Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“XÓA NGỌNG N/L”

Nguyễn Xuân Quang
Thứ năm ngày 8 tháng 12 năm 2011 2:41 PM
 
Gần đây các diễn đàn trên mạng ở trong nước và hải ngoại nổ ra những cuộc tranh luận về hiện tượng “Xóa Ngọng N/L” (“Nói Ngọng Nờ Ngắn và Lờ Dài”).  Cuộc tranh luận này có nguồn gốc từ Việt Nam. Vào đầu tháng 11/2011, tại Việt Nam, Sở Giáo dục-Đào Tạo thành phố Hà Nội tiến hành chủ trương lên kế hoạch xóa nói “ngọng”  L/N tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội trong năm học 2011-2012. Hiện tượng “nói ngọng N/L” bây giờ tràn làn ở Việt Nam vì có hiện tượng nông thôn hóa thành thị và vì các vùng quê ngày trước giờ đã thống lĩnh các đôi thị lớn, ngay cả thủ đô Hà Nội, vốn được coi là có tiếng nói thanh lịch, chuẩn nhất Việt Nam. 
 
Vấn đề nói lẫn lộn âm N với L này tôi đã đề cập trong tác phẩm Tiếng Việt Huyền Diệu nhưng dưới cái nhìn nghiêng nhiều về ngôn ngữ học. Ở đây để góp mặt vào cuộc tranh luận hiện nay, tôi xin góp ý về vấn đề được cho là Ngọng N/L này dưới các diện khác nữa.
Những câu hỏi cần bàn tới là có phải thật sự là nói Ngọng N/L không?  Tại sao còn nhiều nơi ở Việt Nam và trên thế giới nói lẫn lộn N với L? Tại sao thích nói âm N hơn âm L? Tại sao phải “xóa” nói ngọng?  Có nên xóa không? Xóa như thế nào? Dựa vào những tiêu chuẩn nào để xóa?
1. Nói Lẫn Lộn N/L hay Nói Ngọng L/N?
Thật vắn tắt, theo tôi dùng từ ngọng (N/L) không chỉnh vì:
-Ngọng hiểu theo nghĩa thông thường hiện nay là từ dùng để chỉ những trường hợp lẻ loi thấy ở khắp các nơi, các vùng không riêng rẽ ở một vùng nào cả. Ngọng thường hay áp dụng cho trẻ em và về phương diện y học, ngọng có thể là một chứng rối loạn về ngôn ngữ cần phải trị liệu (speech therapy). Ta có từ ngọng nghịu.  Theo qui luật từ đôi, ta có ngọng ruột thịt với nghịu. Nghịu biến âm với nhịu (nói nhịu). Nói ngọng, nói nghịu, nói nhịu có thể có nguồn gốc bệnh lý.
Ở đây hiện tượng nói lẫn lộn giữa N/L thấy ở cả một vùng rộng lớn, mọi người người đều nói như vậy. Họ nói theo một thứ tập quán đặc thù của vùng đó. Trẻ em khi học nói, phát âm như vậy và được mọi người trong gia đình, làng xã chấp nhận vì chúng nói theo tiếng nói của mẹ, của “quê hương” các em. Các nhà ngữ học gọi đây là thổ ngữ (một vùng nhỏ ít người) hay phương ngữ (một vùng lớn nhiều người).
Nói lẫn lộn N/L không những thấy ở nhiều vùng ở Bắc Việt Nam mà còn thấy trong nhiều nơi nhất là trong đại tộc Bách Việt như thấy ở trong một vài tộc người Quảng Đông, Hẹ (Triều Châu) ...  ví dụ như nông (nông nghiệp) còn đọc là nung4 lung4 (giọng Quảng Đông), lung2 nung2 (Hẹ), long5 (Mân Nam/Đài Loan) ... Giọng Hẹ (ở Phúc Kiến, bờ biển Quảng Đông ... thuộc Mân Việt cổ đại) có khuynh hướng lẫn lộn l/n rõ nét nhất trong các phương ngữ  Trung Quốc hiện nay (Nguyễn Cung Thông, email trả lời một vị tên Lan). Tác giả Đỗ Ngọc Thành có sở trường về tiếng Nôm Bách Việt trong blog Nhạn Nam Phi (nhannamphi.com) cũng đề cập tới hiện tượng nói lẫn lộn N/L này trong tiếng Nôm Bách Việt (ở Nam Trung Hoa).
Điểm quan trọng nhất là dân một số vùng ở Bắc Việt họ nói cho là “nói ngọng” N/L mà nhiều trường hợp họ lại nói đúng nghĩa và chúng ta  “không ngọng” lại là nói sai (xem dưới).
Hơn nữa qui ước chữ quốc ngữ ngày nay chỉ mới có vài trăn năm mới đây, những âm N/L có từ thượng cổ. Không nói theo ký âm chữ quốc ngữ của các giáo sĩ Tây phương là nói ngọng?
Trước hết ta thử xem đây là hiện tượng nói lẫn lộn N/L hay đây là một hiện tượng nói ngọng?
Đây không thể nói là ngọng hay nói sai qui uớc chữ quốc ngữ hiện nay mà ta nên dùng từ nói lẫn lộn N/L. Tại sao?
Tại sao có sự nói lẫn lộn N và L
Trước tiên, ta hãy đi tìm âm N và L khác nhau như thế nào?
.Về thời gian âm N là âm cổ hơn âm L.
Về xã hội học, loài người nguyên thủy theo mẫu hệ sau đó chuyển qua phụ hệ và xã hội loài người hiện nay phần lớn theo phụ quyền cực đoan. Ngôn ngữ loài người thời mẫu hệ nói nhiều theo âm mẹ, nữ, nòng, âm. Có nhiều bằng chứng âm N là âm mẹ, nữ, nòng, âm. Ví dụ các từ cổ chỉ phái nữ  có N như nạ là mẹ (chờ được nạ thì má đã sưng), ná là mẹ (áng ná là cha mẹ), Thái ngữ nà là mẹ, người nữ. Cùng gốc na ta có nàng, nường, Hán Việt nữ, Anh ngữ nany (vú em, người giữ trẻ em), nun (bà sơ), nurse (y tá)... Bằng chứng rất rõ và cụ thể nhất là mẫu tự N của linh tự Ai Cập cổ diễn tả nước.

 
Mẫu tự N sóng nước của linh tự Ai Cập cổ.
Các từ dùng linh tự Ai Cập cổ thường không viết nguyên âm, các nhà Ai Cập học kiện nay lấy nguyên âm e để đọc những từ viết bằng mẫu tự linh tự. Vì thế thật sự mẫu tự N của linh tự Ai Cập cổ có thể phát âm theo bất cứ nguyên âm nào cũng được không nhất thiết phải là âm e. N có thể phát âm là Na (Nă, Nâ), Ne (Ne), No (nô, nơ), Ni Nu (Nư) và tất cả đều có nghĩa là Nước. Điểu này thấy rõ trong Việt ngữ:
-gốc na là nước như na là lưới liên hệ với nước (na biến âm với Hán Việt la là lưới như thiên la địa võng), nà là ruộng nước, ruộng phù sa ven sông, nã là nước (ngày nay nói lã, nước lã), nả (vật đựng cá hình quả bầu; vật đựng cá liên hệ với nước) và nạ là loài thủy quái, chúa tể cõi nước (ruột thịt với naga)...
-cổ ngữ  ne là nước, Việt ngữ ne ne là loài chim nước (ngày nay nói là le le). Bà Vụ Tiên với Vụ Tiên có nghĩa là con Le Le, có mạng Khôn có một khuôn mặt thái âm là nước ở cõi trên và là vợ của Đế Minh tức Đế Ánh Sáng cháu ba đời của thần mặt trời Viêm Đế có một khuôn mặt thái dương lửa (Đế Minh thái dương lửa nên hôn phối với Vụ Tiên thái âm nước). Hawaii vẫn giữ âm cổ ne ne này. Con chim biểu (state bird) của tiểu bang Hawaii là con ngỗng trời, họ gọi là ne ne. Con vịt trời ne ne, le le  Vụ Tiên của Việt Nam bay ra ngoài Hawaii trở thành con ngỗng trời ne ne (nên nhớ ngôn ngữ Hawaii có một phần ngôn ngữ từ Nam Đảo vượt đại dương tới, mà ngôn ngữ Nam Đảo liên hệ với ngôn ngữ Việt nên ngôn ngữ Hawaii liên hệ với Việt ngữ là chuyện tất nhiên).
-Việt ngữ nê là nước bùn.
-nò (vật bắt cá) (Chồng chài vợ lưới con câu, Con trai đứng đó, nàng dâu ngồi nò). Vật đánh cá liên hệ với nước.
-nờ là vật đánh cá (hiện nay nói là lờ). Vật đánh cá liên hệ với nước.
.....
Nước là âm (lửa là dương). Âm N mang tính âm, nước, mẹ.
Ngược lại âm L mang tính dương, lửa, cha (xem Tiếng Việt Huyền Diệu).
.Trong chữ viết nòng nọc vòng tròn-que chữ L do hai nọc que ghép lại và thấy rõ nhất qua chữ lamda của Hy Lạp. Hai nọc là hai hào dương, thái dương. L mang tính dương, lửa, ngược với N. Rõ nữa chữ L trong linh tự Ai Cập cổ diễn tả bằng con sư tử (lion) loài mãnh thú mang dương tính (xem hình ở trên).
Lửa có các âm cổ là la, lá, lu...  (như lấp lánh có gố la, lá)/ Anh ngữ light, ánh sáng, lửa (lighter, máy lửa, hộp quẹt, mồi lửa), Tây Ban Nha ngữ luz, ánh sáng, Latin lux, ánh sáng có gốc Phạn ngữ luk, lửa. Ta thấy rất rõ Việt ngữ lửa ruột thịt với Phạn ngữ luk.
Như thế N mang tính âm, tính mẹ, nước. Thời mẫu quyền khởi thủy con người dùng tiếng nói của mẹ, của vú. Do đó ta mới nói là ngôn ngữ mẹ, tiếng nói của mẹ (mother tongue), ta nói hai ngôn ngữ chị em mà không nói là ngôn ngữ cha hay hai ngôn ngữ anh em. Từ ngôn ngữ có giống cái như Pháp ngữ nói la langue.
Như vậy âm N mang tính âm và là âm cổ hơn âm L. Người cổ Việt dùng nhiều âm N ngày nay chúng ta chuyển qua âm L.
Về chữ viết nòng nọc vòng tròn-que  thì chữ N trong mẫu tự ABC hiện nay (vốn là con cháu của chữ viết nòng nọc vòng tròn-que, xem chương Chữ Nòng Nọc trong Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á) là dạng dương hóa của chữ S nằm (giống dấu ngã). Chữ S là do hai chữ nòng OO chuyển động mở ra thành hình sóng nước chữ S nằm. Hai nòng OO là hai hào âm thức thái âm có một khuôn mặt là Nước.
.Về quá trình biến âm thì âm N giản dị có trước âm L.
Tác giả Nguyễn Cung Thông trong một điện thư trả lời cho một vị tên Lan cũng đã xác nhận: «Vấn đề phụ âm đầu lưỡi mà chị nói đến như l/r (A) là những phụ âm đòi hỏi khả năng liên hợp lưỡi, môi, họng ... và là những phụ âm cuối cùng trong quá trình đắc thụ ngôn ngữ (language acquisition)».  Âm L khó đọc và khổ công hơn âm N. Điểm này giải thích tại sao các em bé đang tập nói thường nói ngọng từ N thành L mà ít nói ngọng từ L thành N. Các bé này nói nhiều âm N vì nói theo tiếng mẹ, nói theo phản xạ, nói N vì dễ dàng như một thứ «bẩm sinh» trong khi nói L cần phải có khả năng liên hợp lưỡi, mội họng và phải cần có sự can thiệp nhiều của não bộ. Điểm này cũng giải thích là khoa ngôn ngữ trị liệu (speech therapy) chữa được chứng nói ngọng N/L ở trẻ em Việt đang học nói.
.Về tầm nguyên nghĩa ngữ ta cũng thấy âm N là âm cổ có trước âm L.
NÕ/LÕ
Tiếng cổ Việt nõ chỉ bộ phận sinh dục nam như “nõ nường” (nọc nòng). Nõ là cây cọc, cây nọc như đóng cọc mít cho mau chín gọi là đóng nõ mít. Âm cổ nõ hóa thành âm kim lõ. Trong từ Điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes có từ “lô, “con lô: cơ quan sinh dục của đàn ông” và từ “lõ”: “làm dương vật cương lên như khi con vật giao cấu. Blỏ cùng một nghĩa”. Có phương ngữ nói con lỏ, c...c lỏ (dấu hỏi).
Hiển nhiên lõ, lỏ, lô là biến âm của nõ. Lõ trong tiếng Việt hiện nay chỉ vật gì đâm ra như cái cọc nhọn ví dụ mũi lõ, c...c lõ hay lõ c...c. Lõ biến âm với nõ (cọc), nỏ, ná vật bắn mũi nhọn (tên). Đúng ra phải nói “mũi nõ” là cái mũi đâm ra trông như cây nõ, cây cọc nhọn. Con muỗi là con mũi gọi theo chiếc vòi nhọn hút máu đặc thù của nó. Từ c...c  cũng cùng nghĩa với nõ (Quân tử có thương thì đóng cọc, Hồ Xuân Hương). Còn từ lõ, lỏ, lô vô nghĩa.
 
NÒNG, NỒN/LÒNG, L...N
Như đã biết nòng là nường, bộ phận sinh dục nữ, ngày nay ta có từ l...n  biến âm với lồng là dạng âm kim của nồng, nòng, nường ( xem chương Ý Nghĩa Những Từ Thô Tục trong Tiếng Việt Huyền Diệu).

NÒNG VÒNG/LÒNG VÒNG
Ta có từ ghép điệp nghĩa “lòng vòng” (lòng = vòng), thật ra cổ Việt nói là “nòng vòng” vì nòng có nghĩa là vòng tròn (theo n=v như níu = víu, ta có nòng = vòng), nòng biến âm với  nang là cái bọc tròn, con nòng nọc là con có thân hình vòng tròn, có đuôi hình nọc, chữ nòng nọc là loại chữ viết có hai chữ cái là chữ có hình vòng tròn (O) và hình que (I). Nói “nòng vòng” là nói vòng tròn, nói vòng vo. Còn nói “lòng vòng” không thể hiểu là nói vòng quanh như . . . cỗ lòng (!). Nếu cho rằng lòng (ruột) cũng có nghĩa là vòng vì lòng cuộn thành những vòng tròn trong bụng thì cũng không đúng vì nguyên thủy lòng (ruột) cũng nói là “nòng”, chứng tích là  Mường ngữ “nòo” là lòng ruột.
NOÒ = LÒNG
 
Như vừa nói Mường Việt cổ ruột nói là nòo, ngày nay chúng ta nói lòng.
NỌNG/LỌNG (THÒNG)
Ta có từ “nọng” có nghĩa là “cổ” như thấy qua câu tục ngữ “Đầu trọng nọng khinh” có nghĩa là cái đầu hay thịt đầu thì coi trọng còn cái cổ hay thịt cổ thì coi khinh. Ngày nay ta có từ “thòng lọng” chỉ sợi dây tròng cổ. Thật ra theo nguyên thủy nói là “thòng nọng”. Theo biến âm th=tr như tháng = trăng (một tháng là một trăng, một nguyệt, một month là một moon), ta có thòng = tròng. Thòng nọng là vật, dây tròng cổ. Như thế phải nói “ngọng” (!) là thòng nọng mới đúng vì mới có nghĩa. Còn “lọng” trong “thòng lọng” vô nghĩa. Thòng lọng không thể  hiểu là sọi dây tròng cái lọng, cái tán (parasol) (xem thêm Giống Đực Giống Cái Trong Việt Ngữ). 
 NỌ/LỌ

 Nọ biến âm với nỏ, nõ có nghĩa là không, chẳng (xem Những Từ Phủ Định Trong Việt Ngữ). Ngày nay thường dùng lọ. Từ lọ cũng mang nghĩa phủ định.
 Lọ là thét mắng cặp rèn,
 Một lời xía cạnh, bằng ngàn roi song.
Nọ, nõ ruột thịt với Anh ngữ no (không). Lọ không có nghĩa.
NỐC/LỐC
Nốc là thuyền đò và cũng chỉ bộ phận sinh dục nữ. Nốc cũng biến thành lốc như thấy qua câu ca dao:
 Cô lô cô lốc,
 Một nghìn ghính ốc đổ vào l..n. cô.
Thật ra phải viết là “cô lô cô nốc” mới đúng. Từ hiện kim “lốc” vô nghĩa (xem Dịch Lý và Việt Ngữ)..
NÒNG/LÒNG (SÚNG)
Tiếng Việt cổ nòng là cái bao, cái bọc, cái túi, phần rỗng, bộng như cái bụng, cái xoang, vật hình ống rỗng như âm đạo vì thế  phần ống dài của súng gọi là “nòng súng”. Súng tiếng cổ gọi là “ống” vì thủy tổ của súng là ống thổi mũi tên (ống xì đồng) như thấy qua từ ghép điệp nghĩa “súng ống” (súng = ống). Tiếng Tày-Thái  gọi súng là “ống” (Diệu Tần, 2000, tr.168). Ngày nay chúng ta thường nghe nói “lòng súng” hiểu theo nghĩa ruột súng.
 NÃ/LÃ
Nã có gốc “na” có nghĩa là nước, nước ngọt (xem Gốc Chữ Trong Việt Ngữ) mang âm tính biểu tượng cho âm. Ngày nay chúng ta nói lã (nước) với lã vô nghĩa.
NẠT/LẠT
nạt là không mặn vì có nhiều nác, nước. Ngày nay ta nói lạt, nhạt.
 
NUỘC/LUỘC
nuộc là nấu chín chỉ bằng nước không cho thêm cái gì khác vào. Ngày nay ta nói luộc.
......
-TẠI SAO NGƯỜI VIỆT NGÀY NAY CÓ KHUYNH HƯỚNG NÓI L NHIỀU HƠN N ?
Tại sao ngày nay người Việt có khuynh hướng nói nhiều âm L hơn âm N ? Ngoài những lý do vừa nói, là vì  những lý do sau đây, thứ nhất là theo ‘dòng chẩy’ của biến âm lịch sử từ N qua L, thứ đến ảnh hưởng của các ngôn ngữ mang dương tính cực đoan liên hệ với Việt ngữ như Hán Việt, Ấn Âu ngữ (qua cách ký âm theo âm nghiêng về dương tính của Ấn Âu ngữ của các nhà sáng tạo ra chữ quốc ngữ).
Biến Âm Lịch Sử Từ N Qua L
Trong ngôn ngữ Việt cũng như trong ngôn ngữ loài người có hiện tượng biến âm từ âm cổ qua âm kim, từ âm gốc  qua âm cành nhánh, từ âm mẹ qua âm con, từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác. Trong Việt ngữ như:
-chuyển từ âm  cổ b  qua âm kim m, chẳng hạn như trước đây các cụ thường dùng bồ hôi, bồ hóng, thuốc bồi, bóng nước (cá voi phun nước)…, ngày nay chúng ta dùng mồ hôi, mồ hóng, thuốc mồi, móng nước...
-chuyển từ âm cổ b qua âm kim v như bó ngựa = vó ngựa, con bọp = con vọp (con trăn)...
-chuyển từ d qua nh như  dìn = nhìn, dòm = nhòm, nom; dè dẹ = nhè nhẹ...
......
 Dĩ nhiên cũng có hiện tượng biến âm lịch sử giữa N và L. Vì như đã biết âm N là âm cổ, là một âm nòng ( âm, mẹ, nước) dùng nhiều thời mẫu quyền và âm L là âm kim, một âm nọc (dương, mẹ, cha). Vì tiếng Việt có mang tính nòng nọc, âm dương (Tiếng Việt và Dịch) nên tôi còn gọi hiện tượng này là hiện tượng nam hóa âm N thành âm L (xem Hiện Tượng Nam Hóa Trong Tiếng Việt).
Xin lưu tâm:
Hiện tượng biến âm lịch sử hay nam hóa từ N qua L thường thường hai từ đều có nghĩa cùng gốc nghĩa như nhau, chỉ khác nhau ở tính cổ và kim, âm và dương mà thôi.
Xin đưa ra một vài ví dụ: 
NÁC/LÁC
 
Từ lác đác chỉ mưa lưa thưa vài giọt nước. Lác biến âm với với nác là nước. Lác ở đây vẫn có nghĩa là nước, liên hệ với nước. Darlac là vùng có hồ nước, ở Đà Lạt có hồ lac. Theo qui luật từ đôi của tôi, qua từ lác đác, ta có lác = đác. Mường ngữ đác, đắc, Môn ngữ đak là nước. Đác biến âm với đước, cây đước là cây mọc dưới đác, dưới nước.
 
.NÁC/LÁC
 
Cỏ nác là loại cổ mọc dưới nác, dưới nước, miền Bắc gọi là cói. Ngày nay nói là cỏ lác. Ở đây lác vẫn có nghĩa là nước, liên hệ với nước.
NÀNG/LÀNG
Thời mẫu hệ ngày xưa người cổ Việt gọi ngôi nhà cộng đồng là nhà nàng (nhà nạ, ná... nhà mẹ, nhà cái), ngày nay chúng ta theo phụ hệ nên gọi là nhà làng (nhà thanh niên, phái nam, nhà đực). Từ làng chính là biến âm của từ lang. Ngày nay nhà làng chính là nhà lang. Người Mường ngày nay vẫn còn gọi ngôi nhà công đồng là nhà lang, trong khi chúng ta ngày nay gọi là nhà đình. Từ đình chính là biến âm của từ đinh (con trai như tráng đinh, thành đinh) cùng nghĩa với từ lang.
 .........
Hiện tượng biến âm lịch sử hay nam hóa N thành L này cũng thấy giữa Việt ngữ và các ngôn ngữ mang dương tính cực đoan như Ấn Âu ngữ và Hán ngữ.
 -Ấn Âu ngữ và Việt ngữ
-Nọc/Lộc/Log 
Log chỉ khúc gỗ, thân cây, phần thân cây đã chặt bỏ hết cành lá: backlog, khúc cây lớn phía sau lò sưởi.
.log = lộc, thường hiểu theo nghĩa lệch là lá non như đâm chồi nẩy lộc, hái lộc đầu xuân (mùa xuân cây thường ra lá non, ra lộc và lộc cũng có nghĩa là lộc may mắn vì thế mới hái lộc để có lộc. Lộc may mắn chính là lucky, xem chữ này). Tuy nhiên lộc cũng còn có nghĩa là thân cây trơ trụi lá như log, đến mùa xuân lại đâm chồi nẩy lộc như thấy qua bài ca dao:
  Bồng bồng cái lộc ra hoa,
  Một đàn vợ lính chẩy ra thăm chồng…
Từ lộc ở đây phải hiểu là thân cây trơ trụi lá tức log. Cây mới ra hoa. Có những loài cây mùa đông rụng hết lá chỉ còn thân cây lộc, log và đến mùa xuân lại ra hoa rồi mới ra lá như hoa đào, hoa mơ, hoa mận. Vì thế cái lộc ra hoa chỉ các lọai cây này. Còn hiểu lộc là lá non, theo tôi, không đúng. Lá non làm sao mà ra hoa được.
 Log biến âm Việt ngữ lộc, nọc.
-Nọc/ Nog/Lock (khóa) có gốc từ Việt ngữ nọc, là dạng biến âm, nam hóa của nọc. Lock ruột thịt với log với nog (nọc cài cửa, cây chốt, cây ngạc bằng gỗ). Nog chính là Việt ngữ nọc. Khóa nguyên thủy chỉ là một cây nọc cài, cây then cài.
Như thế lock là biến âm của nog, Việt ngữ nọc.
.Ne/Lait
Như đã nói ở trên, Việt ngữ ne là nước biến âm với Pháp ngữ lait /le/, sữa. Sữa là nước vú, địa danh Dakto có nghĩa là Nước Vú, tức Sữa.
.......
.Giữa thuần Việt và Hán Việt.
Nang/Lang
Quả cau, Mường Việt cổ gọi là quả “nang”; “mo nang” là cái bao bọc hoa cau. Nang có một nghĩa là “trứng”. Quả cau, quả “nang” hình trứng, khi bổ đôi trông giống quả trứng luộc bổ dọc. Mã Lai ngữ nang chỉ cau như đảo Pinang hay Penang là đảo Cau. Người Trung Hoa không ăn trầu cau, nguyên thủy trong ngôn ngữ của họ không có từ chỉ cau nên họ biến âm từ “nang” của Việt Mường cổ thành “lang”,  gọi cau là “binh lang”. Trong truyện Trầu Cau Lang sinh chết biến thành cây cau vì Hán Việt Lang có nghĩa là cau, Tân Sinh chết biến thành tảng đá vôi (Tân có gốc Ta- là đá). Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong bản nhạc Truyện Trầu Cau cho Lang sinh chết biến thành tảng đá là sai.
 Nọc/Lộc
Hán Việt lộc là con hươu chính là con nọc tức con hươu (con đực, con sừng) của Việt ngữ. Con hươu được gọi tên theo chiếc sừng. Việt ngữ hươu, hiêu, hươu là con hèo (nọc), Mường ngữ hẻo là húc (bằng sừng). Anh ngữ hươu đực là hart = gạc (h=g, hồi = gồi), Pháp ngữ cerf, hươu = kẻ, nọc (c=k).
Con nọc (hươu cọc, hươu sừng) biến âm qua Hán Việt là lộc (hươu sừng). Cổ Việt nọc, cọc là con hươu nọc, hươu sừng. Trò chơi Bầu Cua hiện nay thường gọi sai là Bầu Cua Cá Cọp vì không có con cọp mà phải gọi là Bầu Cua Cá Cọc vì có con hươu cọc(xem Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc).
 Nõ/Lỗ
Thời An Dương Vương chế được cái nỏ bắn “liên xạ”, bắn được nhiều mũi tên liên tục, người chế “nỏ  thần“ được gọi là Cao Lỗ. Ngày nay còn các địa danh như thôn Phù Lỗ, Kim Lỗ, Lỗ Khê ở vùng Cổ Loa. Rõ ràng Hán Việt Lỗ là dạng nam hóa của từ Nỏ.
 Nác/Lạc
Từ “nác” (nước) Hán Việt hóa thành Lạc, nước dương, nước lửa như thấy qua từ dầu lạc là chất lỏng để đốt đèn. Dầu lạc là “nước lửa”, nước dương ép ra từ đậu lạc (đậu phụng). Ruộng nác (ruộng nước) là ruộng Lạc, Lạc điền. Dân làm ruộng nác là dân Lạc.  Lạc Long Quân là vua Rồng Nước dương (nước biển là một thứ nước dương) vì  thế mà Lạc Long Quân có một khuôn mặt là Thần Biển. Cũng xin nhắc lại Lạc Long thuộc dòng âm, nước nên gọi là Quân chứ không gọi là Vua, Vương như Kinh Dương Vương, Hùng Vương (Nguyễn Xuân Quang, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt, 1999).
Na/La
Việt ngữ na là lưới: quả na là quả lưới vì vỏ có mắt lưới. Miền Trung Nam gọi sai là măng cầu, mãng cầu, thật ra phải gọi là mạng cầu tức thứ quả hình cầu tròn có vỏ hình mạng lưới. Na biến âm Hán Việt la, lưới (thiên la địa võng).
 ......
-Ảnh Hưởng của Hán Việt
Như đã biết có hiện tượng nam hóa khi chuyển từ âm N Việt qua âm L Hán Việt như thế Hán Việt có thể  đóng một vai trò trong khuynh hương nói L nhiều hơn ngày nay.
 
-Ảnh Hưởng của Ấn Âu Ngữ
 
Xã hội Tây phương theo phụ quyền cực đoan vì theo
Thiên Chúa giáo ngày nay nói nhiều vần L hơn N như đã thấy có sự chuyển âm N Việt ngữ qua âm L Ấn Âu ngữ ở trên, nên Ấn Âu ngữ có thể giữ một vai trò trong khuynh hướng nói L nhiều hơn trong Việt ngữ ngày nay.  Thêm một điểm nữa là các tu sĩ Tây phương khi ghi âm tiếng Việt đã vô tình dùng âm L của họ hay nói để ký tự các âm N cổ của Việt ngữ.
 
 
CÓ NÊN SỬA HAY KHÔNG?
1. không nên
Như đã thấy đây không phải là nói ngọng mà là một thổ ngữ, một phương ngữ. Ta phải bảo tồn vì:
-N là âm cổ, một địa khai, một hóa thạch ngôn ngữ (language fossil),  phải bảo tồn cổ ngữ để tìm hiểu biến âm lịch sử trong Việt ngữ, ngôn ngữ thế giới và giữa Việt ngữ và ngôn ngữ loài người.
-là một phần văn hóa cổ của những vùng đó.
-âm N là âm mẹ cho biết những vùng nói nhiều âm N còn giữa truyền thống mẫu hệ từ ngày xưa.
-âm N là âm vùng sông nước cho biết các tộc còn nói nhiều âm N thuộc về ngành nòng, nước ứng với Thần Nông, Lạc Long Quân. Trong Bách Việt các tộc còn nói lẫn lộn N/L thuộc dòng nòng âm, nước tức Bộc Việt (Bộc hiểu theo nghĩa Bọc, túi nang, Nòng). Các vùng ở Bắc Việt Nam còn nói lẫn lộn có thể là các tộc thuộc Bộc Việt, bằng chứng thấy rõ nhất là người Hẹ là một thứ Bộc Việt họ  nói lẫn lộn N/L rõ nhất, nhiều nhất...
-âm N còn giữ gốc cổ, âm cổ còn thấy rõ nghĩa ngay, còn có nghĩa sẽ giúp nhiều trong việc nghiên cứu về tầm nguyên nghĩa ngữ trong ngôn ngữ Việt.
.....
2. Nên sửa
 Tuy nhiên cũng có những khía cạnh cần phải sửa:
-vì phải theo đà tiến hóa của ngôn ngữ loài người, xã hội hiện nay là xã hội phụ quyền cực đoan nên âm của tiếng nói cũng phải nam hóa, nghĩa là N nam hóa thành L. Chúng ta khó lội ngược dòng lịch sử biến âm. Chúng ta phải nói theo những tiến hóa về cơ thể học của những phần có liên hệ tạo ra tiếng nói như lưỡi, môi, họng hộp âm thanh... (những phần này của người cổ khác người kim hiện nay).
-phương ngữ cũng nói sai vì tiếng nói đã bị sai lệch  của một vài địa phường khi đã rời xa vùng kinh đô có tiếng nói chuẩn.
-vì có khuynh hướng nói theo phản xạ, nói theo dễ dãi, theo tập quán nhiều khi quen miệng, nói bừa bãi, âm L nào cũng nói N nên nói sai nghĩa ví dự lửa mang dương tính phải nói là lửa thay vì nói nửa,
Nói sai thì cần phải sửa lại theo tiếng nói chuẩn.
Như thế ta thấy vừa nên và vừa không nên sửa. Vậy cách hay nhất là phải sửa chọn lọc.
SỬA CHỌN LỌC DỰA VÀO NHỮNG QUI TẮC NÀO?
-Phải giữ lại thổ ngữ, phương ngữ, không thể xóa ngọng N/L một cách toàn diện.
-Phải có một tiêu chuẩn về N/L.
-Sửa theo tính nòng nọc, âm dương.
Chỉ sửa những phần sai của âm N và L dựa vào tính nòng nọc, âm dương của Việt ngữ.
-Sửa theo nghĩa ngữ
Phải sửa theo nghĩa ngữ nguyên thủy ví dụ nếu N có nghĩa còn âm L vô nghĩa thì lấy theo âm N và ngược lại ví dụ mũi nõ thay vì mũi lõ.
Phải có một ủy ban ngôn ngữ học truy tìm tính nòng nọc, âm dương và nghĩa gốc của các từ có âm N và L trong Việt ngữ và lấy đó làm tiêu chuẩn để sửa.
-Phải sửa theo hai chiều, phải công bằng, thiểu số
nói âm N theo thổ ngữ, phương ngữ của họ mà đúng
nghĩa thì đa số cũng phải theo ví dụ nên nói mũi nõ hơn là mũi lõ. Không thể lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em, dùng bạo quyền bắt người đúng phải nói theo luật rừng của đa số kẻ sai. Ngược lại nếu họ nói sai nghĩa thì họ phải theo đa số.
-Sửa theo đa số, luật đám đông.
Trong trường hợp tìm không ra được tính nòng nọc, âm dương và nghĩa ngữ, ta nên sửa theo luật đa số, luật của đám đông hay luật chuẩn được coi của tiếng nói hiện hành, đó là tiếng nói Hà Nội quí phái thanh lịch ngày xưa.
Những âm N hay L đã được dùng phổ quát trong quần chúng Việt đã thành nếp, thành ngữ pháp “ miệng“
(đa số bầu“ bằng miệng“) mà ta không tìm ra nghĩa gốc hay chưa tìm ra được nghĩa gốc thì ta dùng theo đám đông. Các người nói phương ngữ N hay L khi ra khỏi địa phương phải nói theo âm của đám đông dùng chuẩn nhưng khi về quê quán vẫn phải giữ thổ ngữ hay phương ngữ của mình. Cả nước nói cái nồi, thì khi ra khỏi làng xã họ phải sửa phải nói là cái nồi vì gần cả nước nói như thế, khi về quê quán muốn nói cái lồi cũng chẳng ai khó chịu vì cả làng cả tổng nói như thế và vì đó là một nét văn hóa đã có từ ngàn xưa của đất mẹ mình.
-Khi viết liên hệ với vấn đề học viện (viêt chính tả, đi thi, làm đơn từ xin việc, văn bản ngoại giao, kinh tế...) bắt buộc phải viết đúng theo ngữ pháp qui định, chuẩn về các từ có âm N và L.
-Sửa sai bắt buộc trong các trường hợp đặc biệt: 
.trẻ em ở vùng không nằm trong phương ngữ hay bị trở ngại về ngôn ngữ.
.Các nhà mô phạm, dậy học, các xướng ngôn viên truyền thông, các nhà ngoại giao, lãnh đạo phải sửa sai.
.khi viết
-Sửa N L theo ngữ pháp chính tả chuẩn.
Như đã nói ở trên, khi cần thì phải sửa theo ngữ pháp chuẩn đã được chấp thuận do một ủy ban nghiên cứu dựa vào tính nòng nọc, âm dương và nghĩa ngữ của các từ có âm N và L. 
 
....          
Dù gì thì ta cũng phải giữ thái độ “có học“ với các người nói phương ngữ cổ vì có những âm họ nói vẫn giữ đúng âm của tổ tiên Việt từ ngàn năm trước và vẫn giữ đúng nghĩa của âm đó. Họ là những địa khai, hóa thạch ngôn ngữ sống của tiếng Việt và cũng là những địa khai, hóa thạch quí giá cho các ngành khảo cứu khác.
 Không nên chế riễu, nhái tiếng một cách mù quáng vì “chửi cha không bằng pha tiếng“, trong trường hợp chúng ta nói L vô nghĩa, chúng ta tự chửi cha mình vậy.