Trang chủ » Truyện

HAI TRUYỆN NGẮN MINI CỦA PHẠM QUANG ĐẨU

Phạm Quang Đẩu
Thứ hai ngày 30 tháng 3 năm 2009 2:22 PM
 

                      CHƯA ĐỨNG SỐ
                                       
Đã gần một năm nay, hằng đêm anh chưa được ngủ tròn giấc. Bé Hương hay lên cơn mê hoảng cứ đòi bố đến và quặp chặt lấy anh, không cô giúp việc nào anh thuê mà nó ưng cả. Hôm ấy anh đang lai bé đằng sau, bất thần một xe máy đâm vào làm bé bị bắn ra đập đầu xuống mặt đường, cái mũ bảo hiểm vỡ toác, dù sao nó cũng chỉ cứu được bé không bị tử vong song di chứng chấn thương sọ não là khá nặng. Hoạ vô đơn chí, cách đấy có nửa năm, vợ anh đã đột ngột qua đời bởi căn bệnh ung thư, anh bạc nửa mái đầu, rồi tiếp đến tai nạn của con gái, làm trắng nốt mái đầu còn lại. Hai bên nội ngoại ai cũng thương và lo cho anh, có trụ nổi trước những tai hoạ liên tiếp giáng xuống không? Nhưng anh là người đàn ông bản lĩnh, ý chí thép, tự nhủ trước hết phải giúp con gái bé bỏng vượt qua những sang chấn khủng khiếp với bộ não non nớt của nó. Và để chứng tỏ với mọi người, rằng vẫn yêu đời như ngày nào, anh chủ ý nhuộm tóc mình đen nhánh trở lại. Liễu, em gái anh thì ngay từ đầu đã tất tả đi tìm osin, lạ là Hương không chịu ai, dẫu đó là những cô gái quê hiền lành hết lòng chăm sóc nó.
Ba tháng sau vụ tai nạn xe máy. Lần này Liễu đến thăm, bỗng cô hỏi anh:
-Anh còn nhớ Thuận học cùng lớp với em không?
Anh đang ngồi ôm Hương trong lòng, cũng chợt nhớ, phải rồi cái cô sinh viên bụ bẫm có khuôn mặt trái xoan hay e thẹn dạo ấy…
- Đến giờ mà nó vẫn chưa chồng- Liễu nói tiếp- Vừa từ Bắc vào, gặp em, nghe kể chuyện nhà, bảo muốn đến thăm anh.
Anh chỉ hỏi lại cho có chuyện: sao đến giờ “đầu ba” rồi mà cô ấy vẫn kén vậy nhỉ? Liễu bảo, toàn rắc rối vớ vẩn, trăm mối tối… Tóm lại, nó vẫn chưa đứng số.
Rồi Liễu đưa Thuận đến. Cô tỏ ra ái ngại thực sự cho cảnh gà sống nuôi con của anh. Hỏi chuyện anh được biết, Thuận đang làm cho một công sở của Hà Nội và cô dành cả tháng nghỉ phép vào thành phố Hồ Chí Minh chơi. Từ đầu anh đã coi cô ấy như Liễu. Nhưng chỉ lạ là, lần gặp đầu tiên bé Hương đã tỏ ra rất quấn Thuận, xà ngay vào lòng khách. Thuận ở nhà anh suốt buổi chiều và Hương không lúc nào chịu dời, khi cô chuẩn bị về, bất ngờ con bé nói:
- Cô Thuận ơi, cô ở lại với cháu nhé!
Nó còn quay sang Liễu nước mắt dàn dụa, cầu cứu, cô nói giúp để cô ấy ở lại, cháu nhớ mẹ cháu lắm! Mọi người đều bất ngờ. Liễu ý tứ nhìn anh trai. Anh chợt nhìn vào mắt Thuận như muốn hỏi, hay em chiều cháu một lần này, được không? Thuận ôm Hương vào lòng, xoa đầu bé, cử chỉ muốn nói, cô đồng ý với sự thỉnh cầu của bố cháu.
Từ ngày trong nhà có thêm “mẹ Thuận”, bé Hương chỉ quấn quýt với “mẹ” mà như quên bố. Liễu có lúc cười mỉm, nói nhỏ vào tai anh, cái duyên cái số đấy! Anh thì ngậm tăm. Đôi khi nằm một mình (từ hôm Thuận ở lại, cô ngủ cùng buồng với bé Hương) anh cũng có lúc nghĩ về Thuận, bao năm gặp lại nom cô ấy già hẳn, đúng là mỗi tuổi đuổi xuân đi, trong đầu người đàn ông nào chẳng nghĩ đến một cô gái trẻ…
Một tháng phép trôi nhanh. Thuận lặng lẽ chuẩn bị hành lý. Ánh mắt cô đượm nỗi buồn xót sa nào đó không tả xiết, vô tình bắt gặp ánh mắt ấy, anh  vội phải nhìn ra chỗ khác. Những ngày trong nhà anh, Thuận ít chủ động nói chuyện với anh, anh thì lúc nào cũng coi Thuận như Liễu, chỉ có bé Hương là luôn mồm nhắc đến “mẹ”. Giờ cả hai đều giấu không cho bé biết chuyện “mẹ” đã hết phép. Thuận nhẹ nhàng khép cửa buồng, cầm va ly ra phòng khách, nói nhỏ:
- Thôi cứ để Hương ngủ. Em đi đây.
Ta xi đã toe còi ngoài cửa. Anh nhẹ nhàng nói với Thuận:
- Em đã là mẹ nuôi của Hương rồi. Con bé trở dậy không thấy em là  khóc đấy. Em sẽ còn trở lại thăm cháu chứ?
Thuận chưa biết trả lời thế nào, thì bỗng bé từ trong buồng chạy vụt ra, mếu máo:
- Mẹ Thuận ơi, ở lại với con!
Cuối cùng thì khách vẫn phải dứt áo ra đi.
Trong đầu người đàn ông nào chẳng nghĩ đến một cô gái trẻ!
 
 

MIẾU HOANG
Tôi gieo mình vào đám cỏ mọc um tùm. Thiu ngủ. Bỗng thấy mình đang nằm trên thềm một ngôi miếu hoang, đằng sau cây đại già có một bát hương sứt, sau bát hương là pho tượng ngắn ngủn nằm mục nát. Nhưng nhìn kỹ, vẫn còn một pho tượng nữa, gầy nhẳng đứng bên cạnh. Tôi định thần, pho tượng lùn, vẫn còn mảnh giáp trụ sót lại, còn pho tượng cao nhẳng đội mũ cánh chuồn, mặt có râu ba chòm. Rõ là hai pho: võ nằm, văn đứng.
Gió hiu hiu mang theo hương cỏ mật đượm mùi thời chăn trâu cắt cỏ ở quê thuở thơ ấu…
- Chào tiên sinh- Tôi giật thót, khi nghe pho tượng Quan văn cao nhẳng bỗng cất tiếng- Tiên sinh từ đâu đến, làm nghề gì?
- Thưa, tôi là đạo diễn của nhà hát kịch thành phố. Tôi trả lời.
Ha, ha, ha! Quan văn vuốt râu bật lên tiếng cười khoái trá, phán tiếp:
- Là làm cái nghề chuyên xúi bẩy, giật dây kẻ khác chứ gì!
Tất nhiên là tôi rất ngạc nhiên trước sự “chụp mũ” như thế và chưa kịp nói lại, pho tượng gỗ cao nhẳng ấy đã tiếp:
- Hôm rồi, có kẻ lom khom mò vào đây để bĩnh. Hắn đi để lại nửa tờ báo vo tròn, ta đọc được dòng chữ in đậm: “Kẻ đạo diễn xúi bẩy, giật dây làm cuộc đảo chính!” thế chẳng phải nói về cái nghề của tiên sinh đó sao. Tôi bật cười về cách nghĩ thô thiển của viên quan văn cao nhẳng này và nhân tiện vòng vo giải thích cho hắn biết công việc đạo diễn sân khấu là thế nào. Nghe xong, Quan văn gật gù tỏ vẻ am hiểu (động tác ấy suýt làm hắn ngã bổ chửng xuống thềm). Rồi hắn lại hỏi:
- Vậy ra tiên sinh có quyền sai khiến điều động đám con diễn nhà hát. Đã bao giờ tiên sinh dùng nhầm người chưa, tỷ như kẻ đáng đóng vai vua lại cho làm quân hầu, kẻ mắc bệnh kiết lỵ suốt ngày cau có lại vào vai luôn phải cười toe toét?
Thì ra, cái tên thủ cựu nằm trong bụi cỏ dại này cũng am hiểu thời thế ra phết đấy! Tôi mới có dịp kể lể khúc nhôi. Rằng, sở dĩ tôi phải tìm ra chốn đồng quê hoang vắng này là để thư dãn cho quên đi cái thất bại cay đắng trong kỳ hội diễn toàn quốc vừa rồi. Đáng lẽ phải đoạt huy chương vàng cho một vở kịch mới được dàn dựng công phu, thì vào đến vòng trong đã bị loại vì diễn viên chính đóng quá dở…
- Đích thị là tiên sinh dùng người sai- Pho Quan văn liền ngắt lời. Tôi thú nhận ngay. Số là, có cậu diễn viên mới ra trường, bố làm to, muốn chóng được nổi danh cứ nằng nặc đòi thủ vai chính trong vở diễn, ban đầu tôi nhất quyết từ chối, cậu kia liền cầm đến cái thư tay của bố nó: “Đề nghị anh tạo điều kiện cho cháu thể hiện khả năng. Sắp tới ông giám đốc nhà hát đến tuổi nghỉ hưu, anh là một đạo diễn có tiếng, tôi sẽ chỉ đạo việc chọn người thay thế…Ai dè, nghe đến đây, bỗng từ pho tượng gầy nhẳng bật ra tiếng  thút thít. Hắn khóc. Rồi bảo:
- Ôi, sao chuyện tiên sinh kể lại như đang vận vào đời tôi thế này! Cái tay thợ mộc khắc gỗ cũng gà mờ hệt như tiên sinh. Đáng lẽ tôi vốn là gỗ lim cứng tựa sắt thép, phải chọn làm xà gồ hay dui mè của nhà, thì lại tạc tôi thành cái anh quan văn vô tích sự đặt ở chốn miếu hoang này. Nhưng tôi còn không khổ bằng thằng Quan võ bạn tôi đang nằm chết mục ở đây. Nó nguyên là gỗ thị, xốp xộp, mưa nắng chịu được mấy nả, đã ngỏm lâu rồi.
Nghe lời than van về cách dụng mộc ngược đời mà pho Quan văn thổ lộ, làm tôi chợt nhớ đến sự việc sáng nay ở nhà. Thằng con út nghịch ngợm đu người lên cái con sơn hiên, có lẽ cũng được làm bằng gỗ thị, bị gãy liền, thằng bé ngã biêu trán. Tôi liền bảo:
- Này ngài Quan văn. Ngài có đồng ý đi theo tôi về nhà, để tôi dùng ngài vào chỗ con sơn ở hiên vừa bị gãy không?
 Quan văn nín thinh, không trả lời câu nào. Chỉ thấy pho tượng lắc lư như lên đồng. Rồi vút một cái, nó đã bay ra khỏi bệ miếu hoang phế mà rơi tọt vào lòng bàn tay tôi đang để ngửa…
Tôi bừng tỉnh. Mơ giữa ban ngày?!
Không! Bằng chứng là giờ đây tôi đang nắm pho tượng gầy nhẳng bằng gỗ lim trong tay.
                                      Khương Đình, giữa tháng 8-2008
                                                             P.Q.Đ