Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI THƠ "LỜI MẸ DẠY" CỦA PHÙNG QUÁN...

Cảnh Thụy
Chủ nhật ngày 13 tháng 9 năm 2020 2:32 PM




Bài thơ “Lời mẹ dạy” của Phùng Quán, một triết lý nhân sinh

và tuyên ngôn về nghệ thuật



Bài thơ "Lời mẹ dặn" được Phùng Quán viết khi ông 25 tuổi (năm 1957), đăng trên báo Văn- số 21, ra ngày 27 tháng 9 năm 1959. Ngay sau khi bài thơ ra đời, nó gây xôn xao trong dư luận, được nhiều người thuộc và chép truyền tay nhau. Dưới đây là nguyên văn bài thơ:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Phần đầu bài thơ mang tính tự sự, như một lời kể chân thành, mộc mạc. Nhân vật “Tôi” trong bài thơ không ai khác chính là tác giả, nhà thơ Phùng Quán. Ông sinh ra ở Huế, mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ:

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

Biểu hiện ở người chân thật, trước hết là sự hồn nhiên, cảm tính, thậm chí còn mang tính chất bản năng: "Thấy vui muốn cười cứ cười/Thấy buồn muốn khóc là khóc"- cũng tựa như người ta khi đói thì ăn, khi khát thì uống vậy!

Không dừng ở chân thật trong buồn, vui, mang nặng cảm tính, hồn nhiên. Những dòng thơ tiếp theo, yêu cầu để “làm người chân thật” được đẩy lên cao hơn một bước. Đó là chân thật trong suy nghĩ: “Yêu ai cứ bảo rằng yêu/Ghét ai cứ bảo rằng ghét”. Hai câu thơ có cấu trúc giống nhau, được rút gọn, làm cho câu thơ chắc, khỏe. Từ “cứ” được lặp lại, như một sự khẳng định thật dứt khoát!

Nhưng ở đời, con người ta muốn sống đúng là mình đâu có đơn giản? Buồn, vui thì còn hồn nhiên biểu lộ ra được, không ai ngăn cấm vì đó chỉ là tâm trạng của riêng mình, không liên quan đến người khác. Nhưng khi nói đến yêu, ghét thì lại khác, nó luôn gắn với một đối tượng cụ thể nào đó. Và lòng trung thực ở đây lại được đẩy lên cấp độ cao hơn nữa: đặt trước một thách thức lớn! Từ “ai”- đối tượng mang tính phiếm chỉ, nhưng với đầy quyền năng ở hai thái cực trái ngược: “ngon ngọt nuông chiều” và “cầm dao dọa giết”! Ở đây, lòng trung thực bị đẩy đến một thách thức lớn, rất khó vượt qua. Câu thơ có sự hiệp vần cùng thanh trắc đứng cạnh nhau “cầm dao dọa giết”, đọc lên nghe “lạnh tóc gáy”!

Đoạn thơ nói về “lời mẹ” là tâm điểm của bài thơ. Với 9 dòng, từ ngữ mộc mạc, dễ hiểu (hạn chế đến mức thấp nhất những từ Hán Việt). Cũng không hề có biện pháp tu từ, không hình ảnh. Câu thơ là lời nói trực tiếp, viết theo lối khẩu ngữ, trong sáng và giản dị. Tất cả, tạo ấn tượng: như lời mẹ dạy- cụ thể, rành mạch, rõ ràng. Để chuyển tải nội dung giản dị, chân thật, có lẽ không có hình thức chân thành, giản dị nào hơn thế! Lấy giản dị, tự nhiên làm đẹp, bài thơ đạt đến độ tinh luyện, khó tìm thấy một dấu vết nào của sự dụng công?

Diễn tả lòng trung thực ở con người, nhưng ý thơ phát triển qua ba cấp độ, làm cho ý thơ không lặp, tạo nên sự vận động của tứ thơ. Không dừng lại ở đó. Từ trung thực trong cuộc sống, Phùng Quán liên hệ đến sự trung thực ở một nhà văn, tạo nên sự thay đổi bất ngờ mà vẫn hợp lý trong sự phát triển của tứ thơ. Từ đó, tác giả có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về nghệ thuật (mà đây mới là cảm hứng chủ đạo của nhà thơ) một cách tự nhiên:

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn

Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Mới đọc qua đoạn thơ trên, người đọc cảm nhận ở đây có gì lộn xộn, bề bộn, đan xen. Phải chăng, ở đây có sự đan xen giữa thay đổi và bất biến, qua thời gian? Cái thay đổi từ “cậu bé năm tuổi” thì nay đã “hai mươi nhăm tuổi”, giữa “đứa trẻ mồ côi” nay đã “thành nhà văn”. Nhưng lời mẹ dặn thì vẫn bất di bất dịch và thiêng liêng, “nguyên vẹn màu son chói đỏ”. Câu thơ diễn tả “lời mẹ dặn xưa” được tái hiện nguyên vẹn “ở thì hiện tại”, với một bối cảnh nguy hiểm mà tác giả ý thức rất rõ: nhà văn “như làm xiếc trên dây”, bởi những “sét nổ trên đầu” đe dọa, cùng “đường mật công danh” quyến rũ. Đó phải chăng là bút pháp “đồng hiện” gây hiệu quả ấn tượng? Bài thơ kết thúc với câu thơ thật lẫm liệt khí phách, đầy thách thức và như một lời tuyên chiến: “Bút giấy tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”. Trước bài thơ này, trong bài “Chống tham ô lãng phí”, ông có những vần thơ thật quyết liệt: “Bọn tham ô lãng phí quan liêu/ Đảng đã phê bình trên báo/ Còn bao nhiêu tên chưa ai biết ai hay/ Lớn bé, nhỏ, to, cao, thấp, béo, gầy.../ Khắp đất nước đâu đâu chẳng có!” (đến bây giờ, bài thơ vẫn vẹn nguyên tính thời sự và được cho là có tính “dự báo” rất cao). Và Phùng Quán nguyện biến thơ mình thành “viên đạn”! Cho đến tận cuối đời, Phùng Quán vẫn một lòng tâm nguyện làm theo “lời mẹ dặn”. Ông giãi bày trong bài thơ “Trăng hoàng cung”, viết khi ông đã về sống ở Huế: “Là nhà văn/ Tôi yêu tha thiết/ Sự ngay thẳng tột cùng/ Ngay thẳng thủy chung/ Của mỗi dòng chữ viết”. Có thể nói, sống chân thật, viết chân thật đã trở thành triết lý sống và viết nhất quán, bất di bất dịch trong thơ Phùng Quán!

Bài thơ “Lời mẹ dặn” thật đa tầng ý nghĩa: là triết lý nhân sinh cao đẹp (sống trung thực với chính mình, với mọi người). Đó cũng là đạo đức, nhân cách sống (không xu nịnh để vụ lợi, dám đấu tranh, không sợ hãi). Và, đó cũng chính là khát vọng sống tự do. Nhưng, chủ đề chính của “Lời mẹ dặn” và giá trị của bài thơ là thái độ và trách nhiệm công dân của một nghệ sĩ chân chính trước cuộc sống! Đặt bài thơ trong bối cảnh mà nó ra đời mới thấy được tính phức tạp của vấn đề và bản lĩnh của một cây bút trẻ đang khát khao sống chân thực và cống hiến. Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng, giữa một bên là những văn nghệ sĩ đã từng đi theo kháng chiến nay muốn được nới lỏng tự do trong sáng tạo nghệ thuật để có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và sáng tạo phục vụ cách mạng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống mới, với một bên là những cán bộ quản lý văn nghệ, văn nghệ sĩ còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, giáo điều, suy nghĩ hẹp hòi và thành kiến.

Sau bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời mẹ dặn” được công bố thì không lâu sau, số phận của một cây bút đầy tiềm năng, có tâm hồn trong sáng và trung thành với sự nghiệp của đảng cũng bị liên lụy theo. Phùng Quán bị đưa ra phê phán và phải “đi thực tế lao động” ở nhiều nông trường, sau đó bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và ra khỏi biên chế của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội mà ông đang làm. Từ đó, Phùng Quán phải bươn trải mưu sinh gần hết đoạn đời còn lại bằng nghề “câu trộm, viết chui”. Trên một tờ báo lớn, tác giả có bút danh Trúc Chi viết bài “Lời mẹ dặn- có thật hay không?” đã “chửi rủa”, “mạt sát” ông không tiếc lời, trong đó có những câu: “Nó ghét chỉ thầy hiền, bạn tốt/ Nó yêu nơi gái điếm, cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên hạ/ Yêu những người đáng ghét của muôn người/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hóa ra thân chó mái, chim mồi”. Theo Phùng Quán, sau này, tác giả của nó mới lộ diện: đó là Hoàng Văn Hoan, khi bài thơ được “chửi” Phùng Quán được tái bản trong tập “Một đôi vần” do NXB Dân tộc Việt Bắc phát hành năm 1989.

Nhắc những điều này để chúng ta hiểu đúng một nhà văn chân thật, thẳng ngay bị oan uổng một thời. Thiết tưởng, đó cũng là một bài học cho hôm nay, để xây dựng một nền văn nghệ có chức năng định hướng nhưng không xa rời thực tiễn và chân lý cuộc sống, không công thức, giáo điều!

“Lời mẹ dạy” thật giản dị, sao khiến nhiều người xúc động? Có phải có thân phận nhà thơ trong đó? Và hình ảnh ân cần mà cao cả của mẹ? Hay do bài thơ được “thiêng hóa” qua di huấn của cha? Có lẽ là tất cả! Bài thơ viết theo thể tự do, phù hợp với diễn tả tư tưởng phóng khoáng. Cái tôi trữ tình nhà thơ và nhân vật trữ tình hòa làm một; lời thơ vừa là sự tỏ lòng vừa là lời đối thoại. Bây giờ đọc lại bài thơ ở độ lùi hơn nửa thế kỷ mới thấy, trong thời đại mà nền thi ca cảm hứng chủ đạo là sử thi, muôn người chung một điệu nói, các nhà văn nhà thơ bày tỏ giác ngộ “sáng mắt sáng lòng” đều nhờ ở thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Thế mà Phùng Quán lại đưa ra “lời mẹ dặn” như một xác quyết đầy tin tưởng. Bạn đọc hôm nay vừa thấy trong đó có “đức tin” của một tín đồ đạo Mẫu, vừa thấm đậm chất dân gian (kiểu: bố tôi bảo, mẹ tôi bảo...). Qua đó cho thấy, Phùng Quán quả là một thi sĩ chân thật đến hồn nhiên, không thức thời và lạc lõng!

Đã hơn 60 năm đã qua, nhưng “Lời mẹ dặn” vẫn nguyên giá trị và càng có tính thời sự hôm nay. Ngày nay, giá trị trong các sáng tác của ông đã được thừa nhận qua các giải thưởng văn chương. Năm 2007, Phùng Quán được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán từng được Trung tâm Văn hóa doanh nhân phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục bình chọn là một trong một trăm bài thơ Việt hay nhất Thế kỷ XX. Thiết nghĩ, Bộ GDĐT cũng nên đưa bài thơ “Lời mẹ dạy” vào chương trình môn Ngữ văn, bởi nhiều lý do: Nó có tính giáo dục nhân văn sâu sắc, đề cao vai trò của giáo dục gia đình đối với việc giáo dục nhân cách cho trẻ em. Với sức lay động lòng người sâu sắc, bài thơ sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục lòng trung thực cho con người. Và, với một xã hội trung thực thì không nên để một bài thơ có giá trị nghệ thuật về lòng trung thực mất đi cơ hội được lan tỏa!