Năm 1992 Tô Hoài trình làng truyện dài kỳ Dế mèn phiêu lưu ký, ngay lập tức được lòng công chúng tuổi thơ. Từ đó đến nay Văn học thiếu nhi Việt Nam thành hình thành khối, góp vào sự nghiệp văn học nước nhà. Lớp lớp thế hệ ở thế kỷ XX lớn lên, trưởng thành, làm nên hai cuộc kháng chiến, làm nên thành quả xây dựng đất nước, chắc chắn đã đi qua văn học trong nhà trường, văn học trong cuộc sống mà ở đó tác phẩm, tác giả văn học thiếu nhi là những dấu ấn đặc biệt, khắc sâu tâm trí học trò.
Tôi là người dân tộc thiểu số, lớn lên ở miền núi những năm 60, 70, điều kiện học hành nhiều trắc trở. Vậy mà từ khi được biết, được viết, được học những tác phẩm viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi của các tác giả: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Phạm Hổ, Xuân Sách, Võ Quảng, Phùng Quán, Định Hải, Trần Đăng Khoa... đến hôm nay, tôi vẫn thầm nghĩ mình phải biết ơn các nhà văn. Nói như vậy văn học cho thiếu nhi không phải chỉ có những tên tuổi trên đây là ấn tượng, mà cuộc sống là một trường đời, văn học như nước uống, hàng trăm tác giả, tác phẩm có danh, trong nước, ngoài nước, đã giúp chúng tôi lớn khôn.
Mấy chục năm qua, nhất là từ khi đất nước đổi mới, văn học thiếu nhi có sự thăng trầm, âu cũng là lẽ chung trong cuộc vật lộn để thích ứng với kinh tế thị trường của nền văn học Việt Nam. Cách đây 15 năm, năm 1990, nhà thơ Phạm Hổ, với tư cách Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi, cùng với nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh Tổng biên tập báo Nhi đồng, lo trại sáng tác cho thiếu nhi tổ chưc tại khách sạn Khăn quàng đỏ trong vòng 10 ngày. Tôi chứng kiến, cứ khoảng sáu, bảy giờ tối, Phạm Hổ lại đạp xe đến nhà riêng các nhà văn ở Hà Nội để hôm sau trại viết không bị trống giờ. Những năm 90, nhiều trại viết của thiếu nhi, và cho thiếu nhi, được Hội nhà văn khởi xướng, mở ra. Rồi các cuộc thi do Nhà xuất bản Kim đồng, do Báo TNTP phát động, tổng kết, trao giải...tạo nên một sinh hoạt, một không khí vì "trẻ thơ" – thế hệ tương lai của đất nước.
Thế kỷ XX khép lại đã mười năm, cái “không khí” vì trẻ em Việt nam ấy, có phải sự chuyển đổi trong thập kỷ qua? Tác phẩm, cuộc thi, và giải thưởng cho thiếu nhi vẫn được đây đó công bố dù là lõm bõm, tác giả có tính chuyên nghiệp và thành công như Nguyễn Nhật Ánh không đủ đếm trên đầu ngón tay, các nhà xuất bản quan tâm đến mảng văn học này bắt đầu lục lại quá khứ. Cũng đúng thôi, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đội du kích thiếu nhi Đình Bảng, Hai làng Tà Pình và Động Hía... bìa đẹp và cứng có mặt trên các sạp sách. Rồi thiên la địa võng sách tranh truyện nước ngoài như muốn nuốt chửng thị trường sách cho thiếu nhi Việt Nam, rồi sách ma quỷ, sách đấu đá, sách tình duyên len lỏi vào cả cặp học sinh. Mười năm qua, hai nhiệm kì Đại hội nhà văn Việt Nam, hình như Ban chấp hành chưa có hành động tích cực nào, danh ngôn chính thuận nào về văn học thiếu nhi - một vấn đề lớn lao, cấp bách. Trong phạm vi Hội nhà, Hội đồng hay Ban văn học thiếu nhi gì đó, không mấy ai nhớ nữa. Trại sáng tác như cụ Phạm Hổ làm ngày xưa, nay không thấy. Hội thảo “viết cho thiếu nhi, thiếu nhi viết” có lẽ đã khoán gọn cho Nhà xuất bản Kim đồng? Cả tờ Văn nghệ "mẹ”, bạn đọc phải chờ đến ngày mồng một tháng sáu hàng năm, may ra mới được đọc một hai bài thơ thiếu nhi của các tác giả Hà Nội. Hơn thế, giải thưởng văn học hàng năm của Hội nhà văn chưa bao giờ thấy bóng dáng tác phẩm viết về thiếu nhi trên bàn chung khảo. Còn phạm vi ngoài hội, các nhà làm sách giáo khoa, sách tham khảo cho nhà trường của ngành giáo dục – đào tạo, mặc sức lật bới tác phẩm của các nhà văn mà không có một sự phối hợp công khai nào với Hội Nhà văn. Các nhà xuất bản chuyên ngành thuộc chủ quyền quản lý của các Bộ và cơ quan ngang bộ, có khi nào in sách cho thiếu nhi? Chắc là không, vì sợ phải chịu giá rẻ. Hội Nhà văn ta có nên nghĩ đến sự khâu nối này? Trộm thấy, đây không chỉ là công việc của Bộ Thông tin truyền thông.
Sứ mạng lịch sử giao cho các nhà văn, giao cho Hội Nhà văn giữ sự chuẩn mực về tác phẩm văn học giành cho thiếu nhi, nỡ nào Ban chấp hành Hội sao nhãng quyền năng ấy? Tôi cho rằng, Hội Nhà văn ta phải giành quyền tiêu chí chuẩn hóa về tác phẩm văn học nói chung, văn học cho thiếu nhi nói riêng. Tiêu chí này hợp lý với các độ tuổi, với học sinh đô thị và nông thôn, dân tộc đa số và thiểu số, theo hướng ấy, các nhà làm sách giáo khoa, các nhà xuất bản có thể xem xét đưa vào hệ thống sách cho nhà trường và cho xã hội. Hội Nhà văn không thể và không nên đứng ngoài cuộc mỗi khi xã hội lên tiếng gay gắt về nội dung các nạn sách trong đó có thị trường sách cho thiếu nhi học sinh – một vấn đề ngạy cảm và bức xúc thời giao thoa giữa kinh tế thị trường, hội nhập với văn hóa truyền thống.
Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đã khai mạc, chúng ta lại sắp được chào đón một Ban chấp hành mới – Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa VIII. Chúng tôi, những người tâm huyết với văn học thiếu nhi xin đặt tình cảm và niềm tin vào Ban chấp hành ấy, nhưng cũng đòi hỏi ở họ, họ phải làm gì, làm được những gì có khối, có lượng cho văn học thiếu nhi. Và, nếu có một Ban, một Hội đồng, hay một tổ chức nào đó về văn học thiếu nhi giúp việc Ban chấp hành, thì xin hãy chọn những người làm chứ đừng nên chọn những người nói. Hãy để cho thiếu nhi, học sinh, sinh viên, biết nhiều hơn nữa, thiện cảm hơn nữa đến Hội Nhà văn Việt Nam của chúng ta.
Ngày 18 tháng 7 năm 2010
(Tham luận tại Đại hội VIII
Hội Nhà văn Việt Nam)