Trang chủ » Truyện

HUYỀN SỬ MỘT TÊN LÀNG

Nguyên Vi
Thứ năm ngày 2 tháng 4 năm 2009 7:58 AM

(HAY LÀ SỰ TÍCH HOA MA NƯƠNG)

                                              Truyện ngắn
Hơn ba trăm năm trước. Làng tôi khi ấy chỉ khoảng hơn chục nóc nhà, toàn nhà mái tranh vách nứa. Đất làng rộng hẹp ra sao không ai buồn đo đếm. Mà đo đếm để làm gì khi tứ bề ngút ngàn đồi cát. Cây xương rồng mọc chen nhau, xếp hàng như người tham quan ngày hội chợ thời mở cửa. Cây ma dương thì mọc thành rừng, cây nào cây nấy gai chỉa tua tủa như kho giáo, lưới gươm. Tre trúc mọc hoang thành từng vạt dài, nhìn đâu cũng thấy màu xanh của lá luôn rì rào trong gió và đùa với cát bay.
Chẳng biết có phải đất lành chim đậu không. Cứ thỉnh thoảng lại có vài người lưng gồng vai gánh, dáng mệt lử như vừa vượt qua đâu hàng mấy trăm dặm đường, đuối chân dừng bước, rồi trụ lại, rồi dựng chòi vỡ đất tỉa bắp, trồng khoai. Cứ thỉnh thoảng lại có vài người quần áo rách tươm, dìu nhau đến từ phía biển, mệt mỏi dừng bước, rồi trụ lại, rồi dựng chòi trồng rau, đào củ, hái măng rừng sống qua ngày. Cứ thỉnh thoảng lại có vài người tướng mạo oai phong lẫm liệt, tóc râu tua tủa, kẻ đi bộ người lưng ngựa, bên hông còn giắt cả giáo gươm. Họ dừng bước, rồi trụ lại, rồi dựng chòi, chôn gươm giáo, vỡ đất làm ăn sinh sống. Cứ thỉnh thoảng lại có vài người dáng phương phi thanh tú, tay nải ngoài vài vật dụng thông thường, còn lại chỉ toàn sách với sách. Họ dừng bước rồi trụ lại, dựng chòi, nhận nơi đây làm quê hương thứ hai, sau cái nơi đã từng chôn nhau cắt rún.
Cứ thế. Người làng tôi đông dần, nhà cửa mọc lên nhiều hơn. Rẫy bắp, nương khoai lấn dần đám ma dương lẫn đám xương rồng, những đồi cát cũng lùi dần ra xa nhường chỗ cho hàng ranh, hàng rào đan ngang, xẻ dọc. Đình làng tôi cũng được dựng lên từ lúc ấy. Ngoài những dịp lễ lạt, vào những đêm trăng thanh gió mát, đám thanh niên có đủ nam thanh nữ tú rủ nhau hẹn hò, tụ tập nơi sân đình nhỏ to chuyện trò tình tự, hát đối trao duyên. Đám thanh niên trong làng càng thích tụ tập nơi sân đình còn vì lẽ, họ sẽ được nhìn ngắm và trò chuyện với nàng Nương – một thôn nữ vừa đẹp người, đẹp nết, lại hát hay, còn kể chuyện có duyên rất mực.
Ở tuổi mười sáu, mười bảy. Nàng Nương đã là cô thôn nữ nổi bật của làng. Tóc nàng đen dày óng mượt luôn xõa ngang lưng. Nàng dáng thanh tú mặt hoa, da phấn, mắt đen, mày liễu trông đẹp như tranh. Hình như trời bắt vạ nàng thì phải. Nàng đẹp vậy mà lại siêng năng chăm lo tươm tất trăm thứ việc trong nhà, nàng Nương còn sẵn lòng giúp đỡ bất cứ ai trong làng khi có việc cần nhờ. Chữ tài liền với chữ tai một vần, lời cụ Tố Như quả không sai. Đám gái làng ngày càng nạnh hẹ, tỏ ra ghen ghét, hắt hủi nàng Nương và hùa nhau dần xa lánh, cách ly nàng. Còn đám trai làng dù có chọc ghẹo, tán tỉnh nàng thế nào cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu dễ mến. Thua cuộc, bọn họ lại cũng hùa nhau đơm đặt nói xấu nàng Nương không biết bao nhiêu điều, không ngượng miệng. Đâu đó trong đám trai làng có kẻ xấu miệng còn tung tin nàng Nương là ma, chuyên ru ngủ, bắt hồn đám trai làng.
Buồn cho thói đời đen bạc, nàng Nương ngày càng lẫn tránh mọi người, không còn buồn tiếp xúc với ai. Vài người có việc đi ngang qua nhà nàng, liếc trộm chỉ thấy nàng Nương sớm tối chăm chút mấy khóm hoa vạn thọ, vài bụi cúc vàng và một loài dây leo lạ chưa từng thấy có trong làng. Rồi một đêm, dù trong nhà nàng ngọn đèn dầu vẫn leo lắt bóng, cửa nẻo vẫn mở, nhưng không còn ai thấy bóng dáng nàng Nương đâu nữa. Người có chút lãng mạn thì bảo nàng Nương đã bỏ làng tìm ra chốn kinh kỳ phồn hoa đô hội để hòa nhịp vào thế giới của văn chương, nghệ thuật. Người có tí máu của con nhà võ thì bảo, nàng Nương đã vượt ngàn dặm trường đi tìm minh chủ để đầu quân góp phần giết giặc, giữ yên bờ cõi. Kẻ xấu miệng thì  bảo vì quá cô đơn, nàng Nương đã nghĩ quẩn tìm đến cái chết nơi bến sông nào đó. Gì thì gì, cả làng không ai dám đoan chắc nàng Nương đã đi đâu về đâu. Bởi một tuần, rồi một tháng trôi qua mà nàng Nương vẫn bặt vô âm tín, không lưu lại tí vết tích gì để biết rằng nàng còn sống hay đã chết.
Không người chăm sóc, khóm vạn thọ và mấy bụi cúc chết lụi dần. Riêng mấy dây leo lạ lại nhanh chóng mọc leo um tùm đầy trên hàng giậu quanh nhà nàng Nương. Từ các nách lá, từng nụ hoa mỏng manh, tím ngắt trộn lẫn chút màu xanh da trời, dáng tựa trái tim đang vỡ, chen nhau, lắt lay ngay cả trong làn gió nhẹ thoảng qua. Hoa lá như người, đượm buồn man mác như tiếc nhớ, bâng khuâng. Một đồn mười. Mười rồi đồn khắp làng, rằng nàng Nương chắc chết thật rồi, hồn còn vương vấn với làng hóa thành loài hoa lạ. Chắc hẳn phải là một nhà thơ, cấp làng, buột miệng đặt tên cho loài dây leo lạ cái tên, dây hoa Ma Nương. Lại mười người biết, rồi cả làng biết tên của loài hoa mới: Ma Nương.
*
Mấy trăm năm qua rồi. Quả tình không ai biết làng Từ Tâm quê tôi khi ấy có tên là gì, bởi cho đến giờ vẫn không thấy có bút tích gì ghi lại. Nhưng quả là đã có một thời, làng tôi có tên là làng Ma Nương thật. Tôi không chắc, rằng có phải người làng vì quá tiếc thương nàng Nương nên đã quyết định lấy tên loài hoa lạ nơi nhà nàng để đặt tên cho làng, hay không. Ngay một số cụ được coi là tiên chỉ của làng như cụ Hai Khướt, cụ Bảy Thoạt cho đến lúc quy tiên, cũng không dám chắc có phải ông bà xưa đã lấy tên hoa Ma Nương đặt tên cho làng hay không nữa. Cả đến thầy Tư Đài – một thầy lễ, đệ tử chân truyền của thầy Hai Khướt nổi tiếng một thời, giờ đã ngấp nghé tuổi bảy mươi, được xem như bộ bách khoa đại tự điển của làng – cũng phải chịu, không rõ! Đến như nhà thơ Lê Sa, một văn nghệ sĩ hiếm hoi của làng, khi hỏi đến chuyện này cũng phải bó tay…cam chịu trói, chứ nhất định không dám nói rằng đúng, rằng sai. Tôi. Kẻ hậu sinh của làng, càng tịt. Đành phải vậy thôi, biết sao!
                                                                   Phan Rang, IX/2008