Trang chủ » Tin văn và...

CỬA ĐÃ MỞ NHƯNG CHƯA CÓ LỐI ĐI

SGGP
Thứ hai ngày 28 tháng 12 năm 2009 2:58 PM


Ông Hoàng Thúy Toàn
 

Trước Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài Cửa đã mở nhưng chưa có lối đi

Với sự tham gia của 108 nhà văn, dịch giả trong cả nước cùng đại diện các NXB của 32 quốc gia trên thế giới, Hội nghị Quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam ra nước ngoài sẽ diễn ra từ 5 đến 10-1-2010, được xem là hoạt động quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã gặp gỡ một số nhân vật có ảnh hưởng đến việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài để tìm hiểu tình hình cũng như khả năng của văn học Việt Nam trên con đường xuất ngoại.
Dịch giả Hoàng Thúy Toàn-Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội nhà văn Việt Nam: Cần dịch giả bản xứ chuyển ngữ
 
- Phóng viên: Thưa ông, cái khó nhất của việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay là gì?
- Dịch giả HOÀNG THÚY TOÀN: Dĩ nhiên là dịch thuật. Điều đó cũng giống y như đối với các tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam. Một tác phẩm dù có nổi tiếng, có hay đến mấy nhưng nếu chưa chuyển ngữ, chưa dịch thì việc tiếp cận bạn đọc trong nước cũng rất khó khăn. Tác phẩm nổi tiếng còn thế huống gì các tác phẩm của chúng ta vốn vẫn chưa được bạn đọc nước ngoài biết đến nhiều.
- Vậy để có được các tác phẩm chuyển ngữ văn học trong nước có chất lượng tốt nhằm giới thiệu cho bạn đọc nước ngoài, chúng ta cần làm gì?
- Trước hết cần phải chú ý rằng, các tác phẩm văn học nước ngoài hay, được giới thiệu với bạn đọc trong nước từ trước đến nay, thì dịch giả đều là người trong nước. Các dịch giả đó có trình độ ngoại ngữ tốt, trình độ tiếng Việt giỏi và nhất là am hiểu văn hóa của đất nước mình. Chính vì thế, khi dịch họ có thể biến chuyển một số chi tiết của nguyên tác sao cho bạn đọc trong nước có thể hiểu được, đồng thời giữ nguyên cái hồn của tác phẩm gốc.
Đối với việc đưa tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài tình hình cũng y như thế. Dĩ nhiên, dịch giả của chúng ta cũng có người làm được nhưng nhiều vấn đề văn hóa ta không thể bằng được chính bản thân những người bản xứ, nhất là khi dịch giả bản xứ đó cũng làm văn học.
Trên thực tế, vừa qua có nhiều bản dịch tác phẩm văn học trong nước có chất lượng cao, được bạn đọc thế giới đón nhận, đều là của các dịch giả nước ngoài như giáo sư, nhà thơ Mỹ John Balaban, người đã dịch các tác phẩm thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh. Hay như trước đây có nữ dịch giả Ý Joyce Lussu dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Ý, nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai dịch sang tiếng Mông Cổ…
Do đó tôi cho rằng, trước mắt việc dịch các tác phẩm văn học trong nước sang tiếng nước ngoài thì một số dịch giả trong nước vẫn có thể làm tốt. Nhưng để quảng bá rộng rãi văn học nước nhà trên thế giới, chúng ta lại rất cần tới sự quan tâm của dịch giả các nước đối với tác phẩm Việt Nam.
- Vậy cần làm gì để dịch giả thế giới mặn mà hơn với tác phẩm của Việt Nam?
- Thực ra, dù chưa có một hoạt động cụ thể nào để khuyến khích dịch giả nước ngoài dịch văn học trong nước, nhưng bằng tình yêu đối với đất nước, con người Việt Nam, nhiều dịch giả đã tự dịch các tác phẩm Việt như Hàn Quốc, Rumani dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật Bản dịch một số truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh… Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tình yêu không thì lại chưa đủ. Các dịch giả dù yêu quý Việt Nam nhưng họ cũng phải sống, việc dịch vì yêu mến họ chỉ có thể làm những lúc rảnh rỗi, mang tính thời vụ hơn là một công việc thực sự.
Để thay đổi tình hình này rất cần đến một sự đầu tư thiết thực của Nhà nước. Một sự đầu tư đúng đắn sẽ tạo điều kiện để các dịch giả thế giới có cơ hội thể hiện nhiều hơn tình cảm của họ đối với các tác phẩm văn học Việt Nam. Ở lĩnh vực dịch thuật cánh cửa đã mở, chỉ còn thiếu một lối đi để tác phẩm trong nước đi ra với thế giới.