Xuân Cang (trong ảnh) sinh ngày Nô-en năm Nhâm Thân 1932 tại làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Ngay từ năm 16 tuổi, cậu bé Xuân Cang đã làm liên lạc ở chiến khu Việt Bắc thời "Trường kỳ kháng chiến". Rồi ông làm thợ tiện quân giới, thợ lò cao luyện gang quốc phòng cùng anh hùng Ngô Gia Khảm. Những năm cuối kháng chiến chống thực dân Pháp, ông nhập ngũ, trở thành trinh sát pháo binh. Sau hòa bình, khi Thái Nguyên được chọn làm "thủ đô gang thép", ông đã là cán bộ công đoàn ở đó. Chính năm tháng ấy, ông đã viết "Suối gang". Ông trở thành một trong những nhà văn công nhân đầu tiên ghi dấu ấn vinh quang bằng những giải thưởng viết về đề tài công nhân lần 1 (1969 - 1971) với tập truyện ngắn Những vẻ đẹp khác nhau, lần 2 (1971 - 1974) với tiểu thuyết Trước lửa. Vừa nắm giữ nhiều giải thưởng văn học, Xuân Cang vừa nắm giữ nhiều cương vị lãnh đạo công đoàn, văn học và báo chí.
Ðọc và yêu mến Xuân Cang từ thuở ấu thơ, mãi đầu năm 1981, tôi mới được gặp Xuân Cang tại cuộc họp mặt của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ngồi bên ông, tôi không ngờ lớp đàn anh như ông lại quan tâm đọc lớp trẻ đến thế. Ông nói ông thích Trăng Ba Vì, bài thơ tôi in trên Văn nghệ quân đội năm 1979. Thế là anh em thành thân thiết.
Thời kỳ làm báo Lao Ðộng mà ông là Tổng Biên tập cũng có nhiều điều đáng ghi nhớ. Ðấy là lúc ông vừa tâm đắc biến Lao Ðộng thành tờ báo tầm cỡ trong cả nước, vừa viết tiểu thuyết Những ngày thường đã cháy lên làm rung động văn đàn cả nước những ngày đầu đổi mới. Khi ấy, tôi là cộng tác viên của báo. Rất nhớ đầu năm 1988, anh em gặp nhau ở TP Hồ Chí Minh, ông hỏi tôi có thơ cho báo Tết không? Lúc đó, chúng tôi cùng ngồi ở gần cơ quan thường trú báo Lao Ðộng. Nhìn thấy một người giơ cao cành đào đi qua, tôi nói với Xuân Cang rằng sẽ có ngay bài thơ Tết. Lát sau, khi tôi đọc bài thơ Cành đào, ông gật gù và chép lại. Bài thơ được in báo Tết 1988. Ðến khi ông sang làm Giám đốc Nhà xuất bản Lao Ðộng thì cũng chính ông cùng Ban biên tập là "bà đỡ" cho cuốn Văn Cao - người đi dọc biển của tôi.
Xuân Cang có một đời thường thật dung dị. Nhìn dáng vẻ mộc mạc của ông, khó ai có thể nhận ra ông là một nghệ sĩ đích thực. Vậy mà cứ thế, vừa làm công việc lãnh đạo, ông vừa cho ra nhiều tác phẩm như Con bé mùa thu vàng (1990), Huyền thoại một thời ly tán (1990), Dấn thân (1990), Nụ hoa cau (1997), Gió thiêng (2004). Sang thế kỷ mới, ông lại say mê nghiên cứu Kinh Dịch. Bộ sách Khám phá một tia sáng văn hóa Phương Ðông do ông biên khảo chính là đóng góp quan trọng. Ông đã dựa vào Kinh Dịch để viết chân dung nhiều văn nghệ sĩ. Ðể làm được công việc ấy, ông đã phải đọc rất kỹ tác phẩm của người mà ông định viết. Ðọc và chắt ra những cốt lõi, những éo le gửi gắm trong tác phẩm để bình luận về cuộc đời tác giả. Viết xong, ông in thành sách rồi đem tặng. Nếu không say mê và sống không phóng khoáng, làm sao ông có thể có những nghĩa cử đẹp đẽ như thế với mọi người. Những năm cuối đời, ông bền bỉ giữ mục bình luận về Kinh Dịch trên tờ Lao động cuối tuần. Phẩm chất lao động nghiêm cẩn và phẩm chất sống chan hòa của ông chính là một tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Viết văn từ năm 1949, để lại nhiều tác phẩm ấn tượng về một thời đại đầy biến động, rồi lại đi sâu vào giải mã con người không bằng văn chương mà bằng Kinh Dịch, dòng sáng tạo của Xuân Cang luôn nóng bỏng sự sống như dòng suối gang ông từng tạo ra nơi lò cao và trong tiểu thuyết Suối gang - tác phẩm lớn đầu tiên trong đời ông. Trái tim Xuân Cang đã ngừng đập, nhưng dòng "Suối gang" sáng tạo vẫn chảy, để lại bao tiếc thương không thể thốt nên lời. Xin thổn thức vĩnh biệt ông.