Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT KỶ NIỆM VỚI NHÀ THƠ THANH TỊNH

Bùi Văn Bồng
Thứ sáu ngày 16 tháng 12 năm 2011 6:07 PM

            Sáng nay, nhà thơ - họa sĩ - cây tiếu lâm, đồng thời là ông chủ trang Web Trần Nhương cho tôi biết là anh đang dự lễ kỷ niệm 100 năm, ngày sinh của nhà thơ Thanh Tịnh. Dù ở Cần Thơ tận phương Nam, nhưng cái tin ấy làm tôi ấm lòng. Các thế hệ  nhà văn, nhà thơ đang ở Hà thành và bạn đọc gần xa vẫn nhớ có nhà thơ Thanh Tịnh, với cuộc đời làm báo, làm thơ, viết văn trong quân đội có phong cách sống rất thanh tịnh, đúng như bút danh của ông. Cái ảnh hưởng không khí lạnh mùa Đông phương Bắc cũng làm cho trời Cần Thơ trở lạnh, mây u ám, nhiệt độ 26 độ C.
Trong cái se lạnh đầu Đông trên đất phương Nam, tôi lại nhớ, vào chớm Đông năm 1981, mùa đói, báo Quân đội nhân dân ăn chung cùng nhà ăn với Tạp chí Văn nghệ quân đội. Khi đó tôi là phóng viên báo Quân đội nhân dân. Số 4 Lý Nam Đế và số 7 Phan Đình Phùng chỉ cách cái ngã ba với mấy hàng sấu. Thời đó, bao cấp nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và tất nhiên là “thừa đói”, Ông Điềm, quản lý nhà ăn nói: “Hôm nay, có món mới, lạc rang tẩm muối, thơm ngon béo ngậy, món ăn này là khoái khẩu của bác Thanh Tịnh”. Hôm đó, ăn bữa trưa chỉ có món lạc rang “mặc áo muối” làm chủ lực, còn thêm bát canh rau muống già không mì chính (bột ngọt), cơm thì vẫn độn hạt bo bo. Ăn xong, nhà thơ Thanh Tịnh nói với tôi: “Cậu Bồng, lên lầu uống trà mới pha”. Đúng là lên lầu, ông ở một căn phòng tại tầng 2 nhà số 4. Ông thích sưu tầm những đồ cổ. Phòng ông bày la liệt, mà rất ngăn nắp, những chú voi, hổ, chim bồ câu, đại bằng, cả trâu, bò bằng thạch cao, sứ, đất nung và gỗ. Ông nhìn ra cửa sổ, kéo tôi đến sát cạnh và chỉ xuống đường phố: “Se lạnh rồi, cậu thấy con gái Hà thành mặc áo mầu đẹp không?” Rồi không đợi tôi trả lời, ông đọc mấy câu trong bài thơ “Tơ trời với tơ lòng”:
Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay.
             Hôm ấy, ông tâm sự với tôi là hai nhà văn Pháp là Alphonse Daudet và Guy de Maupassant có ảnh hưởng đến niềm đam mê văn chương và cả văn phong của ông. Qua tâm sự, tôi đoán có lẽ trong kháng chiến chống Pháp, ông đã khai sinh ra hình thức độc tấu, tiết mục văn nghệ rất vui ở các đơn vị quân đội. Nó thường là một bài văn ngắn, có tính chất tự sự, hoặc là đề cập đến những vấn đề thời sự, xã hội và đời sống hàng ngày. Ngôn ngữ của tấu thường giản dị pha chút dí dỏm. Cách diễn đạt thường là nói, ngâm, diễn cảm nhấn, còn hát hò chỉ là phụ...
            Cũng sáng nay, khi nghe anh Trần Nhương nói là đang dự lễ kỷ niệm 100 năm nhà thơ Thanh Tịnh, tôi nói qua ĐT: “Vậy là anh sinh sau nhà thơ Thanh Tịnh 30 năm…” (Nhà mạng học chấm com” Trần Nhương hôm nay cũng vừa thất thập  tuổi Tây), và tôi cũng đã có bài thơ vui “Thất thập Trường Nhân” tặng anh.
            Lại nhớ đến cụ Thanh Tịnh. Có lần, tôi đã đọc bài viết của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, khi viết về nhà thơ Thanh Tịnh: “Đã có lúc ông làm nghề đạc điền. Đã có lúc ông dạy học. Nhưng hình như hồi tiền chiến cái nghề ông làm lâu nhất, lại là nghề hướng dẫn du lịch, một thứ công việc lang thang đây đó, góp chuyện với mọi người, làm cho mọi người vui bằng những câu chuyện nhỏ của mình. Và cái thú của nghề này chính là ở biên độ dao động rất rộng của nó. Tán hão cho vui cũng được. Mà dày công nghiên cứu để mang lại kiến thức cho mọi người thì tâm sức bỏ ra mấy cũng chưa đủ…”.
           Cái hôm trời se lạnh, đã ăn cơm độn bo bo rồi, nhưng không đủ no, lại uống trà đặc, tôi thấy xót ruột, không ngủ trưa được, đầu giờ chiều lại ra xe lên biên giới Lào Cai viết về mặt trận chống quân bành trướng TQ xâm lược, tôi nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Thanh Tịnh mà thấy ấm lòng.
            Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, đã là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I, II), Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông mang cấp bậc Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam trước khi nghỉ hưu. Nhà thơ Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội. Ba cái cặp số trùng: 11 – 88 - 77 thường làm cho tôi gợi nhớ về nhà thơ Thanh Tịnh (sinh năm 1911, ra đi năm 1988, thọ 77 tuổi). Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế. Tôi vẫn nhớ nhiều câu, đoan thơ trong các bài khá nổi bật của ông như: Tơ trời với tơ lòng, Vì đàn câm tiếng, Muôn bến, Rồi một hôm...Những câu thơ mượt mà, tinh tế, hàm súc nhưng hơi buồn và in rõ dấu ấn bâng khuâng, thơ mộng của truyền thống văn hóa, tinh thần xứ Huế.