Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUỐN CHỐNG THAM NHŨNG HIỆU QUẢ CẦN CÓ LUẬT BẢO HÀNH DỰ ÁN

Ngô Minh
Thứ hai ngày 21 tháng 11 năm 2011 4:52 PM

        Lĩnh vực tham nhũng nóng nhất hiện nay là xây dựng cơ bản (XDCB). Hàng năm nhà nước đầu tư sáu bảy trăm ngàn tỷ đồng vào xây dựng . Số vốn ấy chiếm từ 35-40 % GDP. Ở các tỉnh nghèo như miền Trung, mỗi năm cũng đầu tư  từ 10 - 50 nghìn tỉ đồng vào XDCB . Đó là chưa kể các dự án sử dụng các nguồn vốn ODA, NGO.., vốn viện trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế, vốn vay đầu tư chiều sâu của các doanh nghiệp . Vốn ODA mỗi năm các nước hứa cho Việt Nam vay  7 đến 8 tỷ USD. Đây là loại vốn tương lai phải trả, cugnx đang bị tham những lớn.  Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng. nhiều đại biểu thẳng thắn nêu con số có đến 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản mấy năm qua đã chui vào túi bọn tham nhũng.  Cho nên chống tham nhũng trong xây dựng cơ bản hiện nay là nóng bỏng nhất !
             Số vốn đầu tư khổng lồ hàng năm ấy đã được sử dụng như thế nào ? Phải khẳng định rằng chúng ta đã có những dự án đầu tư lớn mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao như đầu tư đường dây 500 KV  Bắc-Nam, dự án phát triển mạng viễn thông mấy năm vừa qua.. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc đang gây bất bình lớn trong nhân dân hiện nay là việc sử dụng đồng vốn của nhà nước không có hiệu quả, tình trạng lãng phí, tham nhũng tiêu cực tràn lan ở các cấp các ngành đang biến một phần không nhỏ vốn nhà nước thành tài sản cá nhân.  Hàng năm chỉ ngồi đọc báo và cộng các khoản tham nhũng ở các công trình xây dựng  bị phanh phui cũng lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng ! Thông tin trên báo cho biết : Đại Lộ đông -tây ở TP HCM chưa khánh thành đã ổ voi-ổ gà nham nhở . Con đường tránh Huế từ thị trấn Tứ Hạ đến Phú Bài, mới đưa vào sử dụng mấy năm đã tan nát đến xấu hổ. Tất cả đó là do tham nhũng mà sinh ra. Tham nhũng từ duywwtj dự án, cấp vốn đến thiết kế,t hi công, bên A, bân B. Hiện nay , hàng chục xí nghiệp gạch tuy-nen, gạch blôk, gạch ốp lát ceramic, các xí nghiệp bao bì..của các địa phương bị “chết “ ngay khi chưa kịp thu hồi đồng vốn nào. “Phong trào” đầu tư xây dựng cảng mấy năm qua cũng đã ném hàng trăm tỷ vốn nhà nước xuống biển vì có cảng mà không có hàng qua cảng ! Các công trình làm đường, làm cầu ở vùng lũ lụt năm nào cũng đầu tư sửa chữa và làm mới hàng trăm tỷ đồng, nhưng rồi năm sau “đến hẹn” lũ về lại hỏng, lại lập dự án xin đầu tư ; rồi nhà mới xây xong đã  nứt nẻ, lún sập !  Trong lúc các công trình dự án xây dựng “ mới nghiệm thu đã hỏng” , thì tài sản, nhà cửa của bọn “cò dự án”, những người duyệt dự án, bên A, bên B cứ mọc lên   đồ sộ, thách thức dư luận nhân dân! Những vụ PMU18, Đường hầm Thủ Thiêm… năm nào cũng xảy ra.
              Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các dự án, công trình “ xót tiền dân” ấy trước khi triển khai đều đã có các bản nghiên cứu “tiền khả thi” rồi “khả thi” rất công phu và được các cấp thẩm quyền thẩm định bằng nhiều cuộc họp với “ trách nhiệm cao”!Rồi  kéo nhau đi  “tham quan nghiên cứu” ở nước ngoài.v.v.. Nhưng, tại sao hiệu quả và chất lượng của các dự án không cao ? Xin thưa rằng, khởi nguồn của nó là tình trạng “ buôn dự án”, “ ăn dự án” đang trở thành căn bệnh phổ biến hiện nay. Phải nói rằng hiện nay cả nước ta sống nhờ “ăn dự án”. Có lần Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết : tỷ lệ thất thoát vốn ngân sách chi cho đầu tư xây dựng cơ bản , rơi vào các khoản hoa hồng quà cáp, lễ lạt động thổ, nghiệm thu, khánh thành, ăn bớt nguyên liệu, “công tác phí” lên tới 20% tổng vốn . Tôi cho rằng, còn hơn thế. Có năm Nhà nước mất khoảng 300 tỷ đồng để thanh toán “công tác phí “cho lãnh đạo các dự án, chủ đầu tư.. đều là các quan chức các cơ quan nhà nước !.
           Người ta muốn có tiền để làm nhà, mua xe con, cho con đi học Ha-vớt, Sóc-bon, rồi  chia chác, đi ăn chơi xả láng ở nước ngoài thì “liên kết “với nhau làm một dự án. Đầu tiên là lập “dự án tiền khả thi” rồi họp, rồi mời các quan chức “tay hòm chìa khóa” đi khảo sát, tham quan, ăn chơi vui vẻ ở nước ngoài vài chuyến. Thế là có “ dự án khả thi” với hàng chục chữ ký  con dấu đỏ chói từ thấp đến cao, với đầy đủ ban bệ Chính quyền, tài chính, ngân hàng, kế hoạch-đầu tư.. với những con số vẽ vời về hiệu quả kinh tế cao,  giải quyết nhiều việc làm cho người lao động ,v.v..Tiếp theo là rủ nhau đi “duyệt” ( thực chất là mang tiền đi để mua chữ ký ). Số tiền bỏ ra từ A đến Z để có một quyết định cho phép đầu tư ấy gọi là vốn ban đầu của bọn tham nhũng.“Dự án khả thi”được duyệt là bên A đã chắc chắn có 10 % bỏ túi, đó là khoản “tiền lãi”. Số vốn đầu tư được duyệt càng lớn thì số tuyệt đối của khoản “lãi ròng “10% bên A ấy càng lớn . Đó là quy trình “ buôn dự án” đang rất thịnh hành hiện nay !Tất nhiên bên B cũng chẳng thua kém trong việc tung tiền ra để “tranh thủ”, để giành giật công trình, “thắng thầu” với giá thấp và sau đó tìm mọi cách bớt xén vật tư , làm dối, làm ẩu để có nhiều lợi nhuận ! Bị “ ăn” ba bên bốn bề, một dự án được đầu tư 100 tỷ thực tế chỉ còn chưa tới 50 %, lấy đâu ra chất lượng công trình. 
          Nguy hiểm hơn nữa dự án đã duyệt rồi, đã triển khai thi công, đã nghiệm thu rồi ,thì sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi !Đúng như dân gian thường nói “ Công trình càng lớn bao nhiêu - Thì ông cán bộ càng nhiều nhà, xe..!
          Các kỳ họp Quốc hội đã nói nhiều đến tham nhũng, trong quá đầu tư các dự án hạ tầng. Nhưng theo chúng tôi, một vấn đề nổi cộm chưa được các cơ quan lập pháp chú ý là thời gian qua chúng ta hoàn toàn không có các biện pháp chế tài đối với những cơ quan và cá nhân liên quan đến việc lập, thẩm định và triển khai thi công các dự án . Lập, bảo vệ và duyệt dự án thì ai cũng hăng hái vì mình có ít nhiều quyền lợi trong đó, nhưng không ai chịu trách nhiệm gì về hiệu quả, chất lượng dự án cả . Nhà máy đường xây xong rồi, không có mía để sản xuất, hàng trăm tỷ vốn nằm đó, hàng ngày phải trả lãi ngân hàng, hậu quả này những người lập và duyệt dự án phải bồi thường , phải chia nhau mà chịu chứ, sao lại bắt nhà nước chịu?. Nhà máy xi măng, gạch men ..xây xong sản phẩm không tiêu thụ được, những người lập và thẩm định, duyệt “dự án khả thi” phải gánh chịu tổn thất đó chứ  ! Đường hỏng, cầu hỏng khi mới xây xong thì bên thi công phải bỏ tiền túi ra mà làm lại theo đúng yêu cầu chất lượng chứ, sao lại lấy tiền ngân sách mà làm !
           Cho nên ,muốn chống tham nhũng trong xây dựng có hiệu quả, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc Hội phải ban hành ngay bộ LUẬT BẢO HÀNH DỰ ÁN . Một dự án tùy theo vốn đầu tư to hay nhỏ, tác dụng của công trình lớn hay bé mà quy định chủ đầu tư , người duyệt và người thi công phải bảo hành trong bao nhiêu năm. Trong thời hạn bảo hành nếu dự án hư hỏng thì anh phải bị xử lý theo pháp luật, phải tự đầu tư sửa chữa hoặc phải bồi thường vật chất ! Bộ luật đó làm công cụ chế tài, bảo vệ an toàn và hiệu quả của đồng vốn đầu tư của nhà nước .Những văn bản luật này cũng sẽ góp phần sàng lọc cán bộ, loại bỏ ra khỏi bộ máy công quyền những người thiếu hiểu hiết chuyên môn nghiệp vụ do không chịu học hoặc học theo lối “mua chữ “, “mua bằng” để được cơ cấu cũng đang là vấn nạn trong đào tạo hiện nay. Có các điều luật quy định trách nhiệm vật chất trong việc lập và duyệt các dự án đầu tư.. chắc chắn mỗi năm chúng ta sẽ cứu được trăm năm ba trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư đang bị bọn tham nhũng đục khoét !