Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THÚY QUỲNH GIỮA HAI PHÍA PHÙ SINH

Lê Thiếu Nhơn
Thứ năm ngày 7 tháng 3 năm 2019 9:11 AM


Kết quả hình ảnh cho Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh
Thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh làm thơ từ thời thiếu nữ e ấp. Khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Việt Bắc, cô gái Nguyễn Thúy Quỳnh 19 tuổi đã tham gia sáng lập Hội Văn Nghệ tỉnh Bắc Thái. Sau một thời gian đi dạy học, chị về Hội Văn Nghệ Thái Nguyên và gắn bó đến hôm nay. Xét tiêu chí quan trường, thì chị cũng là một lãnh đạo thâm niên ở cương vị Tổng Biên tập Tuần báo Văn Nghệ Thái Nguyên. Thế nhưng, bạn đọc cả nước biết đến chị chủ yếu ở vai trò một nhà thơ nữ có bản sắc.
Xưa nay, trời xanh vẫn quen thói má hồng đánh ghen. Một người đàn bà có nhan sắc lại đam mê thi ca, thì dường như cũng khó tránh khỏi những trớ trêu của số phận. Trước tuổi 40, thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã phải hứng chịu một đòn chí mạng giáng xuống tổ ấm của chị. Nỗi mất mát bất ngờ ấy, khiến chị viết trong bài thơ “Nghĩ lúc 23h15” một câu xót xa “Em quờ tay không chạm anh”. Nỗi mất mát bất ngờ ấy, khiến chị phải gửi vào bài thơ “Có thể ở nơi ngọn khói hương bay lên” một niềm khấn nguyện âm thầm “Nếu có thể gửi những ngày dương gian của mình/ nối thêm kiếp sau của anh dài thêm/ xin anh nhận cho em một nửa/ còn nửa này/ em chăm cho các con dài rộng thêm chút nữa/ thế cũng là nhiều”. Những ngôn từ tủi hờn được viết theo nước mắt, hay là nước mắt đã rơi thành những ngôn từ tủi hờn? Câu trả lời cho băn khoăn kia, không quan trọng bằng khoảnh khắc “Sau tiếng sét đầu mùa” giúp chị rời khỏi những yếu đuối để đứng dậy tiếp tục cuộc sống vốn đầy bất trắc: “Trong bóng tối chết lặng/ dưới tay mình/ mẹ gặp những mạch máu của các con đang líu ríu chảy/ những nơ ron thần kinh nép vào nhau run rẩy/ những tế bào tươi non cuống cuồng/ khao khát được chở che/ Nếu không có tiếng sét kinh hoàng ấy/ mẹ còn mải nghĩ/ về những ngày dài nhạt thếch, âm u trước mặt/ còn mải vùi sự cô độc vào đêm/ như con đà điểu chạy trốn sự hiểm nguy/ bằng cách vùi đầu vào cát/ Xin lỗi các con”.

Người đã muốn bước ra ánh sáng, thì bóng tối cũng tan dần. Chuỗi ngày chống chếnh khổ đau, thơ đã dìu thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đi qua. Thật mừng, chị lại tìm được hơi thở nồng nàn như chị đã từng hân hoan “Em đón anh bằng tất cả sự dịu dàng có được”. Rồi chị lại làm “Thơ tặng chồng” trong bận bịu ngày thường: “Mỗi sớm mai trước gương/ Em nhìn thật lâu vào vết lõm trên trán mình/ Vết cằm anh đã tì vào đó suốt đêm/ Và tủm tỉm nhận ra một chân dung của hạnh phúc”. Từ trải nghiêm bản thân, thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh san sẻ chân thành: “Những biến cố có thể đến với người cầm bút từ nhiều phía: bệnh tật, tai nạn rủi ro, sự mất mát người thân, và có khi là sự vùi dập bởi một bộ phận thừa quyền lực nhưng thiếu trí tuệ nào đó. Với bản thân mình, tôi nghĩ: nếu không tránh được những nỗi đau riêng thì cứ đối diện mà chấp nhận thôi. Biến cố thường làm cho người ta cứng cỏi lên, trưởng thành hơn… Bất hạnh của tôi thuộc về riêng tôi thôi. Mà tôi cũng ít bận tâm về điều đó. Mỗi ngày thức giấc vẫn còn được nhìn thấy mặt trời, đấy luôn là may mắn hơn người rồi, tôi nghĩ vậy”.

Ôm lấy những bất hạnh để khóc than, cũng là một kỹ năng tồn tại của những trái tim chới với giữa được mất vô thường. Thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh nhờ có thơ, đã có cách gắng gượng khác. Chị tự lý giải bất hạnh qua những soi chiếu riêng, để thơ vỗ về và chia sớt. Đôi khi định mệnh đẩy chị vào một tâm trạng nặng trĩu “Lạc đà” lẫm lũi đi qua miền cát cháy: “Không chỉ sinh ra để mang những gì người ta chất lên/ còn mang cả chính mình/ những chiếc bướu như tiền kiếp úp xuống lưng/ thế mà những dấu chân không để lại hình hài trên sa mạc/ Không thể nói gì về sự còn mất/ với những đám xương rồng vô tâm/ Lớn hơn nỗi cô đơn/ là nhận ra không ai có thể mang gánh nặng hộ mình/ lỡ một mai kiệt sức…”. Đôi khi định mệnh khiến chị phải bám víu run rẩy “Đàn bà” để tháng ngày chơi vơi còn chút hy vọng: “Sao di động không nói với ta/ là người đã quay về/ nơi sóng hát những lời tiên cá/ rong rêu hồ Tây có giống rong rêu biển cả/ may còn nhặt đáy hồ chiếc bóng người bỏ lại làm tin/ Bóng có thương thì đắp cho ta qua đêm/ sớm mai ta đem bóng về non/ đắp qua năm qua tháng/ Chợt có bàn tay chìa ra đòi lại/ chị ấy ôm bóng vào lòng vừa đi vừa hôn/ Đành vậy, người ạ/ ta lại chậm chân rồi/ người có còn chiếc bóng nào không?”.

Một người phụ nữ làm thơ làm báo ở Việt Bắc như thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, danh vọng thì bọt bèo mà cô đơn thì dằng dặc. Công việc chữ nghĩa nhọc nhằn, lắm phen phải xem như một thứ vinh quanh đày đọa, chỉ mong có được chốn trú ngụ bớt giông gió dằn vặt: “Mười mét vuông/ hang ổ cuối cùng của tôi/ một máy tính, một giá sách, một giường, một tủ, một ti vi/ một tờ lịch, mỗi năm thay một lần/ Một tôi mỗi sớm mở mắt lại phân thân/ Nửa tiếp tục rúc đầu vào đệm chăn thơm tho/ bật máy tính lang thang trong cõi chữ/ dung dăng bầy ký tự bé xíu và thân thiện, nhảy múa, hát nghêu ngao/ Nửa rong ruổi những con đường sặc sụa khói bụi/ mê mải lặn ngụp cõi người/ sấp ngửa những tính toan/ lần hồi buồn vui mỗi ngày như hành khất lần tiền trong nón rách”. Ở nơi ngỡ tù đọng bốn mùa và ngổn ngang tứ phía, thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh lặng lẽ nhận diện “Cho dù sự thật có mùi gì” bằng không ít day dứt: “Biển chết/ lòng người bùng hỏa diệm sơn/ Ai đó loay hoay dập lửa bằng những nỗ lực bất thành/ Có lẽ đã không nhìn thấy/ Lửa cháy bằng nước mắt và máu ngư dân/ Bằng tầng tầng xác cá phơi trên vùng nước độc” và thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh cảm thông “Gửi một nàng Tô Thị” bây giờ chộn rộn toan tính đổi thay: “Giá những con sóng đừng gọi tôi đến đây/ để tình cờ gặp chị/ hiền lành và nhẫn nại nhường kia/ nàng Tô Thị của thời siêu thị/ Giá những cơn gió đừng mang đến tôi/ những lời rất mực đàn bà kia/ để tôi tin mình đàn bà hơn chị/ trong tay anh/ người đàn ông đầu tuần hôn con, cuối tuần hôn vợ/ giữa tuần hôn người tình/ Giá chị đừng hiền lành đừng nhẫn nại đừng cả tin thế kia/ để sóng với gió không cuốn đi niềm kiêu hãnh lừng lững trong tôi/ Tình yêu nào có lỗi gì/ anh bảo thế và tôi tin thế/ lúc ấy nồng nàn nào ai nghĩ/ có một nàng Tô Thị thứ bảy nào cũng bật nước nóng đợi chồng/ Chị ơi…/ xin chị cứ vọng phu, chỉ trái tim đừng mỏi mòn nhịp cũ/ trái tim hãy hát lên gọi anh về/ Tôi gửi chị lạy này/ rồi hoá đá mà đi”.

Thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh viết không nhiều. Bốn tập thơ mỏng ra đời ở những cột mốc khác nhau, tập thơ “Giá mà em từ chối” in năm 2002, tập thơ “Mưa mùa đông” in năm 2004, tập thơ “Những tích tắc quanh tôi” in năm 2011 và tập thơ “Hai phía phù sinh” in năm 2018 như những trang nhật ký cho hành trình nhiều bâng khuâng lắm nghẹn ngào của một người phụ nữ làm thơ. Chị bộc bạch: “Tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho việc viết lách. Nếu làm thơ mà có kế hoạch thì đã là nhà thơ chuyên nghiệp rồi. Nhưng chắc tôi vẫn sẽ đi theo lối mà tôi đã đi từ khi biết làm văn chương đến giờ, tức là chỉ viết những gì mình thực sự muốn viết, những gì tâm can mình thôi thúc viết…”. Vì vậy, thơ Nguyễn Thúy Quỳnh có không ít bài thơ hơi sa đà vào dông dài và rời rạc như “Chuyện kể về một ngôi nhà” hoặc “Chuyện trong quán nước”. Tuy nhiên, thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh có bài thơ “Dựng nhà” gây ấn tượng bởi yếu tố hiện thực xen lẫn yếu tố tâm linh trong một chỉnh thể hài hòa:
“Trông trời trông đất trông người trông ta
Dựng một cái nhà mở ra năm cửa
Cửa quay hướng núi
bốn mùa tốt tươi
theo đời trôi dài cùng mây khói
có lúc về bên núi ta ngồi.
Cửa trông ra biển
rười rượi gió lành
lỡ có ngày ta lấm láp
biển sẽ gột cho tới trong xanh.
Cửa mở sang láng giềng
ta mang hết thiện chân ra đổi
mong nhận về đôi kẻ tri âm
khi tối đèn tắt lửa.
Cửa vọng ông bà
nơi ta bước vào cúi đầu, bước ra dài rộng
gập ghềnh đường xa, quanh co lối hẹp
những chân nhang dõi theo
nhắc lối thơm về.
Cửa trổ lên trời
mai ngày
không nợ nần chi nữa
thuận đường mà rong chơi”.

Chạm ngưỡng tuổi tri thiên mệnh, hai lần đò đang vun đắp một đời thơ cho thi sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh. Đời và thơ, cũng là “hai phía phù sinh” của chị. Với đời, chị vỗ về và nâng niu: “Hạnh phúc với tôi đơn giản lắm, đó là biết đủ, biết trân trọng những niềm vui bé nhỏ mỗi ngày, từ công việc đến gia đình, từ việc đọc trọn vẹn một cuốn sách, xem trọn vẹn một bộ phim mình thích, đến ngắm nghía mầm cây vô tình nhìn thấy trên một bức tường…”. Với thơ, chị ưu tư và thảng thốt: “Đọc thơ ngày mất điện/ Chợt hoang mang/ chỉ thấy xác chữ ngổn ngang trong những ngôi nhà giấy/ Có phải vì ta mất điện không nhìn thấy thơ/ Hay vì thơ mất điện/ Thấy thơ lông bông trăng sao/ váy áo loè xoè nhởn nhơ hoa bướm/ vung tay nhổ bọt chửi thề trong quán bia/ cao giọng những tín điều sáo rỗng/ hổn hển chiếu chăn/ loay hoay chữ vần, ngả nghiêng ký tự/ chủ nghĩa nọ, trường phái kia cãi nhau hàng thế kỷ/ chẳng làm cho hạt thóc vì thế mà nảy thêm mầm…”./.