(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một lần nữa, vấn đề tăng lương lại có thể “đến hẹn” nhưng không “lại lên” theo như lộ trình của Quốc hội. Lý do thì vẫn như cũ: Không đủ ngân sách. Đây là lý do rất cụ thể, rất chính xác, rất đích đáng… bởi nói gì thì nói, không có tiền thì “bó tay chấm com”. Tăng lương là phải có tiền chứ không thể tăng bằng những lời hứa, những khẩu hiệu hay những quyết tâm dù là quyết tâm chính trị.
Mà ngân sách năm nay, như lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh: Rất căng!
Bộ trưởng Vinh cho biết số tuyệt đối của Ngân sách Nhà nước năm 2014 là 255.750 tỷ đồng thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng, ngân sách Trung ương trừ đi vốn nước ngoài… hiện còn 45.000 tỷ đồng.
“45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Biết là không thể đòi hỏi Chính phủ và Bộ Tài chính hơn nhưng con số thật rất nhỏ để có thể điều tiết!”. Bộ trưởng Vinh lo lắng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng đầy trăn trở: “Trong khi ta liên tục nói thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ máy, nhưng cho đến nay bộ máy của ta vẫn chưa cải cách, tinh giản được gọn nhẹ và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề. Người ta vẫn đang nói một bộ phận cán bộ viên chức năng suất làm việc thấp, chất lượng công việc không tốt… thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương?".
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) băn khoăn là sau kỳ họp này không biết trả lời cử tri thế nào, vì năm trước không tăng, cử tri chất vấn thì đã nói 2016 sẽ tăng. Giờ lại nói ngân sách chưa cân đối được mà vẫn là lý do như của 2015.
Riêng ĐB Trần Du Lịch không “than vãn” mà đưa ra giải pháp dù giải pháp không mới. Đó là cắt mạnh mẽ vào các khoản chi tiền tiếp khách, giao lưu, kỷ niệm, đi nước ngoài…
“Cắt hết đi, đừng biến đi nước ngoài du lịch thành nghiên cứu, học tập để nhà nước trả tiền, cắt cái đó thì có tiền để tăng lương”. Ông Lịch nói gay gắt, song không phải không có lý.
Người viết bài này chưa có số liệu của năm 2014 nhưng theo con số của 2 năm 2012 (3.780 đoàn) và 2013 (3.200 đoàn), tổng số có tới gần 7.000 đoàn của các bộ, ngành đi nước ngoài.
Trong khi đó, cuối năm 2014, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã cảnh báo: "Chúng ta cứ nói tiết kiệm chi, không dám mua ôtô cỡ 700-800 triệu đồng, nhưng chỉ một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên thanh toán vé máy bay, tiền khách sạn hết khoảng 50.000 USD đã hơn tiền chiếc ôtô".
Không chỉ đi nước ngoài, việc tổ chức hội hè, giao lưu, kỉ niệm cũng vô cùng tốn kém. Tỉnh thành kỉ niệm, bộ ngành kỉ niệm, xã huyện cũng kỉ niệm... Mỗi năm, không biết có biết bao nhiêu tiền cho khâu tổ chức đón rước, khởi công, khánh thành, kỉ niệm được chi từ ngân sách nhà nước.
Trong khi kinh tế phát triển chưa ổn định, nợ công đang ở mức cao, biên cương luôn luôn bị đe dọa. Các công trình công cộng và phúc lợi như bệnh viện, trường học vẫn thiếu thốn trầm trọng. Đời sống nhân dân nhiều vùng còn rất khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…
Trong khi đời sống người lao động dù vẫn rất nan giải nhưng không đủ ngân sách để tăng lương, Quốc hội lại đứng trước nguy cơ lỗi hẹn.
Thay bằng việc giao lưu, kỉ niệm, đi nước ngoài, sẽ có ích hơn nếu như số tiền đó được dùng cho các việc trên, nhất là hiện đại quân đội để bảo vệ lãnh thổ, xây trường học, bệnh viện để cho các em đến trường và cho bệnh nhân thoát khỏi cảnh chen chúc đồng thời tăng lương cho người lao động thì tốt biết bao nhiêu.
Trước mắt, mong rằng Quốc hội có những biện pháp triệt để, đừng để lại thêm một lần “lỗi hẹn” cùng lương.
Bùi Hoàng Tám