TNc: Bài viết này đăng trên Vietnamnet từ hồi Đại hội 8 nhưng tính thời sự của nó vẫn đang "hót" nên trang nhà đưa lại cho không khí trước ngày khai mạc Đại hội 9.
Theo thông báo của BCH, Đại hội 9 hội ta sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11/7/2015 tại Hà Nội với 539 đại biểu.
LTS: Cho dù thế nào thì đời sống văn học cũng luôn luôn được bạn đọc Việt Nam rất qua tâm. Đầu tháng Tám, Đại hội nhà văn lần thứ VIII sẽ tiến hành tại Hà Nội. Một trong những vấn đề được các nhà văn và những người liên quan chú ý là nhân sự BCH mới. Bởi nếu có một BCH vì sự nghiệp văn học nước nhà thực sự chứ không phải là những hoạt động đầy tính hình thức sẽ có tác động rất quan trọng đối với sáng tác và đối với đời sống văn học trong sạch của nước nhà. Vì thế, đổi mới con người và đổi mới tư duy là con đường duy nhất của sự tiến bộ. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, hội viên Hội nhà văn VN.
Chỉ còn hơn một tháng nữa. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VIII, tôi có vài suy nghĩ như sau:
Trước hết, phải nói ngay từ đầu là những ý kiến của tôi không cho tôi vì tôi không có tham vọng kiếm chức tước gì ở Hội Nhà văn Việt Nam và cũng không loại trừ có muốn thì cũng không được. Tôi nói cho thế hệ chúng tôi, những nhà văn đã trên dưới 50 tuổi. Nói thế cho rõ ràng, cho minh bạch. Người nghe không phải dị nghị, băn khoăn về "mưu đồ" của người nói mà người nói cũng không phải uốn éo, dè dặt sợ bị hiểu lầm.
Tôi nói vì khuynh hướng phát triển tích cực của nền văn học và của đội ngũ những người sáng tác chưa già nhưng cũng không còn trẻ, những người làm nên nền văn học của thế hệ họ nhưng đang bị bỏ qua. Và hơn nữa, vì sự phát triển tất yếu "tre già măng mọc" của quy luật đời sống. Mỗi thế hệ có vai trò và trách nhiệm của mình, không thể dùng tư tưởng "cây cao bóng cả" rồi "lấy tre đè măng" của thế hệ này che lấp thế hệ sau.
Mới qua các kỳ Đại hội Nhà văn cơ sở, đã thấy xuất hiện xu hướng "lão hóa" trong danh sách các nhà văn được đề cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Tại TP. HCM, người trúng cử Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố là một vị đã về hưu mấy năm, nay vào đây sinh sống. Tại Cơ quan Văn phòng Hội, trong 5 vị thì có tới 4 vị đã trên sáu mươi, dưới bảy mươi tuổi.
Nếu có một BCH vì sự nghiệp văn học nước nhà thực sự chứ không phải là những hoạt động đầy tính hình thức sẽ có tác động rất quan trọng đối với sáng tác và đối với đời sống văn học trong sạch của nước nhà. Ảnh minh họa.Vì sao có tình trạng này? Theo tôi có mấy lý do sau:
Thứ nhất, Hội Nhà văn Việt Nam đang lão hóa. Thế hệ nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ nay đều đã ở tuổi 60 - 70, thế hệ chống Pháp đã 80 - 90 tuổi. Việc kết nạp Hội mấy năm qua chưa chú trọng đến thế hệ trẻ. Nhiều nhà văn vào Hội khi tuổi đã quá cao, có người nghỉ hưu thậm chí đã cả chục năm. Việc bổ sung những người cao tuổi này khiến Hội đã già càng thêm già.
Thứ hai, xu hướng "ăn mày dĩ vãng", hưởng ánh hào quang từ quá khứ xa xưa nhưng hiện tại, bút cùn, sức cạn. Những vị theo xu hướng này này chỉ đọc những gì của quá khứ, chỉ yêu những gì của quá khứ và cũng chỉ thừa nhận những gì đã thuộc về quá khứ.
Thứ ba, nếp nghĩ "kính lão đắc thọ" đang trở thành lực cản phát triển. Những tư tưởng, những khuynh hướng mới khó được thừa nhận.
Và điều "thứ tư cay đắng", đó là thiếu tin tưởng và không trung thực trong nếp nghĩ.
Xin nói rõ hơn về điều "thứ tư cay đắng":
Trước hết, nói về sự thiếu tin tưởng. Khi nhìn vào thế hệ chúng tôi, không ít người tỏ ra lo ngại về sự "non nớt, thiếu bản lĩnh", sợ không cáng đáng nổi những nhiệm vụ của Hội. Tôi không tin điều đó. Tôi không tin những người thuộc thế hệ chúng tôi như Trần Đăng Khoa, Trần Quang Quý, Nguyễn Đăng Điệp, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thành Phong. Lê Cảnh Nhạc, Mai Linh, Dương Thuấn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà... không đảm nhiệm được các cương vị ở Hội Nhà văn Việt Nam, kể cả cương vị cao nhất vì trên thực tế, họ đã và đang đứng đầu nhiều cơ quan của các bộ, ngành và cũng là những nhà văn có ít nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam đương đại.
Cũng cần nói thêm, trrên đây chỉ là số ít các nhà văn, nhà thơ mà tôi biết còn có nhiều nhà văn, nhà thơ ở TP HCM và hơn sáu mươi tỉnh thành khác mà tôi chưa kịp kể tên hoặc chưa biết hết.
Về sự không trung thực. Đã không ít lần nghe các bậc nhà văn, nhà thơ đàn anh cả trên văn đàn và bên ly trà, chén rượu nói về lớp trẻ. Nào là phải thế này, nên thế nọ... nhưng có lẽ thực tâm, không ít người vẫn âm ỉ sự ghen ghét ngấm ngầm. Xin những ai đã trót "lỡ lời" hãy thể hiện bằng lá phiếu của mình trong Đại hội, đừng nói thế này nhưng làm thế khác.
Điều thứ năm, trớ trêu là sự im lặng của các nhà văn thế hệ chúng tôi. Tại sao các anh, các chị không lên tiếng? Sự bàng quan, sự dè dặt cũng là thái độ vô trách nhiệm với chính bản thân mình, thế hệ mình và hơn cả, là với nền văn học của đất nước. Đã đến lúc chúng ta không im lặng nữa. Không chỉ bằng lời nói, các anh các chị hãy dũng cảm đứng ra nhận trọng trách bằng tất cả tâm huyết của mình để rồi sau đó, dũng cảm nhường lại vị trí cho thế hệ kế tiếp.
Khi viết những dòng này, tôi chợt nghĩ về những chiếc lá. Những chiếc lá không chỉ biết "lá lành đùm lá rách", không chỉ biết già "rụng về cội" mà mỗi mùa đông, lá còn biết tự rụng để mùa xuân, nhường chỗ cho những chồi non mới. Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loài lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa.
Xin đừng biến Hội Nhà văn thành Hội Người cao tuổi. Xin đừng tự biến mình thành chiến binh dưới NGỌN CỜ LÁ CHUỐI trưởng thành trong phong trào BÁM TRỤ KIÊN CƯỜNG.