Trang chủ » Tin văn và...

VỚI VIỆT NAM ĐỪNG TƯỞNG MẠNH LÀ THẮNG YẾU - CÂU NÓI MANG TINH THẦN ĐẠI VIỆT NHẤT TRONG TUẦN

•Trường Minh thực hiện
Thứ năm ngày 24 tháng 12 năm 2009 9:08 AM
65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam:

, - Trò chuyện với Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn về chiến tranh, về hòa bình và nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội trong thời kỳ mới.
 

- Cảm nhận của Trung tướng trong những ngày này, khi kỷ niệm 65 năm thành lập QĐND Việt Nam?
 
Những ngày này, tôi thường nhớ sâu sắc những gì đã qua và nghĩ về hiện tại. Suy nghĩ của tôi là làm sao giữ được đất nước một cách vững chắc. Và giữ được rồi thì phải xây dựng đất nước đó cho hùng mạnh.
 
Vì thế, một trong những điều quan trọng là phải làm thế nào để quân đội ta ngày càng mạnh lên. Đó là quân đội cách mạng, một quân đội của nhân dân, một quân đội vì nhân dân và một quân đội không cho phép bất cứ ai đánh bại.
 
Điều đó là tất yếu bởi vì quân đội Việt Nam không phải là một triệu, hai triệu quân mà là toàn thể dân tộc Việt Nam này. Trong lịch sử, chúng ta đã giành chiến thắng vì đó là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc với quân đội là nòng cốt.
 
Bất cứ nước nào cũng có Tổ quốc của mình. Bất cứ nhân dân nào cũng muốn sống hòa bình để xây dựng đất nước. Chiến tranh chỉ là chuyện chẳng đặng đừng.
 
Nước ta là một trong những nước bị các nước lớn, các lực lượng xâm lăng nhiều nhất, dài ngày nhất. Có cuộc bị xâm lăng, lệ thuộc hàng nghìn năm, có cuộc bị lệ thuộc xâm chiếm hàng trăm năm và có cuộc hàng chục năm.
 
Dân tộc Việt Nam yêu nước nồng nàn và khát khao chung sống hòa bình, không gây chuyện với bất kỳ ai để chăm lo cuộc sống. Nhưng mà nhớ rằng bất cứ ai đến xâm lăng nước ta thì có thể nói là không được quyền. 
 
- Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 vừa được công bố cũng nêu chủ trương của Việt Nam duy trì và phát triển quốc phòng đủ mạnh, kiên trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ. Ông nhận định như thế nào về tinh thần của Sách Trắng?
 
Tinh thần của Sách Trắng hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ của toàn quân và toàn dân ta. Tôi tin tưởng chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng xây dựng một quân đội tinh nhuệ, hiện đại, miễn là chúng ta phải khắc phục những nhược điểm về vũ khí, kỹ thuật.
 
Một quân đội cách mạng, chính quy đầy đủ vũ khí hiện đại và điểm tựa phía sau là một nhân dân yêu nước nồng nàn, thì bất kỳ nước nào, thế lực nào cũng không thể đánh bại.
 
Nhìn từ góc độ đó, chúng ta phải phấn đấu bằng được để dân tộc ta không bao giờ phải quay trở lại những cơ cực khi bị xâm lăng nữa.
 
Quân đội trước hết phải tự rèn luyện về phẩm chất về đạo đức và gạt bỏ những tiêu cực. Thứ hai, phải có nền công nghiệp quốc phòng mạnh để trang bị vũ khí tốt hơn. Thứ ba là quân đội ta phải tổ chức thật chặt chẽ nhịp nhàng giữa ba thứ quân: quân chủ lực, quân địa phương và dân quân tự vệ. 
 
Chúng ta phải phấn đấu bằng được để dân tộc ta không bao giờ phải quay trở lại những cơ cực khi bị xâm lăng nữa, 

 
- Thưa Trung tướng, dù hiện nay tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp song hòa bình, hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế lớn. Chúng ta nên nhìn nhận vai trò bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam của quân đội hôm nay như thế nào?
 
Với tình hình hiện nay, nguy cơ chiến tranh xảy ra là không cao. Trong xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển thì bất kỳ một hành động đe dọa, xâm lược nào cũng tạo nguy cơ đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia của các nước xung quanh. 

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (tên do Bác Hồ đặt) từng tham gia lập chiến khu năm 1945, quê tỉnh Quảng Bình.
Ông từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Xây dựng.
Ông là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967-1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
 
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta mơ hồ, ảo tưởng. Những hình thức xâm lăng mới hiện nay tinh vi hơn, khó nhận biết hơn trước rất nhiều như xâm lăng kinh tế, xâm lăng văn hóa, nước lớn chèn ép, bắt chẹt nước nhỏ về kinh tế.
 
Chúng ta hết sức giữ gìn hòa bình, tôn trọng các nước nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận bị chèn ép lấn lướt mãi.
 
- Những vấn đề còn tồn tại như tranh chấp trên Biển Đông, cho dù sẽ không dẫn đến một cuộc xung đột quân sự như nhận định của nhiều học giả quốc tế, nhưng cũng là một thách thức?
 
Đúng như vậy. Biển Đông hiện nay là thách thức trực tiếp, hiện hữu với sự tham gia của nhiều nước nhiều bên trong khu vực. Tranh chấp Biển Đông thì xưa nay vẫn thế và hiện nay còn gay gắt khốc liệt hơn do tài nguyên biển phong phú ở khu vực này.
 
Ứng xử của chúng ta là hết sức tìm cách xây dựng hòa bình, tìm cách giải quyết vấn đề bằng con đường đàm phán thương lượng…. Nhưng chúng ta cũng không thể nhân nhượng nếu ai đó cứ đi mãi con đường đè nén hay phá phách công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam.
 
Tôi mong các bên liên quan bình tĩnh, cùng bàn bạc để làm thế nào hợp tác, cùng khai thác Biển Đông. Chứ đừng tưởng mạnh là thắng được yếu đâu.
 
- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã công du nhiều nước (Nga, Mỹ, Pháp) và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng liên quan đến hợp tác quốc phòng, mua vũ khí, thiết bị quân sự. Phải chăng Việt Nam đang đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quân sự?
 
Việc này không phải bây giờ mới làm mà đã được thực hiện từ lâu. Quan hệ quốc phòng bình thường với các cường quốc là chủ trương từ lâu của Việt Nam.
 
Nhìn từ khía cạnh đó, nên coi chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại tướng Phùng Quang Thanh là chuyện bình thường.
 
Lãnh đạo của ta đi thăm hữu nghị hợp tác chứ không phải vì chuyện Biển Đông hay vì bất kỳ cái gì khác. Có việc thì đi, cần vũ khí thì mua, giống như tất cả các nước khác. Hợp tác với nhiều nước nhưng không phương hại tới lợi ích của nước thứ ba.
 
•Trường Minh