Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

RỪNG CÁT TIÊN CÓ "ĐOÀN TIÊN NỮ"

Trần Hữu Tòng
Thứ năm ngày 7 tháng 3 năm 2019 2:09 PM




Đó là Đoàn nữ vận tải anh hùng, ngót ngàn chị em đều là thanh nữ. Cứ của Đoàn đóng trong rừng Cát Tiên. Cái tên “Đoàn Tiên nữ” là do các chiến sĩ binh đoàn Sông Mao yêu quý đồng đội đặt cho chị em. Rồi các đơn vị cũng gọi vậy. Và, bọn giặc cũng học theo gọi chị em như thế.

…Đường về cứ “Đoàn Tiên nữ”, lúc chập choạng tối tổ phóng viên Báo Quân đội Nhân dân chúng tôi đến bờ song Đồng Nai. Ở đó một chiếc thuyền giao liên đang chờ. Tôi, Hà Đình Cẩn, Anh Ngọc lên thuyền. Nước sông bằng lặng. Gió Cực Nam phóng khoáng, mát mẻ, ánh sao rơi lấp loáng trên sóng. Chị giao liên khoác súng sau lưng, tay cầm chèo, cười vui nói: “Mấy anh về gặp “Tiên nữ” hả. Tiên nữ Thành, Thính, Thu, cả Tiên nữ Loan… đều ở cứ đó. Em cho thuyền chạy sát bờ, mấy anh sẵn sàng. Động, em ghé vào. Oánh. Đoạn này thường có thám báo”. Tôi ngồi ở mũi thuyền, tay cầm súng. Cẩn, Ngọc ngồi hai bên mạn. các anh cũng sẵn sàng súng trong tay. Trong những phút căng thẳng đó, lòng tôi vẫn nghĩ mien man: “Ừ, sông Đồng Nai là đây. Từ nhỏ tôi đã nghe câu hát ru của bà nội. Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng”. Lớn lên tôi hỏi bà nội Đồng Nai ở đâu? Bà tôi đáp xa lắm người đi phu Nam Kì mới biết”. Bà tôi đã về với tổ tiên và dòng sông Đồng Nai là đây. Bà ơi! Lời ru ấy của bà vẫn nằm lòng cháu. Đêm nay cháu đang xuôi trên dòng sông ấy. Sáng sớm, chúng tôi lên bến Tà Lài. Bờ sông ở đây bạt ngàn là tre. Những cây tre đều cao đến 30- 40 mét, có nhiều gai nhọn như chông. Tre từng khóm, từng lũy, ken dày kết thành rừng dài đến chục cây số. Ban ngày chim, cò, le le đậu kín ngọn. Đêm từng bầy vạc về săn bắt cá rồi lên bờ tre trú ngụ. Chen giữa các lũy tre đó, rất bất ngờ và kín đáo là… kho của Đoàn Tiên nữ. Chị giao liên nói với chúng tôi đây là Trạm tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực từ Miền về, từ Bắc vào, từ biển lên. Cả nước chi viện cho chiến trường Cực Nam Trung bộ đều qua đây. Chúng tôi tìm hiểu thì được biết them rằng đoạn sông này ta “nuôi cá”, ta “nuôi chim” để tạo sự bình yên. Cá mơn, cá phá sống từng đàn. Cá to đến 7- 8 kí một con. Cá bơi trên sông vảy cứ óng ánh bảy sắc cầu vồng trông đẹp lắm. Nhưng chị em không dám xuống sông tắm. Tôi hỏi vì sao? Chị giao liên cười: “Sợ nó đớp…”, chị nói lảng sang đớp ngón chân ngón tay. Cá hỗn lắm. Tìm hiểu thêm, chúng tôi mới biết rằng loài cá này có hàm răng nhọn và tạp ăn vào loại nhất. Chị em đã nhiều phen “bạt vía kinh hồn” với nó, gọi nó là lũ thuồng luồng. Vì có chị xuống tắm đã bị nó đớp… cụt núm ti. Có chị bị nó bâu vào đớp chỗ kín, phải đi nằm Trạm xá mà không xác định được thương tật loại gì. Chị giao liên nói rằng giống cá này thành “thuồng luồng” là do bọn giặc dạy cho nó. Xưa kia nó cũng hiền khô như các loài cá khác ở sông nhưng từ khi lũ giặc giết người quẳng xuống sông, nó ăn xác rồi quen dần đi. Chúng tôi lên bến. Chị giao liên chỉ vào hướng lõi rừng Cát Tiên: “Đó, cứ đại đội hai của Tiên nữ Thành trong đó”. Đại đội hai là đơn vị chủ công của “Đoàn Tiên nữ” H50. Chị Nguyễn Thị Thành là chính trị viên, bí thư chi bộ Đảng. Với gương mặt tươi tắn, nụ cười hiền dịu, tiếng nói nhẹ ngọt và những cử chỉ thân tình của chị bí thư đã cuốn hút tình cảm chúng tôi ngay từ khi mới gặp. Cẩn, Ngọc và tôi đều nói rằng đã 10 năm ở trong rừng Cát Tiên, trải bao gian khó mà sắc xuân của người con gái Phan Thiết này vẫn không vơi hao. Trong buổi làm việc, chị bí thư kể rằng gần 200 chị em trong đại đội đều là gái Bình Thuận, Bình Tuy, Đà Lạt,… vào rừng theo cách mạng từ năm 18- 19 tuổi nay đã ngót 30 mà vẫn còn là… con gái. Chị em tải vũ khí đến các mặt trận của chiến trường khu Cực Nam. Phương tiện vận chuyện là lưng cõng, vai vác, đẩy xe thồ… Vũ khí loại nặng như nòng ĐK, súng cối… thì hai, ba người khiêng len lỏi qua núi qua đèo, vượt khe vượt thác, vượt qua vòng vây, ổ phục kích của giặc. Suốt năm tháng chị em ăn mì (sắn), ăn bắp, ăn lá bép, củ nần, thỉnh thoảng mới có bữa cơm. Hàng năm các đại đội trong Đoàn và đại đội hai của chị có cả gần chục chị em nằm lại với đất rừng. Chị Thành kể có đến mười một cách cướp mất đồng đội than yêu của chị: giặc phục kích bắt, máy bay quạt rạt cây rừng bắn chết, bệnh sốt rét ác tính, cây đè, đá đổ, lũ cuốn trôi, rắn độc cắn, cọp vồ, ăn rau rừng ngộ độc, đụng thuốc độc giặc trộn vào bột ngọt, mì tôm… Đi đến ngả rừng nào chị em cũng gặp đồng đội nằm. Đau lắm các anh ơi! Chị nói cách đây không xa, phía bìa rừng le Hàm Thuận có 10 nấm mồ chị em ăn phải thuốc độc thế đấy. Hàng năm sim, mua nở đầy hoa tím quanh các nấm mồ mà chẳng ai trồng. Cứ giữa rừng Cát Tiên của các chị là một khu lán dưới bong cây le. Mái lán lợp lá trung quân. “Tài sản riêng” của các Tiên nữ chỉ có hai cọc tre treo võng, một cọc treo súng, treo bòng, một cọc có móc treo chiếc đèn ló thụt (bông tẩm dầu đựng trong cái lọ thủy tinh, nắp dùi một lỗ nhỏ để ngọn lửa cháy sáng. Nhiều chị nay không thể nằm giường được nữa. Xương sống các chị cong đi rồi vì đã 10 năm quen nằm võng. Giọng chị chính trị viên trầm xuống, chị rơm rớm nước mắt: “Thương lắm các anh ơi”. Nhiều chị em giờ cứ như con trai, quên hẳn việc… đến tháng. Các anh nhìn đó, da chị em cứ tái đi, hai mắt trắng ra, môi thì thâm lại. Hai chân nhiều chị đi cứ bành ra, lưng còng xuống như lúc nào cũng đang vác đạn lên dốc. Thế mà lúc lên cơn sốt em bắt phải nghỉ một chuyến cho lại sức nhưng không ai chịu nằm ở lán. Ai cúng nói rằng: “Mình không tải thì người khác phải tải thay. Đi rồi bệnh cũng khỏi hết…”. Chị Lê Thị Hồng Thính đã 27 lần đạt Danh hiệu dũng sĩ quyết thắng. Chị tải lên dốc được 70kg đạn, đẩy xe thồ nặng đến 160kg… Cả chục năm nay, không một chuyến tải nào chị Thính vắng mặt. Nhìn tôi, nhìn anh Cẩn, anh Ngọc ghi chép từng lời kể, chị Thành nói: “Các anh viết báo để động viên chị em thì quá hay nhưng làm sao đừng để bà con ngoài Bắc mất lòng tin là người trong này ốm thế thì đánh thắng Mĩ thế nào được”. Chị cười. Có một điều lạ mà lại rất vui là các chị ở “Đoàn Tiên nữ” H50 chị nào cũng nói một tiếng Nam kèm thêm một tiếng Bắc, ví như: đậu phộng- lạc; bánh tét- chưng; bánh đa- tráng; con heo- lợn; củ mì- sắn; hạt mè- vừng; cái vá- muôi; đôi vớ- tất… Chúng tôi hỏi vì sao lại nói như thế. Các chị đều trả lời: “Vì chúng em toàn tải hàng, vũ khí từ ngoài ấy chi viện vào nên nói như vậy để luôn nhớ đến bà con ngoài ấy”. Cứ sau các chuyến tải hàng, những đêm trăng sáng, “Đoàn Tên nữ” lại mở hội hát, múa với nhau giữa rừng le Cát Tiên. Mỏ đầu các đêm vui ấy, chị Hoàng Thị Loan- người bên hồ Xuân Hương- Đà Lạt, đã đạt 70 lần Danh hiệu dũng sĩ tải hàng. Chị tải hơn 70kg lên dốc, là cây văn nghệ của Đoàn hát Bài ca tải đạn: “Từng phút từng giây chiến trường mong đợi. Chị em mình tải đạn nhanh lên… Chị em mình ơi đạn nặng hai vai, nặng sao hơn thù quân giặc. Chung sức diệt thù giải phóng quê hương…”. Sau những buổi tiếp xúc đẩy cảm động và khâm phục các Tiên nữ, anh Ngọc trăn trở, thao thức. Nhiều đêm nằm trên võng, anh soi đèn pin viết được những câu thơ hay: “Hơn mội sự anh hung. Là điều này chỉ có. Làm vợ và làm mẹ. Tuổi ba mưoi chối từ…”.

*

… Thế là ba lần tổ phóng viên Báo Quân đội Nhân dân chúng tôi theo Đoàn H50 vượt lộ 20 chuyển vũ khí xuống mặt trận, không thành. Giặc phong tỏa kín các chặng đường. Từ Đà Lạt về Sài Gòn, lộ 20 dài ngót 300km. Đoạn các chị vượt lộ ở ki lô mét 142 tính từ Đà Lạt về. Hai cứ điểm 42 (Long Khánh) và chi khu Đặc Oai (Lâm Đồng) cách nhau 8km. Ở giữa là nơi giáp ranh. Đại đội “Tiên nữ” chủ công của chị Thành xoi đường vào khe hở đó. Nhưng tuần trăng này chưa ai biết vì sao địch rải lính từng tốp chặn đường, xe quân sự chạy như mắc cửi. Lâu nay đoạn lộ này “ngày nó, đêm mình”. Ngày hôm kia, ba giờ chiều các “Tiên nữ” đã đóng hàng: súng, đạn B40, đạn súng cối, nòng ĐK, các thùng đạn bộ binh… lên xe thồ, buộc vào gùi, vào bòng… và nhận thêm cơ số đạn cho vũ khí cá nhân. Từng nhóm đã mang hàng ra ém trong rừng le, chờ tối. Nhưng đã gặp giặc chốt lộ, không vượt được. Đêm thứ hai, tình hình càng căng hơn. Giặc đưa cả xe bọc thép ra chặn lộ 20. Đêm thứ ba, giặc ở cứ điểm 42 báo động chiến đấu, đồn Đặc Oai xua lính ra lùng sục hai bên lộ. Chúng tung tin: “Phải bắt cho được đám “Tiên nữ” Cát Tiên. Đoàn vận tải lại giấu hàng, trở về cứ. Chị Thành thông báo vối chúng tôi trinh sát cho biết đêm hôm kia mấy đại đội chuyển hàng để lại vết dép dính bùn vì tấm ni long lót mặt lộ không kín, rồi cả ngọn cỏ hai bên mấy bả vuốt không kĩ, giặc đã gài mìn phục kích nên mới xảy ra tình hình này.

Chiều ngày thứ tư, Tham mưu quân khu Cực Nam điện xuống, hạ lệnh: “Xua địch mà đi. Kiên quyết vượt lộ. Phải tăng chuyến, tăng hàng. Mặt trận đang chờ vũ khí…”. Hai đơn vị bộ binh của đoàn Sông Mao được cấp tốc điều đến. Một đơn vị nã súng cối đánh vỗ mặt, áp đảo đẩy bọn giặc ra xa. Một đơn vị vây ép đồn Đặc Oai hãm bọn giặc trong hàng rào để mở hành lang an toàn cho đoàn “Tiên nữ” chuyển vũ khí xuống mặt trận. Sẩm tối, súng cối, B40 phát hỏa, lửa cháy sáng góc rừng Cát Tiên. Súng AK của ta, súng cực nhanh của giặc nổ giòn giã. Rồi pháo của giặc từ căn cứ Định Quán, Phương Lâm câu về, nổ dậy đất. Tôi, Hà Đình Cẩn, Anh Ngọc bám sát nhau nằm ép mình xuống rãnh đất núi mưa xói lở thành đường hào. Chị Thành vác hòm đạn dẫn đầu đoàn xe thồ đứng nhổm dậy, khoát tay: “Ngừng pháo các anh vượt liên ngay”. Chị Thính, chị Loan… cúi khom người mang gùi đạn nặng chạy lên. Tôi, Cẩn, Ngọc chạy lên theo. Cẩn xông tới hỗ trợ chị Thu đẩy xe thồ. Ngọc và tôi ghé vai vào cùng các chị khiêng nòng ĐK. Chúng tôi chạy nhanh trên tấm ni lông trải ngang qua lộ.

Vào sâu trong rừng le, các chị vừa đặt hòm đạn, dựng xe thồ, để các nòng súng xuống thảm rừng thì đã có “Đoàn Tiên nữ” như từ trong mây núi Cát Tiên hiện ra đón nhận. Họ chỉ kịp chào nhau, gọi tên nhau, ôm nhau mừng rỡ rồi lại hối hả tiếp nhận hàng chuyển đi.

Đêm ấy, trăng đã lên cao, sáng vằng vặc. Rừng Cát Tiên đã lặng im tiếng súng chỉ còn mùi khét lan tỏa trong gió. Chúng tôi nhìn rõ đầu tóc, áo quần các chị ướt như từ dưới suối vừa lên và lấm lem bùn đỏ. Nhưng khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi cười. Sao mà quý, mà yêu đến thế! Tôi, Cẩn, Ngọc cầm chặt tay chị Thành, chị Thính, chị Loan,… cầm chặt tay các “Tiên nữ” tạm biệt để đi về phía mặt trận. Bỗng chị chính trị viên ôm chặt lấy vai cả ba chúng tôi: “Các anh đi đừng quên chúng em. Chúng em “dề” chuyển tiếp chuyến hàng mới. Hẹn ngày chiến thắng gặp nhau…”.

Trần Hữu Tòng