Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÔNG DUYỆT KỂ CHUYỆN BIỂU TÌNH

Nguyễn Quang Vinh
Thứ năm ngày 8 tháng 12 năm 2011 6:07 PM
 
Chuyện lâu rồi, viết lại. Từ thời ông Phạm Thế Duyệt là ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị ( có lẽ như chức danh Thường trực Ban Bí thư bây giờ).
Hồi ấy vừa xảy ra chuyện biểu tình ở Thái Bình rất nóng.
Mình thì đang làm phim tài liệu cho Thành phố Pleiku 20 năm thành lập với tên phim rất chi là truyền hình Việt Nam ta: Dáng vóc Pleiku. ( Hồi ấy, kẹt tiền nuôi vợ con lại thỉnh thoảng đi làm phim ca ngợi).
Mấy ông lãnh đạo Pleiku cũng muốn có phát biểu của một bác càng to càng tốt khen mấy câu trong phim. Mình thì nghĩ, có ông to phát biểu, phát sóng càng dễ.
Mình gặp anh Nguyễn An Định ở báo Lao Động. Anh Định nói, ông Duyệt là bạn rượu của tao, để tao gọi, mày yên tâm, ông này làm to nhưng thân thiện cực kỳ, nhất là với anh em văn nghệ, báo chí.
Hôm đó mình và anh Thủy quay phim của Hãng phim truyện Việt Nam đến nhà ông Duyệt.
Mình nói với mấy cậu công an gác cổng, vào phỏng vấn anh Duyệt.
Cậu gác cổng điện cho ai đó rồi mở cửa.
Ông Duyệt bắt tay mình và anh Thủy. Mình nói, anh ạ, bọn em làm phim tài liệu về thành phố Pleiku 20 năm thành lập, thành phố muốn một lãnh đạo Trung ương thật to phát biểu, em nhờ anh tí.
Ông Duyệt hiền hậu gật đầu. Mình nói qua mấy ý, ông Duyệt lại hiền hậu gật. Ông Duyệt ngồi trước máy quay, nói phát xong, không vấp từ nào.
Chương trình tán phét bắt đầu.
Mình hỏi, em nghe nói, vừa rồi dân Thái Bình biểu tình to, Trung ương cử anh xuống phải không ạ.
Ông Duyệt cười, nói đúng vậy. Hôm đó xe mình xuống, về tới đường làng thì dân vây chặt, đòi khiêng vứt xe mình xuống ruộng. Bảo vệ của mình giải thích, đây là xe của ủy viên Bộ Chính trị. Mình nghe ông cụ trợn mắt nói, Chủ tịch xã mà bọn tao còn bắt nhốt nữa là ông này. Mình thấy tình hình đúng là sôi sục. Mình mở cửa xuống xe. Đồng chí bảo vệ can ngăn, bác không được xuống với dân, nguy hiểm lắm. Mình nói, xuống với dân sao lại nguy hiểm. Mình xuống. Mình nói: Tôi là Phạm Thế Duyệt, ủy viên Bộ Chính trị. Tôi xuống với bà con, lắng nghe bà con đây. Ai đó hỏi, chắc không, ông xuống với bà con hay ông xuống hùa với tỉnh, với huyện chèn ép bà con. Mình nói, tôi xuống với bà con mà. Có ai đó nói, ông Duyệt nói vậy thì cho xe ông ấy đi.
Ông Duyệt tư lự: Mới nghe việc nhân dân biểu tình chống chính quyền thì có gì đó rất ghê, như phản động, nhưng về tới nơi, nghe bà con kể, mới hiểu, đúng là cán bộ xã, huyện, cán bộ thôn có một số rất cường hào. Bà con liệt kê không biết bao nhiêu thứ phải đóng nộp còn nhiều hơn cả thời phong kiến, không ai chịu nổi. Dân trồng lúa, trăm thứ bám vào hạt lúa, nộp như thế còn gì để sống. Thái độ đối với dân thì như cường hào, sai không nhận, lại tỏ ra hống hách, nghe rất buồn. Bà con không tin cán bộ. Đó là điều nghiêm trọng. Mình về, nắm tình hình của anh em cán bộ, nắm tâm tư bà con, chỉ ra một số định hướng, điều quan trọng là cái gì sai với dân phải nhận, dân biểu tình thì giải thích, ai thực sự quá khích, lợi dụng thì xử lý, dần dần rồi tình hình cũng ổn. Cán bộ sai phạm thì xử lý. Người dân nào quá khích, lợi dụng cũng xử lý. Cơ bản ổn. Đây cũng là bài học lớn cho công tác dân chủ ở cơ sở. Không thể xem nhẹ.
Mình hỏi, anh sợ không? Nghe nói anh cứ đi ào ào vào dân, lòng dân thì sôi sục lên như thế? Ông Duyệt cười, mình biết chứ, nếu mình biết chia sẻ, đồng cảm với sự sôi sục của bà con thì sợ gì. Lúc đó mà về, ra vẻ ủy viên Bộ Chính trị, sai ngành này ra tay, sai đơn vị kia ra tay, e dân vác ông Duyệt vứt xuống ruộng.
Ông Duyệt cho mình chai rượu. Mình nói, anh cho em chai khác. Ông Duyệt hỏi, sao thế, rượu này không ngon à? Mình nói, chai kia anh ạ, chai ấy đắt tiền hơn. Ông Duyệt cười. Các cậu sành nhỉ? Mình chỉ thích uống rượu quốc lủi như thời làm công nhân. Mình nói, bọn em uống làm gì, bí thì bán, lấy tiền nhậu bia hơi được nhiều bữa anh ạ. Ông Duyệt lại cười hiền hậu.
 
 Nguồn: