Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHƯỢNG HOÀNG ĐẤT NÚI CẦU TREO

Trần Hữu Tòng
Thứ bẩy ngày 2 tháng 3 năm 2019 8:39 AM



Kết quả hình ảnh cho Cá»­a khẩu Cầu treoKỈ NIÊM NGÀY BIÊN PHÒNG


Địa danh Cầu Treo

Lời ông bà truyền lại cho con cháu câu nói nào cũng chí lý. Ví như câu “ Có người đất mới thiêng”

Một vùng non ngàn hùng vĩ từ lâu có đàn chim phượng hoàng quý hiếm sinh trú được trở thành địa danh Cầu Treo từ mùa xuân năm 1954. Năm ấy nước ta và nước bạn Lào mở “ Chiến dịch Trung Lào” đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Trong chiến dịch đó hàng ngàn dân công hỏa tuyến tiếp lương ra trận bằng phương tiện gánh những đôi bồ đầy gạo đi bộ trên đường số Tám. Con đường dài gần trăm cây số từ Bãi Vọt ( nay là thị xã Hồng Lĩnh) lên biên giới, xuyên qua dải Trường Sơn sang Lào. Những năm Kháng chiến chống Pháp, ta thực hiện “ tiêu thổ kháng chiến”, đường số Tám trở nên hoang phế. 36 cây cầu bị phá sập, nhiều đoạn đường chìm lấp trong lau cỏ bên bờ thung lũng. Các bậc cao niên từng là “ phu lục lộ” mở đường, từ đầu thế kỷ 20 nói rằng con đường này từ ngày mở chưa nghe tên Cầu Treo.

Sau trận mưa rừng nước từ các đỉnh non cao dồn xuống cuốn trôi hết những cây gỗ lót đường đi qua khe nước, chặn các đoàn dân công chuyển gạo ra trận. Hàng ngàn người phải dựng lán nằm lại ven rừng. Ở đó tiếng hò hát vang lên dậy đất “ Ơ hò... Dân công tiếp vận Trung Lào, Chiến trường đang đợi không khó khăn nào ngăn được bước chân ta...”

Một đơn vị bộ đội hành quân đến. Các anh lựa chọn những chiến sĩ có sức khỏe tốt nhất, có tầm cao ngang nhau đứng xếp hàng giữa thác nước chảy xiết làm “ trụ cầu”. Họ vác những cây tre, phên tre trên vai làm “ sàn cầu” và buộc sợi dây rừng nối hai bờ thác nước. Các đoàn dân công hỏa tuyến chân đi trên “ sàn cầu” tay nắm chặt sợi dây rùng rùng gánh gạo ra mặt trận. Từ sự tích lịch sử năm ấy, địa danh Cầu Treo xuất hiện.

Mùa hè năm 1955 chúng tôi hành quân lên đây lập Đồn biên phòng trên đỉnh núi cao cũng lấy tên là Đồn biên phòng Cầu Treo. Dòng suối chảy dưới chân đồi cũng gọi suối Cầu Treo. Trạm Kiểm soát đường biên giới xa gần chục cây số cũng lấy tên Trạm Cầu Treo. Đỉnh núi cao chót vót như “ hòn đảo xanh” trôi bồng bềnh giữa ngàn mây trắng bên kia Lũng Mây từ lâu đời có đàn chim phượng hoàng sinh trú nay cũng gọi chim phương hoàng ở núi Cầu Treo... Những buổi chiều tà phơ phất mây ngàn khói biếc ánh hoàng hôn nhuộm màu vàng huyền ảo sườn non, thung lũng đón mây về như lớp lớp sóng biển dâng trào. Đỉnh núi hoang sơ như hòn đảo nổi bồng bềnh. Cảnh biên cương như trong cổ tích. Những đôi phượng hoàng sải cánh bay lượn trong làn gió trầm thơm. Tiếng chúng gọi nhau đưa con về tổ nghe sao giông giống tiếng người “ ai hát, ai hát”. Lính biên phòng chúng tôi đứng ở sân Đồn Cầu Treo nhìn sang vỗ tay cười vui pha chút tếu táo: “ lính biên phòng hát. Lính biên phòng hát...”

*

Đột nhập lãnh địa phượng hoàng

Đội tuần tra chúng tôi sau một ngày vượt Lũng Mây sâu thẳm mới tới được lưng đỉnh núi hoang sơ. Thảm rừng rễ cây, cành khô, lá mục chất dày hàng mét. Bước chân đi cứ bập bênh, chênh vênh như đi trên tấm đệm bông. Mỗi bước đi chúng tôi phải đu cây, bám rễ, dắt díu nhau, có đoạn phải bò mới lên được. Càng lên, thảm rừng càng khô, lạnh không có sên vắt và rất thưa vắng các loại côn trùng. Chớm vào lãnh địa phượng hoàng đã thấy dấu vết nguyên sơ gần như rừng cây xứ lạnh. Rừng một tầng. Cây nào từ gốc lên đến cành rêu cũng bọc dày mấy lớp như quấn chăn bông. Chiều mùa thu đỉnh non cao nắng vàng bảng lảng trên lá cành. Chúng tôi nhìn nhau cứ mờ nhòa lãng đãng hệt như giữa thời khắc “ mặt trăng ăn mặt trời”. Không gian tràn ngập vẻ kỳ bí thuở hồng hoang.

Dưới gốc các cây cao có nhiều lớp xương các loài thú nhỏ, có vỏ các loại quả rừng, có xương cá và xương các loài rắn... Đặc biệt có nhiều lông phượng hoàng màu sắc đẹp. Mỗi người lính chúng tôi nhặt vài chiếc dắt lên mũ bông. Thấy lãnh địa bị xâm phạm, bầy chim phượng hoàng chừng bốn mươi con hoảng loạn, nháo nhác bay lên. Lần đầu chúng tôi nhìn thấy những con chim lạ, to lớn đẹp lộng lẫy và lông vũ thì óng ánh như có gương chiếu vào... Để giữ bình yên “ thánh địa” của bầy chim đẹp chúng tôi lặng lẽ lui quân và xem đây như một “ Trạm cảnh giới” bên kia Lũng Mây của Đồn biên phòng Cầu Treo.

Mãi sau này khi được đọc các tài liệu khoa học và xem sách Bách khoa toàn thư mở, lính biên phòng chúng tôi mới biết rõ hơn về loài chim phượng hoàng . Loài chim đang còn nhiều bí ẩn như trong huyền thoại. Nó được người đời truyền tụng là một trong bốn vật tứ linh ( Long – Ly – Quy – Phượng). Con chim phượng hoàng biểu tượng cho đức hạnh, duyên dáng, thanh nhã, cho sự hòa hợp âm dương. Theo truyền thuyết, chim phượng hoàng chỉ xuất hiện trong thời thiên hạ thái bình thịnh vượng. Từ xa xưa nhiều người vẫn tin rằng sẽ rất may mắn cho ai được một lần gặp nó trong đời. Nhiều thư tịch còn lưu lại, người xưa từng miêu tả con chim phượng hoàng: đầu gà, hàm én, cổ rắn, lưng rùa, đuôi cá. Các màu sắc rực rỡ trên mình nó tượng trưng cho các thiên thể trên bầu trời. Đầu phượng hoàng đội công lý, mắt tượng trưng cho mặt trời, lưng là mặt trăng, đôi cánh là ngọn gió bốn phương, đôi chân là mặt đất. Đuôi phượng hoàng có bốn nhánh lông dài tượng trưng cho bốn hướng đất trời. Màu lông phượng hoàng đại diện cho ngũ hành: đen, trắng, đỏ, xanh, vàng. Khi phượng hoàng bay, múa tượng trưng cho hoạt động của mây gió trăng sao chuyển vần trong vũ trụ.

Phượng hoàng vốn là loài chim có từ thời tiền sử nhưng người đời biến nó thành con chim trong thần thoại chịu ảnh hưởng đậm nét văn hóa Trung Hoa. Hơn 7000 năm trước hình ảnh con chim phượng hoàng đã xuất hiện ở nước Trung Hoa. Thời kỳ đầu nó được in hình trên các miếng ngọc dấu tích vật tổ của các bộ lạc thời cổ đại. Đến thời nhà Hán – 2200 năm trước, chim phượng hoàng có biểu tượng con trống là phượng, con mái là hoàng – hoàng hậu, phi tần. Khi cặp đôi với rồng, phượng hoàng mang biểu tượng Hoàng đế - đại diện cho quyền lực tối thượng. Hình ảnh phượng hoàng được trang trí trong nhà để biểu thị lòng trung thành, trung thực của người sống trong ngôi nhà đó. Thời cổ đại, nước Trung Hoa xem hình ảnh con phượng hoàng cùng với con rồng trang trí trong đám cưới của hoàng tộc để tượng trưng cho hạnh phúc vợ chồng, một kiểu ẩn dụ của sự hòa hợp âm dương.

Theo sự truyền tụng trong dân gian, phượng hoàng còn là biểu tượng của sự tái sinh bất diệt. Nó được kết hợp nhiều đặc điểm tốt và nét đẹp của cả trăm loài chim trong cõi đất trời. Nên nước mắt phượng hoàng chữa lành được vết thương trong trận mạc. Tiếng kêu kỳ diệu của nó giúp người nghe bình tâm lấy lại lòng can trường. Tim gan của nó được xem như một thứ bùa hộ mệnh và vũ khí chống lại cái ác. Khi đã đến 500 tuổi, phượng hoàng tìm nhặt những mảnh gỗ có mùi hương trầm, những loài hoa thơm cỏ lạ và cả lông của mình xây cho mình một cái tổ. Rồi nó tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của mình trong cái tổ đó. Ba ngày sau trong đám tro tàn sẽ tái sinh ra một chú phượng hoàng non. Với sự linh thiêng đó nên loài chim phượng hoàng chỉ sống trên núi cao trong gió mây tinh khiết (!) Nên từ xa xưa con người đã gắn hình tượng phượng hoàng vào các kiến trúc cung đình, các lăng mộ bậc đế vương và đồ trang sức quý dành riêng cho hoàng tộc.

Quan niệm của Phật giáo đối với chim phượng hoàng cũng rất được tôn sùng ngưỡng mộ. Tôn giả A Nan (1) nói rằng Đức Phật Tổ Như Lai là con phượng hoàng chúa hoành tráng nhất nên phượng hoàng là vua của muôn loài chim. Trời xanh mây nước bốn cõi giang sơn là của Ngài. Ngài tu hành trong Thiền viện Trúc Lâm vùng đất thiêng sáng hào quang là ánh mắt của phượng hoàng. Nơi đó có 99 con phượng hoàng túc trực. Rồi nó đưa Ngài về cõi Phật. Theo quan niệm của Phật giáo chim phượng hoàng còn có khả năng hồi phục sau những đổ nát hoang tàn. Theo phong thủy thân hình chim phượng hoàng còn biểu thị năm đức tính của con người: đầu phượng hoàng tượng trưng cho đức hạnh; đôi cánh tượng trưng cho sức mạnh tinh thần; tấm lưng tượng trưng


1). Tôn giả A Nan là một trong mười đệ tử lớn nhất của Đức Phật. Người tiếp thu giáo lý trọn vẹn như nước thấm vào cát. A Nan có khuôn mặt đẹp tuấn tú, phái nữ rất ái mộ.


cho cách đối nhân xử thế, gánh vác cứu vớt con người; bộ ngực là lòng nhân từ và sự trắc ẩn; phần bụng biểu thị cho đức tin cậy bao dung, từ bi hỉ xả. Chim phượng hoàng chiếm giữ cung hướng Nam của bầu trời, phù hợp với ánh lửa phương Nam, hơi ấm mùa hè, niềm vui có được sự ấm no.

Con chim phượng hoàng trong các chuyện cổ tích của nước Nga là những con chim lửa có bộ lông màu vàng rực rỡ luôn thể hiện đức tính thẳng thắn, bộc trực mang chất hiệp sĩ đứng về lẽ phải cứu khổ, cứu nạn.

Ở Nhật Bản, cùng với mặt trời chim phượng hoàng là biểu tượng cho sức mạnh của đế chế Nhật Hoàng được khắc trên chuôi gươm của các hiệp sĩ và được thêu đẹp trên áo Ki mô nô.

Người dân nước Ai Cập, La Mã, Hi Lạp xem phượng hoàng là con chim linh thiêng của thánh thần. Phượng hoàng là hình ảnh bất tử của đất trời, không một sức mạnh nào đánh bại được nó. Từ xa xưa nhiều bộ lạc đã chọn chim phượng hoàng làm linh vật tiến cúng hiến dâng các vị thánh thần trong các lễ hội lớn. Họ coi máu thịt của chim phượng hoàng giúp con người trường sinh bất tử, an ủi được những linh hồn oan khuất. Và, sức mạnh của phượng hoàng sẽ là vị thần ngăn chặn chiến tranh.

Ở Đài truyền hình Trung ương Đài Loan đã lấy hình ảnh đôi chim phượng hoàng hùng vĩ quấn quýt với nhau làm biểu tượng.

Còn chúng ta, người Việt Nam thì từ thuở bình minh của dân tộc thời đồ đồng 4000 đến 5000 năm trước, ông cha đã khắc họa lên mặt trống đồng hình ảnh đàn chim Việt. Đó chính là những con chim phượng hoàng sinh trú trên đất Việt. Biểu tượng đó nói lên người Việt chúng ta có sức sống mạnh mẽ, kiên cường, có ý chí sắc nhọn như lưỡi búa, lưỡi rìu đã đánh thắng mọi kẻ thù để dựng nước và giữ nước. Hình tượng con chim phượng hoàng hào hùng, thơ mộng trong bài hát “Đàn Chim Việt” của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ năm 1942 còn sống mãi với “non sông gấm vóc” chúng ta: “Về đây khi gió mùa thơm ngát. Ôi lũ chim giang hồ. Bao cánh đang còn dập dờn trên khắp Cố Đô. Từng đôi chim đất bắc ríu rít ca. Mờ mờ trong nắng ven trời Chim reo thương nhớ chim ngân xa. Hồn còn vương vấn về xưa…”.

*

Loài chim phượng hoàng có tập tính sống trên miền núi cao khí hậu nhiệt đới vùng Đông Nam Á: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Mianma, Nam Trung Quốc... Ở Việt Nam ta vùng núi Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Bắc... có các đàn chim phượng hoàng sinh trú. Nó là loài chim lớn nhất trong họ chim hồng hoàng . Chim phượng hoàng có con nặng đến gần bốn kg, dài đến 1,2m ( tính cả đuôi). Sải cánh có con rộng đến 1,6 mét. Đặc biệt phượng hoàng có chiếc mỏ khác lạ với muôn loài chim dưới vòm trời. Mỏ nó rất lớn trông như bông hoa chuối rừng màu vàng rực. Trên mỏ có chiếc mũ vàng nhô lên che mỏ và đầu trông như: “ Hoàng đế đội Sớ dâng lên thiên đình”. Mắt con chim trống màu đỏ tía nhìn như chớp lửa lóe sáng. Con mái, mắt xanh màu nước suối rừng. Khi phượng hoàng bay dưới nắng trời như có “ vầng hào quang”, bởi bộ lông óng ánh.

Chim phượng hoàng sống thành bầy đàn trên đỉnh núi cao 1500 mét trở lên của các giải rừng nguyên sinh. Nó sống cách biệt với các loài chim khác. Phượng hoàng sống “ ấm cúng” theo từng “ gia đình”. Nhưng nhiều người chưa biết rằng cuộc sống của loài chim này rất “ lãng mạn”. Nó sống theo “ chế độ đa thê”. Một “ chàng” chim trống với hai “ nàng” chim mái. Điều rất đặc biệt nữa là “ chàng” phượng hoàng là con chim “ đĩ tính” thích làm duyên dáng vào bậc nhất trong họ nhà chim. “ Chàng” luôn dùng chiếc mỏ rỉa vào chân lông lấy chất nhờn bôi khắp mình để bộ lông luôn có màu vàng óng ánh. Và, mỏ của nó thì luôn giữ được màu vàng tươi quyến rũ các “ nàng”. Phượng hoàng làm tổ vào đầu mùa mưa hàng năm. Khi đã ân ái với nhau rồi thì “ chàng” bay đi tìm nơi xây tổ ấm. Đó là những hốc cây cao hơn thảm rừng chừng vài, ba chục mét. “ Chàng” chăm lo tìm kiếm những mảnh gỗ mục, cành khô, vỏ quả, cánh hoa, cả bùn... về lót tổ cho hai “ nàng”. Mỗi lứa chim mái đẻ 3 quả trứng nhưng thường có hai quả nở thành con. Khi “ nàng” đẻ trứng rồi thì “ chàng” tha bùn về bịt kín tổ, kéo cành lá xanh che kín cửa hang, chỉ để hở một lỗ nhỏ... Những ngày “ nàng” nằm ổ ấp trứng, “ chàng” và cả “ dì chim” chăm nuôi. Chúng tần tảo tìm mồi tha về đút qua các lỗ nhỏ ấy cho “ nàng” ăn. Thức ăn của chim phượng hoàng: quả chín, sâu bọ, côn trùng. Nó ăn cả cá dưới suối, rắn trong thảm rừng và cả các loài thú nhỏ. Mỗi ngày phượng hoàng “ xài” đến gần hai kg thức ăn. Sau 38 đến 40 ngày “ màn che, trướng rủ”, khi nghe tiếng phượng hoàng con chi chít kêu thì phượng hoàng bố chọn buổi sáng đẹp trời nắng ấm dùng chiếc mỏ “ vĩ đại” của mình mở rộng cửa tổ, dọn sạch cành lá che cửa hang. “Chàng” đón mẹ con “nàng” ra ngắm rừng xanh mây trắng. Chim phượng hoàng có tuổi thọ trên 60 năm, nhưng có “cụ đại thọ” sống đến gần 90 tuổi.

Sách Đỏ Việt Nam năm 1999 -2000 đã xếp phượng hoàng vào nhóm B2 loài chim hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nghị Định của Chính phủ số 48 năm 2002 đã chỉ rõ cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả trong tập quán săn bắt thú rừng để bảo vệ loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Loài chim phượng hoàng có tầm lớn giá trị về khoa học, nghệ thuật về nghiên cứu lịch sử... Nhiều quốc gia đang nuôi nhốt mong thuần hóa loài chim quý hiếm này vì nó đang còn “ che dấu” nhiều bí ẩn như trong huyền thoại. Với tốc độ săn bắn tàn bạo và khủng khiếp của con người để lấy mỏ lạ, lông đẹp làm vật thờ cúng, làm đồ trang sức như hiện nay thì chim phượng hoàng thật sự đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.


Đất thiêng người nhớ phượng hoàng

Ngày ấy vùng biên cương yên tĩnh. Trên “ Đảo xanh” bên Lũng Mây trong ngọn gió trầm thơm mỗi buổi chiều vàng bầy phượng hoàng sải cánh gọi nhau “ ai hát, ai hát” thì giặc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại. Máy bay điên cuồng dội bom. Đường số Tám ta vừa sửa, cầu cống mới xây lại đã bị đánh sập. Xóm núi Kim Cương bị bom đạn hủy diệt. Đồn biên phòng Cầu Treo bị bom, tên lửa phá tan. Các chiến sĩ Đinh Quang Tiêu, Xuân Lục, Phan Đăng Tố vác súng lên đồi Ba Mụ cao hơn nghìn mét phục kích máy bay. Các anh đã bắn cháy Con Ma, Thần sấm Mỹ. Tên giặc lái đền tội, xác rơi xuống mặt đường số Tám gần chân Cầu Treo. Các anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công. Đồn biên phòng Cầu Treo hai lần được tuyên dương Danh hiệu Anh Hùng. Rừng Cầu Treo đã trở thành vùng Đất thiêng nơi cương thổ này. Nhưng bầy chim phượng hoàng quý hiếm đã bị bom đạn kẻ thù xua đuổi. Có người nói nó là loài chim của thời yên bình nay loạn lạc đã lánh đi, ngày ta chiến thắng nó sẽ trở về. Lính biên phòng chúng tôi tin thế. Nhưng có bậc cao niên chòm râu trắng ở xóm núi Kim Cương thờ Mẫu Thượng Ngàn thì nói như một vị tiên tri “ Phượng hoàng đã bay về rừng Tràng An, Hoa Lư Cố đô ngàn xưa để nương nhờ uy linh của Tổ tiên chở che rồi đấy...” ( Ngày nay ở Tràng An, Hoa Lư – Ninh Bình có những bầy chim phượng hoàng đẹp).

*

Mùa xuân này có người lính già tóc bạc chống gậy cùng với các ông Đinh Quang Tiêu, Xuân Lục lên thăm lại Đồn Biên phòng. Các ông thắp nén hương tưởng nhớ người đồng đội Phan Đăng Tố đã nằm lại với núi Cầu Treo. Trong một buổi sớm mùa xuân mờ nhòa sương khói, tiếng mạch nước đầu nguồn nỉ non như thao thức với rừng thiêng. Gió trầm hương thơm nhẹ như hơi thở giữa mây ngàn. Trời biên cương huyền ảo như trong cổ tích. Các ông đứng lặng, tay nắm chặt lan can Cầu Treo, mắt nhìn sang “ Đảo xanh” đang trôi bồng bềnh giữa vầng mây sớm. Người lính già tóc bạc đã để lại trong cuốn sổ Truyền thống của Đồn Cầu Treo mấy vấn thơ:

“ Phượng hoàng có nhớ núi mây

Đất thiêng tối đợi ngàn cây sớm chờ

Thung Mây, sương trắng đôi bờ

Ngẩn ngơ núi đứng mây vơ vẩn buồn

Gió trầm thao thức nước non

Bâng khuâng người lính nhớ con phượng hoàng.”