Tôi đang làm một tập bình thơ, bình các bài thơ hay cổ/cận và hiện đại. Trong tập tôi dành một phần nhỏ, cuối tập chọn/bình 5 thi phẩm của 5 tác giả đương đại quê Thái Bình. Xin trân trọng gt cùng bạn đọc).
THƯỜNG DÂN
Đông thì chật, ít thì thưa
Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
Quanh năm chân đất đầu trần
Tác tao sau những vũ vần bão dông
Khi làm cây mác cây chông
Khi thành biển cả khi không là gì
Thấp cao đâu có hề chi
Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
Ăn của đất, uống của trời
Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
Ồn ào mà vãn lặng im
Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
Chỉ mong ấm áo no cơm
Chắt chiu dàng dụm thảo thơm ngọt lành
Hoà vào tời đất mà xanh
Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
NGUYỄN LONG
Lời bình:
Bài thơ có 4 khổ, chia theo thể lục bát được 8 cặp. Chỉ với từng ấy câu chữ, như Thường dân mang trong nó một dung lượng không nhỏ.
Đông thì chật, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân… Cặp lục bát số 1 này xuất hiện có tính chất xác định vị trí, thì đến cặp số 8 kết bài: Hoà vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân, thì vị trí của lớp người thường dân đã trở nên một vị thế cao đẹp, đáng tôn vinh. Và điểm mở của tư tưởng thơ hé lộ ngay ở câu bát đầu bài, qua hai chữ “dư thừa”. Có một nguyên tắc căn bản trong đời sống, là tính nhị nguyên, đa thành phần. Khi đã xác định về cái gì đó là đẹp tất có cái đối chứng, so sánh với nó là cái xấu.vv… Ở trường hợp thơ này, khi tác giả đã viết “chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân” hẳn có nghĩa lớp thường dân “chẳng dư thừa” ở đây đã được cân nhắc so sánh với một lớp người nào đó đang “bị dư thừa”. Phải chăng guồng máy cán bộ công chức nhà nước nhiều phen phải “giảm biên” đã cho tác giả so sánh này? Thường dân – vốn là một tầng lớp được ví với cỏ: Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi, tưởng đã rộng khắp đến cơ man, thừa thãi mà tình cảm, tư tưởng thơ lại đưa ra nhận xét là “không – dư – thừa”, quả đây là một minh định, một phát giác mang tính nhân bản sâu sắc. Và nữa, dùng cụm từ “không dư thừa” làm điểm quy chiếu, soi chiếu tới câu thơ thứ 12 sẽ cho nhận diện rõ hơn bản chất một lớp người, loại người khác phẩm chất: Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn. Và đặc biệt ở câu thứ 3, với ba chữ “tác tao sau”: Tác tao sau những vũ vần bão giông. Sau bão giông là mưa đền cây. Luật tư nhiên, tình cảm thiên nhiên là thế, vậy mà với “quy luật xã hội con người” trong cảnh thơ này thì khác. Đã có một sai biệt lớn xẩy ra!
Thường dân – là một ấn pháp thể hiện sáng rõ một phương thức sống về một lớp người quanh năm chân đất đầu trần băng qua thiên sai vạn biệt của thời thế, họ sẵn sàng bằng tất cả tinh thần, phẩm hạnh của mình cho cuộc hoá thân làm “cây mác cây chông”, làm “biển cả” để tạo lập cuộc đời. Khi xã hội yên bình thì hơn ai hết, chính lớp người này lại trở về: Hoà vào trời đất mà xanh, bình dị với thiên nhiên hoa cỏ, lặng in với lẽ “không là gì”. Mang sức ôm trùm ấy, thi phẩm Thường dân hiện hữu như một khúc thương ca, bằng vẻ đẹp giai điệu ngôn từ vừa tượng hình rõ một tầm vóc, vừa đầy vẻ bí nhiệm của tâm thức thiên nhiên cho phép cất lên tiếng gọi cuộc hoá thân nhập phận. “Huyền đồng vật ngã” – Đây chính là một giấc mơ lớn chảy từ thời Trang – Lão và nó vẫn tồn tại như một giá trị bản thể, nhân bản luôn có tác dụng giáo dưỡng con người mọi thời.
Bài Thường dân được cấu thành bởi 8 cặp lục bát, với 16 câu thơ. Trong 16 câu thơ đó, chỉ duy có 1 câu thể hiện hình ảnh về một loại người khác loại thường dân, đó là câu: “Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn”. Cách cấu tạo các câu, cặp thơ, lấy 15 câu thể hiện lớp người “thường dân” và tinh thần, tình cảm 15 câu thơ này tự tin, mạnh mẽ, tốt lành bao nhiêu thì 1 câu kia lại hiện ra vẻ mờ tối, hiểm trở bấy nhiêu. Nếu xem đây là một thủ pháp nghệ thuật, thì rõ ràng thủ pháp nghệ thuật này được sử dụng một cách đắc địa. Nó tỏ rõ được sức mạnh chân lý, và khảng định về chân giá trị trong cõi nhân gian này.
Trong cõi nhân gian bé tẹo mà vô cùng đông đúc ngày nay, có cảm giác chỉ thêm một hiện diện cũng dễ dẫn đến tràn đầy. Một giọt người nào đó được rót thêm vào có thể sẽ làm tràn ly nhân loại! Tuyệt đẹp thay cho lớp người thường dân, đông dù “chật” nhưng chẳng hề “thừa”. Thi phẩm Thường dân của Nhà thơ Nguyễn Long đã xác định sáng ngời chân giá trị này.
ĐI ĂN CƯỚI VỢ CŨ
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ
“Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”
(theo BLOG Dân trí)
BÙI HOÀNG TÁM
Lời bình:
Trong đời sống thuần phong mỹ tục của gia đình người Việt Nam thì lễ cưới là một trong những nghi thức được tổ chức long trọng bậc nhất. Tên nghi thức được đặt "Lễ rước dâu". Chữ "rước" ở đây là cách xác định tính chất tôn nghiêm, ngang bậc với các nghi thức tôn nghiêm tôn giáo khác, như lễ rước kiệu thần thánh nơi đình chùa. Một đằng chỉ việc thờ phụng thánh thần, một đằng việc duy trì, thờ phụng dòng giống tổ tiên.
Thơ văn xưa nay miêu tả về việc này thảy đều là các tác phẩm chữ nghĩa chuẩn mực, chân thực và trang trọng. Bài thơ "Đi ăn cưới vợ cũ" của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là một tiếng nói mới mẻ, riêng biệt và nó có tính cách phản phong. Với một giọng thơ tưng tửng đùa chơi, giễu nhại, các nhân vật vợ/chồng mới/cũ đến với lễ cưới vui vẻ, cứ như trong lòng họ chưa hề chịu nỗi xót xa nào. Họ vốn là vợ chồng, nghĩa là cũng từng yêu thương, đầu gối tay ấp, rồi tan vỡ và hẳn không thể nói lúc đối diện cảnh tan vỡ, phân ly cõi lòng không đau đớn. Cho dù ở những trường hợp gia đình "ly hôn" được xem là sự giải phóng, giải thoát cho nhau đi chăng nữa thì tình ân ái mặn nồng, sự đau đớn, bất hạnh trong mình và thậm chí cả cho những đứa con, vẫn là các trạng thái sống từng trải qua.
Ly hôn, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đấy vẫn là một bất hạnh!
Vậy, vết tích của tình yêu và nỗi xót thương lòng xưa đâu mà giờ đây chỉ thấy, với người vợ: "Vợ cũ mặc rất đẹp/ Trông thấy chạy đến chào…", người chồng cũ: "Mọi người tranh nhau hát/ Mình cũng lên đọc thơ". Và đặc biệt, khổ kết bài sự tếu táo, giễu chơi đã được đẩy tới đỉnh, như lời dự báo: "Trong làn khói lơ mơ/ Mình ghé tai hỏi vợ/ Nếu cuộc tình này vỡ/ Mình có mời anh không?". Đúng là vẫn còn đấy nhiều chông chênh, bất định.
Vì vậy có thể đặt câu hỏi, dù không gian, không khí buổi lễ cưới này là có thật hay không, với tác giả, thì nó vẫn hiện diện sinh động như thật và nó là một dạng thức có trong tâm lý, tư tưởng người đương thời, bởi thế nó đã tìm được sự tương thích của đông đảo bạn đọc? (Kết quả theo Google, tính đến thời điểm 11/2013 là 8.430.000 lượt truy cập). Câu trả lời, qua thái độ tiếp nhận hoàn cảnh mới một cách nhẹ nhàng, tự nhiên vô tư của các nhân vật vợ/chồng cũ/mới kia đã ít nhiều chạm trúng vào niềm mong muốn được cởi bỏ những ràng buộc lễ giáo truyền thống cho một phong cách sống mới, với những chuẩn mực giá trị đã nhiều khác biệt của con người trẻ tuổi thời @, hiện đại này.
Nếu hoạ hình ảnh biểu trưng cho một bộ phận không nhỏ con người và các gia đình Việt Nam ngày nay, có thể hình dung đó là một gương mặt đầy bất an, thiếu hình mẫu lý tưởng, thiếu cơ sở nền tảng cần cho sự bền vững nhưng dường như nó lại đang khá hồ hởi được đánh chìm mình trong cơn khát thoả mãn các nhu cầu sống cá thể và tính cá thể đã được đẩy tới mức khiến nó trở nên trơ lỳ, vô cảm trước các giá trị truyền thống, nó luôn trong tư thế hân hoan tận hưởng và tất nhiên, để trạng thái sống đó thành một bản năng, hay một dạng ý thức mạnh mẽ thì đồng thời nó đòi hỏi đối tác phải biết xoá dấu quá khứ. Mỗi bước chân là một lãng quên! Đấy chính là thái độ, tính cách phản phong, phản kháng lại giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục hằng được xác lập đã bao thời. Ở hoàn cảnh thơ này, nó chính là hệ quả không muốn có, mặt trái của công cuộc Đổi mới xã hội.
MIỀN QUÊ THÁNG SÁU
Tháng sáu
Chân đen dận thuốc
Đội phên chạy cơn mưa rào
Chuồn chuồn bay thấp
Mưa ngập cầu ao
Chuồn chuồn bay cao
Con cá rô róc
Có người say thuốc làng Bao
Theo anh về tận ngõ cầu rửa chân
Con tằm vàng trong nong
Con ngài hoá bướm
Bay đi kéo tơ qua làng
Đường cát sao em vội vàng
Đợi anh gửi mớ khoai lang biếu thày
Nhớ ngày rạm nổi
Em về chẩy hội đình Tây
Đầu thôn Hổ Đội
Gặp người đội nón không quai
Cuối thôn Trình Trại
Gặp em le te gánh đôi vỉ quài
Đất mình hành tía
Củ bằng bình vôi
Dọc xanh trẻ nhỏ thổi còi gọi nhau.
Anh bắt đỉa đầm sâu
Xoa bàn tay vôi trắng
Em cấy ruộng đầu ngòi
Chân bùn đen sà cạp
Lúa xanh lên em đẹp
Hội làng dào dạt trống cơm
Chàng Cuội đùa với thằng Bờm
Hằng Nga gọi mãi giận hờn nằm riêng
Những truyện thần tiên
Toàn những truyện thần tiên
Làng xưa vẫn đấy, nay tên khác rồi
Người đi chợ ăn đứng
Người đi cấy ăn ngồi
Con cò áo trắng, con người áo nâu
Lại con trâu
Vẫn con trâu
Đời mày kéo cả đời tao trên đồng
Da em trắng
Má em hồng
Mẹ già lại vẫn lưng còng đội mưa
Tháng sáu ngày xưa
Tháng sáu bây giờ
Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày
Em nhìn vào hai bàn tay
Cơn mưa thuở ấy còn đầy lòng nhau
Anh nâng cánh áo bạc màu
Vải diềm bâu nhuộm nước nâu quê mình.
TRỌNG KHÁNH
Lời bình:
Đúng như tiêu đề, Miền quê tháng sáu là thơ viết về phong cảnh quê, tình cảm người quê lúc thời gian mùa vụ. Tháng sáu – mùa thu hoạch lúa và mùa riêng của người quê trồng thuốc lào: “Tháng sáu, chân đen dận thuốc”. Tác giả hẳn là một người dân quê đó. Không gian thơ mở bằng hình ảnh thái thuốc lào. Người thợ thái thuốc, khi ra sợi xong thì vun thuốc lại thành đống và dận chân lên vò cho tới lúc từng sợi thuốc tiết ra chất nhựa, thuốc ngả hẳn sang màu vàng sậm, rồi đem phơi nắng cho nỏ kiệt. Bằng không, lỡ gặp mưa thì mẻ thuốc đó dễ bị hôi, ngái, mất đị mùi vị thơm ngon. Do đó, tiếp ngay sau câu chân đen dận thuốc là hình ảnh dự báo thời tiết: “Đội phên chạy cơn mưa rào/ Chuồn chuồn bay thấp/ Mưa ngập cầu ao...”
Chốn nhà quê, cuộc sống bao đời của người dân quê vốn chịu nhiều vất vả, khó nghèo, thua thiệt. Cái không gian quê truyền thống đó không thể không ám ảnh, chi phối tâm tư con người thời nay, nhất là tâm tư của nhà thơ. Hơn nữa, làng trong hiện thời cũng còn lam lũ, vất vả. Bởi vậy, không gian sinh hoạt làng quê trong thơ có lúc đang hiện ra tươi tắn, vui vẻ, mà thoáng cái đã thấy chùng xuống với những mặn mòi, day trở, u trầm. Cảnh quê hoạ đan xen giữa nét gợi xưa và nay, qua hai cung bậc tình cảm, hoàn cảnh, khi thì trẻ trung, thanh thoát, lúc lại trăn trở, day dứt, và đây chính là nét cảm xúc chủ đạo quán xuyến tinh thần, tình cảm của không gian nghệ thuật thơ, nó đã tạo ra nhịp điệu hình ảnh, với những ngắt, nhẩy cách quãng:
Lại con trâu
Vẫn con trâu
Đời mày kéo cả đời tao trên đồng
Da em trắng
Má em hồng
Mẹ già lại vẫn lưng còng đội mưa...
Dạng “lưỡng cảm”, xáo động cảm xúc khiến câu chữ như có lúc mất cân đối, song chính trạng thái cảm xúc này lại đảm bảo cho sức hồn nhiên của tình cảnh - thực cảnh và của một quy trình vận động nghệ thuật trong một không gian được định vị cụ thể, nhờ vậy sự “tự cân đối” vẫn được đảm bảo cho quá trình tự điều chỉnh cảm xúc của nội tại tác phẩm, dẫn đến hoàn thiện tác phẩm. Qua đây cho thấy, dạng cảm xúc, tạo dẫn hình ảnh này trong một bài thơ, thậm chí một khổ thơ như trên, quả ít gặp.
Nhân vật, cảnh vật xuất hiện trong Miền quê tháng sáu là nhận vật, cảnh vật của chốn quê mùa truyền thống. Nhưng bút pháp, cách lập ý, dựng cảnh thì là nghệ thuật của thơ hiện đại. Bài thơ khá toàn bích. Nếu có một câu thơ lép, gượng, thì đó là câu: “Hằng Nga gọi mãi giận hờn nằm riêng”.
Miền quê tháng sáu, là một bài thơ tình, với cặp nhân vật “anh, em” tình tứ, duyên dáng sóng đôi đi đầy suốt không gian thơ, song không chỉ vậy. Bởi vấn đề thơ có chỗ gợi ra, tuy với mật độ câu chữ không nhiều, nhưng lại khá sâu nặng nỗi niềm cộng đồng, thế sự, và đây còn là một bài thơ phong cảnh. “Nhớ ngày rạm nổi/ Em về chẩy hội đình Tây/ Đầu thôn Hổ Đội/ Gặp người đội nón không quai/ Cuối thôn Trình Trại/ Gặp em le te gánh đôi vỉ quài/ Đất mình hành tía/ Củ bằng bình vôi/ Dọc xanh trẻ nhỏ thổi còi gọi nhau...” Thơ vẽ nên bức tranh làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những nét miêu tả đặc trưng về cảnh sắc và tình cảm, tập tục, phương thức lao động, có màu sắc riêng. Vì vậy, có thể nói, mức độ thành công của Miền quê tháng sáu còn về phương diện văn hoá, phong hoá một vùng đất.
TÌNH THU
Bơ vơ trong cõi hoang gầy
Em về trinh nữ trắng dày lối thu
Hồn như lạc chốn thiền tu
Con chim lẻ bạn
Cúc cu
Gọi chiều.
XUÂN ĐAM
Lời bình:
Soi vào gương chữ như thấy rõ hình hài cảm xúc và một cốt cách sống. Nó phát ra sắc diện một người đắm đuối đa tình và tỏ lộ một tính cách mơ hồ, hư thực. Trinh nữ - trắng dày lối thu... Cái trạng thái phiêu linh rợn ngợp. Đem sự tơ non trinh trắng của con người đặt vào không gian thiên nhiên hoang hoại và mong chuyển đổi cả cảm quan sắc màu – thu vàng, sang – trắng dày nguyên sơ ư? Đấy là cái rùng mình khi ngoảnh lại tuổi người. Là tiếng chuông vô vi còn vương víu âm sắc ái ân của một giọng chim vô trú. Một trạng thái tinh thần vừa muốn xuất thế, lánh đời vừa còn nhiều tiếc nuối với thời gian cuộc đời nhân thế - nhập thế. “Tiếng chim lẻ bạn” cất lên khi ánh “chiều” đã buông, đêm sắp về kia đã tỏ rõ trạng thái lưỡng cảm đó. Ấy là bản thi mệnh của Xuân Đam, cũng là nét hồn cốt chung của không ít phận người.
Từ ngàn xưa tới nay hầu như thi nhân nào cũng có thi phẩm về mùa thu. Bản Tình thu của Xuân Đam đem lại một nét cảm quan thu qua góc nhìn như được phóng chiếu từ tâm thức nội giới hơn là ở ngoại cảnh thiên nhiên. Dạng cảm – thức này luôn cho người thi sỹ cái nhìn đậm màu sắc hư ảo, hay thực ảo. Để rồi từ đó cho phép thi sỹ tạo dựng khoảng không gian nghệ thuật đủ rộng, đủ sức giúp ngôn ngữ vượt thoát những giới hạn từ, mở mang tầm vóc hình tượng, chiều cao biểu tượng, chiều rộng ý tưởng cần thiết cho việc khám phá những chiều sâu bản thể con người, bản chất thế giới mà trong đó thi nhân luôn là người chịu mang cảm nhận bơ vơ lưu lạc.
Tình thu – Một thi phẩm hay, có cách tiếp cận riêng, thực sự là một đóng góp của Xuân Đam cho bộ sưu tập thơ về mùa thu với tính đặc thù một dạng cảm thức thi ca, nhận thức bản thể.
MUỐI DƯA
Tươi cái mất, héo cái còn
Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa
Tưởng vừa chớm đến độ chua
Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu.
Một thời mặn nhạt cho nhau
Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh
Gỡ xong ngày tháng... vô tình
Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua.
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gió đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.
PHẠM HỒNG OANH
Lời bình:
Trong tâm trạng tình cảm chia ly câu chữ dễ dẫn vào niềm ta thán. Điểm quý của bài thơ này, niềm ta thán đã đem cảm xúc thơ đi lên trong những suy ngẫm về cuộc đời, con người.
Muối dưa - hiểu theo nghĩa đen là một công thức làm chua rau thành một món ăn. Từ liên hệ thực tế, tác giả đã liên tưởng, gắn kết hình ảnh, hình tượng "nén nỗi buồn thành dưa” – Thành ra thứ dưa chua xót, cay đắng của tình người. Sự liên tưởng gắn kết hình ảnh này xuất phát từ một nhận thức tâm lý: ở đời, lẽ thường thấy cái mất thì tươi non, cái còn thì héo úa. Tất nhiên đó mới là biểu hiện cảm tính, song biểu hiện cảm tính này đã phát triển thành tư duy lý tính thông qua quá trình diễn cảm của tình yêu và sự đúc kết có tính quy luật cuộc sống. Chính nhờ vậy, hoàn cảnh tâm lý của thơ mới phát triển trong mối tương giao đầy xao động trong tình ta thán. Nói “xao động trong tình ta thán”, là bởi kết cấu câu: Các câu thơ được kết cấu theo phương thức, câu yêu thương, chân thành đan cài với câu thất vọng, giễu cợt:
- Một thời mặn nhạt cho nhau: gợi nhớ, yêu thương
- Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh: thất vọng
- Gỡ xong ngày tháng vô tình: xây dựng
- Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua: giễu cợt, chua chát.
Bốn câu thơ kết bài thì được kết cấu theo lối đối xứng, tương quan. Đây là bốn câu thơ hay:
Hoa vàng nở giữa chiều mưa
Gío đưa cây cải ngày xưa về trời
Thương thầm từng cọng rau tươi
Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn.
Hình ảnh câu chữ láy lại đoạn mở đầu bài. Khác là ở đoạn mở bài, tình thơ thể hiện về cái mất thì tươi, cái còn thì héo; đến kết bài lại thấy, cái mất được biểu cảm rưng rưng, cái còn thì chơi vơi, là thơ đi từ hình ảnh thị giác sang cảm quan trực giác. Sự thay đổi mức độ cảm xúc với cách nhìn nhận, đánh giá khác đi về giá trị hình ảnh – tình cảm như vậy là một sự chuyển đổi nội dung lớn. Tình thơ, tình đời nhờ vậy trở nên nhân tính hơn. Và đây chính là yếu tố tinh thần, cảm xúc làm nên thành công của bài thơ.
(ĐỖ TRỌNG KHƠI CHỌN