Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI CẢM NHẬN VỀ GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỌ

Phan Duy Kha
Thứ tư ngày 14 tháng 12 năm 2011 3:17 PM

Giáo sư Ngô Đức Thọ là chuyên gia Hán Nôm.
Ông là người đồng hương với tôi. Đồng hương đến “cấp” huyện (cùng quê Can Lộc, Hà Tĩnh). Là đồng hương, lại cùng nghiên cứu, viết sách báo về mảng đề tài Lịch sử nhưng tôi chỉ mới biết ông qua các tác phẩm của ông, chứ chưa hề được gặp mặt. Mãi đến lần chúng tôi được ông Nguyễn An Kiều mời về dự lễ giỗ lần thứ 372 Hoàng giáp - Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu (ngày 2.7.2011) tôi mới được gặp ông. Ngay lần ấy, tuy là đồng hương, lại cùng trong một chuyến đi, nhưng tôi cũng không bắt chuyện làm quen với ông. Tính tôi vốn thế. Rất ít khi “mở rộng quan hệ ngoại giao”. Chỉ biêt việc mình mình làm. Trong nghề viết sách, viết báo về đề tài lịch sử, không có gì quý bằng độc lập suy nghĩ, phát biểu quan điểm của mình, không bị ảnh hưởng của ai cả.
Sau chuyến đi đó, tôi về mở mạng tìm hiểu tư liệu về Cụ Nguyễn Duy Hiểu, và tình cờ gặp được trang mạng của ông trên 360plus.yahoo.com .  Bạn đọc cần biết một sự thật này: Trong khi các nhà thơ, nhà văn, hầu như người nào cũng có trang Blog cá nhân của mình thì các nhà nghiên cứu lịch sử không hề có. Họ rất ít khi dùng mạng, thậm chí có người không hề biết đến vi tính. Cho đến hiện nay, tôi biết, có những vị GS, TS ngành Khoa học xã hội còn dùng bút mực chép tay bài viết rồi mang đến Tòa soạn báo hoặc ở xa thì bỏ phong bì, gửi bưu điện khi viết bài cộng tác. . . Chính vì vậy, khi bắt gặp trang mạng của một nhà nghiên cứu như ông, tôi thấy thú vị biết chừng nào ! Ông lại là chuyên gia rất sâu về Hán Nôm, vì vậy, bài của ông thường là bài “độc”, tức là chỉ mình ông có. Tôi thường ghé thăm trang mạng của ông là vì thế.
Vừa rồi trên trang mạng của ông xuất hiện một bài mới về “Cựu đô Ngàn Hống”, đây là loại đề tài mà tôi tâm đắc. Không tâm đắc sao được, khi tìm ra/ phát hiện ra quê mình lại là Quốc đô đầu tiên của người Việt , trước khi có Kinh đô Phong Châu của các vua Hùng ! Trước đây, tôi đã hai lần viết về đề tài này. Lần đầu tiên, từ những năm 1990, tôi viết bài “Đâu là quốc đô đầu tiên của người Việt” đăng trên Tạp chí Thế giới mới. Bài này sau đó tôi đưa vào cuốn Nhìn lại Lịch sử (Nxb Văn hóa –Thông tin 2003) , rồi lại đưa vào cuốn Nhìn về thời đại Hùng Vương (Nxb Lao động, 2009). Lần thứ hai tôi lại trở lại đề tài này với bài  Tiền thân của Kinh đô Phong Châu vốn ở Hà Tĩnh (đăng trên báo Khoa học & Đời sống Online, lên mạng ngày 10.4.2011, sau đó được một số báo mạng đưa lại. Bạn đọc muốn xem lại bài này có thể truy cập vào mạng google rồi đánh tên bài hoặc đánh từ khóa phanduykha là sẽ thấy!) .Vì vậy, khi thấy có người quan tâm đến vấn đề mà mình quan tâm, tôi rất tâm đắc, liền truy cập vào ngay để đọc. Nhưng lúc ấy mới chỉ có tiêu đề và hai bức ảnh. Tôi liền ghi vào mấy dòng comment : “Chào Bác Ngô, tôi vào thăm trang của Bác luôn. Bác viết cho một bài kỹ hơn về đề tài này được không? Kính chào Bác. Phan Duy Kha”
Ngay sáng hôm sau, mở lại trang mạng của ông, tôi đã gặp bản dịch dài về Ngọc phả Hùng Vương. Ngay dưới bản dịch này là bức thư ngắn ông viết trả lời tôi. Nguyên văn như sau:
“ Thư ngắn trả lời bác Phan Duy Kha
Cảm ơn bác đã ghé xem trang của tôi và có để lại một tin nhắn. Lời nhắn của bác gửi khích lệ cho tôi cũng hơi bị . . .nhiều, bởi vì đúng lúc tôi mới dựng lên bài này bằng việc dịch đoạn mở đầu Hùng Vương Ngọc phả. Thông thường người ta viết cho xong hẳn rồi mới post lên mạng, nhưng tôi viết, dịch, trích ảnh v.v. . .luôn trên máy, đành bấm nút cho “Đăng”  luôn- đỡ lích kích hơn nếu để lưu vào “nháp”. Vì thế, có lẽ bác quan tâm mà tôi gây phiền cho bác phải trở đi trở lại nhiều lần. Mong bác thông cảm cho nhé. Tôi cũng đã xem bài của bác viết về Cựu đô Ngàn Hống, đem so thấy bác và tôi cùng dùng một văn bản, nhưng có lẽ bản của bác chụp ở Đền Hùng, bản tôi dùng là bản của Viện Hán Nôm, cũng chụp lại từ bản ấy. Việc này người ta cũng quên bẵng đi rồi, chúng ta cùng xới lại vấn đề xem sao ? Có thể có thêm được ý tứ gì mới không ?
Chúc bác vui mạnh
Ngô Đức Thọ”
Phía dưới bức thư, ông còn mở ngoặc ghi chú: “Tôi muốn đánh ngay vào chỗ trả lời ở comment của bác, nhưng quên mất cách gửi, nên đành đánh thẳng vào đây !”
Nhận được thư trả lời của ông, tôi rất mừng. Được biết là ông thường vào mạng, viết trực tiếp (online) trên mạng, không như tôi, thường đánh máy, sưả chữa , lưu vào file rồi mới post lên mạng (và cả gửi cho các báo). Ông cũng không dấu khả năng hạn chế khi sử dụng máy tính, quên cả cách thao tác khi trả lời comment. Những chi tiết nhỏ nhưng làm tôi thú vị. Người làm công tác khoa học thường chân thành đến từng chi tiết nhỏ như thế. Tôi liền viết thư trả lời ông trên comment :
“Kính gửi Bác Ngô,
Nghe danh của Bác, đọc các tác phẩm của Bác từ lâu, nhưng mới được gặp Bác từ hôm chúng ta cùng được ông Nguyễn An Kiều mời về dự lễ giỗ lần thứ 372 Cụ Hoàng giáp Chánh sứ Nguyễn Duy Hiểu. Từ đó, tôi thường vào thăm trang mạng của Bác luôn. Tôi rất thích những bài Bác viết có liên quan đến các tư liệu Hán Nôm. Hôm qua tôi chỉ mới nhìn thấy tiêu đề bài viết và mấy bức ảnh, nên mạn phép ghi mấy dòng, không ngờ lại được Bác trả lời ngay dưới bài viết, làm tôi cảm động lắm. Kính chúc Bác mạnh khỏe và có nhiều bài nghiên cứu mới về đề tài lịch sử, nhất là các đề tài liên quan đến tư liệu Hán Nôm mà không phải ai cũng có, không phải ai cũng viết được.
Về bức không ảnh (ảnh vệ tinh) chụp vùng Ngàn Hống, Bác đưa vào rất quý. Nhưng nếu Bác bớt chút thì giờ, biên vẽ thành bản đồ, ghi cụ thể thêm các địa danh rồi đăng bên cạnh bức ảnh để đối sánh thì tốt hơn nhiều. (vì người xem sẽ biết cụ thể hơn, chứ nhìn qua ảnh thì ít người biết) mong Bác lưu ý thêm.
Nếu lúc nào đó có thì giờ, xin mời Bác vào thăm trang mạng của tôi theo đường Link sau : http://phanduykha.wordpress.com
Kính chào Bác
Phan Duy Kha”
(Cả hai bức thư đều có trên Blog của GS Ngô Đức Thọ )
Thư tôi viết hôm trước thì ngay ngày hôm sau, vào trang mạng của ông, tôi đã thấy xuất hiện thêm tấm bản đồ vùng phía nam Ngàn Hống, tức là vùng được Ngọc phả Hùng Vương chỉ định là Cố đô Ngàn Hống đã được ông đưa vào rồi.
Ông là người làm việc nhanh nhạy, kịp thời như thế đấy.
GS Ngô Đức Thọ là cháu nội Nhà chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế. / .
PDK