Trang chủ » Viết về Trần Nhương

GẶP "NGƯỜI LÀM RA CỔ TÍCH"

Phùng Văn Khai thực hiện
Thứ bẩy ngày 23 tháng 5 năm 2009 5:15 AM
 

Trả lời các một số câu hỏi của chúng tôi, họa sĩ, nhà thơ Trần Nhương cho biết: Hồi chiến tranh ở quân binh chủng nào cũng hình thành một đội ngũ tác giả trẻ. Thí dụ như quân chủng Phòng không - Không quân có Lưu Quang Vũ, Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Đình Ảnh… Ở Trường Sơn cũng vậy. Rất nhiều tân binh có học vào Trường Sơn và chính họ đã thấm đẫm trong thực tế chiến đấu mà viết văn. Đội ngũ từ Trường Sơn sinh ra có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát (văn chương), Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh… (họa sĩ), Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng… (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trương Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú… các nhạc sĩ Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung… Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn chương chống Mỹ.

 Đường Trường Sơn không chỉ của những người chiến sĩ Trường Sơn, đó là con đường giải phóng dân tộc, của tất cả mọi người nên được các văn nghệ sĩ sáng tác khá nhiều. Ai vào chiến trường mà không qua Trường Sơn. Con đường đi có khi đến hai, ba tháng đã là một cuộc thử thách, một thực tế sinh động và gian nan. Nhiều tác phẩm như Dấu chân người lính, Đường trong mây, Mở rừng, Khoảng sáng trong rừng, Vầng trăng quầng lửa, Mảnh trăng cuối rừng, Cao điểm mùa hạ… là một phần diện mạo của văn chương Việt Nam hiện đại. Văn học về chiến tranh, về người lính là nét riêng của văn chương Việt Nam. Tôi tin rằng mảng đề tài này các thế hệ cầm bút sẽ còn viết tiếp. Biết đâu những người không tham gia chiến tranh lại viết về chiến tranh, về Trường Sơn hay hơn.

Trong chiến tranh và thời gian sau tôi vẫn viết về Trường Sơn. Năm 2008, tôi xuất bản trường ca Người làm ra cổ tích viết về Trường Sơn. Nhưng phải thú thật rằng trong thời buổi kinh tế thị trường thì khó lòng ngồi viết về chiến tranh mãi. Việc này tôi nghĩ cần có chính sách đầu tư hợp lý. Vừa qua, Bộ Quốc phòng có chương trình Đầu tư sáng tác văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng là một việc làm rất cần thiết và động viên kịp thời người cầm bút. Tôi viết được trường ca ấy chính cũng nhờ sự giúp đỡ quý báu của chương trình.

Chúng tôi vừa trở lại Trường Sơn nhưng chưa đi được nhiều. Chuyến đi như một động tác đánh thức những cảm xúc về thời chiến tranh, về con đường huyền thoại. Chúng tôi ai cũng có những ấp ủ sáng tác về Trường Sơn đợt này. Theo thông lệ, mỗi khi đến dịp kỷ niệm, lễ trọng các cơ quan chức năng thường tổ chức đi thực tế. Kiểu làm này cũng mang tính thời vụ. Cần có một kế hoạch lâu dài và tập trung cho một số văn nghệ sĩ có nhu cầu tập trung sáng tác về Trường Sơn.

Tôi ước ao những người lính, thanh niên xung phong, những người nhiễm chất độc màu da cam đang chịu rất nhiều thiệt thòi được xã hội chăm sóc họ tốt hơn. Nhiều người chưa được hưởng một quyền lợi gì. Trên con đường Trường Sơn bây giờ đã mở rộng to đẹp mất dần dấu tích Trường Sơn năm xưa. Phải chăng ta nên xây dựng một số tượng đài, bia kỷ niệm phục dựng lại hình ảnh đường ống xăng dầu từng chạy suốt từ Lạng Sơn đến Bù Gia Mập (Tây Ninh) là một kỳ tích mà bây giờ gần như không còn dấu vết gì. Hãy bảo tồn những giá trị của Trường Sơn. Nếu có một dự án nào đó đầu tư, mua lại những tác phẩm về Trường Sơn, thì chúng ta sẽ có một “ngân hàng” các tác phẩm về chiến tranh, về Trường Sơn. Còn nếu cứ manh mún, cứ thả nổi thì càng ngày càng khó có tác phẩm lớn. Những người qua chiến tranh dần dần vắng bóng và họ mang sang những trăn trở sang thế giới bên kia. Hãy dành sự ưu ái cho việc khai thác vỉa quặng lớn này