Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lời Bạt TÂM VĂN CỐT MỰC

Đỗ Trọng Khơi
Chủ nhật ngày 24 tháng 9 năm 2023 4:36 PM




Lời bạt
“Còn có ai người khóc Tố Như”

Nhà văn Võ Bá Cường sinh năm 1940, tới 2023 – Qúy Mão, tính tuổi mụ ông bước vào tuổi 84. Năm trước 2022, nhà văn cho in tập bút ký chân dung “Chim sơn tiêu”, viết về các vị chính khách và nhà văn cùng thời, dày trên ba trăm trang. Sang năm 2023 này nhà văn cho in tiếp tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”, khắc họa chân dung thi hào Nguyễn Du lần về Thái Bình lấy vợ và tạm trú 6 năm tại đây, khi ấy đất nước vừa dứt thời loạn Trịnh Nguyễn phân tranh thì tiếp ngay lại gặp cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Tây Sơn với Gia Long, phận người dân lúc này đầy tang thương dâu bể. Qua đây thấy sức lao động nghệ thuật của nhà văn tuổi bát tuần thật đáng nể.


Mỗi nhà văn thành danh thường khẳng định giá trị văn chương của mình ở một thể loại. Nhà văn Võ Bá Cường thử bút qua nhiều thể loại, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, và để rồi , có thể khẳng định thể ký – chân dung văn học chính là thể loại đem lại cho nghiệp văn ông những thành công đáng kể nhất. Võ Bá Cường viết ký chân dung các nhà văn tiền bối cũng như đương thời, với các tác phẩm đã in: “Bạn văn”, “Chim Sơn tiêu”, rộng lớn quy mô hơn là tập ký chân dung về thành phố Thái Bình, tác phẩm “Cầu Bo qua phố”. Ngay những cuốn trường thiên dài bốn năm trăm trang sách, như “Chuyện Tướng Độ” viết về cuộc đời sự nghiệp của vị tướng văn hóa lừng danh, và “Người đeo lục lạc” ký họa chân dung nhà văn cách mạng nổi tiếng Nguyễn Hữu Đang, tới nay là tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”, thêm ghi nhận đó thực chất vẫn là những tập sách mà cách biểu đạt, kết cấu mang đậm phong vị của thể ký. Ký, pha với văn tùy bút. Vì sao thể loại văn học này lại phù hợp với tạng văn Võ Bá Cường? Là do cái giọng văn khi thì thầm thì bi mẫn, bày biện nghi thức, lúc lại dềnh dàng, phóng túng, hào sảng. Ngôn ngữ văn ông giầu hình ảnh và nó được cân đo lựa lọc kỹ càng trước khi đặt xuống mặt giấy để miêu tả, bình giá về nhân vật hay sự vật, sự việc nhằm khơi gợi được vẻ phong tư cốt cách, tôn cao được phẩm hạnh con người, phẩm tính thời đại rồi mới tiến tới luận về tư tưởng, tinh thần kẻ sỹ trước thời cuộc. Văn ấy tỏ rõ sự tương ứng với cách ăn ở, cư xử của con người tác giả trong đời thường nhật. Xem ra đem cung cách sống trang trọng, thứ bậc, thưa gửi ngoài đời, hòa với lối diễn ngôn văn phạm thích hợp với thể bút ký, điểm chút màu tùy bút, đã giúp nhà văn lập được cho mình một giọng văn – ký, với tôi xin lạm ghi nhận là giọng tùy văn, tiệp văn. Câu định nghĩa “Văn là người”, thật là đúng vậy! Qua đây thấy thể loại văn học này chính là mảnh đất cho phép nhà văn gieo trồng và thu hoạch mùa màng chữ nghĩa trên đó. Tư cách nhà văn Võ Bá Cường được định danh lại đó!


Đọc “Còn có ai người khóc Tố Như” bạn văn sẽ gặp những trường đoạn giầu suy ngẫm về sự đời, lẽ thời của người nông phu, bậc sỹ phu trong cảnh quê yên hàn, hay nơi triều chính nhiễu nhương biến loạn. Như đoạn miêu tả tâm ý của Nguyễn Du khi ngài đang ấp ủ khai sinh kiệt tác Truyện Kiều, mà theo cách xác định của tác giả thì sách này được viết ở đất Phong Nguyệt Sào, Thái Bình, quê vợ: “Truyện Kiều phải đạt được tiếng nói thân phận con người, giải phóng con người, đặt được sự an nguy của thân phận họ lên trên hết, trước hết. Câu chữ để cứu người, muốn vậy phải sắc như dao , cháy như lửa. Nó là tiếng chuông ngân rung réo rắt lòng ta, chữ nghĩa là để cứu người. Cứu người mới khó…”. Và xin hãy cùng tác giả suy ngẫm đoạn văn này: “Nếu vua sáng tôi hiền, biết vạch vòi sáng tối, nghe tiếng con nai cũng phân biệt được thiện ác, thì hòn đá ngoài suối kia đều nghe được tiếng tiên phật. Hang động Thanh hư, cây rừng ngọn cỏ đều có tâm linh cả đấy…”. Lại có đoạn văn buông neo như một tiếng thở dài ngỏ với tri âm lời dịu bền mà vi tế: “hương thơm của hoa chỉ có trăng mới hiểu”. Tâm văn cốt mực Võ Bá Cường sinh hóa trong lẽ chữ nghĩa này!


Nói theo thần Siêu: “văn chương có cái đáng thờ có cái không đáng thờ” là bởi vậy chăng?

Ngày cuối Giêng/xuân Qúy Mão

19/2/2023