Cách đây khoảng 30-40 năm, không khí văn chương ở nước ta rất căng thẳng. Các nhà văn nhà thơ tài giỏi như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…đều không may dính vào những vụ án văn chương đến nỗi bị cấm viết, thường đi lao động chân tay ở các vùng núi, vùng quê, gọi là đi thực tế. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ vì các câu thơ đại loại như: “Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu”, “Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ”, “Đôi môi tươi đạn xé/ Chưa bao giờ được hôn”… Tôi nhớ dạo đó nghèo quá, có cuộc thi trên báo, nhà văn Phùng Quán phải viết rồi ký tên vợ anh là chị Bội Trâm để được nhận giải thưởng (vì nếu ký tên anh thì không bao giờ được giải!). Nhưng sau này, đến năm 2007, thì hầu như các nhà văn nhà thơ trên đều được minh oan, nhiều người đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tôi chỉ là một người viết báo, làm thơ những năm 1970-1990, còn trẻ nên rất hồn nhiên viết tất cả những gì là tâm sự của riêng mình. Năm 1973, là phóng viên báo Hà Nội Mới, có ông chồng mới cưới công tác tận trên Tây Bắc mà chẳng may ở cơ quan lại có một chàng cứ tôi đi đâu cũng đi theo và nhiều lần tuyên bố thẳng thừng là… rất mến mộ PTTN(!). Nhưng có phải cứ ai thích mình là mình cũng thich người ấy đâu, nên tôi viết câu thơ mang tính chất rất “hoàn cảnh”: “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”. Dạo đó, khi tôi gửi một chùm thơ đến báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn thì các bài khác đều được đăng, chỉ có câu này bị bỏ lại, vì theo các vị biên tập thơ thì câu này…cũng hay, nhưng trong tình hình đang đánh nhau rất khốc liệt như năm 1973, cả nước không đăng thơ tình mà câu này nghe lại có vẻ…ngoại tình (!), thì không thể nào đăng được!
Sau ngày thống nhất đất nước, khi tôi vào Sài Gòn, các anh chị phụ trách tờ Văn Nghệ TPHCM nói tôi đưa mấy bài thơ, trong đó có thơ tình để đăng cho bà con miền Nam làm quen với văn chương miến Bắc, thì chùm thơ của tôi trong đó có câu này được đăng ngay. Khi tôi đã về lại Hà Nội, một nhà thơ của Văn Nghệ TPHCM hốt hoảng gọi điện ra, thông báo là các anh đang bị phê phán nặng nề vì câu “Người tôi yêu đã đi xa/ Người yêu tôi lại ở nhà, chán ghê!”, được mọi người cho là có ý khen những người bỏ Việt Nam đi di tản sang Mỹ và chê những người ở lại Sài Gòn! Tôi cũng hoảng, vội trình bày mọi chuyện với trưởng ban của tôi lúc đó là nhà báo Bình Minh, nhờ anh can thiệp. Rất may là bác Bình Minh rất hiểu là tôi không liên quan gì với những người đi di tản sang Mỹ, và hình như anh có quen biết với ai đó trong thành ủy Sài Gòn nên “vụ án Văn chương” này được bỏ qua. May thế chứ!
Đến năm 1992, sau đổi mới ít lâu, vì chuyện riêng, tôi có lúc rất chán đời nên đã viết bài thơ “Yêu đời”. Trong bài thơ,tôi viết:
Có đôi lúc buồn tôi đã định tự tử
Sống làm chi khi bè bạn bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người lạ
Ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc ba đồng
Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ
Sống làm chi khi mọi tượng thần đều sụp đổ
Người ta tin yêu lại hóa tầm thường
Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
Vẫn cười nó , họp hàn, trưng diện
Vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
Một người đã thông minh lại giầu(!)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá!
Lúc đó, tôi đang là phó TBT tờ “Người Hà Nội” nên cứ thế đăng, chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng ngay sau khi phát hành, tôi nhận điện thoại của văn phòng thành ủy Hà Nội gọi lên gặp đồng chí Bí thư. Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào văn phòng Bí thư Thành ủy. Đồng chí Phạm Thế Duyệt lúc đó tôi trông đã ngại, vì anh cao lớn, da ngăm ngăm và có cái nhìn vô cùng nghiêm khắc. Đồng chí mời tôi ngồi đối diện rồi từ tốn nói:
- Tôi vừa đọc mấy bài thơ của đồng chí trên báo, có câu, có bài được, nhưng có câu, có bài tôi phải hỏi lại cho rõ …
Mới nghe đến đây, tôi vội ngắt lời:
- Xin anh đừng gọi em là “đồng chí”, em nghe thấy …sờ sợ làm sao ấy ạ.
Bí thư Thành ủy chợt mỉm cười:
- Ừ thì gọi là “cô” thôi, cho cô bình tĩnh nhé. Tại sao cô dám viết “Mọi tượng thần đều sụp đổ”? Phải chăng cô muốn nói đến thần tượng của cả nước mà nhân dân rất kính trọng?
Tôi tái mặt, lắc đầu;
- Không ạ. Em chỉ viết về những người bình thường mà lúc em yêu họ, em cứ tưởng là thần tượng nhưng hóa ra không phải, làm em thất vọng thôi ạ.
Thấy bí thư nhăn trán,có vẻ nghĩ ngợi, tôi bèn mạnh dạn nói thêm để thanh minh:
- Em có thằng em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, em cũng làm đơn xin vào Nam tham gia chiến đấu mà không được. Em có phải là phản động đâu ạ…
Bí thư thành ủy chợt mỉm cười:
-Thế hả? Bây giờ làm sao mà cô chán đời đến mức muốn tự tử?
Tôi cãi phăng:
- Đâu, em nói là em vẫn yêu đời đấy chứ ạ. Chồng em mất đã lâu, em còn đang mong kiếm được một ông “đã thông minh lại giầu” mà anh…
Đến đây thì Bí thư Thành ủy cười lớn, đứng lên:
- Thôi, cô về. Lần sau viết gì phải cân nhắc cho cẩn thận vào.
Tôi ra khỏi phòng Bí thư Thành ủy, về đến cơ quan vẫn còn run, không hiểu mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao? Nhưng rồi tôi đợi mãi, không thấy ai nói gì đến chuyện thần tượng trong bài thơ của tôi nữa. Thật là hú vía. Tôi rất biết ơn sự thông cảm của bí thư thành ủy Hà Nội lúc đó. Nếu không, chẳng hiểu cuộc đời tôi bây giờ ra sao nữa…
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn.com