Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KIỂU SO SÁNH ĐỘC ĐÁO

Trần Quốc Thường.
Thứ sáu ngày 9 tháng 12 năm 2011 8:52 PM

      Trong thơ nhạc xưa nay các nghệ sĩ thường lấy vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp của con người ( khuôn trăng, nét ngài,… cao như núi, dài như sông). Những cũng có những nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng tài hoa đã đưa ra một tiêu chuẩn khác, ngược lại với quan điểm truyền thống. Theo họ con người là hoa của đất, con người mới là đẹp nhất. Đó mới là chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Đây là ý nghĩa nhân bản độc đáo của mĩ học theo quan niệm của các nghệ sĩ. Ta thử xem một số thí dụ.
1.  Vương Bình thời Đường rất đẹp trai, mỗi lần ông ra dạo phố, đàn bà con gái thường chạy theo tặng hoa. Mọi người  trầm trồ khen ngợi, họ kháo nhau: Nói Vương Bình đẹp như hoa sen là không đúng. Mà phải nói hoa sen đẹp như Vương Bình.
2.  Cao Bá Quát trong bài thơ Vịnh Tây Hồ có viết:
Tây Hồ chân cá thị Tây Thi.
        Chàng thi sĩ họ Cao ca ngợi Hồ Tây đẹp, đẹp như nàng Tây Thi vậy. Với Cao Bá Quát thìTây Thi là sự hoàn mĩ của tạo hoá.
3.  Nguyễn Trãi trong Côn Sơn ca lại so sánh tiếng suối nơi ông ẩn dật tựa như tiếng đàn cầm:
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
4.  Nguyễn Du ca ngợi, cực tả nàng Thuý Kiều, hoa lá cũng phải hờn ghen:
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
                                                                         ( Truyện Kiều)
5.  Tiến sĩ Hoàng Trừng (đậu Hoàng Giáp năm 1499) quê Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, phủ La Sơn  là cháu ngoại Thái học sinh Nguyễn Biểu, tác giả Nghĩa sĩ truyện. Ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Đất kinh kì đến nay vẫn còn lưu câu: Bánh dẻo như văn Hoàng Trừng để ngợi ca.
6. Hồ chủ tịch của chúng ta so sánh tiếng suối ở núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp với tiếng hát của con người:
                                   Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
                                                           ( Cảnh khuya)
7.      Theo thi sĩ Xuân Diệu con người hồng hào mơn mởn giữa tuổi yêu đương là đẹp nhất. Ông có 2 hình ảnh so sánh thật sáng tạo. Nhà thơ lấy hàng mi, cặp môi thiếu nữ làm đối tượng so sánh:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”,
                                                                            ( Vội vàng)
8.      Nhạc sĩ Đoàn Bổng, trong  lời bài hát: Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, ông cũng lấy mắt trẻ thơ để làm chuẩn khi so sánh với cái xanh trong của dòng sông Đáy nên thơ:
Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, sông xanh như mắt trẻ, sao giống nhau đến thế…
9.      Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa trong bài hát  Tàu anh qua núi, ông lấy Lời hát của con người để làm chuẩn khi so sánh với cái xanh trong của bầu trời đất nước thống nhất.
                                        Trời hôm nay trong xanh như lời hát
      Ta có thể tìm ra một số dẫn chứng được các nghệ sĩ tài hoa so sánh theo cách lấy  vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp của tự nhiên.
      ở họ tuy khác nhau về địa vị, tuổi tác, sống ở các thời đại khác nhau nhưng họ là những con người tài hoa, có chung  một  quan điểm mĩ học độc đáo.