Trang chủ » Tin văn và...

TẠI THẰNG CƠ CHẾ

Đoàn Loan
Thứ bẩy ngày 26 tháng 12 năm 2009 10:06 PM
 

Ông Phạm Quang Nghị. Ảnh: Hoàng Hà.
 







Đồng chí Bí thư nói rất hay
Làm quan lộc cứ ấn vào tay
Cái tay không nhận thì sao nhỉ ?
Cơ chế hở... gì cũng mặc bay
Như thế mới là quan liêm chính
Cả nước lương dân vỗ sái tay...
(thơ bình của Trương tuần)
 
Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp giao ban quận huyện, sáng 25/12.
Theo ông Nghị, Hà Nội là địa bàn nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực nên công tác phòng chống tham nhũng phải đặt vị trí cao hơn các nhiệm vụ khác. Mặc dù đã có luật, điều lệ Đảng, các quy định cấm cán bộ tham nhũng song thực tế vẫn có nhiều trường hợp cố tình tiêu cực.
Ông Nghị cho rằng, một nguyên nhân là do cơ chế chính sách tạo đặc quyền cho một số người như cán bộ thuế, cấp phép xây dựng, giáo viên, bác sĩ. Tham nhũng có tính dây truyền trong xã hội, như người giáo viên nhận hối lộ khi chạy trường thì lại phải chạy bác sĩ khi vào bệnh viện...
Tình hình tham nhũng phức tạp và nghiêm trọng, nhìn đâu cũng thấy. Đây là nguy cơ số một đối với sự tồn vong, ảnh hưởng tới sức mạnh của Đảng, ông Nghị nhận định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đưa một ví dụ, đó là thăm dò ý kiến dư luận của Ban Tuyên giáo Thành ủy vừa qua đối với 2.000 người là cán bộ đoàn thể, công nhân, người kinh doanh. Khi được hỏi về tình trạng tham nhũng trong các ngành, có 76% chọn lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, 70% chọn đền bù đất đai.
Ông Nghị cho rằng, số liệu cuộc thăm dò này là để tham khảo, song không phải là không có căn cứ. Để hạn chế tiêu cực thì cần hạn chế đặc quyền và công khai thủ tục hành chính. Ví dụ, khi cơ chế cấp phép xây dựng thông thoáng, người dân dễ dàng đi xin giấy thì đã hạn chế nhũng nhiễu.
 
Niêm yết công khai thủ tục hành chính sẽ giảm tiêu cực trong cơ quan công quyền. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Hoàng Hà.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội, hiện có tình trạng tham nhũng không phải do cơ quan, tổ chức phát giác mà đa phần do quần chúng và thanh tra phát hiện. Điều này cho thấy cần nâng cao công tác tuyên truyền trong người lao động kèm theo cơ chế tự quản lý, đấu tranh để nâng cao ý thức phát giác trong cơ quan.
Ngoài ra, công khai minh bạch trong chính sách, quản lý ngân sách, đầu tư, tài chính, tài sản công, nhà ở... để người dân, cán bộ có thể giám sát.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, năm nay, cơ quan điều tra đã phát hiện 25 vụ có dấu hiệu tham nhũng với 56 người; đã kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm soát truy tố 22 vụ với 50 bị can. Các vụ án tham nhũng gây thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 22 tỷ đồng, 6.000 USD.
Tỷ lệ điều tra phát hiện với gần 30 vụ là chưa đạt yêu cầu, cho thấy tình hình tội phạm tham nhũng còn tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực, Thiếu tá Trần Long Xuyên, Phó giám đốc Công an thành phố nhận xét.
Đoàn Loan