Bài 4 - Sự thật về những phiến gạch trong ngôi mộ bà Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng
1- Mất lỗi chính tả và viết sai ngữ pháp
Như chúng tôi đã phân tích ở loạt bài trước, tất cả những di vật chôn theo ngôi mộ "Bà tổ nghề gốm Chu Đậu" mà ông Tăng Bá Hoành đưa ra làm bằng chứng để khẳng định có một nhân vật "huyền thoại" Bùi Thị Hý đều là sản phẩm ngụy tạo.
Để xác minh việc này chỉ cần gửi các mẫu vật đi giám đình niên đại bằng phóng xạ carbone 14 (C14) tại một phòng thí nghiệm có uy tín ở nước ngoài là xong, khỏi phải tranh cãi. Thế những, tôi dám chắc, không bao giờ có chuyện này, bởi làm như thế khác gì vạch áo cho người xem lưng. Có thể rồi đây, các tác giả sẽ nghĩ ra nhiều chiêu trò đối phó chẳng hạn như thuê người viết bài phản biện, thậm chí tổ chức "hội thảo khoa học" để trấn an dư luận, nhằm vớt vát phần nào tai tiếng sau vụ scandal. Cho dù phản ứng kiểu nào thì cũng không thể bước qua được sự thật nhỡn tiền. Bởi đây là vấn đề lịch sử gắn liền với chân lý khoa học. Cảm xúc thì có thể nhầm lẫn nhưng khoa học thì không. Cãi liều về học thuật chỉ là tự khoe mình dốt trước bàn dân thiên hạ.
Để làm rõ vấn đề này, thật may, mới đây chúng tôi tìm được hình ảnh các phiến gạch nung được cho là "mộ chí" chôn cùng tro cốt Bà tổ nghề gốm Chu Đậu - nữ doanh nhân thế kỷ XV Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng. Án tại hồ sơ. Các hiện vật tự nói lên bản chất của mình. Chúng tôi chỉ là người phát hiện những bất cập mà trong quá trình ngụy tạo, tác giả, do không thông thạo chữ Hán cổ nên vô tình đã để lộ sơ hở chết người.
Phiến gạch được cho là nắp đậy trên mộ bà Bùi Thị Hý
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin cung cấp toàn bộ văn bản chữ Hán được khắc trên phiến gạch nắp mộ như sau:
燼骨祖姑裴氏戲於內瓶同望月保劍兄弟洧閏勤密葬
Phiên âm:"Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý ư nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm huynh đệ Vị Nhuận cần mật táng".
Dịch nghĩa: Xin lưu ý bạn đọc, chúng ta không nên tin vào lời dịch "Tro cốt tổ cô Bùi Thị Hý trong bình cùng thanh kiếm Vọng Nguyệt là tên hiệu của bà Hý" và, "ba ông Vị, Nhuận, Cần mật táng" như bài báo đã nêu, bởi đây là một đoạn văn lủng củng vừa sai về cấu trúc ngữ pháp vừa sai về tự dạng, mà cái chữ khắc sai ấy lại liên quan đến thanh kiếm "Vọng Nguyệt". Đó là chữ 保 (bảo) trong từ 保劍 (bảo kiếm). "Bảo kiếm" có nghĩa kiếm quý, kiếm báu thì chữ "bảo" là tính từ phải viết là 寶 (bảo). "Hán Việt từ điển trích dẫn" mục thứ 5 giải nghĩa: trân quý (tính từ) như bảo đao 寶刀bảo kiếm, 寶劍. Còn chữ 保(bảo) trong phiến gạch chỉ có chức năng động từ và danh từ, trong đó, ở mục 2, cũng từ điển trên nêu rõ: giữ (động từ) như: bảo hộ 保護 bảo vệ, giữ gìn. Để cho chắc chắn, chúng tôi còn dùng từ 保劍(chữ của ông Tăng Bá Hoành) tra "Hán điển" và "Hán ngữ từ điển", kết quả đều được trả lời là "không tìm thấy từ này".
Tiếp theo là từ 祖姑(tổ cô). Như trong bài số 2 về phiến gạch khắc hình bà Bùi Thị Hý, chúng tôi đã nói rõ, người đảm nhận cương vị bà "tổ cô" phải thỏa mãn hai điều kiện, một là chưa lấy chồng, bị chết khi còn trẻ, có khi chỉ vài tháng tuổi, và hai là, vong linh dưới cõi âm tu tập theo đạo Mẫu hoặc đạo Phật. Trong khi ấy bà Bùi Thị Hý đã có đến hai đời chồng mà lại không chết trẻ, vậy làm sao có thể trở thành bà Tổ cô? Ở đây tác giả đã suy đoán theo logique của người Mèo là, bà Hý là "tổ nghề", hai đời chồng mà không có con, nên khi chết đi thành "tổ cô" chăng! Câu chuyện bi hài này rất cần sự trả lời sòng phẳng về phương diện học thuật.
Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu cấu trúc ngữ pháp đoạn văn 22 chữ Hán trên. :"Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hý ư nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm huynh đệ Vị Nhuận Cần mật táng". Phải nói ngay rằng đoạn văn này hoàn toàn sai ngữ pháp chữ Hán mà là viết theo lối ngữ pháp tiếng Việt hiện đại được "Hán hóa" một cách sống sượng. Ngay 7 chữ đầu đáng lẽ phải viết "Tổ cô Bùi Thị Hý tẫn cốt" thì tác giả lại làm ngược lại. Cũng vậy, đáng lý nên viết "Vị, Nhuận, Cần huynh đệ mật táng" thì người "sáng tác" lại để từ "huynh đệ" lên trên như là cách nói của người Việt. Ngoài ra còn một vài từ rất thừa như là "ư nội bình" (ở trong bình). Đã là mộ táng tro cốt người quá cố thì đương nhiên là để trong bình rồi. Bản thân chiếc bình đã là một thứ "quan tài" làm minh chứng, việc gì phải nhiêu khê thêm vào mấy chữ lạc lõng ấy nữa. Có nhiều cách viết đúng ngữ pháp chữ Hán mà vẫn đảm bảo đầy đủ nội hàm câu văn, chẳng hạn như 鄧夫人裴氏燼骨與望月寶劍之墓洧閏勤兄弟密葬 "Đặng phu nhân Bùi Thị tẫn cốt dữ Vọng Nguyệt bảo kiếm chi mộ, Vị, Nhuận, Cần huynh đệ mật táng". Tạm dịch "Mộ của Đặng phu nhân họ Bùi cùng thanh bảo kiếm Vọng Nguyệt, anh em ông Vị, ông Nhuận và ông Cần bí mật chôn cất".
Tiếp theo là viên gạch yểm dưới đáy ngôi mộ.
Phiến gạch được cho là "yếm" dưới đáy mộ bà Bùi Thị Hý
Phiến gạch nung có 4 dòng chữ, 3 dòng chính và một dòng lạc khoản. Chữ khắc khá rõ ràng nhưng thô như kiểu học sinh viết bằng bút bi, và điều trớ trêu là lại có 2 chữ sai, chứng tỏ trình độ Hán Nôm rất kém. Nguyên văn như sau:
形人地祖靈
扶子孫裴族
福祿壽興長
Lạc khoản:
.....法同族主洧閏勤掩濟(掩蔽)
Phiên âm:
"Hình nhân địa tổ linh
Phù tử tôn Bùi tộc
Phúc lộc thọ hưng trường"
Ở phần lạc khoản có 11 chữ, vì không được tiếp xúc với hiện vật mà chỉ có ảnh chụp, 2 chữ đầu bị mờ, chúng tôi đọc được 9 chữ còn lại là "... pháp đồng tộc chủ Vị Nhuận Cần yểm tế".
Chữ sai thứ nhất là chữ 祖(tổ). Cấu trúc chữ "tổ" trong nghĩa "tổ tiên" bên trái có bộ 示 kỳ (hay "thị"), bên phải là chữ 且(thả). Thế nhưng chữ "tổ" ở hàng thứ nhất, chữ thứ tư lại có bộ thủ là bộ "y" nghĩa là áo. Bộ 衣(y) ghép với chữ 且(thả) hoàn toàn vô nghĩa. Có lẽ đây là loại chữ mới do ông Tăng Bá Hoành sáng tạo (xin lưu ý, chúng tôi phát hiện chữ "tổ" viết sai dựa trên ảnh chụp, vì không có hiện vật đối chiếu nên coi như là tồn nghi).
Chữ sai thứ hai là chữ 濟(tế) trong từ 掩濟(yểm tế) ở phần lạc khoản. Chữ 濟 (tế) này nghĩa là qua sông, bến đò, cứu giúp, sông Tể... (Hán Việt từ điển trích dẫn), ghép với chữ 掩(yểm) là làm liều. Trường hợp này viết đúng phải là 掩蔽 "yểm tế".(chữ "tế" có bộ thảo) mới có nghĩa là giấu đi, ẩn đi. Chúng tôi cho rằng người viết chỉ biết một số ít chữ Hán, tra từ điển Hán Việt, thấy chữ đồng âm là ghép vào mà không hiểu nghĩa là gì.
Về cấu trúc, đây là một câu văn xộc xệch thậm chí quái dị nếu xem xét dưới góc độ văn bản và ngữ pháp. Thông thường, các minh văn, nếu được thể hiện bằng thơ (thất ngôn tứ tuyệt hoặc ngũ ngôn tứ tuyệt) ít nhất phải có 4 câu theo thứ tự khai, thừa, chuyển, hợp. Vậy nhưng ở đây lại là bài ngũ ngôn "què" mất đi câu kết, mà câu "kết" là câu quan trọng nhất thể hiện cái tứ của toàn bài. Thật là bất kính với người quá cố. Chúng tôi phỏng đoán, ông "phù thủy" này cố tình ngụy tạo chứng cứ "độc" để tăng sức thuyết phục, nhưng lực bất tòng tâm, đến câu thứ ba thì "tắc" thành ra lũ "âm binh" quay lại hại thầy. Chưa hết, đọc mãi mà chúng tôi vẫn không hiểu mấy chữ 形人地 "hình nhân địa" là cái gì. Nếu là mảnh đất "hình người" thì phải viết là 人形地 (nhân hình địa) mới đúng. Hay đấy là loại "bí văn" cần phải đảo lộn trật tự ngữ pháp để giữ "bí mật" dòng họ? Cho dù cứ tạm chấp nhận vậy, nhưng còn quy tắc viết câu? Ở văn cảnh này, hai chữ 祖靈 (tổ linh) làm định ngữ cho cụm từ 形人地 (hình nhân địa) thì phải đặt lên trước mới đúng, thế nhưng người viết lại đặt sau 形人地 (hình nhân địa) giống như cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt hiện đại chứng tỏ sự hiểu biết rất hạn chế về chữ Hán.
Trong số minh văn mà "nhà khảo cổ trứ danh" Hải Dương tìm được còn có viên gạch nung khắc hình danh tướng Bùi Quốc Hưng, ông nội của bà Bùi Thị Hý.
Phiến gạch vẽ chân dung được cho là của danh tướng Bùi Quốc Hưng
Trong tấm hình là một người đội mũ cánh chuồn, ngồi trên ngai hai tay đặt lên đùi, phía bên phải là dòng chữ Hán viết từ trên xuống dưới:
古像始祖裴國興黎朝開國功神
Phiên âm: Cổ tượng hình thủy tổ Bùi Quốc Hưng Lê triều khai quốc công thần.
Dịch nghĩa (theo cách viết lấy được của ông Tăng Bá Hoành): "Hình ảnh cổ của vị thủy tổ Bùi Quốc Hưng, khai quốc công thần triều Lê". Còn với các bậc khoa bảng ngày xưa nhìn vào 13 chữ Hán này, chắc chắn họ sẽ bóp đầu bóp trán bởi không thể nào hiểu nổi đoạn văn vừa mất lỗi chính tả vừa sai ngữ pháp nghiêm trọng.
Chữ mất lỗi chính tả là chữ神 (thần) trong 功 神 (công thần). "Hán Việt từ điển trích dẫn" giải thích 5 nghĩa, trong đó, không có nghĩa nào là "bề tôi" hay "thần tử" của nhà vua. Thực ra chữ "thần" với nghĩa bề tôi có tự dạng là 臣 (thần) mới là một thành tố trong tổ hợp功臣 (công thần), hai chữ tuy đồng âm nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Hai chữ 古像(cổ tượng) cũng rất đáng ngờ. Vào thời danh tướng Bùi Quốc Hưng quy tiên, cho dù con cháu có vẽ hình chôn theo cũng không thể gọi là "cổ". Lại nữa, theo quy ước ghi gia phả, bi văn, mộ chí ngày xưa, không được phép viết thẳng tuột họ, tên lót và tên tục (húy) vào văn bản, nhất là với những bậc công hầu danh tướng. Chính vì người viết không nắm được phép tắc nên vô tình đã xúc phạm đến tiền nhân.
Cuối cùng là cấu trúc ngữ pháp. Cú pháp của câu văn không chỉnh bởi tác giả viết theo lối tiếng Việt, chỉ có thể phỏng đoán, không thể phân tích rành mạch bằng ngữ pháp chữ Hán. Muốn chuẩn ngữ pháp và chính tả theo phép tắc văn ngôn thì phải viết như sau: 黎朝開國功臣裴族始祖裴公字國興之像形 (Lê triều khai quốc công thần, Bùi tộc thuỷ tổ, Bùi công tự Quốc Hưng chi tượng hình), có nghĩa là, "Hình vẽ của ngài Bùi Quốc Hưng, thuỷ tổ họ Bùi, công thần khai quốc triều Lê".
Người xưa rất tôn sùng chữ Hán, coi đó là chữ thánh hiền, người học phải miệt mài rèn giũa mới thành danh. Hầu hết các trí thức nho học ở làng xã Việt Nam ngày trước đều được đào tạo rất bài bản nên rất cẩn trọng trong việc soạn văn bia (trong đó có minh văn), văn tế và ghi chép gia phả. Làm những việc hệ trọng này, nếu trong họ không có người giỏi chữ thì phải nhờ các bậc khoa bảng chấp bút. Huống hồ, bà Bùi Thị Hý, theo tiểu sử, đã từng giả trai thi Hội đỗ Tam trường, chỉ một bước nữa thôi là đăng khoa tiến sĩ, hay danh tướng Bùi Quốc Hưng đức cao vọng trọng, vậy mà sau khi mất, con cháu lại vẽ bôi bác mấy tấm hình cùng thứ chữ gà bới sai be bét về tự dạng cũng như ngữ pháp có khác gì phỉ báng tổ tiên, làm đứt đoạn sự hanh thông của dòng họ?
Tất cả những lỗi trên đều rất sơ đẳng nhưng lại rất giống nhau hiện diện ở 4 phiến gạch chôn theo mộ của bà Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng, chứng tỏ cả 4 phiến gạch ấy đều là sản phẩm nguỵ tạo của cùng một người (chữ viết nguệch ngoac, mất lỗi chính tả và sai ngữ pháp). Bằng chững chúng tôi nêu ra là rất rõ ràng, không thể dùng cách cãi chày cối để biện hộ cho những việc làm bất minh.
Về việc này, cac chuyên gia có kinh nghiệm như tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, học giả An Chi, nhà gia phả học Trần Đại Vinh, chuyên gia gốm sư Đoan Hùng, cử nhân Hán Nôm Đăng Văn Lộc, thậm chỉ cả trang "Từ điển bách khoa mở" (Wikipedia) đều đã có bài phản biện rất thuyết phục về nhân vật Bùi Thị Hý và sự nguỵ tạo bằng chứng:
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Th%E1%BB%8B_H%C3%BD, nhưng chẳng hiểu vì sao các cơ quan chức năng có thẩm quyền không giải quyết dứt điểm câu chuyện lùm xùm này đề minh bạch hoá một nghi án có liên quan đến lịch sử dân tộc?
2 - Giáo sư sử học Lê Văn Lan cũng bị mắc lỡm
Từ những chứng cứ trên, chúng tôi khẳng định Bùi Thị Hý, bà tổ nghê gốm Chu Đậu hoàn toàn là nhân vật nguỵ tạo, nhưng giáo sư Lê Văn Lan, trong bài trả lời phỏng vấn của trang "Cộng đồng họ Bùi Việt Nam" (http://hobuivietnam.com.vn/bui-thi-hy-nu-thuong-nhan-dau-tien-cua-viet-nam#.WLv-vmcJ8_k.facebook) lại hết sức cổ xuý cho sự kiện này, đồng thời còn vinh danh Bùi Thị Hý như một nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam cưỡi thương thuyền vượt trùng dương mang sản phẩm bán khắp thế giới. Đọc bài phỏng vấn, chúng tôi thấy ông rất tự tin, thậm chí xem Bùi Thị Hý như là một công trình nghiên cứu của chính mình. Và đây là đoạn đối thoại với phóng viên khiến người đọc giật mình về quan điểm của nhà nghiên cứu lịch sử:
" PV: - Vậy là không thể tìm ra được một nữ doanh nhân giỏi như hiện nay, thưa ông?
GS LÊ Văn Lan: - Rất may mắn chúng tôi vừa tìm ra một nữ doanh nhân Việt Nam ở thế kỷ 15. Điều này có vẻ là một điều đột biến. Quá trình tìm ra bà rất công phu, vất vả. Có lẽ, yếu tố may mắn phải được tính đến trong trường hợp này.
PV: - Điều may mắn đó bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
GS Lê Văn Lan: - Nó bắt nguồn từ một cổ vật – vốn là một chiếc bình gốm được xác định là gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ. Trên chiếc bình có hàng chữ đề rõ: “Nam Sách Châu – Tượng Nhân Bùi Thị Hí Bút”. Điều rắc rối đã đến. Có rất nhiều tranh luận trong cách hiểu dòng chữ trên. “Nam Sách Châu” thì đã rõ, nó có nghĩa là “Châu Nam Sách, vùng đất Nam Sách”. “Tượng Nhân”, có nghĩa là người thợ làm ra sản phẩm này. Riêng “Bùi Thị Hí Bút”, có cách hiểu như sau: “Người phụ nữ họ Bùi viết chơi” hoặc “Người phụ nữ họ Bùi, tên Hí, đệm Thị, viết”.
PV; - Những tài liệu này được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đúng không thưa ông?
GS Lê Văn Lan: - Vâng, họ đã gửi cho chúng ta từ những năm 50 của thế kỷ 20. Sau các cuộc tranh luận thì những tài liệu này vẫn cứ để ở trong Viện nghiên cứu. Cho đến tận thế kỷ 21 này, chúng tôi mới tìm thêm được nhiều chứng tích để minh chứng bà là ai.
PV: - Vậy kết quả có phải đúng là bà là một nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam không thưa ông?
GS Lê Văn Lan: - Kết quả thật tuyệt vời. Chúng tôi đã tìm thấy trên vùng đất Chu Đậu những cổ vật mang những dòng chữ liên quan đến nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam. Điều may mắn là những dòng chữ này hoàn toàn rõ ràng chứ không mang tính hai mặt như dòng chữ trên chiếc bình gốm Chu Đậu tại bảo tàng Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ nữa (...) Đọc kỹ bia mộ, chúng tôi thấy rằng, bà còn là cháu nội của Công thần Lam Sơn khởi nghĩa Bùi Quốc Hưng.
PV: - Như vậy nữ thương gia đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện từ thế kỷ 15 và bà còn là con cháu dòng dõi công thần, nhưng điều gì đã chứng tỏ sản phẩm gốm của bà đã vươn tới tận Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải do nó qua tay các nhà… buôn cổ vật?
GS Lê Văn Lan: - Điều quan trọng hơn cả, để chứng tỏ bà là một nữ thương gia, trước hết là việc bà làm việc với tư cách là một người thợ, sau đó là chủ lò gốm, chủ thương đoàn dùng thuyền mang hàng hóa sản phẩm ra nước ngoài. Chính vì thế ta mới thấy xuất hiện sản phẩm Gốm tại Istanbul tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta thường hay gọi các thương đoàn đó là hải đoàn chuyên xuất khẩu hàng hóa. Sầm uất nhất vẫn là các hải cảng Vân Đồn hoặc trong Hội An.
PV: - Ngoài ra có chi tiết gì lý thú quanh cuộc đời người nữ thương nhân thế kỷ 15 Bùi Thị Hí nữa không thưa ông?
GS Lê Văn Lan: - Có một tấm bia tại một ngôi chùa làng Chu Đậu ghi rõ ngôi chùa do bà Bùi Thị Hí bỏ công đức ra xây chùa. Điều này đã nêu lên được phẩm chất của người nữ nhân này. (...) Càng thấy đặc biệt hơn nữa, đây là trường hợp nữ doanh nhân duy nhất đã tìm thấy trên một đất nước chỉ gắn với sử học, ông có nhận xét gì về các nữ doanh nhân hiện nay?
GS Lê Văn Lan: - Cả nghìn năm, ta mới có một nữ doanh nhân Bùi Thị Hí, đến giờ có lẽ đã có hàng ngàn nữ doanh nhân. Đây quả là một sự đột biến chăng? Nó bao hàm cả việc đời sống giới nữ nói chung đã có chuyển biến tiến bộ thế nào trong lịch sử và truyền thống. Tuy nhiên, tôi luôn lo ngại đến một sự đứt gãy truyền thống"(hết trích).
Được biết giáo sư Lê Văn Lan là một nhà khoa học có uy tín, từng nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh nhỏ VTV giải thích những vấn đề thường thức về lịch sử dân tộc cho giới trẻ, chúng tôi nghĩ, ông phải là người am hiểu chữ Hán. Bởi lẽ, đã động đến cổ sử là phải tiếp xúc với văn bản chữ Hán. Những thư tịch ấy rất cần được giải mã một cách chính xác khoa học. Vậy vì sao ông lại tiếp tay cho một công trình khoa học nguỵ tạo về nhân vật Bùi Thị Hý? Ông ủng hộ một cách có chủ ý hay cả tin mà mắc lỡm?
Chí Linh 15 tháng 6 năm 2018
Đ.V.S.