Trang chủ » Tin văn và...

ĐỌC "PHƯỚC" CỦA HOÀNG THIỀNG

Hoài Khánh
Thứ bẩy ngày 26 tháng 12 năm 2009 9:19 PM
Tập truyện "Phước" của Hoàng Thiềng vừa được Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân cho ra mắt bạn đọc. Tập truyện gồm 2 truyện vừa và 2 truyện ngắn, lấy tên của một truyện vừa làm tên chung cho cả tập.
Trong cả 2 truyện vừa “Phước” và “Thắng điên”, một cuộc sống với ngồn ngộn những chi tiết được tác giả khéo léo sắp đặt qua ngôn ngữ văn chương đã cuốn hút người đọc dõi theo những thăng trầm của từng số phận nhân vật. Nhân vật chính trong “Phước” đã có 10 năm khoác áo lính. Không may, trong một lần hành quân, Phước bị mưa lũ cuốn theo dòng suối chảy xiết, rồi sau bị dạt vào mổt cánh rừng. mười ngày đêm cô độc trong cánh rừng đó, anh cố sống bằng những hoài niệm về ánh mắt của Hồng lúc chia tay cùng lời hò hẹn “nhất định ngày chiến thắng anh sẽ về”, về những kỷ niệm với anh em đồng đội trong tiểu đoàn 9. Những khắc khoải lo âu, những thảng thốt bất chợt khi nghe tiếng những chú sóc con chuyền cành, khi nhận ra đôi kỳ nhông đang âu yếm nhau, Phước nhấm nháp nỗi cô đơn của con người và mới thấu hiểu nỗi khát sống là thế nào. Đói thế mà khi thấy mười quả sung, Phước lại mường tượng và lần khân với đủ thứ chuyện quanh nó. Nỗi cô đơn và khát vọng sống đã đẩy tâm trạng của Phước lên tới đỉnh điểm làm người. Phước ăn dè từng quả và nghĩ đủ cách nhằm bảo toàn vài quả sung, để lũ chim không thể ăn dù chỉ một miếng. Những quả sung đã khơi gợi ý chí sống của Phước. Mười ngày cô đơn trong rừng đã trở thành nỗi ám ảnh suốt đời Phước, nhưng đó lại chính là những ngày minh chứng và hình thành rõ nét hơn phẩm cách làm người của anh chiến sĩ này. Nhưng mười ngày đó đã hằn vào lý lịch của Phước như một vết nhơ vì anh không thể chứng minh rằng mình bị cô độc giữa rừng. Mười năm cầm súng, trải qua hơn trăm trận đánh không chê vào đâu được, nhưng Phước không làm sao nói được sự thật về mười ngày. Và cũng vì mười ngày không được minh bạch, Phước bị buộc chuyển ngành với quân hàm binh nhất. Về làm bảo vệ ở cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư được một thời gian, Phước lại bị săm soi chuyện "mười ngày" xưa cũ ấy và cuối cùng anh bị buộc thôi việc. Số phận của một người lính như Phước chỉ còn được sống thanh thản trong tình thương yêu, sự nể trọng và sự cảm thông của vợ con, của những người bạn lính một thời chiến trận bên nhau. Đọc "Phước", mới thấm nhân cách người lính, và thấu hiểu vốn sống của tác giả từng có 18 năm trong quân ngũ và đã trải qua nhiều chiến dịch với nhiều trận đánh.
Nhân vật chính trong truyện vừa "Thắng điên" cũng vậy. Thắng đâu có điên. Anh rất tỉnh táo, minh mẫn khi nhận rõ tất cả những gì đang diễn ra để rồi ao ước một điều rằng mọi người hãy sống minh bạch, công tâm với chính mình. Hoàn cảnh sống của Phước, tình cảnh sống của Phước, tình bạn của Phước đan quyện vào nhau bằng những chi tiết sống động về cuộc đời. Phước khởi sự đi chửi dọc trên tuyến đường vào giấc trưa khi mà mọi người đang hối hả lo miếng ăn, giấc ngủ. Suốt bốn mươi năm, đúng 12 giờ, Thắng lại ngất ngưởng huơ hai tay, lúc giơ lên trời, lúc ngả sang phải, lúc nghiêng sang trái cất giọng sang sảng bắt đầu bằng câu về tông tộc nhà mình rồi tọc mạch lôi chuyện đời ra. Thắng chửi về sự giả dối, về sự tự huyễn hoặc. Ngẫm ra, tự huyễn hoặc cũng là một tội lỗi. Kẻ yếu toàn thân lại tự cho mình là khoẻ, việc gì cũng xung phong đảm nhận, rồi làm mứa mốt mứa hai. Thói huyễn hoặc khiến nhiều kẻ thấy cái gì cũng thèm, tự túm tóc nhắc lên rồi cho rằng mình đang bay. Có sự huyền hoặc tập thể, có sự huyễn hoặc cá nhân. Với lối kể đan quyện các chi tiết vào nhau, Hoàng Thiềng khắc hoạ thành công thân phận của Thắng trong cảnh đói nghèo nhưng không hề bi lụy. Có gì đó như nhân vật Phước, Thắng vẫn sống hạnh phúc bởi luôn biết yêu thương và trân trọng những gì mình có.
Còn 2 truyện ngắn "Người đàn bà dắt xe" và "Hãy nói tên em đi" của Hoàng Thiềng có cốt truyện mộc mạc, gần gũi với chuyện đời thường hiện nay, với lối viết giản dị, giọng văn chân thành mà khá sâu sắc. Nhiều khi cuộc sống sôi động đang diễn ra mách bảo ta cần tĩnh tâm hơn về tình đời, tình người.
Tập truyện "Phước" dường như đủ dung lượng cho một cuốn tiểu thuyết. Chắc Hoàng Thiềng có ẩn ý gì chăng? Tôi biết Hoàng Thiềng đã lâu, đọc những gì mà nhà văn đã viết mới càng nhận ra, nếu chỉ có vốn sống thôi chưa đủ, mà cần một nhân cách sống trong sáng mới có sức lay động lòng người qua từng trang viết. Có lẽ Hoàng Thiềng là một tác giả văn xuôi sáng tác khỏe nhất Hội Nhà văn Hải Phòng hiện nay. Chỉ tính trong vòng 5 năm qua, anh đã có tới 6 đầu sách được xuất bản. Đó là 4 cuốn tiểu thuyết: “Nguyện ơi”(2004), “Khúc biến tấu” (2005), “Bi ca Gốc Găng” (2007), “Nó” (2008), và 2 tập truyện “Cõi mê”, “Phước” (2009). 
HOÀI KHÁNH