Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀ TỔ NGHỀ GỐM SỨ CHU ĐẬU LÀ MỘT NHÂN VẬT NGỤY TẠO (1)

Đặng Văn Sinh
Thứ ba ngày 12 tháng 3 năm 2019 8:56 AM



TNc: Từ hôm nay trang nhà sẽ đưa liên tục 6 bài của nhà văn Đặng Văn Sinh từ Hải Dương vừa gửi đến trang nhà . Ý kiến phản biện là cần thiết . Rất monh các bạn cùng trao đổi.

LỜI DẪN:

Vào hồi 20 giờ ngày 05 tháng 02 năm  2019 tức tối mồng 1 tết Kỷ Hợi, VTV4 (và mồng 2 tết là VTV1) của Đài Truyền hình Việt Nam phát chương trình “Gala ngày trở về giương buồm đón gió”, ngay ở phần đầu là nhân vật Bùi Thị Hý được vinh danh là “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu”. Xen lẫn với lời đọc của phát thanh viên là hình ảnh minh họa. Qua sự dàn dựng khá sống sượng của đạo diễn bất chấp sự thật lịch sử, khán giả màn ảnh nhỏ được chứng kiến một một người phụ nữ Xứ Đông nửa đầu thế kỷ XV, chẳng những xinh đẹp như tiên mà còn có tài kinh doanh nghề gốm sứ. Bà là cháu nội danh tướng khai quốc công thần thời Lê Bùi Quốc Hưng, văn võ song toàn, từng giả trai đi thi Hội đỗ Tam trường, từng làm chủ lò gốm Chu Trang rồi còn tự lái thương thuyền vượt đại dương mang sản phẩm bán khắp thế giới. Bà Hý lấy hai đời chồng người họ Đặng nhưng không có con, về già hay làm từ thiện, đặc biệt là công đức nhiều tiền bạc xây chùa Viên Quang v.v…

Ngày nay Bùi Thị Hý được coi như là “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu”, nữ doanh nhân kiệt xuất, đồng thời cũng là nhà hàng hải vĩ đại, trở thành biểu tượng sáng ngời của giới phụ nữ Việt Nam.

Cùng với lời bình có cánh là ngôn ngữ hình thể rất “sến” của người dẫn chương trình nói giọng Sài Gòn. Chốc chốc anh chàng này còn dang hai tay, ưỡn ngực về phía trước nhằm minh họa cho cánh buồm căng phồng gió đại dương dẫn dụ người xem nhập hồn vào lịch sử. Còn ông Tăng Bá Hoành, tác giả của nhân vật “Bùi Thị Hý” thỉnh thoảng lại xuất hiện trước khuôn hình “chém gói” dăm ba câu như kiểu kể giai thoại chỉ có giá trị định tính và không có giá trị định lượng.

Trong khi ấy, những vị khách được mời như Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến,  người luôn coi “Bùi Thị Hý, bà tổ nghề gốm Chu Đậu” là nhân vật ngụy tạo, thì chỉ xuất hiện một vài giây, còn ý kiến phản biện của ông hoàn toàn bị cắt. Rõ ràng VTV4 hoàn toàn có ý đồ không lương thiện. Họ chỉ cần một chuyên gia gốm sứ xuất hiện diện để tạo sự thuyết phục, nếu để ông nói trên tinh thần học thuật thì sự việc bại lộ, kịch bản đổ bể.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin lần lượt đăng 6 bài viết về “Bà tổ nghề gốm Chu Đậu là một nhân vật ngụy tạo” như một công trình  phản biện, nhằm cung cấp cho bạn đọc những quan điểm của chúng tôi về nhân vật Bùi Thị Hý, đồng thời chỉ rõ sự thiếu minh bạch, cố tình đánh tráo khái niệm, nói lấy được, phủ định hoàn toàn sự thật lịch sử cũng như tính khoa học của VTV ở phần đầu chương trình “Gala ngày trở về giương buồm đón gió”…  


Bài 1 - Không đọc vỡ chữ Hán làm sai lệch văn bản


Chiếc bình gốm Chu Đậu đang được bảo quản tại bảo tàng Topkapi Saray thành phố Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ được bảo hiểm 1 triệu USD


Gần đây Đoàn Chèo tỉnh Hải Dương công diễn diễn vở chèo "Kỳ nữ xứ Đông" trên sân khấu ngoài trời mà kịch bản lấy cảm hứng từ nhân vật phụ nữ "nổi tiếng" Bùi Thị Hý, được suy tôn là bà tổ của nghề gốm Chu Trang đã thất truyền từ hơn bốn trăm năm. Chu Trang ngày nay chính là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách , tỉnh Hải Dương, từ lâu vốn chỉ được biết đến với nghề trồng cói dệt chiếu.

Nghề gốm Chu Đậu giờ có vẻ như đang dần phục hồi và, tất cả câu chuyện ly kỳ xung quanh "nhân vật huyền thoại" Bùi Thị Hý được thiên hạ vinh danh như một tài nữ thế kỷ XV lại bắt đầu bằng chiếc bình gốm hoa lam trưng bày ở bảo tàng Topkapi Saray, thành phố Istanbul nước Thổ Nhĩ Kỳ mãi vùng Trung Á. Chiếc bình gốm Chu Đậu (dân gian gọi là bình củ hành hay củ tỏi) này do một viên chức sứ quán Nhật tên là Makoto Anabuki phát hiện ra trong chuyến công du Tây Nam Á. Ông ta đọc được những dòng chữ Hán trên lạc khoản, đã có nhã ý gửi thư cho người đứng đầu tỉnh Hải Hưng lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông. Và, câu chuyện ly kỳ đã xẩy ra...


1 - Bắt đầu từ những dòng chữ Hán trên chiếc bình gốm hoa lam

Trên chiếc bình gốm hoa lam (tức bình củ hành, củ tỏi) hiện đang được lưu giữ trong bảo tàng Topkapi Saray mà nhà ngoại giao Nhật Bản phát hiện ra từ những năm tám mươi của thế kỷ XX có ghi dòng chữ Hán:

大和八年南策州匠人裴氏戲筆Phiên âm Hán Việt: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi thị, hý bút". Chữ 大 (đại) trong dòng chữ Hán ở trên là chữ thông giả (通假字) của chữ 太 (thái) nên đọc là "thái", không phải là "đại" (chữ thông giả 漢字的通用和假借 nghĩa là các ký tự Trung Quốc phổ biến và giả mạo).

Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi.Chữ Hán cổ trong các thư tịch bao gồm cả văn bia, minh văn, gia phả, chúc văn... không có dấu ngắt câu và không thể viết hoa các danh từ riêng và có cấu trúc ngữ pháp khá rắc rối. Người ít học hoặc học theo lối "cưỡi ngựa xem hoa" không nắm vững quy tắc diễn đạt câu văn, không am hiểu điển cố, rất dễ rơi vào tình trạng đọc không vỡ chữ, dịch sai văn bản dẫn đến hậu quả khôn lường.

Một vấn đề tưởng cũng cần phải nhắc lại nữa là, xã hội phong kiến Việt Nam từ cả ngàn năm qua, luôn lấy mô hình Trung Quốc làm khuôn mẫu; mà học thuyết Khổng Tử thì trọng nam khinh nữ. Thân phận người phụ nữ ngay cả cái tên thời con gái cũng ít khi được cộng đồng biết, nói gì đến chuyện học chữ "thánh hiền" rồi tự tay cầm bút ghi cả họ tên vào bình gốm "xuất khẩu".

Trường hợp câu văn ở dòng lạc khoản trên chiếc bình cổ gốm hoa lam chỉ có một cách dịch duy nhất và chính xác nhất là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450 dương lịch), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách viết chơi", hay theo kiến giải của học giả An Chi là "nghịch bút". Còn giả thuyết về cách đọc thứ hai do ông Tăng Bá Hoành "sáng tạo": "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, TƯỢNG NHÂN BÙI THỊ HÝ, BÚT" (Năm Thái Hòa thứ tám người thợ BÙI THỊ HÝ ở châu Nam Sách viết", thì có hai khả năng xảy ra, hoặc là vì dốt nát không đọc nổi văn bản cổ, hoặc đây là một ý đồ có tính toán trong kế hoạch ngụy tạo bằng chứng giả để trục lợi sau này. Bởi lẽ, phải cho ra đời nhân vật huyền thoại Bùi Thị Hý thì mới có bằng chứng để gắn với những sản phẩm gốm vớt được từ con tàu đắm ngoài khơi vùng biển Cù Lao Chàm. Đồng thời đây cũng là điều kiện cần thiết cho cuộc hội thảo khoa học hoành tráng về tượng nhân BÙI THỊ HÝ tại xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc năm 2009 nhằm quảng bá cho vùng gốm Chu Đậu, Hải Dương.

Tuy vậy, sau hội thảo, không phải nhà khoa học nào cũng bị lừa một cách ngọt ngào bằng văn hóa phong bì và nghệ thuật tiếp đãi cực kỳ nồng hậu của chủ nhà hiếu khách. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, cựu Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhận xét "Những tư liệu mang tính hư cấu chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là 'họ Bùi vẽ chơi'. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được".

Từ "hý bút" (戲筆) nghĩa đen là "viết chơi", "viết đùa", nghĩa bóng là "viết một cách ngẫu hứng". Đây cũng là phong cách phổ biến của những nghệ nhân dân gian mà ta thường bắt gặp trên sản phẩm gốm sứ ở mọi thời đại. Tại cuộc triển lãm nghệ thuật gốm sứ Trung Quốc (Trung Hoa dân quốc) năm 1936 ở London Anh Quốc, cũng có một chiếc bình gốm được làm ở châu Nam Sách với dòng lạc khoản chữ Hán, trong đó cũng có hai chữ "hý bút". Nguyên văn như sau: 大和八年匠人南策州裝氏戲筆Phiên âm Hán Việt: "Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút". Dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ tám, người thợ họ Trang ở châu Nam Sách viết chơi.

Như vậy là đã rõ. Không hề có một nữ tượng nhân Bùi Thị Hý nào đó như ông Tăng Bá Hoành đã cố tình gán ghép mà đó chỉ là những người thợ (nam nhân) thỉnh thoảng viết họ của mình vào bình gốm nhân lúc ngẫu hứng mà thôi. Về sự kiện này, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia nhận xét như một kết luận có tính khoa học "Bùi Thị Hý là một người phụ nữ được ông Tăng Bá Hoành, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu. Đây là một nhân vật không có thật, bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của một dòng chữ Hán trên một chiếc bình gốm Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hoành đã chứng minh cho sự tồn tại của bà Bùi Thị Hý bằng các tư liệu ngụy tạo".


Bến Tắm, Chí Linh


Đ.V.S.