Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI TIẾU LÂM TRUYỀN KỲ( KÌ 22)

Vũ Duy Chu
Thứ năm ngày 8 tháng 12 năm 2011 5:49 AM

( Sưu tầm và sáng tác)

MÀY CÚP MÁY NGAY ĐI!

Chuông điện thoại để bàn reng reng giòn giã. Cậu quý tử nhấc máy nghe một tí, rồi gọi mẹ (là vợ một quan cấp Sở):
- Mẹ ơi, có cái cô gì xưng là bạn học đại học hồi trước với bố, muốn gặp bố đây này!
- Sao mày ngu thế con. Bố mày có ngồi ở nhà đâu mà gặp với gỡ. Hai là bố mày tròng trọc có mỗi cái bằng tốt nghiệp phổ thông hệ bổ túc văn hóa, đã đặt được mông vào cái ghế sinh viên ngày đéo nào mà có bạn học đại học. Bạn bè gì, nghe đã thấy dỏm rồi. Mà bố mày có điện thoại di động, sao mấy cái đứa õng ẹo anh anh em em ấy không gọi, lại cứ nhè máy nhà mà gọi tao là sao? Dẹp! Mày cúp máy ngay đi!

PHỔ NHẠC… TUỐT TUỒN TUỘT

Một ông nhạc sĩ khá nổi tiếng than phiền trên một trang báo mạng rằng các nhạc sĩ Việt Nam xưa nay sử dụng ca từ trong các ca khúc rất dễ dãi, thô thiển, phản cảm. Đại thể, ông bảo chẳng có cái gì các vị ấy không phổ nhạc. Nào là“ nước đủ, phân gio nhiều…” nào là “đàn lợn béo, nồi cám lợn…”. Thậm chí các câu thơ kinh dị, câu khẩu lệnh “Không cho chúng nó thoát”, các vị phổ nhạc tất tần tật, tuốt tuồn tuột.
Ôi, nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ! Cách nay hơn ba mươi năm, sinh viên trường tôi còn “phổ” nhạc cả những câu chửi ấy chứ.
***
- Này, tôi nói cho các chú biết, sinh viên gì mà mặt trơ trán bóng, bụng ỏng đít beo, chân cù nèo, tay ống sậy, y đồ khỉ đột. Cái hàng rào của người ta chắc như sắt, chặt như nêm như thế, nay nhổ một cọc, mai tróc một cây. Bây giờ các chú ra mà xem, có còn ra hàng rào nữa không. Tôi sẽ lên gặp Ban Giám hiệu kiện các chú, xem các chú còn phá phách ngược ngạo được mãi không?
- Đây đâu phải cái chợ, cái nhà bỏ hoang, cái làng chạy giặc, hở? Đứa nào muốn làm gì thì làm à, giời ơi là giời. Sinh viên gì, một lũ điên, không coi ai ra cái gì hết. Đứa nào muốn nhổ cọc, ra đây mà nhổ, bà đứng đây cho mà nhổ. Ở đây nó là cái cọc, về nhà chúng mày nó là cái gậy thọc, nó đâm nó  chọc, lòi mắt chúng mày ra. Giỏi thì sang phá nhà bà đi xem na…aà..o…o!
Thợ chửi chuyên nghiệp à? Xin thưa, mấy bà Công ty Công trình Bưu điện đấy.
Khu tập thể Công ty Công trình Bưu điện kế bên mấy dãy ký túc xá trường Đại học Bưu điện. Ngăn cách bên này bên kia là một hàng rào gỗ và luồng, chằng kẽm gai. Của đáng tội, sinh viên có nắm mì sợi, củ khoai, mớ rau, muốn xì xụp, lấy gì đun? Thanh đỡ giát giường năm cái tháo hai rồi, rút tranh mái nhà hoài rồi, không rút cọc gỗ, cọc luồng của mấy bà mà nấu, chả lẽ ăn sống ăn sít được a?
Khi bà nọ chửi méo, chửi héo cả giọng, vào nhà rồi, thì mấy lão lớp 74H tán chuyện:
- Hí…hí…hí… Cả làng Vũ Đại bị nó chửi, “nhưng ai cũng tự nhủ chắc nó chừa mình ra”. Hí…hí…
Một ông là cựu binh bảo:
- Đúng là chửi như mất gà. Vợ tao ở quê mất con gà mái, chửi mỗi tiếng rưỡi xong. Đây mất mấy thanh củi, chửi nửa buổi sáng, ghê!
- Còn phải để cho người ta học chứ? Chửi vừa vừa thôi chứ!
- Ấm bụng mới học được. Học mới quan trọng, mấy thanh củi quan trọng đếch gì?
- Ở đây toàn người tốt, rào làm gì? Rào thế là xúc phạm người tốt, mất đoàn kết. Người không tốt thì làm sao mà thành sinh viên được, trời! Khớ… khớ…khớ…
***
Mấy hôm sau, hàng rào được tu bổ, nâng cấp. Cọc đóng sâu hơn, cọc nào cũng nhoe nhoét hắc ín, thối hoăng, kẽm gai mới chằng chịt, tua tủa gai, nhọn hoắt.
Mấy ông lớp 74H nhóm họp, bàn kế hoạch hành động. Nhóm trưởng kết luận:
- Tình hình nói chung rất chi là thuận lợi cho phiá ta, củi mà quét hắc ín thì cháy vèo vèo, tốt!
- Mùi thối hoăng không ăn thua. Mùa đông, đầu nhà chúng ta đái chả khai nồng nặc lên, nhức cả mũi, đâu có sao? Đúng không?
- Vấn đề tiếp theo là việc chửi. Bố khỉ, cùng trong ngành Bưu điện với nhau, chẳng gắn bó nhau như khố với đít được thì phải đau khổ, xấu hổ mới phải chứ. Ai lại toàn chửi, toàn vạch áo cho người xem lưng. Rút kinh nghiệm, lần này mấy bà ấy chửi nữa, ta phải “phổ” nhạc, mấy ông ạ. Họ chửi thì ta chơi nhạc, đệm nhạc, hả? Chơi khí thế bừng bừng vào. Thằng này chơi ghi ta nhá. Thằng này chơi chập cheng. Còn mày, lấy nắp nồi nhôm vỗ thật lực vào đít nồi cho tao. Thằng này gõ thià, thằng này trống bỏi, thêm vỗ tay, huýt sáo nữa…
- Còn thằng này to mồm, lĩnh xướng, rõ chưa? Nghiã là bà ấy chửi câu nào, mày phải nhắc lại rõ to, y sì, đếm 1,2 đến 3, tất cả hô theo. Sau đó,  nhạc cụ tấu lên, hoà lên, tất cả rõ chưa?
Mấy tuần sau, cọc gỗ mất vài cái, toàn cái nhô cao, nhiều hắc ín nhất, có mùi nhất. Im lặng. Cuối tháng sau nữa thì hàng rào xộc xệch, nghiêng ngả, lèo tèo.
***
Sáng chủ nhật, mấy ông đang nhóm bếp luộc khoai thì đột nhiên nghe xoe xoé. A, chửi, anh em đâu?
- Bọn mặt dày, mày chổi xể chúng bay, nhổ rào của bà!
- Một, hai, ba: Bọn mặt dày, mày chổi xể chúng bay, nhổ rào của bà! Bọn mặt dày, mày chổi xể chúng bay nhổ rào của bà!
Choeng…choeng…choeng…Tùng…tùng…tùng…phừng…phừng! Ố la la. Bốp.. bốp… bốp…
- Đồ mất dạy!
- Một, hai, ba: Đồ mất dạy! Đồ mất dạy! Tùng tùng tùng, choeng choeng choeng! Ố la…la…la, phừng phừng phừng… cắc… cắc… cắc…
- Bà bắt quả tang, bà phang gãy cẳng, tiên sư chúng mày!
- Một, hai, ba: Bà bắt quả tang, bà phang gãy cẳng, tiên sư chúng mày! Một, hai, ba: Bà bắt quả tang, bà phang gãy cẳng, tiên sư chúng mày! Ố… la… la, cắc cắc cắc, phừng phừng phừng. Choeng! Choeng! Choeng! Tùng…tùng..tùng…
Thật là một “ bữa tiệc âm thanh” tưng bừng, lớp lang, hoà âm, phối khí nhịp nhàng. Bà kia chửi mà không thấy ai chửi lại, thì khác gì chửi nhau với bức vách. Đã thế lại phải nghe “nhạc” đến nhức óc, chịu không thấu, hằm hằm bỏ vào nhà.
***
Tôi đem chuyện này kể với một thằng em phiên dịch tiếng Nga. Nó bảo:
- Ối anh ơi, cái món phổ nhạc, Việt Nam mình cũng lại nhất thế giới. Chính em đây này, tự nhiên em phát hiện ra mình có năng khiếu phổ nhạc đấy.
- Thế chú phổ thơ à?
- Không, phổ thơ dễ ợt, kể chi. Nhiều ông nhà thơ một nốt nhạc cắn đôi không biết, thế mà vẫn hát thơ của mình vang lừng ấy chứ. Thơ đã có sẵn vần điệu, nhạc sĩ chỉ đem rải câu thơ lên khuông nhạc, là đã xong 50% công việc phổ rồi. Lần ấy, em đi công tác về vùng quê với một nữ đồng chí chuyên gia Liên Xô. Qua một cánh đồng khoai lang, giữa trưa hè nắng chang chang, em thấy hai bà chít khăn mỏ quạ, nhảy thếch lên, hạ thếch xuống. Hai bà cứ vỗ tay vào phiá dưới rốn bồm bộp, rồi tát hai bàn tay vào nhau bôm bốp, rồi xiả ngược sang mặt đối phương. Nghe họ chửi nhau, em biết tỏng bà nọ bới trộm khoai bà kia. Đồng chí Liên Xô thấy lạ bèn hỏi( Tất nhiên bằng tiếng Liên Xô):
- Hai đồng chí nông dân đang làm gì thế nhỉ? Hát hả?
- Đúng, đúng đấy đồng chí Liên Xô ạ. Người ta lao động mệt quá, đang giải lao, đang hát, đang múa với nhau cho vui ấy mà.
Phải cho đồng chí Liên Xô tin, rồi phục lăn, em giải thích:
- Người ta vỗ vỗ như thế, là vỗ cái trống cơm tưởng tượng ấy mà. Trống cơm người ta phải đeo trễ toòng teng ở dưới rốn thì mới vỗ được. “Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ…vỗ…vỗ, ấy mới cơm, nên cơm…”. Sòn… sòn… rê… mí… mí… la… la... lá... lá... Bài Trống cơm là hồn vía của đất nước chúng tôi đấy. Các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn, đoàn nào cũng hát bài này. Nước Liên Xô của đồng chí cũng rứa. Nữ đồng chí này có vẻ chưa hiểu. Nóng tiết, em vừa nhìn hai bà nông dân để bắt chước động tác cho khớp, vừa múa, vừa “phổ” nhạc oang oang…
Đồng chí Liên Xô sướng củ tỷ, cười như nắc nẻ. Chả thế mà trước khi lên xe, đồng chí vẫy vẫy tay chào hai bà kia rối rít, rồi xổ một tràng:
- Khơ- ra- sô, Khơ- ra- sô! (Hay, tốt, tốt!)
- Đa- xi- đa- nhè. Đa- xi- đa nhè! (Tạm biệt, tạm biệt!)
Trời ơi, cái thằng phiên dịch này mà là thành viên của nhóm mấy ông lớp 74H thì phải biết!
Lạ! Sao xứ mình lắm người tài thế chứ lị!

Sài Gòn, 6.12.2011
VDC
( Còn tiếp)