Trang chủ » Tin văn và...

THƠ TÌNH HÀ NỘI

Vân Long
Thứ ba ngày 22 tháng 12 năm 2009 10:02 AM

(NXB Trẻ & Tủ sách Sơn ca 2009, tháng 11-2009)
tập thơ mở đầu kỷ niệm 1.000 nămThăng Long- Hà Nội

           “Thơ tình Hà Nội” là một biển nước mênh mông. Người làm sách đã khéo quy tụ (và gạt bớt) cho vừa một không gian 100 bài thơ với 100 thi sĩ “ quy tụ hầu hết các thế hệ làm thơ tại Hà Nội, dù còn sót không ít người” Hai điều ngỡ mâu thuẫn nhau mà vẫn chung sống được, khi các anh dùng tiêu chí (một chiếc cần gạt êm ái) để những danh sĩ vắng mặt  không có lý gì trách cứ: những tác giả đồng ý có mặt trong tập thơ này! (xin hiểu đơn giản là những tác giả có gửi bài).  Truyền thông đã giới thiệu tên những nhà thơ có mặt trong tập, các nhà thơ Hà Nội hữu danh thì nhiều, nếu được trực tiếp hỏi “bạn muốn có mặt trong tập này không?”, thì chắc không ai từ chối. Nếu vậy, tập thơ sẽ còn rất ít chỗ cho các bạn trẻ, mà tình yêu là của tuổi trẻ, ít nhất độc giả cũng muốn biết ngôn ngữ tình yêu của tuổi trẻ hôm nay! Tập thơ tuy vắng mặt một số nhà thơ rất Hà Nội: Bằng Việt, Phan thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Chử Văn Long, Nguyễn thị Hồng Ngát. Đoàn thị Lam Luyến…mà không cảm thấy thiếu hụt khi chất thơ Hà Nội được lan toả trong cả tập thơ, khi các bạn này mải ruổi theo một Tuyển tập lớn, một kịch bản quan trọng, một dự án không ai làm thay được…mà quên mất lời mời của thơ tình Hà Nội chăng ? nhất là nó lại thực hiện cách Hà thành cả ngàn cây số!
 Tôi gặp ở thơ tình Hà Nội không chỉ những tên tuổi bạn thơ quen, mà cả những bài, những câu thơ hay tôi từng đọc, từng khen khi tác giả còn rất trẻ: Một mảng thơ đẫm nội lực tình yêu của Trần Quang Quý: Mùa thu xa nhau mùa thu rất rộng/ Rót bao nhiêu thương nhớ cũng không đầy…Bếp im lửa,/ Que diêm buồn/ im hộp/ Anh một mình hoang dại nỗi không em! (Mùa thu xa). Hoặc một bài thơ khác, của Giáng Vân, chọn góc độ và cách nói lạ : Ta là con gái nhà quê/ Một mình bước trên phố dài/ Lòng nhớ nắng và nhớ gió (Lửng lơ). Một sắc thái vừa khiêm cẩn vừa kiêu sang, nhận là nhà quê, lại một mình trên phố (không gian này không phải của mình), nhưng không dụt dè mà vẫn xưng ta đầy tự tin, hoặc là chỉ để tự nói với mình. Xưa nay bài thơ tình thường chỉ một chủ thể và một khách thể anh và em. Ta ở đây lại là nhân vật thứ ba, nhân vật thêm một (thêm một người thứ ba/ chuyện tình đâm dang dở - Trần Hòa Bình). Nhân vật này ghen với người con gái có câu hát lửng lơ (chỉ qua giọng hát đã thấy được ưu thế của tuổi trẻ và nhan sắc). Nhưng một thứ ghen cao thượng, ghen mà không ghét, một thứ liễu hờn kém xanh mà thôi: Ta gặp anh, ta viết thơ buồn: Ta biết anh là của câu hát lửng lơ kia/ Của một trời đắm say còn bỏ ngỏ… Bao nhiêu năm rồi hẳn hai tác giả này vẫn tự thấy hai bài thơ trên là hai cái đỉnh thơ  đáng nhớ của mình, không dễ vượt qua! Thế mới biết thơ hay là của độc (trời cho?), khó gặp hai lần. Chỉ người thợ bậc 7 mới có nhiều sản phẩm bậc 7! Còn nhà thơ…
 Lang thang trong thơ tình Hà nội, tôi như lang thang trong Đêm Hà Nội với  Đoàn Mạnh Phương: Đêm mượt như nhung/Mặt trời ngủ trong căn phòng khép cửa/ Thành phố thức với bao điều quyến rũ./Dạ hương bay mơ mộng một tình yêu…Thành phố trong đêm như thật mình hơn! Không gian chợt lắng để một  chàng thi sĩ có thể tung ra câu thơ độc đáo: Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống/ Phóng như bay vào nỗi chán chường (Bâng quơ - Nguyễn Bình Phương) Nếu mỗi xe chở một cô nàng xinh đẹp, hẳn nơi đến của xe sẽ khác…nhưng đó chỉ là nghĩa đen của câu thơ đa nghĩa, không nên chỉ …thực dụng như vậy! Tôi tiếp tục theo Mai Văn Phấn :…dẫn ta về / Thành Thăng Long mây khói/ Nền xưa và dấu xe…để thấy Cây lá ở Nghi Tàm/ thon những bàn tay phật/ Ta nhìn vào sương tan/ Thấy lòng mình trong vắt…(Nghi Tàm).
 Ở tuổi trẻ tích cực hôm nay, ta không cần quen biết tác giả, mà chỉ qua hình thức câu thơ, nội dung câu thơ đã thấy hiện lên hành động, tâm thế, đến tấm lòng ơn nghĩa với Nghìn năm: Thời gian gõ phố phường mở cửa, anh gõ vào bàn phím lướt thời gian. Xa lộ thông tin vẫn xanh lời ru, vẫn vọng tiểng rùa đội bia thờ chữ đá, mặc định từng mốc tầng khảo cổ nơi ta chạm vào gươm báu kinh thành. (Mãi vẫn còn – Hà Linh). 
 Hà Nội có bao gương mặt người thì có bấy nhiêu trạng thái tình yêu: Em tan biến mưa rùng mình trút vội/ Theo ngọn gió mồ côi tôi lặn lội/ Ngấm men say tôi là gã si tình/ Cơn mưa chiều gội sạch để em xinh… (Mưa Hà Nội- Hữu Kim). Tác   giả hẳn là một chàng trai lãng mạn, anh còn theo ngọn gió mồ côi lặn lội đi tìm nhiều…ảo ảnh như thế nữa, cho đến khi…Khi người ta yêu và được yêu thực sự, nhất là khi yêu một cô gái biết làm thơ, thì lại có mối lo khác: Trái tim anh ngẩn ngơ vì những câu thơ em viết/ Chỉ xin em / Đừng quất vào anh bằng những câu thơ / ly biệt!  (Không đề - Hồ Huy Sơn). Lần thứ hai tôi khuyên chữ quất (lần đầu: Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Không đổi giọng Tân Cương-Phùng Cung). Khi đã ly biệt, sự việc đâu có giản đơn! Một nỗi Ám ảnh (Võ Ánh Hồng) còn giăng mắc suốt không gian, thời gian  sống của người trong cuộc. Ta hình dung ra căn buồng 26 mét vuông của cô gái bị phụ tình. Nỗi ám ảnh từ bao nhiêu con thú bông tặng vật cứ: Chòng chọc nhìn em/ Đắm đuối nhìn em/Đờ đẫn nhìn em/ Trìu mến nhìn em…Thôi đi/ Để tôi yên! Em ném thú bông vào thú bông/ Em ném đồ vật vào góc tường./ Em xịt nước từ vòi hoa sen vào mọi ngóc ngách mà ánh mắt từng ngự trị…Ta chúc cho thời gian làm nhanh phận sự của nó ở nhà cô gái ấy để trả lại cho cô tấm lòng thanh thản!
 Tập thơ dân chủ ở sự xếp sắp theo vần tên tác giả, tác giả đầu tiên Bùi Kim Anh không chủ định mà vẫn làm được việc giới thiệu nét thanh lịch Hà Nội, qua giọng thơ uyển chuyển nữ tính từ ngay dòng đầu: Gửi người ở chốn Nghi Tàm/  Một câu thơ đã muộn màng với hoa. (Lối hoa rơi-Bùi Kim Anh). Nói chung các nhà thơ có tuổi làm thơ tình yêu nhiều đam mê hơn cánh trẻ, có phải do sự tiếc nuối cái điều quý giá ấy sắp vượt khỏi tầm tay: Bỗng dưng thương vội nhớ dồn/ Một câu thơ mỏng đôi hồn song song (Bỗng dưng- Vũ Quần Phương), Còn lâu mới hết trẻ trung / Ta còn thơ thẩn ở vùng đam mê (Mây - Ngọc Bái).  
    Thơ tình yêu có được dư vang nhiều khi nhờ tâm thế những mối tình hụt hẫng. Trong tập, có nỗi vô vọng của một thi sĩ  trải đời, được thể hiện khá cao tay bằng một bài thơ ngắn thi tại ngôn ngoại, gây ấn tượng chỉ trong 26 âm tiết: Em đã thả vào hồn tôi/ Một con rắn/ Một con mèo/ Một con chim chiền chiện hót./ Và nụ hôn đặt ở phía chân trời. (Em-Nguyễn Đăng Luận). Tác giả làm thơ đã lâu, bài thơ này gây cho tôi một ngạc nhiên, vui mừng về bài thơ đột khởi sau những kiên trì trên dặm đường Thơ. Anh tìm đến đích bằng sự kiệm lời, mà câu thơ vẫn uyển chuyển…
 Tôi còn có thể lang thang dài dài, nhất là với các bạn trẻ trong tập mà tôi chưa tìm hiểu được bao nhiêu. Nhưng thơ cũng như tình yêu, Bài thơ hay nhất của mỗi thi sĩ cứ chờn vờn trước mặt như cánh chuồn tuổi thơ, (bài thơ hay nhất của tập cũng vậy, khó mà xác định! ). Khi tôi dẫn đến câu của Nguyễn Đăng Luận: Và nụ hôn đặt ở phía chân trời  thì thấy hình như câu kết này cũng giống tình yêu của thế gian vậy! Không mấy cuộc tình đạt được ước mơ của người trong cuộc! Hình như tôi có lần cũng kết bài thơ bằng câu: Thì thôi em cứ là khao khát / không cùng như tháng năm …(Người ấy).
 Nhìn chung, thơ tình Hà Nội  là tập thơ đẹp một cách trang nhã, hàm chứa được nhiều nét tinh tế, thanh lịch Hà Nội. Nhận xét này là tổng quát, không chỉ dành cho phần mỹ thuật, mà quan trọng là phần nội dung, nghệ thuật. Ngày thường nhận được tập thơ tặng (cũng gần như chuyện thường ngày), nhiều tập chỉ đọc lướt, mắt vẫn vấp phải những câu, những chữ gây phản cảm, hoặc cầu kỳ diêm dúa, hoặc rối rắm, tối nghĩa, không chủ đích, những tìm tòi không tăng thêm mỹ cảm mà nhiều lúc gây tổn thương sự trong sáng của tiếng Việt…Tôi cảm kích nghĩ đến công phu của những người biên tập (nhóm tuyển chọn: Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Nguyễn ĐôngThức) khi nhận được hàng nghìn bài mà chỉ chọn lấy 100! Người biên tập khó làm cho mỗi bài thơ hay hơn, nhưng đã bằng con mắt xanh chọn ra những bài có sắc thái riêng của mỗi tác giả, và ngăn được tối đa những cỏ dại, sạn sỏi đang tràn lan trên nhiều ấn phẩm hiện nay, cho thơ tình Hà Nội nổi lên thành một công viên tươi sạch với nhiều vẻ đẹp của hoa.