Trang chủ » Truyện

CỐNG NGẦM

Phùng Văn Khai
Thứ sáu ngày 24 tháng 4 năm 2009 9:51 PM
Truyện ngắn
 
Tiếng sấm chớp ì ùng xô nhau phá toang từng mảnh đêm ném xuống khu đầm Tượng. Trong những loé sáng thình lình chập chờn ẩn hiện một chiếc lều trống hoác kề chân cống Ngầm. Tiếng nước ằng ặc, sùm sụp chốc chốc lại nhẩy toá lên chồm vào bụi tre mang cống. Bụi tre gầy guộc xơ xác cong người hứng chịu mưa gió. Từ những chiếc cọc tre đóng thốc xuống chặn đỡ mang cống, những mầm măng gầy guộc mọc xoã ra, tím tái, bầm dập lô xô trên sóng gió. Tiếng đất lở ùm ùm. Trời gầm gào trút nước như thác đổ. Mặt đầm đen đúa, nham nhở rộng bất tận. Chiếc cống nhỏ bé lạng đi, sau những xoáy nước sùm sụp chồng chéo xoắn ốc, nguồn nước ngầm phóng ra hàng trăm mét mới tung lên trắng nhấp nhoá. Chiếc lều nhỏ bé trở nên mong manh trước sóng. Có tiếng răng rắc. Một góc lều bay thốc lên cuốn vào xoáy nước. Cửa cống rít lên khằng khặc, khằng khặc...
Phía triền đê, trong ánh chớp loá nhoá, chợt suất hiện năm, sáu người trần trụi vác những bó cọc tre lớn. Khi ánh chớp nhằng lên còn kịp nhận ra một con trâu mộng, mắt xanh lè lùi lũi kéo một xe cọc. Toán người thốc cái ghì trâu bên bụi tre mép cống. Một ông già vạm vỡ đầu đội chiếc mũ thợ sấn đến, nhìn xoáy nước hạ lệch.
- Đóng uống vòng cung ép chặt chân mang cống. Thằng Sìn, đánh trâu về chở ván.
Chỉ tiếng búa bôm bốp, tiếng nước xoáy soàm soạp đáp lời ông và duy nhất tiếng “vắt” của chàng thanh niên vạm vỡ tên Sìn cùng chú trâu đực mắt xanh lè lầm lụi tiến về phía làng. Bỗng ông già hét lên:
- Mau giăng lưới tay, cá vượt!
Bốn thanh niên dừng phắt tay cọc chia thành tốp chăng cánh lưới màn cao bằng đầu người bất chấp sóng gió. Tất cả chưa kịp trụ chân thì dã thấy phía trên xoáy nước rào rào cá đến. Ông già buông búa, nheo mắt chưa kịp hạ lệnh đã thấy các thanh niên oằn đi vì luồng cá nhất tề sông về phía cống. Hăng tiết nhất là lũ trôi và mè, chúng vọt hẳn lên mặt nước rào rao, lao vun vút. Ông già kêu thất thanh:
- Chết rồi! Cá chép giống!
Trong làn chớp, mọi người kinh hoàng nhìn thấy một đợt mưa cá ập xuống, chúng nhảy toá lên, mắt long lanh, quằn quại những tấm thân bụ trứng. Lũ chép đực điên cuồng rẽ nước xông vào mang cống ngày một dồn dập. Tiếng ông già đanh lại:
- Đóng phai! Thành!
Liền lúc đó ông rẽ mưa ôm xổ đến mấy cái cọc tre đực đanh chắc chụm roành roạch vào mép lưới cong người xuống tấn. Một chàng trai oằn người thoát ra săm sắm bước về phía xoáy nước. Tiếng xì xoạp của xoáy nước nhỏ dần. Những cọc tre oằn lả đi. Lũ cá không còn nước chảy đã ngớt nhảy rồi đột nhiên tất cả ắng lặng, cả trời đất, cả con người và lũ cá. Trong thôn, tiếng gà gáy lách rách. Vẫn giọng ông già:
- Mở phai rồi nghỉ bọn bay, chắc giờ này cá không đi nữa.
- Cái lũ động đực này đi đứng mất nết rồi, ông Tám. Sáng hãy mở.
- Mở đi Thành à. Nước dâng sập cống, lấy gì chặn, cái nết của nó tao biết chứ.
Tiếng nước chui qua cống lại sùm sụp, ùng ùng réo lên theo những cái xoáy tun hút.
*
* *
Đêm. Trên con đường bê tông dẫn vào làng chiếc xe con loáng nhoáng đè những vũng nước đọng sấn tới. Lũ chuột đồng lích rích thấy ngớt mưa lăng xăng chạy trên đường ăn đêm bị chiếc xe giận dữ cán chết rất nhiều. Lũ chuột chết mà mắt còn mở ngơ ngác, ngạc nhiên hướng về chiếc xe bóng nhẫy nước mưa. Chiếc xe bỏ mặc đằng sau những xác chết một mực xông thẳng vào làng, hút vào nhà ông chủ tịch xã.
Trong ánh đèn măng xông chập chờn chủ và khách ngồi chụm vào nhau thì thào bên ly rượu đen đã nhạt hơi. Trời mưa to hơn, tiếng gió gào rú ngoài cửa kính. Ông chủ tịch nhìn xoáy vào ông khách, giọng chậm rãi.
- Làm gì mà phải gấp thế.
- Mẹ kiếp! Nói trắng ra nhé. Để chúng nó có chỗ xả chất thải. Liên doanh mà không có cái ấy là chỏng gọng.
- Chết cá, chết sen, ai chịu?
- Thằng này chịu. Trả một cục. Ô kê chưa?
Ông chủ tịch ắng lặng, rồi xoay chén rượu vân vi. Ông ngồi hẳn lên tợp một hụm thô bạo. Mặc kệ những giọt rượu bắn li ti bám đầy ria. Bỗng ông giật nảy người ú ớ.
- Chú vừa nói cái gì?
- Phải phá cống Ngầm! Em đã mua được cốt mìn.
Chiếc bóng đen in hình ông chủ tịch sững lại bất động. Cặp mắt ba góc của ông khách càng nhíu lại bắt đèn măng sông đỏ đòng đọc. Ông chủ tịch đấm mạnh tay xuống chiếc sofa rít lên.
- Tôi cấm! Thà giết tôi đi!
Nuốt tiếng cười khô khan, mắt ông khách giãn ra nham hiểm, ve vuốt. Bàn tay lông lá của y càng lúc càng bóp ngẹt lại.
- Anh và em đã cưỡi lên hổ rồi, có muốn xuống cũng phải từ từ ông anh ạ. Mẹ nó, trời cứ mưa to nữa thì không phá nó cũng vỡ. Khi ấy thì...
Chiếc xe con đã chui vào bóng đêm rồi mà ông chủ tịch vẫn ngồi bất động trán lấm tấm mồ hôi. Ông từ từ buông một tiếng thở dài, nuối tiếc vu vơ ngày chuyển đổi cơ cấu cây trồng mươi năm trước khi còn là đội trưởng sản xuất đã không hạ lệnh đào tận gốc hai bụi tre ở mang cống Ngầm. Không có tre níu đất, sức giời lão Tám giữ được cống Ngầm. Mẹ khỉ, chỉ mấy cái gốc ranh bẵng đi mấy năm đã lên thành lên luỹ. Lão Tám gan thật. Đành là lão ấy có lý nhưng lão khác gì bụi tre mang cống thách thức mình. Cứ vững chãi rậm rạp thách đố mãi được ư? Lạy trời mưa to nữa lên. Ông giời ơi! Ông chủ tịch muốn gào lên nhưng cái đầu nặng trịch của ông lại gục xuống trong sấm chớp...
*
* *
Ngọn lửa bập bùng soi mặt con người và một con trâu đực. Trời tạnh hẳn, chỉ tiếng nước réo và tiếng lửa nổ lép bép. Mùi thơm ngậy của cá chín. Có nhiều tiếng nuốt nước miếng, tiếng thằng Sìn.
- Ông Tám à. Chén đi thôi.
Bóng ông già quắc thước in sừng sững trên vách. Ông cất giọng trầm trầm.
- Nào bọn bay. Chén đầu làm cho gọn.
Trong bóng lửa bập bùng, sáu bàn tay gân guốc lem nhem bùn đất, nhiều cẳng tay gai cào tướp máu cùng chụm vào vững chãi và gần như tiếng “cạch” rất gọn chìm đi bởi những giọng khàn khàn “Mời ông Tám”. Chàng thanh niên tên Sìn mắt xếch, miệng rộng đưa một động tác thật gọn luồn đũa vào chảo cá sôi lắp bắp, chuyển xuống tàu lá chuối một chú mè nghi ngút khói. Cũng với động tác ấy theo nhịp mở cửa vung chảo một chú chép đực cỡ hai ký thau tháu ở trên tàu lá. Ông già nhăn mặt.
- Sao bắt chép đực, Thành?
- Dạ, con này nó ham, nhảy kẹt phai, bị thương ông Tám à.
- ừ, tội nghiệp.
Theo tiếng “ừ” nghèn nghẹn ấy, đũa ông Tám gác chênh chếch nơi tàu chuối, ông lơ đãng nhìn một lượt đám thanh niên rồi nói bâng quơ.
- Có lẽ phải tìm thằng Thám về ngay thôi.
Mọi cái nhìn của lũ trai làng dần dần cùng găm xuống đất. Mùi cá ngầy ngậy và hương rượu nếp không còn quyến rũ được những dạ dày đã lưng lửng. Như là tiếng những cọc tre nảy mầm xấp xoã theo dòng nước cuồn cuộn. Rồi mọi cặp mắt lần nhìn về ông Tám đang phăng phắc, chỉ chòm râu khẽ rung rung.
- Không biết thằng Thám đi thế nào mà không có tin tức gì. Phải giục các anh Công binh về khảo sát cứu cống thôi. Xã nó bỏ mình rồi. Nó đang muốn vỡ cống Ngầm để có cớ bán cho các liên doanh làm nơi đổ chất thải. Cả vùng này, không có đầm trữ nước thì sẽ thành đồng trắng đất hoang hết.
Ông Tám im lặng buồn bã nhìn ra ngoài chiếc cống đã xô nghiêng vì sức nước quá lớn, lũ trai làng nhìn nhau không biết Thám trở lại đơn vị có thuyết phục được các anh Công binh về đây khảo sát làm mới cống Ngầm không. Dự án làm cống Ngầm do cụ Tám đề xuất đã bị chính quyền xã tìm mọi cách để trì hoãn. Tội nghiệp Thám, vừa ra quân đến đi thăm Sen ở trường cũng chưa kịp đã phải tìm về đơn vị. Theo kế hoạch thì hết mùa mưa đoàn Công binh sẽ khảo sát cống Ngầm, nhưng Thám lo cống không chịu được mùa mưa bão năm nay. Những vết nứt toang hoác chạy ngoằn ngoèo vào tận chân cống. Cống sụm xuống, lớp đá hộc bị nước cuốn trôi khắp nơi trơ lại những bụi tre mang cống bám níu quyết liệt giữ đất. Xa xót nhìn căn lều, ánh mắt rưng rưng của cụ Tám đã sọm hẳn bên lũ trai bầm dập sóng nước nhắc Thám nhớ tới những ngày tháng làm lũ của mình mà cụ Thám và dân làng đã cưu mang. Thám dạt vào bãi đá khi hãy còn là một hài nhi vài tháng tuổi. Thấm thoát ở cống Ngầm đã hơn hai mươi năm. Hai mươi năm ấy gắn níu biết bao kỷ niệm của chàng trai mồ côi. Và Sen nữa. Thám uất ức nhìn cống Ngầm tơi tả mà quặn thắt trong lòng. Sen vẫn ước ao sẽ có ngày xây mới khu cống Ngầm để phục vụ tưới tiêu giữ mãi mùa hoa sen, hoa quỳ trắng, loài hoa Thám rất thích. Thám nhìn cụ Tám và lũ trai làng quả quyết. “Để con lên trình bày với anh Đình”, Thám nói rồi săm sắm lộn về đơn vị, bóng người lẫn hút trong sương mờ.
*
* *
Hoàng hồn vùng biên ngày thời tiết xấu dậm dọa bước chân khách bộ hành. Những trận mưa dữ dằn liên hồi kỳ trận đã làm gần như trọn vẹn việc xoá đường lên trạm Công binh khảo sát. Dưới chân con suối bên kia dốc. Thám loay hoay sắp xếp mớ hành lý rồi múc nước rửa mặt. Nước suối lành lạnh, tanh tanh mùi lá thối. Bên kia hai vạt dốc, trạm khảo sát như một chấm nhỏ nhưng rõ rệt trên nền trời xám. Có cái gì cay cay xộc lên mắt, lên miệng. Những bông lau già gục xuống xơ xác, ngẩn ngơ ngay dưới chân Thám. Và ở đó, lạ thay những bông lau trẻ măng, vạm vỡ đâm quyết liệt lên đón ánh mặt trời đã bắt đầu hé ra những nụ hoa mươn mướt sương. Cả đội gần như reo lên.
- Ai như thằng Thám?
Anh em đổ ra đón Thám với một nghi thức đặc biệt chỉ có ở trạm Công binh hẻo lánh. Hai cậu lính trẻ láu cá đã mau chóng giằng túi đồ của Thám lục lọi tung lên rồi đuổi nhau tranh giành một vật gì đó. Các anh chỉ huy vồ vập, ngắm nghía cậu lính cũ của mình. Thám bắt tay từng người, người cuối cùng là anh Đình.
- Có việc quan trọng phải không? - Anh Đình nhỏ nhẹ.
- Vâng! Em sợ cống Ngầm không qua được mùa mưa này.
- Thế à? Để anh tính xem.
Con suối này là nơi mà Thám đã kể cho anh Đình chuyện Thám và Sen. Cũng ở tảng đá này, hai anh em từng ngồi với nhau suốt ba năm quân ngũ của Thám. Thám giống như tảng đá ấy, sớm mồ côi, sớm lì lợm, ít tin ai, nhưng cũng kỳ lạ như đá, hòn nào sù sì gai góc cô độc nhất những đêm trăng sáng lại đổ mồ hôi nhiều nhất. Điều này Thám biết do anh Đình chính trị viên bảo thế. Anh Đình còn bảo Thám con người phải hơn hòn đá, biết chịu đựng dã đành nhưng cũng phải biết vượt qua cái xấu, cái ác mới là người, mới giống như ông Tám, mới xứng đáng với Sen, những người thân thuộc nhất của Thám.
Thám kể hết với anh Đình thực trạng cống Ngầm. Anh hỏi thêm việc Thám về làng được đón tiếp ra sao. Thám bảo chưa kịp ra mắt bà con thì thấy cống nguy ngập đã phải lên. Thấy ông Tám bảo dân làng vốn đã chấp nhận Thám từ cái bọc đỏ hỏn lênh đênh trên dòng sông dẫn vào đầm Tượng chắc chắn sẽ hân hoan đón anh bộ đội Thám xuất ngũ theo một cách đặc biệt. Nhờ uy tín cũng là sáng kiến của ông Tám, lễ liên hoan sẽ được tổ chức ngay ở đình làng nơi mà trước đó chỉ dành cho những sĩ tử vinh quy. ừ thì đổi mới cũng phải khác đi chứ. Đến nơi công đường mà dân cũng có quyền biểu thị niềm vui phát biểu ý kiến của mình nữa là ở sân đình. Ông Tám nói điều ấy với ông chủ tịch hành chính. Ông chủ tịch đồng ý vì ai chứ ông Tám, một cán bộ lão thành từ hồi chống Pháp, lại là việc đón bộ đội xuất ngũ, một công đôi việc, đằng nào cũng lợi cả. Chỉ đến đêm ông mới ngã ngửa ra.
“Thằng Bất nhà mình nó đang thích con Sen, nay ông đón rước thằng Thám như anh hùng thế thì có bằng giết con không hả ông”. “Thì chuyện yêu đương của chúng nó bà cứ hay chõ vào, con Sen nó yêu ai, nó lấy ai là quyền nó”. “Quyền nó? Ngày xưa tôi lấy ông, quyền tôi chắc. Con Sen được người được nết, nó phải là con dâu tôi, nó phải là vợ thằng Bất”.
Câu chuyện của bà chủ tịch càng lúc càng gay gắt, giữa lúc đỉnh điểm nhất, lúc mà ông định dùng quyền lực của một vị chủ tịch để trấn áp bà, thì Bất ở đâu về lè nhè giọng đặc hơi men.
- Nếu bố không huỷ việc đón thằng chó ấy ở đình vào sáng mai và tìm cách tống nó ra khỏi cái làng này, tôi đếch ở cái nhà này nữa. Tôi sẽ cùng với em Sen vượt biên.
- Hỗn xược! Mày cút ngay. Đồ mất dạy - Ông chủ tịch uất hận gào lên vơ cái ghế ném về phía Bất, Bất cười khẩy rồ xe phân phối lớn lẫn hút vào màn đêm. Đêm đen nhanh chóng nuốt chửng con người ngang ngược ấy, phả một luồng hơi lạnh về phía vợ chồng ông chủ tịch. Người đàn bà lại tái diễn việc tức tưởi, khóc ri rỉ. Người đàn ông gục xuống lẩm nhẩm “vô phúc”, “vô phúc...” rồi tất cả chìm vào tiếng chó sủa lao xao...
*
* *
 Sen thong thả hái từng chiếc nụ sen căng mẩy, cong cong, bụ bẫm xếp lần lượt xuống đuôi thuyền, cứ một chục chiếc Sen lại ngắt một cái lá bánh tẻ khẽ khàng úp lên. Sắc xanh của lá non trộn vào màu hồng nhạt của nụ sen sáng lấp lánh thuần khiết khúc xạ ánh chiều. Thi thoảng có những nụ quỳ trắng Sen hái lẫn vào mơ màng sống động trong khoang thuyền. Nhưng, bừng sáng nhất lại là màu má, màu tóc và tấm lưng thon lẳn của cô chủ thuyền. Hiếm ai có mái tóc đen, cặp mắt đen thăm thẳm mà lại sáng lấp lánh như Sen. Tay cô chủ thuyền hái hoa như múa, thi thoảng khẽ đưa lên vén mớ tóc xấp xoã tạo thành một chuyển động nhịp nhàng khiến bất kỳ ai đó phải đờ đẫn. Chợt Sen nóng ran người, phía triền đê, cậu Bất con ông chủ tịch xã đang mê mải nhìn trộm Sen. Lâu nay Bất rất hay ra đây tìm cớ lân la nhìn ngắm. Sen rất sợ ánh mắt ấy.
Có tiếng đài văng vẳng phía cống Ngầm. Thôi chết, sẩm tối rồi, Sen vừa lẩm nhẩm hát theo tiếng đài, vừa nhẹ nhàng từng nhịp chèo lướt ra khỏi bụi sen, rồi bứt về phía nước sâu hơn, nơi sen chưa kịp ăn ra, thoăn thoắt lướt về phía cống Ngầm. Mặt trời đã bám sát mặt đầm, khúc xạ từng chùm sáng tuyệt đẹp hắt lên đuôi thuyền chất đầy nụ hoa sen, ở giữa khoang thuyền, cô chủ nhỏ dướn cong người sải đều đặn từng nhịp từng nhịp. Theo đà gió, tóc Sen sổ bay về phía sau lộ rõ cần cổ cao trắng lấp loá. Gió đẩy tới khiến chiếc áo bà ba cắt khéo bám riết thân thể người thiếu nữ đang độ căng mẩy nổi bật trên thảm nụ hoa phía sau phô ra một thiên nhiên kỳ ảo. Từ xa, Sen đã thấy từng đụn khói như lạ, đậm đặc và đẩy lên mạnh hơn. Sen thoáng cúi nhìn xuống ngực mình mủm mỉm, má ửng lên khi biết chắc là có Thám ăn cơm tối cùng ông nội mình. Chỉ nhìn khói, cô thừa biết sự có mặt của chàng thanh niên vụng về ấy. Khói riêng của cụ Tám thường mỏng mảnh và thơ thới hơn nhiều. Thích thú xen lẫn bực bội, cô về sát vệ cống Ngầm lúc nào không biết, Sen lần chần cột dây thuyền, chân tay lóng ngóng thừa ra.
- Rảo chân lên con, cột thuyền rồi giúp ông một tay.
Sen nhấc chân, vừa đi vừa sửa những sợi tóc vô duyên xoã xuống nhìn nhanh một lượt rồi chân sáo tự nhiên thoăn thoắt về phía chiếc lều tre bắc nghếch chắc chắn nhô hẳn trên mặt nước. Phía góc lều, một tấm lưng chắc đậm ẩn sau chiếc áo đông xuân còn mới. Diện gớm! Phía giữa lều, ông Tám thong thả nhả đụn khói sau hồi rong róc, rong róc giòn tan của chiếc điếu cày. Đụn khói quẩn lên rồi loãng ra, lộ rõ một khuôn mặt quắc thước, râu tóc trắng như cước, cặp mắt cười hiền lấp lánh như con trẻ. Người làng vẫn đồn ông Tám giống như tiên ông trong chuyện hiển thánh giúp binh tướng Trần Quốc Tuấn thời nhà Trần giết giặc ở đầm Tượng thuở nào. Giọng ông Tám cất lên trầm ấm.
- Cháu rửa kỹ rau rồi dọn cơm, hôm nay nhà có khách.
- Vâng! Sen đáp lời ông mà chợt thấy ghét Thám. Người ta về mà không chịu hỏi một câu cứ lúng túng, lúi húi ở trong ấy. Mải nghĩ chợt Sen chúi về phía trước, rổ rau bật mạnh ra vương vãi khắp nơi. Thám bỏ bếp chạy lại hốt hoảng.
- Có làm sao không?
- Kệ người ta. Vô duyên!
Sen mắng Thám rồi ngượng ngùng nhìn mình. Không dưng giữa đất bằng vấp ngã lại mắng người khác vô duyên. Cùng nhặt rổ rau bị đổ Sen thấy Thám nhìn mình lạ lắm. Sen nóng ran người đứng ngây mặc kệ Thám đem rau ra bến sông.
Chợt có mùi khét trong bếp. Thôi chết, như là mùi gạo cháy. Sen bổ vào bếp không nhịn được phá lên cười chảy nước mắt. Trời ơi, ai đời thổi cơm lại cho gạo vào đun không có nước hả giời. Sen vội vã bắc ra, thoăn thoắt vo lại rồi chế nước. Thám quay lại, đứng chết trân. Hai đứa đỏ mặt nhìn nhau.
Đêm trăng sông nước như rộng hơn. Bữa tối kết thúc sớm hơn thường lệ. Cụ Tám ý nhị nhìn đôi trẻ rồi nói đi vào làng có việc nhân tiện kiểm tra công tác ngày mai đưa tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ. Bất ngờ nhất là Sen. Từ khi biết Thám nhập ngũ Sen ngơ ngẩn cả bữa. Mấy lần cụ Tám phải giục, mắng yêu. Trước khi vào làng cụ nói.
- Ta biết tình cảm của các con. Thời bình này chỉ mấy năm thằng Thám về, ta giao khu đầm cho các con. Thằng Thám là đứa thạo nghề, có chí. Đời còn dài phải biết giữ mình.
Tiếng cụ văng vẳng trên lòng sông trăng như tiếng vọng của đầm Tượng thân thuộc. Gió bắt đầu mạnh hơn, đưa hương sen ngào ngạt lẫn trong hương lúa ngậm đòng thuần khiết. Sen và Thám dắt nhau đi học triền sông. Tiếng là đầm thực chất khu đầm Tượng là một dòng sông hợp lưu nhiều nguồn mà đáy thắt là khu xả cống Ngầm, nên diện tích biến động khôn cùng. Khi cống xả để bắt, thả cá đầm co mình lại khiêm nhường. Khi đóng cống giữ nước phục vụ vỗ cá, tưới tiêu, đầm mênh mang bất tận. Kỳ lạ là nó chỉ rút lại hoặc xâm lấn phía bờ bắc chứ bên nam, khu cống Ngầm hoặc cạn hoặc đầy dòng nước vẫn bám sát triền sông. Sen và Thám đã đi đến bãi đá Thề. Tương truyền đây là bãi đá thiêng của đầm, tuần tiết nào dân làng cũng xin phép ông Tám ra hương hoa nhộn nhịp lắm. Chọn một tảng đá lớn nhằn lỳ mà gió đồng đã làm sạch bóng. Hai người ngồi xuống hai đầu hòn đá lặng im.
Một lúc thật lâu. Thám nhìn ra sông rồi ngồi nhích về phía Sen nói rắn rỏi.
- Sen chờ anh nhé!
Đôi mắt thiếu nữ khẽ rung lên rồi lại chùng xuống. Gió càng mạnh hơn đẩy hất tóc Sen về phía sau lộ một khuôn trăng kỳ ảo. Vành tai nhỏ nhắn bỗng hồng rực lên, mấy sợi tóc mai quấn riết xuống quấn riết xuống cần cổ cao ngần trắng. Trên khuôn trăng đầy đặn ấy có mấy giọt thuỷ tinh vỡ xuống, lăn nghiêng vào cổ áo hoa cà. Lại tiếng trầm ấm của chàng trai.
- Sen chờ anh nhé...
Sự im lặng bỗng bị phá vỡ. Sen vụt đứng hẳn lên đi mấy bước ngắn quyết liệt về phía Thám. Cô sà vào vòng tay rắn chắc của Thám, đặt cặp môi cháy bỏng của mình lên cặp môi khao khát của chàng trai. Tóc Sen sổ tung ra quấn riết vào mặt, vào cổ, vào ngực Thám. Chàng trai sau giây phút đầu ngơ ngẩn, đờ đẫn, bản năng vụt trỗi dậy mạnh mẽ, bàn tay từ phía lưng nàng khao khát luồn vào trong lần áo nơi có hai bầu vú căng ninh ních đang cựa quậy trên tấm ngực vạm vỡ của chàng trai, miệng hai người rên lên khe khẽ. Chợt Thám đẩy mạnh Sen ra... 
*
* *
- Sen!... Sen! Ngủ trưa gì mà khiếp thế...
Sen ú ớ tỉnh dậy. Hoá ra mình đang mơ. Ký túc xá buổi trưa vắng người mà Sen đỏ bừng mặt, người rịn mồ hôi.
- Có khách ở quê. Chàng nhé. Tối nay cứ liều liệu mà ô mai, bim bim!... Tiếng con Hoa phòng bên choe choé.
Sen trấn tĩnh thay đồi rửa mặt. Nước lạnh làm Sen tỉnh táo nhưng cô vẫn nhận thấy cặp mắt long lanh khác lạ của mình vừa qua đỉnh điểm cơn mơ. Ai lại lên đây bây giờ nhỉ? Chắc không phải người ở phòng nông nghiệp huyện nơi cô vừa thực tập vì cô mới ở đó về trường. Thôi chết. Có khi là Bất rồi. Linh cảm đã mách bảo Sen và tự nhiên cô cảm thấy một điều gì đó ghê gớm đang ập đến.
Bất hau háu nhìn vào khuôn ngực Sen. Chiếc áo cánh trắng tạo cho Sen một sự khoẻ mạnh lạ thường. Ngực Sen hãy còn đang căng tức do cơn mơ mang lại khẽ phập phồng. Sen ý tứ nhìn xuống.
- Anh lên đây làm gì. Chúng nó tưởng...
- Kệ chúng nó. Sen ơi! Anh sẽ làm mọi điều để có em!
- Muộn rồi anh Bất. Em đã nói với anh nhiều rồi. Em đã hứa với anh Thám.
- Lại Thám... - Cặp mắt xếch của Bất chợt sầm lại rồi loé lên ranh mãnh lướt khắp người Sen khao khát. Bất cố dặn ra một giọng trang nghiêm.
- Thì anh lên đây cũng vì việc của Thám. Nó phạm tội đang bị truy nã kia kìa.
- Không bao giờ! - Sen há hốc mồm bước đến sát mặt Bất.
- Bình tĩnh đi em. Anh biết đâu được đấy. Chẳng qua bố anh là chủ tịch, anh tình cờ biết, đợi nay mai bắt nó thì rõ cả thôi...
- Đừng lừa dối tôi... hay là... chính anh đã hại anh ấy?
Bất im lặng, rùng mình nghĩ đến những dối trá của mình không ngờ lại khiếu Sen suy sụp nhanh đến thế. Sen chạy về phía giường bưng mặt khóc, tóc tai, quần áo xộc xệch, đôi vai vung lên rồi im lặng. Mắt Sen long lanh ngước nhìn thẳng vào mặt Bất gằn giọng.
- Chính anh đã hại anh ấy! Chính bố anh đã câu kết để phá cống Ngầm, bán đầm Tượng trái phép. Tôi sẽ tố cáo các người. Trời ơi, các người ác lắm!...
Bất sững người, nhảy xổ đến, thô bạo túm mớ tóc dài, giật thốc lên gằn giọng:
- Tao thách đấy, đồ con đĩ. Cả mày, cả cống Ngầm phải thuộc về gia đình tao. Phải! Đêm nay bố mày sẽ phá cống...
Nghe tiếng xô xát sinh viên các phòng bên thập thò rồi kéo sang. Bất lủi nhanh khỏi phòng, mắt vằn lên những tia hung hãn. Trong đầu loé nhanh hình ảnh trái mìn. Chiếc xe phân phối lớn phá tan buổi trưa yên tĩnh. Sinh viên trong ký túc bàn tán xôn xao.
*
* *
Quán cà phê cây Xoài đang đông khách. Trong góc khuất, cái đầu bờm xờm của Bất chốc lại lắc lắc, gật gật. Người đàn ông có cặp mắt ba góc nhìn xoáy Bất, nói đanh gọn:
- Một công đôi việc. Cháu giỏi lắm! Chú không ngờ cháu tính toán kín đáo thế. Cả lão Tám, cả thằng Thám thế là gọn hết. Khá lắm. Rồi chú cháu mình sẽ thống trị khu này. Con Sen có chạy đằng trời cũng không thoát khỏi tay cháu. Có điều, cháu có chắc đêm nay nó về không?
Hai ly rượu mạnh màu máu chạm vào nhau xô bắn lên những giọt đỏ hồng Người đàn ông nhổm lên nheo mắt nhìn Bất. Bất nhìn sâu vào ly rượu đắng, bặm môi, đôi mắt đẩy ngược về phía người đàn ông quả quyết.
- Nó sẽ phải chết!
Hai chiếc đầu bờm xờm chụm vào nhau thì thào lấm lét tương phản với bản nhạc ghi ta cổ điển đang thong thả buông từng nốt thánh thót. Tiếng người đàn ông như vẳng lên từ địa ngục lào phào bên tai Bất. “Không cần hẹn giờ, chú cháu mình sẽ quan sát. Đợi lúc mưa to thể nào nó cũng ra kiểm tra phai. Mình sẽ...”.
Bất rùng mình, một luồng lạnh chạy dọc sống lưng. Cả hai cùng đuỗn ra, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ đen tối của mình.
*
* *
Trời mưa mỗi lúc một to. Khu đầm Tượng càng lúc càng mênh mông. Sấm chớp đuổi nhau nhấp nhoá. Gió thổi rạp bụi tre mang cống, có mấy ngọn măng non không chịu được gió đã gãy gục xuống rỉ ra máu măng loãng tràn xuống bẹ. Trong căn lều leo lét ánh lửa, cụ Tám ngồi như tượng trừng mắt nhìn xoáy ra cống Ngầm, uất ức mỗi khi chớp loé lên, những đọt măng gãy lủng lẳng, bám víu vào bẹ. Những cây tre già gầy guộc oằn cong lên không phủ kín được măng, măng vẫn thi thoảng gãy gục xuống trong ánh lửa leo lét. Bốn thanh niên mình trần trùng trục ngán ngẩm nhìn trời.
Sau quãng đường hơn trăm cây số, người Thám bã bời nhưng anh vẫn thấy tỉnh táo. Từ trạm Công binh về Thám đi bộ một mạch trên hai mươi cây số ra đường lớn bắt xe. Đầm Tượng thân yêu đón anh bằng một trận mưa khủng khiếp. Thám chậm choại nhằm hướng cống Ngầm. Đúng như dự đoán, cụ Tám và lũ trai làng chờ Thám ở đây.
- Ông Tám à. Có khi phải có cách xin trên khảo sát xây lại cống Ngầm thôi. Thiên nhiên lúc càng dữ dằn quá. - Thằng Sìn cất giọng ồm ồm...
- ừ, cái đó giao cho thằng Thám.
Thám nhìn ngọn lửa, nói chậm rãi như nói với chính mình.
- Các anh bảo hết mùa mưa mới về được, ông à. Hay mai ta cho người lên huyện xin chi viện giữ cống.
- ừ, để tao tính.
Cụ Tám nhảy khỏi tấm phản, chậm chạp đi lại rồi với chiếc đèn pin trên vách. Thám đứng lên, hai ông cháu dò dẫm về phía cống.
Bên kia bờ sông đối diện cửa cống, hai cặp mắt cú mèo căng lách màn đêm dõi theo chân hai ông cháu. Thám vượt lên trước, nheo mắt nhìn những xoáy nước đang táp dữ dội và hàng cọc đóng lúc sẩm tối. Sau vệt chớp, đột nhiên trời như tối hẳn lại, cụ Tám lạng chân chao lắc ánh đèn. Thám căng mắt nhìn lũ cọc áp phai cống đang lả đi vì sức nước rồi bình tĩnh dẫm lên từng chiếc lay lay kiểm tra độ bám của nó. Khi ánh đèn cụ Tám chợt leo lắt cộng với tiếng sấm bất thường khiến bàn chân anh loạng choạng. Chiếc cọc chừng như không chịu được sức nặng của Thám và sức nước quần đảo đột ngột ngã sụm xuống, Thám chới với nhào sấp vào mang cống, hai tay phản xạ níu vội vào phía bờ bỗng chạm phải vật gì lạnh lẽo, xù xì. “Mìn?”. Lại ánh chớp nhoá lên. Thám kinh hoàng thốt lên “Mìn!” và xuất thần dùng sức lực của mình ở tư thế khó khăn ấy ôm trái mìn nhoài sấp ngược khỏi phai cống. Một chớp lửa kinh hoàng bùng lên chấn động khu cống Ngầm kèm theo tiếng nổ và cột nước dội ngược lên trời trắng xoá. Từ lều, ba bốn thanh niên lao thốc ra. Cụ Tám sau phản xạ của người lính già vụt đứng dậy kêu thét lên:
- Quân bất lương, quân giết người...!
Tiếng cụ xô vào đêm đen trong quầng lửa sấm chớp vọng vào làng, vọng vào lòng đầm dội lại âm u rùng rợn. Hai bóng đen đang chạy phía cuối đồng cùng lúc ngã ngồi xuống. Tiếng kẻng, tiếng trống, tiếng gọi nhau đi cứu cống Ngầm ầm ầm náo động. Những bó đuốc bập bùng soi rõ đoàn trâu đực mắt xanh lùi lũi chở ván, chở cọc về phía cống. ở cống, cảnh tượng thật kinh hoàng. Cụ Tám đứng chôn chân râu tóc xổ tung tuyệt vọng nhìn từng xoáy nước. Một khoảng đất bị  dư chấn lở xuống, những bọt nước đỏ ngầu trào lên man dại. Cụ Tám sực tỉnh, gào to:
- Bà con ơi! Mau mau cứu cống Ngầm. Sìn, đóng phai lại!
Rồi cụ lao sùm xuống lòng sông như một con báo, lẫn lút trong tiếng nước réo, tiếng người, tiếng chân trâu thậm thịch hiện lồ lộ dưới những bó đuốc rừng rực cháy.
Khi dân làng đã ngơi tay, cống Ngầm vững dần dưới bàn tay lao động không biết mệt thì phía bên kia sông, dưới cửa xả, cụ Tám tập tễnh bế xác Thám bước ngược triền sông đặt lên tảng đá nơi mà Thám và Sen đã từng đùa nghịch ở đó. Mắt chàng trai trẻ khép lại bình thản, hai bên mang tai ri rỉ dòng máu đỏ tươi ấm nóng. Cụ im lặng như tảng đá, hồi lâu mới ngước lên chậm chậm.
- Thám ơi... Sen ơi...
*
* *
Mùa mưa đầm Tượng rồi cũng qua đi. Đợt heo may đầu tiên đưa hương nếp ngậm đòng hoà hương sen cuối mùa thơm mát. Nắng đã quá con sào mà cụ Tám vẫn ngồi im lặng nhìn đầm Tượng mênh mông, uẩn khúc những đời người. Phía cống Ngầm, Sìn xăng xái cùng mấy đồng chí Công binh đo đạc, tính toán theo dự toán khảo sát cống Ngầm để xây dựng phục vụ tưới tiêu cho cả vùng. Lưng trần của các anh bộ đội đẫm mồ hôi. Có cả anh Đình tình nguyện xin về làm đội trưởng khảo sát. Dừng tay cọc, anh Đình bảo:
- Sìn à, sao Sen nó lâu mang nước ra nhỉ?
Sìn ngẩn ra, quệt dòng mồ hôi lấm lem đất cát, dõi ngược hướng nắng về phía lòng đầm, nơi từng bụi sen lẫn quỳ trắng đang nở rộ. Sìn bụm tay, hướng về phía mặt trời.
- Sen ơi... Sen...
Mấy cậu lính trẻ cũng đua nhau.
- Chị Sen ơi... chị Sen...
Chợt bụi sen xao động rẽ ra, cô chủ thuyền xinh đẹp của “liên đoàn” khảo sát cống Ngầm, đặc phái viên phòng Nông nghiệp huyện xuất hiện bất ngờ như cô Tấm chui ra từ những đoá sen cuối mùa của lòng đầm Tượng. Sen lướt thuyền trên sóng nước, tóc cô sổ bay về phía mặt trời. Những giọt sương hay nước mắt người con gái bám đầy trên từng bông quỳ trắng. Tất cả như bị thôi miên trước cảnh sông nước ấy, đến khi Sen ôm bó quỳ trắng tiến tới thềm cống Ngầm họ mới ngẩn ra. Anh Đình bảo:
- Ta ra mộ Thám rồi nghỉ thôi các em.
Đoàn người tiến về phía bãi đá trong thềm nắng mùa thu. Lòng sông mở ra lấp loáng, sóng xô đuổi nhau ẩn hiện, lũ cá mương tinh nghịch phóng cả lên mặt nước. Bãi đá hôm nay vẫn im lặng theo một ngôn ngữ của riêng mình. Những hạt cát lấp lánh đùa nghịch dưới chân từng tảng đá. Sen đặt bó quỳ trắng trên tảng đá nhẵn lỳ quen thuộc ấy. Tảng đá mà cách đây hai mươi sáu năm cậu bé Thám đã dạt vào. Bó quỳ trắng đẫm nước đầm Tượng, đẫm nước mắt Sen mở ra, có nhiều giọt ngấm xuống tảng đá. Tất cả im lặng cúi đầu rồi thao thiết nhìn ra lòng đầm Tượng mênh mang.