LÊ THÀNH NGHỊ
Biết gửi cho ai? xuất bản cuối năm 2018, là tập thơ thứ 25 (trong số 47 tác phẩm gồm nhiều thể loại đã ra mắt bạn đọc) của Trần Nhuận Minh. Hơn mười năm qua, Trần Nhuận Minh vẫn như một con ong thợ cần mẫn, cắm cúi suốt ngày, ngẩng lên đã chạm cái mốc tuổi 75, mới chợt nhận ra “Sức người có hạn/ Trời cao khôn cùng”. Cho hay, thơ vẫn là một thách đố “khôn cùng” với bất kỳ ai.
Với thơ, rộng ra là với cuộc đời, từ lâu, hình như vào thời điểm sau Đổi mới đâu dăm ba năm với tập Nhà thơ và hoa cỏ (1993), Trần Nhuận Minh vốn là một cây bút đầy ắp trăn trở, vốn là một dòng suối chưa bao giờ đứng yên, một mặt hồ chưa bao giờ lặng sóng. Là một cây bút của thế hệ “nhà thơ chống Mỹ”, Trần Nhuận Minh quả quyết thay đổi lối nghĩ, lối viết, để rồi “tôi là người làm thơ ở vùng mỏ” (Ghi lại một kỷ niệm) một mình độc chiếm một góc, cứ thế lục đào mãi và như đã tìm được vỉa quặng quý giá của riêng mình. Thơ Trần Nhuận Minh từ đó sâu nặng lẽ đời, như chưng cất từ cuộc đời những suy nghĩ lấm lem bụi đất, như ẩn chứa trong hồn chữ những vui buồn của một thi sỹ muốn bày tỏ những chiêm nghiệm của riêng mình. Một sự lựa chọn quả quyết thì đúng rồi, và có lẽ hợp với ngòi bút của ông.
Những điều vừa nói trên đây bạn đọc có thể tìm được trong tập thơ mới Biết gửi cho ai? gồm 50 bài được viết hơn mười năm gần đây. Với ai không biết, với Trần Nhuận Minh sống không hề là dễ dàng. Tập thơ mang tựa đề là một câu hỏi: Biết gửi cho ai?, và ngổn ngang trong tập là những câu thơ mang sắc thái câu hỏi: Mình già rồi, biết nghĩ thế nào đây? (Tâm sự với người bạn năm bước vào tuổi 70), Chao ôi…những vẻ đẹp/ Vỡ dễ dàng vậy sao? (Vẻ đẹp), Hình như trời muốn rửa sạch/ Máu oan chảy suốt Sáu trăm năm? (Nguyễn Trãi), Em có còn em thời thơ ngây? (Hoa xoan đã rụng), Sống lương thiện bây giờ sao khó thế?, Sao con người vẫn cứ bơ vơ (Giật mình), Ngày tôi sống sao mà lạ vậy? (Ngày tôi sống sao mà lạ vậy?), Lòng mình sao cũng không yên ? (Đêm thu), Người dưng ở đâu, người dưng ơi có nhớ? (Hình như ngày ấy), Trong chùa, Bụt ngẫm nghĩ/ Biết đâu miền chân tông? (Chùa vắng), Làm sao biết được kiếp sau, em sẽ là gì/ Là giọt mưa mong manh bay ngang trời kia chăng/ Là con chim nhỏ hót ríu ran trên cành cây kia chăng/ Là bông hoa dại nở vu vơ cuối góc vườn kia chăng…/ Làm sao biết được kiếp sau anh sẽ là gì/ Là tảng đá tím đứng lẻ loi bên đường kia chăng/ Là dòng sông đục, chảy không nguôi sau cơn mưa kia chăng/ Là dáng núi xa giấu vẻ mặt buồn trong khăn mây kia chăng…Làm sao biết được ta còn kiếp sau/ Làm sao biết được ta còn thấy nhau/ Làm sao biết được nỗi buồn qua mau/ Làm sao biết được tim mình không đau (Làm sao biết được)…Điệp trùng những câu hỏi cho thấy cuộc sống không hề dễ dàng, cho thấy tâm hồn nhà thơ không hề yên tĩnh. Bất luận ở thời buổi nào, chừng nào cái ác, cái phi lí còn ngang nhiên tồn tại, chừng nào cái đẹp, cái thiện còn bị lấn át, chà đạp…thì vẫn còn sự trăn trở, cật vấn không thôi trong tâm khảm nhà thơ. Với Trần Nhuận Minh, những điều này có khi là những câu hỏi không lời đáp của những khoảnh khắc buồn rất thi sỹ: Biết gửi nỗi buồn cho ai khi chiều thu tắt rồi? (Biết gửi cho ai?), có khi là cảm giác bị thừa ra trên cõi đời mênh mông của những gì vừa hiện hữu rồi mất hút, để lại nỗi cô đơn muôn thuở với những gì sắp đi qua:
Ta là vị khách không mời của tiếng sếu kêu khuya
Tiếng sếu đã mất hút trong thinh không
Còn ta chỉ ngồi đây một mình với vầng trăng tà
(Ngẫu nhiên mà thành)
Chỉ ngồi đây một mình với vầng trăng tà, làm tôi nhớ cái đêm mưa trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Ta ngồi như cội trúc/ Gội mưa thu bốn bề (Mưa thu-Nguyễn Khoa Điềm). Đây chỉ có thể là giọng thơ của người cao tuổi, đã xa ồn ào, đã ưa tĩnh lặng, đã thích một mình, đã hạ chiều cao để hướng vào bề sâu, đã thu hẹp không gian vũ trụ lại, hướng đến cái sâu thẳm của không gian tôi…để ngẫm ngợi cái trong tôi và ngoài tôi. Xưa kia Mạnh Tử từng viết: “Vạn vật giai bị ư ngã” (Vạn vật đầy đủ trong ta). Nhận ra được như thế, nghĩa là đã đến lúc “ngộ”. Ấy vậy mà vẫn là những câu hỏi trần thế:
Mình già rồi biết nghĩ thế nào đây
Sống lương thiện bây giờ sao khó thế
(Tâm sự với người bạn…)
Chưa bao giờ số phận con người
Lại day dứt lòng ta đến thế
(Chưa bao giờ)
Chân lí thời nay và đạo lí cha ông
Tất cả đều đo bằng giá trị đồng tiền
(Ngày tôi sống sao mà lạ vậy)
Thế giới cần sạch hơn, con người cần trong hơn
Chỉ yêu nhau thôi sao mà khó thế
(Chiều sông Rhein)
Bộn bề những cật vấn không dễ tìm ra lời đáp. Ai nói làm thơ là để ngâm ngợi, e chỉ đúng một phần. Ai nói người làm thơ là người mơ mộng, lối nghĩ như vậy e đã không còn phù hợp. Làm thơ còn là sự lên tiếng khi cái đẹp bị xúc phạm: Trên môi tôi vị nước mắt mặn chát/ Chao ôi, cõi nhân sinh khắc khoải những đau buồn (Istanbul mưa). Cũng chẳng phải đến thời Trần Nhuận Minh thơ mới đẫm nước mắt sự đời như vậy. Đỗ Phủ bên kia rồi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi ở Việt Nam cũng đã từng đem đến trong thơ những nhân tình thế thái xót xa. Thế sự thời nào, cõi nhân gian bé tí hay rộng lớn (?) nào, thì bấy nhiêu, nếu gắn với số phận con người, cơ hồ cũng chỉ thu lại trong đôi ba chữ, không ngoài chữ đau buồn, và không ngớt tiếng kêu khắc khoải trong tâm can thi nhân. Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên (Nguyễn Du) là tâm thế của một lớp người, những người sống không dễ dàng giữa cõi trần thế với những “điều trông thấy” nơi cõi tạm. Ta hiểu vì sao Trần Nhuận Minh quả quyết thay đổi lối nghĩ, lối viết từ khá sớm trong thơ. Với ông, hình như đấy mới là những câu chữ thiết thực, để kéo thơ về cõi thực, với tâm nguyện của một tín đồ trước loại hình nghệ thuật thơ, mà ông gần như suốt đời dốc sức phụng sự. Và chính điều này đã làm nên một Trần Nhuận Minh khác hẳn với trước đó, trước tập Nhà thơ và hoa cỏ.
Cũng như các tập thơ trước, Biết gửi cho ai, ngoài cái khắc khoải ngổn ngang trên kia, Trần Nhuận Minh rất ưa cái cụ thể. Bên ấy hình như có một người đang thức/ Lòng mình sao cũng không yên (Đêm thu). Xin lưu ý bạn đọc, câu thơ này cũng trong dạng thức một câu hỏi: Lòng mình sao cũng không yên? Cái cụ thể ở đây ẩn chứa ở trong câu: Bên ấy hình như có một người đang thức, nằm ở trong chữ một. Thoạt nghe tưởng như thừa chữ này. Nhưng đây có thể chính là chủ ý cụ thể hóa của bút pháp thường thấy của Trần Nhuận Minh. Là nhà thơ hiện thực, ông cần cụ thể như vậy, ông ưa cụ thể như vậy. Để làm gì ư? Để tăng độ chân xác của điều ông muốn nói. Bởi vì trước đó ông đã dùng một hình dung từ hình như chưa mang ý nghĩa khẳng định, những nơi mà Trần Đăng Khoa nói ông đã bay dưới đất. Rất nhiều lần Trần Nhuận Minh cụ thể hóa như vậy trong thơ: Dưới chân, hòm công đức/ Khóa đến ba khóa đồng (Chùa vắng). Bạn thấy đấy, hòm công đức đã khóa đến ba chiếc khóa, mà lại là ba chiếc khóa đồng thì ý nghĩa định vị hiện thực quả là đến độ. Ở một khung cảnh khác, trong bài Có một ông già, tác giả làm thay công việc của một họa sỹ theo trường phái tả thực, dựng lên một bức tranh đời sống không lẫn vào đâu được:
Có một ông già đứng bên sông Seine
Ai đi qua cũng mỉm cười chào
Chiếc mũ phớt dãi dầu màu nắng cũ
Như ông đã đứng đây không biết tự thuở nào…
Cụ bà đi qua lom khom…dắt con chó trắng
Anh sinh viên kính cận, sách cầm tay
Cô tóc vàng ôm chàng tóc xanh
bỗng ưỡn ngực, hôn chàng một cái
Bất ngờ gió thổi, váy tung bay…
(Có một ông già)
Trong đoạn thơ khá ám ảnh trên, có một câu vẫn là thực nhưng đã nhuốm màu tâm trạng, đã nghe nhịp đập run rẩy của trái tim, đã ẩn một nụ cười rất kín của người viết. Đó là câu cuối: Bất ngờ gió thổi, váy tung bay . Câu thơ nghe có vẻ như đang muốn thoát ra khỏi cái điệp trùng từ ngữ gây áp lực của cả đoạn thơ. Tôi đồ rằng có thể đấy là những nơi mà trong bài Gửi bác Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa thường để ý khi đọc thơ ông anh, và muốn “thưa thốt” góp lời: Bác đã bay dưới đất. Một sự bay rất cần thiết để thay đổi trạng thái tiếp nhận, cũng dường như để có thể biến chú chim cánh cụt nam cực thành nàng thiên nga lộng lẫy của một đêm bale nào đó trong sân khấu nhạc kịch phương Tây chăng?
Nói vậy thôi, ngòi bút của Trần Nhuận Minh thừa kinh nghiệm để biết đâu là khẩu vị “ưa của ngọt” của người đọc. Thơ ông, đến tập này vẫn đủ chỗ cho những “trữ tình ngoại đề” vừa đủ độ ảo, vừa đủ độ bay, vừa là nơi lắng lại để chúng ta chậm rãi cảm nhận hết những xao xuyến mà ngôn ngữ đang gợi ra:
Ngày nào em đi dưới vòm cây thưa
Tà áo trắng mơ màng bay trong hơi mưa
(Hoa xoan đã rụng)
Vẫn là dạng thức một câu hỏi (Ngày nào…), vẫn là một khung cảnh trần thế, nhưng đã thấy “mờ mờ nhân ảnh” trong một câu thơ đầy ắp vần bằng, đi từ chủ ý, chủ tâm của người viết dẫn đến chủ động của ngòi bút, dẫn đến sự lay động trong tiếp nhận của người đọc. Một lần bên Hồ Tây thơ mộng nổi tiếng, Trần Nhuận Minh bày tỏ tâm trạng của mình bằng sự “quên”. Nhưng câu thơ đọc lên cảm giác “quên” không đủ sức thiết lập trong tiếp nhận của người đọc. Vì sao vậy, vì cái đẹp của ngôn từ và nhịp điệu câu thơ muốn nói điều ngược lại:
Quên đi nghe em, bóng cây xanh đường Hồ Tây
Nơi ta bên nhau nhìn làn sương bay
(Quên đi em nhé)
Lấy thêm một ví dụ khác. Trong bài Mai Châu, với hai câu:
Con cái nhà ai mà xinh thế
Em ăn xôi nếp thơm mười ngón tay
(Mai Châu)
Câu trên vẫn là một câu hỏi có hơi hướng khẩu ngữ sinh hoạt hàng ngày. Câu dưới đã thấy “thăng hoa” của không chỉ của thị giác, mà là sự xáo trộn của cảm giác đầy sức gợi. Nhưng tại đây cũng cho thấy “dấu vết” hiện thực như một nét quen thuộc thường trực trong bút pháp của tác giả, ngay cả khi anh muốn “siêu”. Nó nằm ở chữ ăn trong câu thơ. Người khác có thể viết: Em đơm xôi nếp, Em bưng xôi nếp… Nhưng ở trường hợp này Trần Nhuận Minh muốn tăng độ nặng của chữ (ăn) chăng? Đúng là có hơi tiếc, nhưng biết làm sao, đủ mặt này thì khuyết mặt kia, phần này nặng thì phần kia nhẹ, âu cũng là chuyện thường tình!
Trở lên, có thể nhận thấy Trần Nhuận Minh dù có “thế sự” đến đâu cũng không thoát nổi chất trữ tình muôn thuở của thơ, cái phẩm chất đầu tiên hấp dẫn và quyến rũ mỗi nhà thơ. Trộm nghĩ, nếu chỉ để “thế sự”, nếu chỉ để miêu tả hà tất phải viện đến thơ. Trần Nhuận Minh đã từng viết văn xuôi, viết khảo cứu, chuyên luận. Các thể loại này ưu thế hơn thơ nhiều nếu muốn “thế sự”, miêu tả. May sao ông vẫn nhớ rằng, thơ là một thể loại mà mọi điều nhìn thấy, mọi điều nghĩ được, đều phải đi qua “bộ lọc” của trái tim. Tiếng đập cần mẫn và rất khẽ của trái tim, nhiều khi có thể khẽ đến nỗi ta không kịp nhận ra, ấy vậy mà vẫn thường đóng vai trò kiểm soát, trước khi mọi điều được đưa đến đầu ngọn bút.
Tôi thật sự xúc động khi được đọc những lời giải bày (Lời tác giả) đầu tập thơ này của nhà thơ Trần Nhuận Minh: “Sau ngày 20 tháng 8 năm 2018, tôi đã bước vào tuổi 75, thời gian còn lại chắc là không nhiều. Vẫn còn khá nhiều bài thơ khác, trong đó có những bài tôi tâm đắc…sau này có in nữa hay không, in đến mức nào, có thể không phải là việc của tôi…”. Một tâm trạng chắc chắn không chỉ riêng ông đang trải qua. Tích lũy nghiêm túc một đời, cặm cụi viết lách một đời, đến “ga cuối” vẫn không thôi những day dứt với những gì đã viết: Cả một đời cay cực long đong/ Liệu trang viết sau này còn đọc được? Vẫn là một câu hỏi rất trần thế, như câu hỏi mà Cụ Nguyễn Tiên Điền đã từng day dứt! Thi nhân muôn đời vẫn thế, khó có ai dám bằng lòng, toại nguyện với thực tại, thực tại ngoài ta và trong ta. Trần Nhuận Minh cũng không ngoại lệ.