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc
mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác
bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.
Đất nước mình hai mươi năm chiến tranh
tiếng cuốc năm canh nặng tình đất nước
hầm mẹ giăng như luỹ như thành
che chở mỗi bước chân con bước.
Đất quê ta mênh mông
quân thù không xăm hết được
lòng mẹ rộng vô cùng
mẹ giấu cả sư đoàn dưới đất
nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất
nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam”…
Trên Wikipedia có đoạn: “Năm 2007, sau khi Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Bùi Minh Quốc nói, Trung Quốc đã “chà đạp lẽ phải”...
Lại nói về chuyến thăm Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai năm ấy của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tối hôm đó, cơ quan bố trí để ông nghỉ ở nhà khách số 1 của UBND tỉnh. Nhà văn Đoàn Hữu Nam, chánh Văn Phòng hội lúc nào cũng bên cạnh ông. Hai anh em có dịp hiếm hoi để say sưa chuyện trò về văn thơ. Đoàn Hữu Nam rất ngưỡng mộ tài năng của nhà thơ Bùi Minh Quốc. Đúng là, say “nghiệp văn”, nên Đoàn Hữu Nam đã thành danh trong làng văn đất Việt.
Sáng hôm sau, nhà thơ Bùi Minh Quốc giã từ chúng tôi để lên đường, tiếp tục cuộc hành trình của ông để đến với giới văn nghệ sĩ ở các tỉnh Việt Bắc.
Khoảng một tuần sau, tôi thấy báo Văn Nghệ Thái Nguyên do nữ sĩ Thúy Quỳnh, Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập, đăng một tin sâu về nhà thơ Bùi Minh Quốc đến thăm Thái Nguyên.
Năm nay nhà thơ Bùi Minh Quốc đã 82 tuổi. Có lẽ chuyến đi ấy của ông là một chuyến đi để đời?