Trang chủ » Truyện

MẨU CHUYỆN VỀ CON CHÓ

Hà Phương
Thứ sáu ngày 15 tháng 5 năm 2009 7:24 PM
 Truyện ngắn

Chương là một giáo viên dạy văn khá nổi tiếng của thành phố Hải Phòng nhưng cũng là người luôn trăn trở về vấn đề dân chủ và nhân quyền.Từ khi về nghỉ hưu anh lại hay làm thơ thế sự nói về quyền sống của con người, tự xuất bản qua máy vi tính một tập thơ đã khiến công an văn hóa phải nhắc nhở.
Sáng chủ nhật vừa qua tôi đến thăm vợ chồng anh. Vừa đến cổng tôi đã thấy một con chó vàng khá lớn chạy ra sủa ầm ĩ. Vợ anh ra mở cổng và đuổi con chó vào nằm ở một góc sân.
Biết tôi thích uống rượu nên anh mở tủ lôi một chai rượu một lít ngâm mấy con cá ngựa và một củ sâm mang ra đãi bạn. Vợ anh ngồi cùng tiếp khách với chồng. Dù đã ngoài năm mươi nhưng nhờ khuôn hình đẫy đà và làn da trắng nên trông chị vẫn còn trẻ trung, duyên dáng. Chị là một cán bộ năng nổ của chi nhánh ngân hàng công thương quận Hồng Bàng.
Rót cho tôi một ly đầy, anh liếc nhìn vợ.
Nhà tôi vào Nha Trang công tác đã đến bãi cá mua những con cá ngựa còn sống bỏ luôn vào chai rượu trắng rồi mang về cho chồng đấy. Chỉ có mấy người bạn thân tôi mới mời thứ này. Nó công hiệu lắm anh ạ.
Vợ anh hơi đỏ mặt vội cầm tách trà đưa lên miệng.
Trong câu chuyện hôm nay, anh nói một thôi dài về những người dân oan cùng nhau đi khiếu kiện. Rồi đặt ly rượu xuống bàn, anh khoát tay: “Đây cũng là một cách đấu tranh cho nhân quyền đấy”.
Vợ anh phụ họa theo:
Đúng vậy, những người dân đi khiếu kiện vì quyền lợi của họ bị xâm phạm, nhiều oan khuất không được giải quyết. Rõ ràng nhân quyền của người dân ở nhiều nơi không được coi trọng…
Ngay con vật cũng có quyền của nó kia mà. Đó là quyền được tồn tại và phát triển, vì thế Liên Hiệp Quốc mới có sách đỏ cấm săn bắt những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Ở nhiều gia đình phụ nữ ít tham gia vào những chuyện dính líu tới chính trị nhưng ở đây chị lại hào hứng với những chuyện thời cuộc của chồng và lại khéo léo biết cách chăm sóc chồng nữa. Một gia đình hạnh phúc.
Thấy anh chị hăng hái quá tôi cũng kinh. Tôi đang lựa lời để nói cho vui chuyện bỗng thấy con chó cái chạy vọt ra cổng vẻ mừng rỡ, hai chân trước của nó quýnh quáng nhảy lên song sắt hàng rào. Thì ra cô chó vàng thấy anh chó đực bên hàng xóm chạy sang đang đứng ở ngòai hàng rào sắt đưa mồm qua kẽ hở hít hà rối rít làm cho cô chó vàng nhà anh Chương cuống lên. Nhà giáo của tôi vội vàng ra cầm cây gậy đập vào song sắt:
Biến! Cứ rửng mỡ là lại chạy sang ve vãn chó nhà người ta. Con chó đực màu lông xám chạy đi một lúc lại quay lại thò mõm vào kẽ hở hàng rào sắt kêu ư ử.
Vợ anh ra lôi con chó cái xích lại ở góc sân.
Nhìn cảnh ấy tôi góp ý:
- Hai con đều muốn gần nhau, sao anh chị không cho chúng phối giống?
Chương ngồi vào ghế rồi đáp ngay:
- Vợ chồng tôi là cấm tiệt ! Nguyên tắc của nhà này là không bao giờ cho chúng phối giống cả, trông nó dơ lắm, rồi nó sẽ đẻ con vừa bẩn vừa bận không trông nom chúng được anh ạ.
Vợ anh tiếp lời chồng:
-Mùa hè vừa rồi nhà em có một con chó đực to và đẹp lắm cơ. Cháu nó đến chơi vô ý không cài cổng thế là con chó chạy ra ngoài cổng và mất luôn. Con chó ấy chúng em cũng kiên quyết không cho đi tơ nên cu cậu không mất sức, béo đẫy ra. May mà học trò nhà em cho con chó này. Thời buổi bây giờ trộm cắp như rươi, không có chó giữ nhà thì gay lắm.
Khi chị đã trở lại yên vị thì câu chuyện của chúng tôi bỗng nhiên chuyển sang đề tài chó.
Anh rót thêm cho tôi ly rượu nữa.
Tôi góp chuyện:
- Làm thân con chó cũng khổ anh ạ. Nó là con vật trung thành, dù đói nó cũng không bỏ chủ mà đi.
Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo.
Vắng chủ, chó coi nhà tận tụy thậm chí sẵn sàng hy sinh vì chủ. Trộm muốn vào nhà là phải diệt chó trước, thế mà nhiều ông bà chủ có cho nó ăn uống tử tế đâu. Nhiều nhà nuôi nó khôn lớn rồi đem làm thịt hoặc bán lấy tiền. Ở quê nhiều nhà bắt chó dọn phân trẻ con. Mới đây tại xóm tôi có một ông biết vợ nhiều đêm rủ trai vào nhà khi ông đi công tác thế là ông ấy cứ chó mà nện.
Thấy tôi nói nhiều chuyện đáng phàn nàn, Chuong vội nói đế ngay:
- Cuộc đời này chó má thật. Nhiều người trung thành một cách mù quáng mà không biết mình cũng chỉ là vật hy sinh. Vợ anh quay về phía tôi tiếp lời;
- Khuyển mã chi tình anh ạ. Ngày trước có một ông chủ chết, con chó mà ông chăm sóc từ bé đã theo đám ma ra tận nghĩa trang cuối làng và không chịu về nhà nữa. Nó bỏ ăn, nằm chết bên mộ chủ. Bởi vậy vợ chồng em rất quý chó. Nhân cơ hội này tôi mới nói  điều tôi cần nói:
- Anh cứ lớn tiếng đấu tranh cho nhân quyền, phê phán người ta hạn chế quyền sống của con người. Còn anh chị lại cố tình dẫm đạp lên cái quyền cơ bản của con vật. Đó là chuyện con chó nhà anh. Khi con chó sẵn sàng sả thân vì sự bình yên của người chủ thì nó “vị nhân quyền” quá đi rồi ? Do đó ta cũng phải quan tâm đến cái quyền tối thiểu của nó chứ. Trước hết là quyền được yêu đương, quyền được phối giống. Chính chị cũng vừa nói con vật cũng có cái quyền của nó phải không?
Giọng tôi hơi gắt; để cho dịu lại và cũng kín đáo nhắc nhở anh, nên tôi cố ý cầm chai rượu lên xem xác mấy con cá ngựa đã hiến thân cho cái sự sung sướng của con người.
Chương đành cười gượng nhưng vẫn cứng giọng:
- Ông đừng quên: chó khác, người khác.
     Tôi lại phải thuyết lý thêm để bạn hiểu rõ hơn ý mình:
     - Dĩ nhiên rồi. Nhưng con người là cái gì nào? Cũng từ động vật theo quá trình tiến hóa mà thành. Một động vật cao cấp biết suy nghĩ là con người nhưng vẫn cứ từ một con vật phát triển lên cho nên người ta gọi con người chứ có ai gọi ông hay bà người đâu. Vì vậy anh chị cứ ngăn cản mãi cuộc sống tự nhiên của con chó mà anh chị yêu quý thì vô tình chúng ta đã chà đạp lên cái quyền của nó rồi. Điều đó không những làm hạn chế sự phát triển mà còn làm cho con vật luôn bị ức chế, sự khôn ngoan của nó cũng kém đi. Trước đây con chó đực của anh chị chạy ra khỏi cổng rồi bị mất, biết đâu do bị bức xúc quá nó bỏ đi cũng nên.
      Có thể bị dồn vào thế lúng túng hay do rượu đã ngấm, anh dở giọng cùn:
      - Này tôi viết về nhân quyền nhiều rồi nên hay bị lục vấn thì ông viết về chó quyền đi, tôi sẽ tung lên mạng cho. Viết về chó đỡ lôi thôi. Nếu gửi báo cũng dễ được đăng đấy.
Thấy vợ anh lui xuống bếp, tôi nói tào lao với anh cho không khí trở lại vui vẻ:
      - Ông sợ chó đẻ bận bịu nên cắt cái quyền yêu đương của nó phải không? Tôi báo cho ông biết một tin vui nhé: có một trang web trên mạng hướng dẫn cách hạn chế sự sinh sản của chó mà không cần hoãn cái nhu cầu có bạn tình của nó lại, ông thử làm xem.
      Anh phì cười.
      Ngồi chơi đã lâu, tôi cáo từ anh ra về.
      Con chó cái bị xích ở góc sân nhìn tôi cứ gầm gừ, không biết do thấy tôi là người lạ hay nó vẫn ấm ức vì bị chủ tước đi cái quyền được tồn tại và phát triển của nó vậy?
                                                                          
Hà Phương
Tháng 10/2007