Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẠCH QUỲ - HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM TRẦM HƯƠNG

Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa
Thứ tư ngày 20 tháng 3 năm 2019 9:32 AM


Kết quả hình ảnh cho Trần Nhương kí họa nhà thơ Thạch Quỳ

Nhà thơ Thạch Quỳ tên thật là Vương Đình Huấn, sinh năm 1941 tại làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô lương, tỉnh Nghệ An – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã cho ra mắt 8 tập thơ: Sao và Đất (in chng cùng nhà thơ Quang Huy - 1967); Tảng đá và nhành cây (1973); Nguồn gốc cơn mưa (thơ thiếu nhi 1978); Con chim Tà vặt (1985); Cuối cùng vẫn một mình em (1996); Đêm Giáng sinh (2004); Tuyển thơ Thạch Quỳ (2009); Bức tượng (2010).

Năm 2018, theo đặt hàng của UBND tỉnh, NXB Nghệ An cho ra mắt cuốn Thạch Quỳ - Tuyển tập thơ tập hợp gần như toàn bộ những bài thơ của ông trong hơn nửa thế kỷ xuyên suốt từ chiến tranh chống Mỹ đến nay. Cả cuộc đời Thạch Quỳ gắn bó với xứ Nghệ, nhất mực với thơ, ngổn ngang trăm mối cùng những thăng trầm của Đất nước.


Với tôi, nhà thơ Thạch Quỳ không chỉ là đồng nghiệp văn chương mà còn là Thầy dạy. Tôi may mắn được học Thầy môn toán cấp 3 những năm 68 – 70 của thế kỷ trước. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, huống hồ Thầy còn “cứu vớt” tôi qua hoạn nạn. Vì vậy, từ trong tâm khảm, tôi luôn là cậu học trò nhỏ và kính trọng Thầy hết mực. Vẫn còn đọng lại trong tôi những bài thơ của Thầy “Rồi ngày mai tôi phải đi xa/ Hoa phượng nở trên đầu như lửa cháy…”; những câu thơ tình yêu đẹp đến dung dị, lặng thầm mà xốn xang, đợi chờ mà thánh thiện “Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc/ Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”; rồi những câu thơ ngày tiễn Bác, hôm nay đọc lại vẫn chưa hết rùng mình: “Đảng kính yêu/ Con quen gửi đời con vào chân lý của người/ Như quen gửi niềm tin vào sự thực/ Sao phút ấy bỗng trở nên ngờ vực/ Ai loan tin Bác đã qua đời…”.

Thạch Quỳ sinh ra để làm nhà thơ. Làng Đông Bích quê ông, có rú Cuồi (núi Quỳ) khiêm nhường giữa một vùng mênh mông bán sơn địa, lại là nơi sản sinh ra nhiều nhà thơ nổi tiếng: Vương Đình Trâm, Vương Trọng, Thạch Quỳ, Vương Cường và rất nhiều người làng, người họ làm thơ, nói ra thơ. Mười ba tuổi, cậu bé chăn trâu Vương Đình Huấn đã đề thơ lên núi Quỳ và gắn với thơ như một duyên nghiệp“bỗng tìm ra một dấu chân chim/ trên tảng đá ngàn năm lặng lẽ/ bao lớp sóng trào lên như sóng bể/ lòng đã thầm giữ lại nếp hoa vân”.


Từ phải qua: Nhà thơ Thạch Quỳ, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa và một số đồng nghiệp tại lễ ra mắt "Thạch Quỳ-Tuyển tập thơ"

Ông sống chết với thơ và gắn bó với thơ như một sứ mạng. Hình ảnh ông ngồi trong đêm, điếu thuốc không ngừng cháy mới thấy hết sự lao tâm khổ tứ của ông. Mọi khoảnh khắc, mọi tình cảm, linh cảm của ông, đến cả giấc mơ đều dồn hết vào thơ:

Cuối cùng vẫn một một mình em

Nhưng anh đã đi như người trong mộng

Nhưng anh đã bơi như người trong sóng

Nổi và chìm

Sấp và ngửa

Trắng và đen

Cuối cùng vẫn một một mình em

Nhưng anh đã khô kiệt cùng đá sỏi

Nhưng anh đã kêu kiệt cùng tiếng gọi

Nhưng anh đã mơ cạn kiệt giấc mơ.

Em - nàng thơ ông đi tìm suốt đời với những day dứt khôn nguôi: “Nhưng em ở nơi đâu? Em ở/ Trong nước mắt của đêm, trong tiếng thở dài của gió/ Anh nhận ra hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm”. Thất vọng đấy rồi lại hy vọng, hy vọng về hạnh phúc, về một “thế giới vẹn nguyên” và “từng giây phút yêu nhau ta gắng gỏi”.

Ngót nửa thế kỷ, hình như ông tự ăn mình, tự tiêu hoá mình để chiết xuất ra thơ. “Thân thể tôi như chiếc cột ăng ten/ vừa phát sóng vừa tự mình rỉ rét…”; “Có cảm giác thèm ăn dần biến mất…/ cả một đời nhịn đói đã quen thân”. Nhưng đó là sự “quen đói” vật chất, còn về tinh thần nhà thơ tự vấn:

“Nhưng chẳng lẽ, như dạ dày của tớ

Trái tim người đói mãi cũng dần quen?”.

Câu hỏi cũng là câu trả lời. Trái tim và tâm hồn nhà thơ không thể bị bỏ đói, kể cả khi tuổi tác chồng lên “chưa giải toả sau lưng, đám dây nhợ nợ nần đã hiện lên trước mặt/ mây trắng bay mờ mịt cả chân trời”. Và, nhà thơ lại cặm cụi trước trang giấy, viết và viết như một người lao lực.

Dù như vậy, đêm nay anh vẫn viết

Thơ răng đau – thơ lên sởi – đậu mùa

Dù như vậy, tâm hồn anh sống sót

Anh một đời cuốc mót dưới sao thưa.

Thời gian là đồng tác giả với ông, phản ánh sinh động thời đại ông trải qua bằng ánh nhìn của con mắt thơ. Đó là những năm tháng đẫm mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả Dân tộc nghèo khó, hy sinh, nhưng biết thương nhau, vẫn thấy “sắc hồng cười trong gạch vụn”. Tình yêu giữa con người với con người, giữa mỗi người với Tổ quốc đẹp lung linh, một cách tuyến tính: “có mẹ có con đường mòn lối cỏ/ sân nhà dấu chổi nét song song” hay như: “Tôi đi cùng nhân dân, đội nón lên đầu/ để lòng mở cùng cây xanh ngóng nước”...

Nhưng khi bước vào cơ chế thị trường, nhiều giá trị bị méo mó, đảo lộn: “Con gà lai, hạt gạo cũng lai/ Thơ phú thị trường dần lai kinh tế…/ Cái mất đi hú gọi không về/ Cái còn lại trơ mòn sỏi đá”. Ở giai đoạn này, nhà thơ “học cách sống giữa rừng hoang hú gọi/ học cách ngồi trên đá lặng im/ cách đứng/ cách đi/ cách kiếm/ cách tìm…”.

Thơ Thạch Quỳ hay từ xưa, giờ lại hay hơn bởi sự sâu sắc và linh cảm. Bài thơ Với con là một ví dụ: “Cha mong con lớn lên chân thật/ Yêu mọi người như cha đã yêu con”. Yêu con mà cũng nhận đủ ái, ố, hỷ, nộ…của một thời, trong đó nhiều điều chẳng liên quan gì đến văn chương. Những đố kỵ, qua thực tế trải nghiệm càng làm bài thơ đạt đến chân giá trị của nó. Không phải cây Dó bầu nào cũng cho ta Trầm hương, phải là cây già, sống cô đơn giữa thâm sơn cùng cốc, tự làm bị thương mình mới có được những “giọt máu của rừng”. Nhà thơ Thạch Quỳ của chúng ta cũng vậy, cũng cô đơn, cũng tự đày đoạ mình để tìm kiếm trầm hương trong thơ:

“Có mùi mật trong hoa

Điều đó chú ong vàng cũng biết

Có hương thơm ẩn giữa sắc màu

Cái chuyện này, bướm tím biết từ lâu!

Nhưng bạn ạ

Hương trầm trong gỗ mục

Thì ong vàng, bướm tím có hay đâu…”

Ông khảng khái: “Tôi đối mặt với bạo tàn, chết chóc/ Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn/ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ Nhưng với lòng ham sống thật tôi hơn”. Thơ tự trút bỏ xiêm y, rườm rà, ý nghĩ nhà thơ vượt ra ngoài ký tự, mang nhiều tính triết luận và đa biến hơn:

Nếu trái tim cất lời nói được

Nhưng

Trái tim vẫn lặng như tờ

Còn

Tiếng ngoài lời

Thơ ở ngoài thơ

Tiếng ở ngoài lời, thơ ở ngoài thơ. Nói “toa tàu” chưa hẳn đã toa tàu, nói “vấn đề của hố rác” đâu chỉ là rác hữu cơ hay vô cơ, nói “trật tự tủ lạnh” đâu chỉ là tủ lạnh…Ông chán ngấy “mùi cổ lỗ” từ “những mệnh đề di ngôn/ những lời nói gói sẵn”và tinh tế hơn trong một Thị trường đa cấp:

“Hoặc sung vào đội ngũ đi lừa

Hoặc ở lại bị lừa trong đội ngũ

Bên bàn phím nhà văn ngồi gõ chữ

Xin chữ lừa chớ hiện giữa trang văn”.

Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ – Nhà thơ Thạch Quỳ nói vậy. Tôi tin người đọc có thể tự ngẫm theo những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Năm nay Thạch Quỳ đã bước vào tuổi Tám mươi, nhưng tình yêu ông dành cho thơ, cho con người vẫn còn đầy ắp: “Tôi thưa rằng bạn hãy cho tôi/ Được yêu bạn với trái tim say đắm/ Rằng dòng máu trong tim tôi đỏ thắm/ Luôn ngập đầy, không một phút yên nguôi.”./.

Chân dung Thạch Quỳ do Trần Nhương phác họa
Nguồn: vanvn.net