Trang chủ » Tin văn và...

TIN LÀM XÓT XA NHẤT TRONG TUẦN

Vnn.vn
Chủ nhật ngày 27 tháng 12 năm 2009 4:07 PM

Nông dân là quân chủ lực
Một thời tôi hát say mê
Nông dân bây giờ quá khổ
Bao nhiêu tai họa ê chề
Phân cao, điện cao, xăng đắt
Lại còn chiêm thối mùa khê
Liên minh công nông một thuở
Có còn nhớ đến nhà quê ?
(Thơ bình của Trương tuần)


Phú Yên:
Khóc ròng nhìn lúa lép, sắn thối sau lũ
Cập nhật lúc 19:33, Thứ Bảy, 26/12/2009 (GMT+7)
,

 - Ra sức đạp lúa từ sáng đến trưa, rơm chất cả đống nhưng chỉ thu được 2 thúng lúa, chị Trần Thị Xinh, bùi ngùi: “Thóc lúa kiểu này chắc năm nay đói to rồi!”.

Về xã An Cư (huyện Tuy An, Phú Yên) những ngày này, đi đâu cũng thấy nông dân gặt lúa trong tâm trạng não nề, buồn bã.

Gặt một sào chỉ được một bao lúa

Thấy ông Phạm Văn Nga, một nông dân ở thôn Phú Lương phải dùng thùng phuy kê đập lúa lấy thóc, chúng tôi hỏi sao không dùng máy tuốt lúa, ông Nga thở dài: “Lúa vụ tháng 10-12 từ rẫy đến ruộng đều bị lép nếu thuê máy tuốt lúa thì không đủ lúa trả cho chủ máy”. 


Tại một đám lúa chín le hoe ở thôn Phú Tân 1 hai mẹ con chị Trần Thị Tâm cũng không buồn cắt lúa. Chị ngậm ngùi: “Cả vùng này lúa hầu như hư hại hoàn toàn, đám nào không bị ngập lụt thì bị chuột cắn nát, gặt cả sào chỉ được một bao lúa”.

Hàng trăm nông dân ở xã An Hòa (huyện Tuy An) cũng “dở khóc, dở mếu” vì tình trạng lúa mất trắng. Trên cánh đồng Láng của xã An Hòa, sau khi gieo sạ trời nắng ruộng khô cứng, cây lúa không sống nổi. Hiện tại cánh đồng Láng chỉ là đồng cỏ hoang. Một vài đám lúa sống sót thì hiện tại không có hạt, nông dân thu hoạch chỉ để lấy rơm rạ làm thức ăn cho bò.
’Người ’Người
Người dân ra sức mót nhưng không được bao nhiêu lúa. Ảnh: M.H.N

Bà Bùi Thị Mới, ở thôn Phú Điềm (An Hòa) đưa tay quệt nước mắt, nẫu ruột: “Tôi gieo cả mẫu đều mất trắng cả, tiền công cày bừa, phân thuốc, giống má còn nợ gần 10 triệu đồng. Chưa có năm nào nông dân lại khốn đốn thất bại như năm nay”.

Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết, diện tích lúa vụ tháng 10 -12, toàn huyện Tuy An gieo sạ 2.196 ha nhưng đã có 1.785 ha mất mùa. Theo ông Ngoạn, nguyên nhân là đợt lũ bão hồi đầu tháng 11 vừa qua nhiều ruộng lúa bị ngập úng không phát triển được, hoặc bị chuột cắn phá... Những vùng lúa gò đồi thì khi trổ trời không mưa nên lúa lép hạt. Ước tính năng suất lúa năm nay trung bình chỉ đạt 14-16tạ/ha (1 sào= 500 m2 nhưng năng suất khoảng 70 kg /sào) thấp nhất từ trước đến nay.

Nước mắt rơi theo … củ sắn

Sau khi lũ rút, nhà chị Trần Thị Tuyết, một người dân ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) chỉ còn sót lại một cái nồi “kẹt” trong gốc mít. Giờ lại đối mặt với ruộng lúa vừa trổ lép xẹp, chị không dám hình dung cuộc sống trong những ngày tới sẽ như thế nào.

Chủ nhiệm HTX An Chấn (huyện Tuy An) ông Nguyễn Minh Đức, cho biết: vụ lúa tháng 10-12 nông dân ở xã An Chấn cũng thất thu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, cái đói đến là điều không thể tránh khỏi.

 

Nhiều đám lúa chín bị chuột cắn phá xác xơ.  Ảnh: M.H.N

Chị Trần Thị Xinh, ở thôn Phú Điềm, xã An Hòa (Tuy An) vừa nói vừa rơm rớm nước mắt: “Đôi dép con gái tôi mòn sát gót lại bị rách, đi học bạn bè thấy vậy chọc ghẹo, nó về đòi mua dép mới nhưng hiện giờ trong nhà đến gạo ăn còn thiếu… Nhìn con khóc, mình mủi lòng khóc theo chứ biết sao bây giờ”.

Bà Triệu Thị Đậm, ở thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp (Tuy An) dùng tay cố giũ trong đống rơm mót từng hạt lúa sót lại rơi vãi trên nền đất lòng quặn thắt: “Nói ra xấu hổ chứ hôm qua nấu nồi cơm cho ba của đứa nhỏ gặt lúa ngoài đồng nhưng không có tiền mua thức ăn phải chạy vạy vay 5.000 đồng mua mấy con cá mặn”.

Người dân thẫn thờ nhìn ruộng sắn cũ thối. Ảnh: M.H.N

Sau lũ, nhìn những đám sắn chạy dọc theo triền soi Đồng Hội, xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) vẫn còn xanh mượt, người dân ở đây ai cũng vui mừng. Thế nhưng, lúc thu hoạch thì ai cũng ứa nước mắt vì hầu hết sắn bị thối củ.

 

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đồng Xuân, diện tích sắn bị đổ ngã, ngập úng trong đợt lũ vừa qua lên đến 2.120ha.

“Cả gia đình chỉ trông chờ thu hoạch vụ sắn lấy tiền để trang trải cuộc sống từ đây đến Tết Nguyên đán vậy mà …”- chị Nguyễn Thị Sơn Định (thôn Đồng Hội) buồn bã, thở dài.

Ông Phạm Ngọc Liên, Bí thư huyện ủy huyện Đồng Xuân chia sẻ: “Sau lũ nhờ tấm lòng hảo tâm bà con gần xa ủng hộ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng về lâu về dài cuộc sống nhân dân gặp nhiều khó khăn vì thiệt hại cơn lũ vừa qua quá lớn”.