Hanna Samson là nữ nhà văn, nhà tâm lý học, nhà nữ quyền Ba Lan. Tiểu thuyết, kịch và truyện ngắn của bà thường viết về những người phụ nữ đi tìm cái tôi của mình, về đề tài tình yêu và tình dục, về cuộc sống vợ chồng, về gia đình và về số phận lắm khi trớ trêu của nữ giới. Đó là những tác phẩm đậm tính nữ quyền (feminism), viết khá bạo tay, dám nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật phũ phàng. Các nhân vật nữ biết yêu hết mình, nhưng đồng thời cũng biết “nổi tam bành hết mình”. Cuốn “Vợ chưa cưới chủ nhật” của bà, với chín truyện tình, khẳng định nhận định nói trên. Đây là một cuốn sách nửa cười nửa khóc, khi cay đắng, lúc ngọt ngào, đi sâu vào mọi ngóc ngách của tâm hồn nười.
Về tập truyện này nhà phê bình văn học, nhà tâm lý học Ba Lan Wojciech Eichelbberger nhận xét: “Hanna Samson đề nghị tất cả những ai có vết thương lòng, những người phụ nữ bị ru ngủ, hãy nhìn thẳng vào gương – cái nhìn này có thể giúp họ tỉnh lại”. Đây cũng chính là bức thông điệp mà tập truyện này muốn gửi tới người đọc.
Đây là tác phẩm dịch thứ 25 của dịch giả Lê Bá Thự (trong đó có 11 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn, 4 tập truyện cười, 3 tập truyện thiếu nhi).
Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, ra mắt bạn đọc vào dịp Hội sách Mùa Thu 2015, tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt nam 36 Lý Thường Kiệt Hà Nội, từ 29 tháng 10 đến 2 tháng 11 năm 2015.
VOV2 BÌNH TRUYỆN NGẮN “ĐẸP ĐÔI VỢ CHỒNG”
RÚT TỪ TẬP TRUYỆN “VỢ CHƯA CƯỚI CHỦ NHẬT”
VOV2 Đài tiếng nói Việt Nam đã giới thiệu truyện ngắn Đẹp đôi vợ chồng, một truyện ngắn hay rút từ tập truyện Vợ chua cưới chủ nhật, trong chương trình đọc truyện đêm khuya của đài, với lời bình như sau:
„Một người phụ nữ may mắn có hạnh phúc viên mãn khi được chồng yêu chiều như một nữ hoàng, cho nên việc chị hân hoan, hãnh diện khoe hạnh phúc ấy với mọi người là điều dễ hiểu. Thế nhưng, truyện ngắn Đẹp đôi vợ chồng của nhà văn Hanna Samson không chỉ nói về bề mặt của một cuộc hôn nhân tâm đầu ý hợp mà đi sâu khai thác tâm lý phức tạp của người phụ nữ với tham vọng níu giữ nhan sắc như một mật mã của chìa khóa hạnh phúc.
Làm đẹp để giữ chồng là điều mà xã hội luôn khuyến khích phụ nữ hiện đại. Thế nhưng cố sức chạy đua với thời gian, với những thay đổi về tâm sinh lý, bằng mọi giá, ráo riết mù quáng để luôn đẹp một cách hoàn hảo, coi đó là cách độc nhất để quyến rũ chồng sẽ gây phản ứng ngược. Nhân vật chính của truyện ngắn Đẹp đôi vợ chồng đã quên mất điều quan trọng nhất: tình yêu thực sự xuất phát từ tâm hồn; Dù người phụ nữ có trở nên sồ sề sau khi sinh nở, dù thân hình thua xa chuẩn người mẫu hiện đại, dù tuổi tác có làm gương mặt thêm nếp nhăn nhưng điều đó đâu có nghĩa lý gì với sức mạnh của tình yêu đích thực.
Chính suy nghĩ cực đoan rằng chỉ có thể khiến người đàn ông yêu mình bằng một sắc vóc hoàn mỹ, chưa kể đến việc hành hạ bản thân mình bằng những phương pháp tập luyện điên cuồng níu giữ sắc đẹp, chính tâm lý hoang mang, lo sợ thường trực đã đủ khiến nhân vật chính của chúng ta mệt mỏi, kiệt sức. Chưa phải chờ đến lúc khiến chồng phải chán mình, cô đã tự kỷ ám thị, đến mức triệt tiêu hết những xúc cảm vợ chồng. Nỗ lực giữ gìn chuẩn mực “đẹp đôi vợ chồng” trước mắt thiên hạ đã khiến người phụ nữ ngày càng rơi vào ngõ cụt. Chiều chuộng sự mãn nhãn của chồng, cô dần đánh mất bản thân mình và rốt cục tiệm cận với sự tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cuối cùng cô bàng hoàng nhận ra mình là kẻ thua cuộc dù ban đầu những tưởng rằng đã nắm đằng chuôi trong cuộc hôn nhân tưởng đời đời bền vững. Cô đã tự nguyện làm kẻ nô lệ cho tham vọng tình yêu vĩnh cửu và đã thất bại.
Truyện ngắn Đẹp đôi vợ chồng tiêu biểu cho phong cách sáng tác đậm tính nữ quyền, nhìn thẳng vào thực tế của Hanna Samson, nữ nhà văn, nhà tâm lý học, nhà nữ quyền Ba Lan. Truyện ngắn này thêm một lần nữa gióng một hồi chuông cảnh tỉnh phụ nữ hiện đại, rằng thay bằng việc nỗ lực xây dựng những huyễn mộng về sự vĩnh cửu tuyệt đối, hãy sáng suốt giữ gìn hạnh phúc bằng chính sự thông minh và hãy biết trân trọng hơn bản thân mình”.