Trang chủ » Tin văn và...

VÀI SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC "TRÒ CHƠI"

Hoàng Hiếu
Chủ nhật ngày 27 tháng 12 năm 2009 6:26 AM
 
“ Trò chơi” là một tiểu thuyết có độ dày vừa phải như thường thấy hiện nay, 179 trang với 23 chương ngắn.
  Thay vì đánh số thứ tự, mỗi chương được mang một cái tên. Khi là tên nhân vật, khi là một địa chỉ nhưng phần nhiều tên chỉ một trạng thái cảm xúc của tình yêu như “tan chảy”, “bùng nổ” hay “nguội lạnh”…
  Tôi để ý có hai chương ngắn nhất. Chương hai “Anh” và chương cuối “Đi Sài Gòn”. Chương đầu là sự bùng nổ để bắt đầu trò chơi tình yêu và chương cuối – cũng có thể gọi đó là một quyết định có tính bùng nổ - để kết thúc cuộc chơi và bắt đầu một cuộc chơi khác.
Chương thứ 20 mang danh một câu hỏi: “Chuyện gì thật sự đã xảy ra?”. Đó là chương sau những choáng ngợp ban đầu, những đợi chờ đê mê hy vọng, nhân vật chính bất ngờ phải nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào cái đích mà mình vừa nỗ lực tìm kiếm, nhìn thẳng vào những giá trị mà mình đã đặt cược…
   Đó là lúc cô thật sự cô đơn và khủng hoảng.
  Cách viết không có gì mới,chuyện cũng không có gì mới, lại na ná như chuyện tình của các cô chiêu cậu ấm trong phim truyền hình Hàn Quốc. Nhưng, tác giả viết khá hoạt, thuộc đời sống nên đã hấp dẫn được các độc giả trẻ bởi những sinh hoạt của lớp thị dân trẻ mới, những cảnh làm tình và cả những bản nhạc thời thượng.
  Ngay cả lời đề tựa “ Tình yêu là trò không dễ chơi” lấy từ một câu trong bài hát Yesterday của ban nhạc The Beatles cũng là một nét thời thượng.
 Cuốn tiểu thuyết  đưa ra  quan niệm sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên hôm nay – Tình yêu là quan trọng nhất , được sống thật với mình là quan trọng nhất, tự do là tuyệt đối và được hưởng thụ trọn vẹn những hương vị tình yêu là giá trị cuộc sống, là chiều sâu cuộc sống.
   Đó là một quan niệm có phần chính đáng nhưng thực ra chưa đầy đủ và nhuốm màu vị kỷ.
  Vật vã trong cô đơn để đi tìm những giá trị mới của cuộc sống nhưng cái kết cục của cuộc kiếm tìm trong truyện lại hơi kỳ dị.
  “Chị” là một nhân vật được xây dựng với tham vọng tạo nên một đối trọng nhưng có vẻ như còn vội vã, thiếu đường nét lại không điển hình và nặng phần chủ quan áp đặt của tác giả.
    Nhưng, tựa vào nhân vật  này, tác giả lại muốn đi đến một kết luận quan trọng: “Mỗi  ngày qua đi những giá trị cũ đang lung lay thay đổi”.
  Có thật tất cả những giá trị cũ đang lung lay thay đổi? Và cái mới nào rồi đây sẽ được công nhận là có giá trị với cuộc đời ?
  Có phải  cứ sống như “Tôi” – nhân vật chính trong truyện -mới là mới ?
   Đó là những câu hỏi không dễ trả lời đặt ra không phải chỉ cho riêng thế hệ trẻ, cho riêng những người đang yêu?