Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH CÁNH-CỦA RIÊNG CÒN MỘT CHÚT NÀY…

Trần Nhật Lam
Thứ hai ngày 11 tháng 3 năm 2019 8:42 AM




Kết quả hình ảnh cho Lê đình Cánh

Lời điếu của nhà thơ Trần Nhật Lam- Hôm nay, chúng tôi xin vô cùng đau đớn báo tin: Nhà báo, nhà thơ Lê Đình Cánh đã qua đời hồi 6h00 ngày 05 tháng03 năm 2019 (tức 29 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) sau cơn bạo bệnh, hưởng thọ 79 tuổi. Trong giờ phút trầm lặng tưởng nhớ ông, chúng ta cùng nhớ lại đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông, một nhà thơ, nhà báo đã có nhiều huân huy chương chống Pháp, chống Mỹ và nhiều giải thưởng văn học…

Vào khoảng giữa năm 1973, một người quê Thọ Xuân (Thanh Hóa) trạc tuổi 30 đến chơi, làm quen với anh chị em Phòng Văn học - Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Áo thanh niên xung phong bạc màu, dáng cao, mặt gầy, rắn rỏi. Anh tâm sự thích làm thầy giáo, nhưng bốn năm tham gia thanh niên xung phong, những ngày lửa đỏ, duyên phận đã khiến anh mê làm báo, làm thơ. Anh chị em trong phòng quý lắm. Anh đã trở thành đồng nghiệp phát thanh sau nửa tháng.

Thời gian chứng tỏ ông yêu thích nghề phát thanh thực sự, thời gian gắn ông vào các tiết mục văn nghệ dành cho thiếu nhi hoặc Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Câu chuyện truyền thanh… Nhưng thời gian cũng chính là người giúp ông có điều kiện đọc nhiều sách báo. Ông cũng dành thời gian đi đây đi đó viết nhiều bút ký theo nhịp lao động chiến đấu của đất nước. Có lúc ông phụ trách phòng Văn nghệ thiếu nhi và sau này ông là Phó Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật cho tới khi nghỉ hưu. Ông gắn bó với nghề báo, chẳng ai nghe ông kêu ca, phàn nàn chuyện này chuyện kia. Ông thường ngồi ôn lại chuyện đời, chuyện nghề: Chúng mình sống dưới cái cây phát thanh thì gắng vun đắp cho cái gốc ấy.

Thấm thoát, người thanh niên xung phong năm xưa đã trở thành nhà thơ Lê Đình Cánh nổi bật trong làng thơ, trong thểthơ lục bát truyền thống. Thơ ông ngày càng nhuyễn chất đời, chất xã hội, sâu sắc hơn. Nói đến thể thơ lục bát hiện nay, ông là một trong những tác giả được nhớ nhất. Những tập thơ chính của ông như “Đất lành”, “Người đôn hậu”… vẫn chủ yếu là dòng thơ lục bát truyền thống đậm đà. Dù thơ Việt Nam hiện nay có nhiều phong cách, bút pháp thể hiện hay, nhưng ông vẫn chung thủy với cây bút lục bát tài hoa của mình, khiến nó có sức lay động lòng người. Ông viết về chiến tranh với thắng lợi và mất mát, viết về người mẹ, viết về những số phận bị khuất lấp, đau đớn, viết về cái vui cái buồn trong cuộc sống hiện nay. Thơ ông san sẻ, cảm thông, kết nối, đôi khi mang giọng điệu châm biếm hóm hỉnh, ý vị mang hiệu quả bất ngờ. Ông là tác giả được 3 lần đoạt giải thơ Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong tập thơ “Sông Cầu Chày”, ông trăn trở:

“Người xưa gửi lại điều chi

Người nay ký thác những gì cho sau”

Trọng bệnh đã cướp bớt thời gian của ông, nhà báo -nhà thơ Lê Đình Cánh. Ông không còn có thể trực tiếp tâm sự, giãi bày giữa thế gian những nỗi niềm. Nhưng thôi, dù đau xót, thương tiếc ông, chúng ta vẫn có thể thấy được con người đôn hậu, gắn bó với sự nghiệp báo chí, sự nghiệp thơ, gắn bó với đất nước, với Tiếng nói Việt Nam qua những tác phẩm ông để lại.



THƠ LÊ ĐÌNH CÁNH

Mẹ ra Hà Nội

Mẹ ra Hà Nội thăm con
Vừa trên tàu xuống chân còn run run
Áo nâu còn đẫm mưa phùn
Còn hoai vị cỏ sục bùn lúa non
Sang đường tay níu áo con
Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều.
Khoác vai mẹ, chiếc đãy nghèo
Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay
Ðưa con trốn ngục những ngày
Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao…
Ðã từng mở giữa trời sao
Nắm cơm tiếp vận tay trao giữa đèo
Củ khoai bẻ nửa nắng chiều
Bờ mương thoai thoải dài theo công trường
Ðưa con đánh Mỹ lên đường
Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà.
Bà ra bế cháu của bà
Những mong cùng ước lòng bà hôm mai
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào
Lời ru bà thuộc thuở nào
Qua bom đạn vẫn ngọt ngào nắng trưa
Ðể hồn cháu có núi Nưa
Tiếng cồng Bà Triệu ngày xưa vọng về
Lam Sơn rừng núi ba bề
Lũng Nhai vọng mãi lời thề nước non
Trải bao sông cạn đá mòn
Còn con còn cháu nên còn cha ông
Mới xa đã nhớ ruộng đồng
Thương con mà chẳng đành lòng ở lâu
Run run mẹ bước lên tàu
Vị bùn vẫn thoảng áo nâu quê nhà.

Cõi xưa

Con về không kịp mẹ ơi
Cơi trầu đã khép lại lời trối trăng
Mái đầu đã lạnh sương giăng
Hàng mi chớp ánh sao băng cuối trời
Cỏ xanh đã hát thành lời
Áo nâu về với cuộc đời đất nâu
Thôi đành để lại phía sau
Câu hò sông Mã nửa đau nửa buồn
Sông Chu chớp bể mưa nguồn
Trời quê bão giật mây cuồn cuộn mây…
Trăm năm cây lúa vẫn gầy
Giếng thơi muôn thuở vẫn đầy ca dao!