Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG THÂN PHẬN BÊN SÔNG

Vũ Xuân Tửu
Thứ tư ngày 14 tháng 12 năm 2011 3:51 PM

(Cảm nhận đọc tập truyện Những người đàn bà ở bên sông của Vũ Minh Nguyệt, Nxb Hội Nhà văn, 2011)
 
Mười một truyện ngắn trong tập Những người đàn bà ở bến sông, được Vũ Minh Nguyệt đóng trên bốn cái chốt lưng trời. Đó là, thân phận những người đàn ông từ chiến trường trở về, thân phận người đàn bà hậu phương, hầu hết đều diễn ra trong làng Bãi Trữ, bên sông Hoàng Long. Từ đó, cốt truyện, chi tiết và tình huống, như những ganh ngang go dọc, dệt nên tấm lụa sắc màu thôn dã.
Những người đàn ông thôn quê, đội quân chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ tham gia phong trào tòng quân, ra chiến trường. Nhiều người hy sinh. Giấy báo tử ghi những dòng nhỏ máu: “Đồng chí đã hy sinh anh dũng tại chiến trường phía Nam tổ quốc”. Chiến tranh ác liệt, đến khi hòa bình cũng chẳng tìm thấy phần mộ, nơi mông lung ấy. Những người may mắn trở về, đều thương tích đầy mình, tay còn vài ngón, chân cụt đến háng, hoặc bị tâm thần đi lang thang… Và, những nỗi đau thương, khó nhọc ấy, lại đổ lên vai những người mẹ, người vợ, người con. Tất cả phải gồng mình lên mà chịu đựng, vượt lên số phận, không ai thương yêu và gắn bó, xẻ chia với mình như gia đình và làng xóm của mình.
Những người phụ nữ làng quê đồng bằng Bắc Bộ, tuy không cầm súng thép, đạn đồng ra trận, nhưng cũng chung cảnh ngộ. Oái oăm hơn cả là trường hợp vợ liệt sỹ, lúc đầu được người làng trọng vọng, nâng đỡ cho lên bán hàng ở cửa hàng hợp tác xã mua bán, chia thóc được ưu tiên trước. Nhưng khi chót mang bụng với khác, thì bị hắt hủi, mất hết chế độ đãi ngộ, ra bãi sông mà ở. Thật xót xa, mỗi khi trời đổ cơn mưa, chị lại lặn lội ra bến sông, nằm với người đàn ông cất vó, để đổi lấy mớ cá, rồi mang ra chợ bán, mua bút mực cho con các ăn học. Truyện thế thái nhân tình, cũng có những nỗi buồn thương sâu lắng, khi gái làng bị cuộc sống thị thành cám dỗ, dẫn đến sa cơ lỡ vận (Trăng mọc trên đỉnh núi). Nhưng cũng có những người đàn bà vượt lên sự giàng buộc của lễ giáo phong kiến, đi hỏi vợ bé cho chồng, hoặc những cô gái thời hiện đại đã vượt ra ngoài lũy tre làng, bằng con đường trau dồi tri thức khoa học và thành đạt, lấy chồng thị thành, hoặc vượt lên hận thù, lấy chồng ngoại quốc (Về lại mảnh vườn xưa).
Những con người bình dị, chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô, đánh cá… Nhưng chiến tranh đã cuốn họ vào guồng quay khốc liệt, mà không ai kịp tính toán thiệt hơn. Làng Bãi Trữ nhỏ bé, trước làng là con đê và dòng Hoàng Long, bên kia là làng Hối, làng Thiệu; phía tây là dãy núi Trường Yên, thuở xưa, Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau tập trận và thả diều rơi xuống đồng làng này, nên gọi đồng Diều Sa; phía đông là bến Gián Khẩu, khi xưa, Quang Trung diệt đồn tiền tiêu, để thần tốc tiến đánh quân Thanh ở Thăng Long; và phía nam là hướng tiến quân của các chàng trai ra mặt trận. Tất cả truyền thống và hiện tại, huyền thoại và ký ức thấm đẫm tình đất, tình người hiện lên trang sách, mấy nỗi đau thương, mấy độ ân tình. Nhưng dấu ấn chiến tranh đậm nét hơn cả. Trai làng, hết lớp này, đến lớp khác ra đi. Với bọn trẻ gái, trai mười sáu, thì ánh mắt người làng có vẻ nuông chiều hơn đối với bọn con trai, bởi năm sau, chúng đủ tuổi ra trận và liệu có trở về; hoặc như, sau mỗi đợt tuyển quân, làng lại như chìm đi, vắng vẻ đến cả tháng (Cha, mẹ và con).
Dòng sông Hoàng Long nhọc nhằn chảy, với những cánh buồm vá víu lam lũ và rặng gáo phơi quả bạc đầu ven sông. Những nhân vật trong tập truyện, đều soi bóng xuống dòng sông quê hương ấy: nào Thắm, nào Duyên, nào Nguyệt, nào Lý… Dòng sông như một bờ vai vạm vỡ của làng. “Làng giống như hình cô gái nằm nghiêng, úp bụng vào sông Hoàng Long”.
Bên trong cái vẻ bình lặng ấy, cũng có lúc nổi bão giông của những cuộc đánh ghen, chuyện trọng nam khinh nữ, giành giật đất đai, cãi vã của hàng xóm láng giềng và những trò tinh quái của trẻ con… Xã hội thu nhỏ trong làng, với tất cả nỗi buồn, vui, thương, giận. Khi xa làng, người ta nhớ về như những kỷ niệm không thể phai mờ.
*
Truyện của Vũ Minh Nguyệt không ồn ào, dữ dội, mà bình dị, sâu lắng, khiến người ta phải suy ngẫm về những mảnh hồn làng, về những cái còn, cái mất, cái tỏa sáng sau chiến tranh và trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường, hội nhập thế giới. Mười ba truyện đều ấn tượng, nhưng người đọc cảm thông hơn cả với thân phận đàn bà trong hai truyện: Sau mưa, Những người đàn bà ở bên sông. Có lẽ cũng là những truyện tác giả tâm huyết nhất, nên lấy tên truyện mà đặt cho tập truyện.
 Hành động của nhân vật nữ thể hiện qua lao động sản xuất: đập lúa, gánh rạ, chèo đò, câu cá, hoặc giao tiếp trong đám giỗ, đám tang, đám cưới ở làng quê, những cảnh vượt cạn một mình và lại còn tham gia dân quân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ… Qua đó, khắc họa hình ảnh và tính cách nhân vật.
Tên nhân vật nữ, được tác giả chọn lọc kỹ càng, phù hợp thời cuộc, từ cái Tý thuở bé thơ, đi thoát ly đã đổi thành Lý. Cách tả những kiểu trang phục phụ nữ thôn quê, thành phố, trong thời chiến tranh và thời hiện đại, cách cách cặp tóc, chít khăn, đi chợ, vào siêu thị… đậm đặc chất nữ tính, tập trung cho nhân vật, khiến người đọc cảm thấy thú vị.
Sự quan sát tinh tế, mà có lẽ, chỉ phụ nữ mới có được: Những vệt tàn nhang ở má loang lổ dưới lớp phấn chỗ hồng, chỗ nâu, có chỗ đọng lại thành ngấn trắng ươn ướt (Tiếng sáo). Lớp lông chân rậm rạp, xanh rì, xoắn tít lại với nhau quằn quại (Hoàng hôn của cha). Mấy sợi tóc mai bết mồ hôi lòa xòa xuống má như những dấu hỏi (Cha, mẹ và con)…
Bên cạnh những chi tiết sống động, là những câu chữ gợi cảm, khá là độc đáo: Nghe tiếng nước thon thót trở mình (Đồng quê). Tiếng côn trùng ỉ eo (Những người đàn bà ở bên sông). Cà chua bẹp nhoe nhoét, kéo dài một đoạn lầy nhầy, đo đỏ như vệt máu (Hôm qua và hôm nay)…
Cốt truyện giản dị mà sống động, chi tiết phong phú và câu chữ gợi cảm, cách viết có tình của Vũ Minh Nguyệt, đã làm nên một tập truyện ngắn Những người đàn bà ở bên sông.
V.X.T