Cách đây không lâu, khi tôi và hai nhà văn Nguyễn Đình Chính, Nhật Tuấn đang ngồi nhâm nhi ly cà phê ven bờ hồ Trúc Bạch- Hà Nội; thì Đỗ Minh Tuấn gọi di động, và một lúc sau, anh mang đến tặng mỗi người một cuốn tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm. Nhà văn Nhật Tuấn cho biết- Tuấn xi -nê đã gửi tiểu thuyết đầu tay này đến Nhà xuất bản Văn học từ năm 1974, do chính anh được giao biên tập; viết về sinh viên thời chống Mỹ, rất thông minh, hấp dẫn, nhưng gai góc quá, lúc ấy không in được. Vậy mà đến nay, mặc dù “Nhà sách Kiến thức” đã cho đánh máy bản thảo từ mấy năm trước, đề nghị Đỗ Minh Tuấn sửa mo-rát cho in; nhưng anh vẫn không chịu, mà lại cặm cụi hoàn thành Thần Thánh và bươm bướm; vì anh thấy cuốn tiểu thuyết đầu tay thời sinh viên, chưa hội tụ đủ những điều mà anh có hôm nay...
Vậy thì, những điều Đỗ Minh Tuấn “đã có” cho cuốn tiểu thuyết hôm nay là gì? Đó chính là sự tổng hợp cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện của một nhà thơ, một họa sỹ, một người viết hài kịch và một đạo diễn điện ảnh. Do đó, chúng tôi muốn nhìn tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của anh, từ bốn góc độ nghệ thuật: Một bài thơ, một bức tranh, một vở hài kịch và một bộ phim.
1-Một bài thơ về thân phận nông dân.
Đỗ Minh Tuấn là một nhà thơ đã thành danh, từ đầu những năm 80 ( TK XX), với những bài thơ day dứt, trí tuệ, nhiều tìm tòi; được giải thơ hay của báo Văn Nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đến năm 1990, anh được Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, với bài thơ gan ruột xúc động tài hoa Mẹ tôi người hay lo. Năm 1992, anh cho ra liền 4 tập thơ Những cánh hoa tiên tri, Tỉnh Giấc, Con chim giấy, Thơ tình. Vậy thì, những tập thơ này có dính líu gì đến Thần thánh và bươm bướm không? Vì những hình tượng quan trọng nhất trong bốn tập thơ, với gần 600 trang, đều có mặt trong Thần thánh và bươm bướm. Đó là hình ảnh người phụ nữ, người mẹ lam lũ, tần tảo, nhẫn nhục vị tha, hết lòng vì chồng con; người lính lạc quan, mạnh mẽ và mơ mộng; người dân lao động ở cả nông thôn và thành thị đã đau khổ trong chiến tranh vì trong nhà nhân dân luôn vắng một đứa con/bầu trời của nhân dân luôn thiếu một màu mây/trên áo của nhân dân luôn thiếu một vết nhàu vì vòng tay ôm ấp”… đến hòa bình, họ lại phải tất bật lo toan trong đời thường, luôn luôn mang khát vọng đổi đời dù chỉ là một sự đổi đời khiêm nhường đến tội nghiệp; rồi hình ảnh những người đổ máu ra đúc tượng mình để ngắm, những chiếc áo lính bị lãng quên trong chính các Bảo tàng…Những nhân vật này đã bị biến dạng trong môi trường văn xuôi nhưng lại được nhà đạo diễn biến thành những tài tử xi nê trong nhiều pha kịch tính, nhà viết kich biến họ thành những nhân vật hoạt kê, còn nhà họa sỹ thì đặt hội họa vào một không gian ảo.
2-Một bộ phim về những tính cách Việt.
Đỗ Minh Tuấn là một đạo diễn với phong cách độc đáo, phim của anh đã dự mấy chục liên hoan phim quốc tế, đoạt 15 Giải thưởng Điện ảnh trong và ngoài nước, trong đó có 5 phim được hơn chục nước mua bản quyền phổ biến đưới nhiều hình thức. Đặc biệt, Vua bãi rác là phim đầu tiên trong nước sản xuất đủ tiêu chuẩn tham dự Oscar. Các phim này đều thể hiện hình ảnh con người VN nghèo khổ, lam lũ, nhưng nhân hậu, vị tha, giàu lòng tự trọng và không nguôi khát vọng đổi đời trong những tình huống khắc nghiệt nhất. Thần thánh và bươm bướm cũng có những nhân vật như vậy, nhưng đầy chất điện ảnh. Cốt chuyện vừa mang tính hình sự ly kỳ, vừa mang tính thần thoại giả tưởng, với những phân tích tâm lý xã hội sâu sắc, về tính cách, tâm lý và thân phận của người nông dân. Những cảnh Thao làm tình với vợ, trên đê trong đêm mưa; Thánh Chấn chữa bệnh bằng tình dục; ông bố Thao thưởng thức trộm thân thể nõn nà của các mợ, các cô qua khe cửa; rồi những cảnh nông dân đuổi bắt bươm bướm trên đồng; hay những xung đột tranh chấp quanh gốc bưởi; cho đến những đám tang của dân làng Đông Phúc chôn lão ăn mày, với chiếc xe công nông chất đầy hoa đồng nội…đã ghi đậm chất điện ảnh nghệ thuật hết sức dữ dội, nhưng cũng đầy chất quê trữ tình và đằm thắm.
3-Một vở hài kịch về nông thôn thời đổi mới.
Đỗ Minh Tuấn cũng thành công trong lĩnh vực hài kịch. Anh đã có ba vở hài kịch và hai chùm hài kịch ăn khách do Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN dàn dựng. Các chùm hài kịch Đời cười 3, Internet về làng đã cháy vé, mỗi ngày diễn 2, 3 suất, đến nỗi Đài NHK của Nhật phải làm một phóng sự ngắn về hiện tượng ăn khách của Internet về làng. Các vở Lễ nhận huân chương, Loa phường thời chúng khoán cũng khá gai góc và ăn khách. Hài kịch của Tuấn cười ra nước mắt, giễu cợt những căn bệnh của xã hội thời hội nhập bằng cái hài tình huống và cái hài tính cách, rất sâu sắc và hấp dẫn. Thần thánh và bươm bướm cũng là một tiểu thuyết hoạt kê, cười giễu những căn bệnh sỹ diện, hám lợi và hoang tưởng đến tội nghiệp của con người Việt Nam hôm nay. Chỉ khác là cái cười trong tiểu thuyết thâm thúy nhẹ nhàng hơn, thâm sâu hơn, không rộ lên như tiếng cười trên sân khấu. Vì anh đã biết khai thác những tình huống hài tinh tế, tỏ ra là một người am hiểu tâm lý nông dân. Nhưng cái cười này không ác độc- mà là cái cười sẻ chia, thông cảm và phê phán nhẹ nhàng, tiếng cười có pha lẫn nỗi đau của người trong cuộc.
4-Một bức tranh lộng lẫy, huyền ảo về nông thôn.
Đỗ Minh Tuấn là một họa sỹ tự học, nhưng khá thành công, bởi chính từ lòng đam mê hội họa của một nhà thơ, một đạo diễn điện ảnh. Từ khi cầm bút vẽ năm 1993 đến nay, anh đã có 3 triển lãm chung ở Hà Nội, Hải Phòng và 3 triển lãm cá nhân ở Hà Nội, Paris, Singapore. Tranh của anh thuộc trường phái cắt dán hiện đại, phối hợp giữa hình họa và trừu tượng; đặt nhân vật thực trong không gian ảo; bảng màu thường rực rỡ, với hòa sắc tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ. Trong Thần thánh và bươm bướm, anh cũng đăt nhân vật thực trong nhiều không gian ảo. Những cây gạo ma quái, những cây bưởi, cây chuối linh thiêng, những đàn bướm trên đồng quê rực rỡ. Nhìn sâu hơn, có thể thấy Thần thánh và bướm bướm là một tác phẩm sắp đặt trình diễn mang tính giễu nhại hiện đại, sắp đặt nhiều số phận khá đặc biệt vào các tình huống giả tưởng trớ trêu, để làm bật lên thần thái mộng du và ấn tượng bi hài kịch của một thời.
Là một người làm thơ, vẽ tranh, làm sân khấu, một nhà báo theo dõi về nghệ thuật...tôi rất thích thú khi đọc Thần thánh và bươm bướm; để cùng đồng cảm, cùng sẻ chia từ bốn góc độ nghề nghiệp mà cả hai chúng tôi cùng đam mê. Chắc chắn, anh sẽ phát huy được mặt mạnh của một người đa tài, đa tình, đa phương tiện trong các tác phẩm sau này của mình; nhưng trước hết và là điều quan trọng nhất, như tâm niệm của Đỗ Minh Tuấn- Lao động, sáng tạo là niềm vui và là niềm hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sỹ!