TNc: Xin lỗi tác giả Kim Dung Kì Duyên, trang nhà không đưa cả phần 1 vì trang TNc đã đưa và không muốn nói thêm việc buồn của đồng nghiệp mà lòng mình cũng nẫu...
Vụ việc thứ hai, liên quan đến công tác cán bộ.
Đây là lĩnh vực vốn cực kỳ nhạy cảm. Bởi nó liên quan đến lợi ích của đất nước đã đành, nó còn liên quan mật thiết đến lợi ích cá nhân của người được trúng cử, bầu cử, bổ nhiệm.
Đó là chuyện hàng loạt cán bộ trẻ được giới thiệu, bổ nhiệm, bầu vào các lĩnh vực quan trọng chủ chốt các tỉnh. Trẻ nhất 27 tuổi, nhiều tuổi nhất chưa đến 40, vào các chức vụ thành ủy viên, tỉnh ủy viên, bí thư thành ủy, bí thư tỉnh ủy….v..v… Đáng chú ý, họ đều là những người “nối nghiệp cha anh”- con của các quan chức lãnh đạo cấp cao.
Hiện tượng đó đáng mừng hay đáng nghĩ?
Đáng mừng- nếu nhìn vào tuổi tác, nhưng đặc biệt là học vấn. Hầu hết họ đều được đào tạo khá bài bản ở các quốc gia văn minh. Có người đã trải qua các môi trường, hoàn cảnh công tác ở cơ sở, ngành nghề. Vì thế, tư duy của họ dễ tiếp nhận, tiệm cận với những thông tin hiện đại, cách nghĩ hiện đại, đời sống hiện đại. Cách đi của họ rất có thể sẽ nhanh hơn năng lực hành động của cha anh họ.
Thật ra, hiện tượng COCC nối nghiệp cha anh không phải hiếm ở các quốc gia. Thậm chí ở đó, các “gia đình chính trị” (một dòng họ, một gia đình có nhiều người tham gia vào chính thể, chính quyền bằng tài năng đích thực của mình) vẫn được người dân nể trọng, ngưỡng mộ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Dân trí
Theo các nhà quan sát, nghiên cứu quốc tế, Mỹ là quốc gia điển hình về hiện tượng có các “gia đình chính trị”. Những “gia đình chính trị” đó có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển dân chủ, tự do, và kinh tế- XH nước Mỹ. Nổi tiếng nhất trong số đó là dòng họ và các gia đình Roosevelt, Adam, Harrison, Kennedy, Clinton và Bush. Bốn gia đình Roosevelt, Adams, Harrison và Bush đều có hai đời tổng thống. Như vậy, trong 44 tổng thống nước Mỹ, đã có đến tám người từ bốn gia đình đó.
Tỷ như, John F. Kennedy làm Tổng thống (1961-1963), một người em trai của ông là Robert F. Kennedy giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và em trai út Ted Kennedy là Thượng nghị sỹ. Giai đoạn Tổng thống Mỹ George W. Bush nắm giữ quyền hành (2001-2009), em trai ông, Jeb Bush, làm thống đốc Florida (1999-2007).
Hiện tượng “gia đình chính trị” còn khá phổ biến ở ngay châu Á. Như ở Ấn Độ (gia tộc Gandhi đầy quyền lực), Hàn Quốc (hai cha con đều làm Tổng thống: Tổng thống Park Chung-hee (1962-1979) và nữ Tổng thống Park Geun-hye, đồng thời cũng là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ở Malaysia, Thủ tướng Najib Razak, có cha là Thủ tướng Abdul Razak (1970-1976). Ở Singapore cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là thân sinh Thủ tướng Lý Hiển Long v…v…
Vì sao? Đó là bởi các “gia đình chính trị” này họ cống hiến không mệt mỏi cho sự phát triển, làm nên “thương hiệu”quốc gia, cộng đồng của họ giữa nhân loại. Và bởi quá trình ứng cử, bầu cử, do đặc thù nền quản trị quốc gia, khiến cho việc tuyển chọn khó có sự nhầm lẫn giữa đá và … kim cương.
Còn ở XH ta? Mặc dù tất cả các nhân sự được bổ nhiệm từ cơ sở các ngành, các tỉnh rất “đúng quy trình” nhưng dư luận XH vẫn không hết lăn tăn, thậm chí hoài nghi. Như câu hỏi của phóng viên Infonet (ngày 17/10) đã rất thẳng thắn với ông Nguyễn Xuân Anh, tân Bí thư TU Đà Nẵng: Có một câu hỏi “cũ” đã có nhiều người đặt ra, và hiện vẫn có nhiều người đang đặt ra. Nếu ba của ông không phải là bác Nguyễn Văn Chi (nguyên Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN, nguyên Ủy viên Bộ CT, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ) thì ông có nghĩ mình sẽ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào thời điểm hiện nay không?
Người dân không có lỗi nếu họ không tin vào cái sự “đúng quy trình”. Cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều sơ hở, chính sách cán bộ không ít bất cập, tiêu cực, đã khiến cho dân gian có những tổng kết buồn: Hậu duệ, tiền tệ, quan hệ, trí tuệ.
Trả lời phỏng vấn của báo GDVN, ngày 20/10 mới đây, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó CN UB Kiểm tra TƯ cũng cho rằng: Vấn đề đề bạt, bổ nhiệm phải tiến hành dân chủ thực sự chứ không được hình thức. Bên cạnh bầu cử, nên thực hiện thi tuyển lãnh đạo và nhân rộng hình thức này. Hai hình thức tuyển chọn cán bộ phải được tiến hành song song. Không nên phân biệt là con cán bộ, hay con nông dân. Đã là hiền tài phải được đối xử công bằng. Mặt khác, cần loại bỏ nhóm lợi ích tác động vào việc thi cử, bầu bán, với mục đích xấu, nhằm thu vén, mưu lợi cá nhân. Kiểu làm ăn như vậy sẽ có tội với lịch sử, có tội với đất nước.
Ở cương vị bậc làm cha mẹ, có ai không vui mừng khi con cái trưởng thành, thành đạt, có vị thế trong XH?
Nhưng ở cương vị công dân và trách nhiệm XH, thì sự ủng hộ con cái đứng ra gánh vác việc nước, trước hết phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Ông Nguyễn Xuân Anh, tân bí thư Đà Nẵng
Thế nên, với các nhân sự cấp cao vừa được giới thiệu, bầu cử, bổ nhiệm, vị thế mới vừa là cơ may khẳng định năng lực, nhưng lớn hơn cả, lại là áp lực của dư luận XH lên chính họ. Không còn con đường nào khác, họ phải vượt lên chính mình, vượt lên cả… cái bóng của cha anh họ. Chứng minh bằng trí tuệ, năng lực hành động, giúp ích cho đời thật sự, và chứng minh sự hoài nghi của XH là … không đúng chỗ. Đó mới là điều cần thiết, trước mắt và lâu dài.
Người viết bài chú ý đến câu trả lời tự tin của ông Nguyễn Xuân Anh trong vệt bài phỏng vấn 04 kỳ của Infonet: Tôi đánh giá tôi trong sáng. Trong sạch hay không thì để mọi người đánh giá, nhưng tôi nghĩ tôi không dính vào bất cứ vấn đề gì tiêu cực, không bè phái, không phe cánh.
… Tôi nghĩ là có chứ không phải không “một bộ phận không nhỏ” các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ì ạch, nhũng nhiễu, dư luận ồn ào thì mình để yên sao? Để làm được điều đó thì anh phải sạch cái đã, thì khi anh thay họ, họ mới tâm phục khẩu phục, chứ không phải thay họ để anh đưa anh em, bà con, thân tin, ê kíp của anh vào.
Có câu thực tiễn là thước đo chân lý. Nhưng đôi khi không cần quá cao xa, thực tiễn là thước đo của… lời nói. Nên hãy để thực tiễn chứng minh.
Cái ghế là quyền lực, nhưng chỉ tài năng, nhân cách mới làm nên quyền uy. Và ở đời, quyền lực chỉ trọn vẹn, khiến cộng đồng ngưỡng mộ khi con người thực sự có quyền uy.
Câu chuyện danh lợi xung quanh vụ “đạo thơ” đã đi vào hồi kết. Còn câu chuyện về danh vọng của những nhân sự trẻ, giờ mới mở ra. Dù khác nhau một trời một vực, điểm gặp nhau duy nhất của nó là ở chỗ này- danh lợi hay danh vọng chỉ có ý nghĩa tích cực, nếu hàm chứa giá trị đích thực, góp phần thúc đẩy XH trở nên dân chủ, văn minh, công bằng và văn hóa. Nếu không, cũng chỉ là …. danh hão.
——–
Bài trên TVN: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/269391/tan-bi-thu-da-nang–can-bo-u40-va-chu-danh.html