Trang chủ » Truyện

MỘT PHẦN NĂM

Võ Tấn
Chủ nhật ngày 26 tháng 4 năm 2009 4:23 PM
 
Hoàng Thị làm quản lý Hội Nhà Văn Thành phố P, chứ vụ Chủ tịch Hội VHNT, làm “lãnh đạo” khá lâu đã cảm thấy mệt mỏi, nảy ra ý định chọn người thừa kế  sớm hơn. Hoàng Thị sau đợt giao lưu bất thường liền trao đổi với anh em văn nghệ sĩ các chi hội, việc bầu báng, mỗi Chi hội lấy một nhân vật đưa ra giới thiệu chọn làm Chủ tịch tương lai. Làm giả dụ để rút kinh nghiệm nhưng ai cũng biết rằng trong cơ cấu tổ chức của xã hội hiện tại “trù bị” thì coi như “chính thức”. Bước đường “giả - thật” như nhau cả đấy mà.
Hoàng Thị vốn là nhà văn đích thực, chỉ lo chăm chú sáng tác chẳng mơ mộng chi cái chân “danh thì có mà lợi thì không”. Lúc này còn sung sức nên Hoàng Thị viết say mê, cả hai thể loại thơ và văn xuôi, ngẫu hứng cũng cầm cọ vẽ vời, thật đa tài đa nghệ. Hồi mà Hoàng Thị được chỉ định làm chủ tịch Hội cũng thông qua nhiều chi hội chọn lựa gọi là “hiệp thương dân chủ” nên bây giờ vẫn áp dụng “dân chủ hiệp thương” là lẽ thường.
Làm văn nghệ thuần tuý, người ta coi trọng tác phẩm, đứa con tinh thần như một gia tài vô giá, gắn cái “mác” chức vụ oai thì có oai nhưng dễ bị “hiểu lầm”. Trong nhiều cuộc hội thảo văn chương thành phố P, Hoàng Thị được đánh giá là đàn chị mẫu mực rất có tầm, ảnh hưởng khá râu rộng, lớp văn nghệ có tuổi thì xem Hoàng Thị là cây bút nữ trẻ năng động, lớp đàn em tâm phục khẩu phục giọng văn “mới toanh” đáng học tập bà chị. Khi chưa làm chủ tịch Hội, tác phẩm của Hoàng Thị “đẻ” cất trong kho “bí mật” chưa từng ra mắt bạn đọc. Lên chủ tịch Hội VHNT không có thời giờ viết mới, nên Hoàng Thị lôi ra trao chuốt và công bố. Đó là lao động mang tính chuyên nghiệp văn chương mà mỗi nhà văn không ai là không có. Ít lâu sau, tác phẩm của nhà văn Hoàng Thị được nhiều bạn bè biết đến, quan tâm chuyền miệng, chuyền tay đọc tác phẩm. “Xem cũng được được đấy”. Báo đài nhảy vô làm một cuộc “khảo thí” và cuối cùng tác giả Hoàng Thị nổi lên như tảng băng, cứng cõi sáng lóng lánh dưới nắng miền cực bắc, chuẩn bị ban phát và chia sẻ. “Cũng có lúc làm nên cái gì đó cho đời”.
Nhà văn Hoàng Thị bao tháng ngày đối mặt chuyện buồn vui văn chương thời kinh tế thị trường, từng gặp bão to gió lớn. Đường đi đến tận cùng mù mịt mênh mông biển chữ, Hoàng Thị cũng nhận thấy khả năng “bơi” bị đuối. Cái chân “Chủ tịch” lâu ngày cũng chẳng giúp gì được cho tác phẩm và theo quy luật “đào thải kế thừa” cái vị trí “lãnh đạo” chức trọng quyền uy rồi sẽ thối trào.
Cuối cùng thì 5 Chi hội VHNT của thành phố P đã chọn được 5 người có tâm huyết với Hội. Ông Song Theo cán bộ hưu trí, là nhà thơ khi còn làm “sếp” ở cơ quan “Bảo vệ sức khoẻ phụ nữ” tự nguyện xung phong lao vào gánh “của nợ”. Gọi là “của nợ” thì người từng có kinh nghiệm quản lý  như ông nhà thơ Song Theo chẳng ngại ngần gì. Vui là chính, không làm được thì có Ban Biên Tập góp sức, ông nghĩ “Biết đây cuối cuộc đời văn đàn biết đến. Hội thì có nghĩa lý gì vào ra do mình tất”
Nhà văn có tuổi, cả trong chuyện nghề lẫn tuổi tác ngoài đời, đó là  tác  giả “Hoàng Lương” ở chi Hội số 2, được tín nhiệm giới thiệu. Tính tình ông ta ít nói, hay cười và “dĩ hoà”, theo nhận xét chung thì chắc chắn nhà văn Hoàng Lương sẽ có phiếu tín nhiệm cao.
Ba đại biểu còn lạị, hoàn toàn trẻ tuổi đời và đầy nhiệt huyết “cầm chịch”. Có người đang giữ chức vụ trong cơ quan quản lý văn hoá thành phố P, có người nổi tiếng trên văn đàn còn khá trẻ, có người là nhà giáo dạy văn đang sung sức viết.
*
Một ngày đẹp trời của mùa thu, nắng vàng rọi những bông cúc một màu. Ông Song Theo nhẹ nhàng ngắt một cánh nhỏ ép vào “tập bản thảo thơ” được nhận tiền tài trợ của Hội chờ ra mắt bạn bè. Ông lang thang trong sân vườn trước văn phòng Hội. Dường như ông là người nôn nao chờ đợi phút giây được gánh vác, dìu dắt...văn chương. Ông ta đi lòng vòng vài lượt quanh khóm hoa cúc mộng mơ những án thơ. Gần một giờ trôi qua cũng chẳng thấy bốn nhân vật “so cựa” xuất hiện. “Hay nói thẳng với Hoàng Thị là mình sẽ…”. Ông cười rất tươi, rất hồn nhiên như một nhà thơ vừa bắt gặp cái gì đó chợt tới.
-Chào bác Song Thao. Dạo này trông bác khoẻ ra chứ lị!
-Chào anh em “văn nghệ sĩ chúng mình”. Tôi nhờ viết được nhiều nên thấy thanh thản.
 Nói rồi ông Song Theo lần lược bắt tay nhóm người được chọn vào “thi”. Gọi là “thi” vì dẫu sao đây cũng là cuộc “hiệp thương giao lưu”. Trong lúc này, ai nấy đều tỏ ra vui vẻ tràn đầy niềm tin trên những khuông mặt mắt sâu hốp háp nghề nghiệp.
 Văn phòng nhỏ của Chủ tịch Hôi VHNT Hoàng Thị, được trang trí nhiều bông hoa đỏ, cam, vàng, tím đặc biệt là màu trắng tinh khiết của loài hoa huệ thơm nồng. Cửa văn phòng được mở tung cho gió lùa vào thoáng mát, ngộ nhỡ có người không chịu nổi mùi hương hoa huệ…
 Hoàng Thị:
 -Ta bắt đầu vào cuộc được chưa?
 Nhà thơ Song Theo thực hiện quyền công khai dân chủ:
 -Có cần từng người thông qua sơ lược tiểu sử…
 Nhà văn Hoàng Lương phát biểu nửa trong, nửa ngoài:
 -Thôi đi. Ta “nhẵn”… “mặc” nhau lâu rồi. Bây giờ chỉ cần “bỏ phiếu kín”, ai được 5/1 phiếu thì nhận lấy trách nhiệm của anh em văn nghệ sĩ giao phó. Và…sau đó nữa là…“khao” một chầu...
 Cuộc hiệp thương giao lưu đặc biệt rất vui. Mỗi người làm nhiệm vụ “bầu cử” rất dân chủ trong tình thương mến thương. Danh sách có 5 người, có 5 lá phiếu được phát tận tay. Chủ tịch Hội, nhà văn Hoàng Thị  làm trọng tài kiểm phiếu.
 Không khí làm việc rất văn nghệ thoải mái không căng thẳng như việc chọn người làm chủ tịch Thành Phố, văn nghệ luôn mang đậm nét văn hoá vui tươi lành mạnh. Tất cả họ đều chúc nhau được làm người gánh trách nhiệm với Hội, thăm hỏi công việc của nhau. Tán chuyện. Đợi chờ...
Sau mấy phút giải lao các văn nghệ sĩ đàm đạo văn chương thời kỳ “hậu hiện đại” sôi nổi trong văn phòng bên chén trà thơm ấm cúng. Nhà văn trẻ là một thầy giáo được tham gia chọn trong số năm người này rất hài hước kể:
 -Bên Trung Quốc có một nhà văn viết thế này “Người có tài không thấy hết khuyết điểm của người khác, có thể tha thứ. Người không thấy hết ưu, khuyết điểm tài hoa của người khác, không phải là người có tài…”
Chủ tịch Hội VHNT thành phố P chuẩn bị sẵn năm bông hoa hồng tươi, trước khi công bố kết quả, nhà văn Hoàng Thị trao tặng cho từng người được chọn ra “thi” rất thân mật. Số phiếu thu lại còn nằm yên trong cái hộp giấy ngay ngắn đặt trên bàn, ai cũng nghĩ… Nhà văn Hoàng Thị công bố kết quả:
-Có 5 lá phiếu được phát cho 5 vị, mỗi lá phiếu đều gạch bỏ 4 vị. Hợp lệ. Kết quả chung cuộc thì mỗi một người đều trúng “Một phần năm”.
Nghe đâu sau vụ này, có một nhà văn trung ương tuổi đời còn khá trẻ được giới thiệu về thành phố P đảm nhiệm chức chủ tịch Hội. Nhà văn Hoàng Thị xin rút lui để chú tâm vào viết “Hồi ký”./.

2009-VT