Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN CHÂN THÀNH CHIA SẺ VỚI NHÀ LÍ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN GIÁ

Trần Huyền Nhung
Thứ hai ngày 11 tháng 7 năm 2011 7:50 PM
Trần Huyền Nhung

Đọc bài “ Những nguy cơ của lý luận phê bình hiện nay” của nhà lý luận phê bình Văn Gía trên trang trannhuong.com, tôi cảm nhận dường như tâm trạng của Anh Văn Gía đang lạc lõng, cô đơn trước “nguy cơ” của lý luận phê bình trong thời buổi kinh tế thị trường lấn sân. Tôi đồng tình với nhà thơ Trần Nhương có suy nghĩ: “Hình như ý kiến của Văn Gía chưa chuẩn vì lý luận phê bình của chúng ta đang có các hội đồng to tướng, chỉ đạo sát sao, họp hành hội thảo tơi tới, sao lại là bỏ rơi?”. Nhưng cũng có thể ở trong  “những hội đồng to tướng” ấy, ai biết đấy là đâu. Có phải thế không mà nhà thơ Tản Đà từng xót xa thốt lên “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Chúng ta nên có cái nhìn cảm thông để thấu hiểu với nỗi lòng trăn trở, với  suy nghĩ của nhà lý luận phê bình Văn Gía.
     Trước khi đi vào bài viết, Văn Gía đã giới hạn cho suy nghĩ của mình như sau : “Bài viết này tôi không nhằm vào đánh giá những ưu điểm vốn không đáng kể của nền lý luận phê bình hiện nay (vì việc này không khó), mà chủ yếu đi vào những hạn chế, khiếm khuyết của nó. Có thể những lời nói của tôi khó nghe đối với ai đó, nhưng biết làm sao được. Nói theo cách nói của người miền núi: Tôi chỉ biết nói lời cây mọc thẳng.”. Nghĩa là “những ưu điểm vốn không đáng kể của nền lý luận phê bình” thì ai cũng đã hiểu, người nằm ngoài giới phê bình cũng có thể nhìn thấy được. Còn những nhược điểm thì những nhà lý luận phê bình, ai dám lên tiếng? Vâng, Văn Gía đã lên tiếng một cách thẳng thắn và công khai “Tôi chỉ biết nói lời cây mọc thẳng”. Tôi trân trọng lắm một Văn Gía dám nghĩ, dám nói và dám đi tiên phong khi anh thẳng thừng đưa ra ba nhận định: Giới làm lý luận phê bình văn học bị bỏ rơi, các tác phẩm lý luận phê bình bị rẻ rúng và hoạt động của lý luận phê bình hiện nay đang bị..loạn. Văn Gía quả quyết khẳng định: “Tôi hoàn toàn không nói ngoa rằng: giới làm nghề này đã bị bỏ rơi, bỏ quên từ lâu chứ không phải bây giờ”. Không phải ngẫu nhiên mà Văn Gía hoàn toàn tin vào nhận định của anh là đúng. Liệu rằng có điều chi khuất tất chăng? Rồi Anh đưa ra một loạt gạch đầu dòng bao nhiêu ý được xem là những lý do liên quan đến Hội Nhà văn đối xử không công bằng với giới lý luận phê bình hiện nay.
 -“ Chưa bao giờ Hội nhà văn, hoặc các Nhà xuất bản của Hội tiến hành ra các tuyển LLPB thuộc các giai đoạn, thời kỳ văn học, trong khi đó về sáng tác thì khá đều.
- Sau Hội nghị những người viết văn trẻ, hay các đợt tập huấn thường niên, Hội nhà văn chưa bao giờ ra tuyển tập LLPB, trong khi đó chỉ có các tuyển sáng tác.
- Chưa bao giờ có trại sáng tác dành riêng cho những người viết phê bình, nhất là phê bình trẻ.
- Trong một số Hội nghị LLPB vốn rất hiếm hoi, số người viết PB trẻ được tham gia rất ít, đã thế khi tham dự hầu như không được phát biểu, không được đối thoại, đến dự để cho có mặt gọi là.
- Trong các cuộc thi về thơ, về văn xuôi, các thành viên Ban giám khảo chưa bao giờ có một nhà LLPB nào tham gia chấm giải. Các giải chỉ do các nhà sáng tác bầu bán, không có giới LLPB phản biện. Đó cũng là một trong những lý do làm cho chất lượng giải thấp.
- Trong kế hoạch bồi dưỡng của Hội nhà văn thường niên, đã từng có để ý đến bồi dưỡng đội ngũ những người viết LLPB, cách tiến hành thường qua loa, làm cốt để gọi là có, diễn ra khoảng tuần, với những bài nói chuyện đại ngôn tráng ngữ, không đâu vào đâu, không đi vào nghiệp vụ cụ thể, thí dụ như cách viết một bài phê bình thế nào thì không một bài giảng nào quan tâm.”
.....
     
Từng đấy những chi tiết thôi, ta cũng thấu hiểu được vì sao Văn Gía bức xúc đến nhường nào. Nỗi bức xúc của Văn Gía phải chăng cũng là sự bức xúc của biết bao những nhà lý luận phê bình khác hiện nay?
      Hôm sau tôi lại đọc được bài : “ Trao đổi với ông Văn Gía : Lý luận phê bình văn học bị bỏ rơi hay tụt hậu?” của tác giả Trần Đình Thu, càng buồn hơn, vì anh Trần Đình Thu chưa thể hiểu được nỗi lòng bị “bỏ rơi” của anh Văn Gía. Thực ra, cảm giác bị “bỏ rơi” trong lĩnh vực nghề nghiệp sẽ tủi thân, cô đơn và trống trải lắm. Anh Trần Đình Thu chưa đứng trong nghề như anh Văn Gía, làm sao anh hiểu được nỗi lòng của người cầm bút làm lý luận phê bình. Thế đấy, cảm giác bị “bỏ rơi”, lúc ấy chỉ muốn có ai với tay xin dìu dắt, chứ đừng nên mang nhau ra làm “chiến trường” giữa chốn văn chương vốn mang đậm tính nhân văn này. Ta được gì ở đây? Tiếng tăm ư? Xin thưa, lại càng không phải. Tiếng tăm chỉ đến với những con người tài năng thực sự, biết người, biết ta và biết đóng góp cho sự thiếu hụt, biết làm cho mọi giá trị trở nên hoàn thiện hơn.
    Tôi đọc sâu sắc bài “ Trao đổi về chuyện lý luận phê bình bị bỏ rơi và rẻ rúng” của nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, nhận thấy anh Lê Thành Nghị đúng là chỉ nói về mặt ưu điểm “chưa bao giờ thấy lý luận phê bình được quan tâm như bây giờ”. Tôi không có ý kiến gì phản đối trong bài viết của anh Lê Thành Nghị, âu cũng là vấn đề thổi phồng ưu điểm về nền lý luận phê bình hiện nay được quan sát từ góc nhìn của anh Lê Thành Nghị. Chính anh Nghị cũng muốn chúng ta có một cái nhìn ở góc độ công tâm cơ mà. Đây là lời của Anh Nghị : “Những gì thuộc quan niệm và nhận thức của Văn Giá về phê bình văn học, về học vấn của một nhà phê bình văn học và học vấn của một nhà văn, nhà thơ, về thực trạng của LLPB hiện nay, về chế độ nhuận bút, về phê bình văn học đích thực và phê bình văn học trên báo chí đều có thể và cần phải bàn thêm với một cách nhìn bao quát, bình tĩnh, thiện chí.”. Nhưng có lẽ theo như lời mở đầu bài viết của anh Văn Gía “Tôi chỉ biết nói lời cây mọc thẳng”, vì thế, xin không lạm quyền bàn luận lại vấn đề này. Nói gì thì nói, thực trạng của nền lý luận phê bình hiện nay như  Văn Gía nêu ra, tôi cảm thấy mình chỉ nên dừng lại mức độ đồng cảm, chia sẻ với tâm trạng của anh. Nói gì trong lúc này cũng chỉ bằng thừa, Anh Văn Gía cần được chia sẻ bằng tình cảm nhân văn nhất như M.gorki nói “Văn học là nhân học”. Cần lắm một tình người khi đến với mọi giá trị của văn chương chân chính.
         Tôi thiết nghĩ, chúng ta không nên tạo sự đối lập quá căng thẳng trong đội ngũ phê bình nói tiêng và văn chương nói chung. Không biết là tôi có ảo tưởng hay không, nhưng tôi cho đó là không những không nên có, mà còn có thể tránh được. Nói thẳng, nói thật thì con người dễ gần gũi nhau hơn chứ. Nếu không yêu thương được, mà cũng không cần thiết phải như thế , thì vẫn có thể tôn trọng nhau. Từ rất sớm thiện tâm đã phải lên tiếng: “Thông qua việc xây dựng hình tượng hoặc thậm chí đặt tên nhân vật, để bôi nhọ người mình không ưa là hiện tượng không lành mạnh… không những hạ thấp nhân cách người cầm bút mà còn nguy hại tới uy tín của văn học( Lê Ngọc Trà).  Nhà lý luận phê bình Văn Gía đã dự đoán được rằng: “Có thể những lời nói của tôi khó nghe đối với ai đó, nhưng biết làm sao được”, có thể còn rất nhiều người khó nghe khi Văn Gía nói về tình hình lý luận phê bình văn học hiện nay. Chúng ta nên chấp nhận sự thật, mà biết rằng mọi sự thật đều làm mích lòng nhau. Xét cho cùng bài viết của anh Trần Đình Thu, Lê Thành Nghị cũng là nỗ lực đóng góp không nhỏ vào tình hình lý luận phê bình hiện nay. Đáng trân trọng !
       Văn cũng như võ, bởi vì võ thật ra cũng là một nghệ thuật. Những người làm văn chúng ta nên chú ý và lý giãi tại sao sau trận đấu, hai võ sĩ lại ôm hôn nhau. Xem những trận đấu võ thì loại hình võ nào, trước khi đấu người ta cũng kính vái nhau, thậm chí có khi kẻ chiến thắng còn đến quỳ xuống vái dài rồi dìu kẻ thua trận. Tôi nghĩ các võ sĩ luôn luôn tâm niệm và không bao giờ họ sử dụng bừa quyền thuật của mình. Qủa vậy, võ chỉ để biểu diễn hoặc tự vệ chứ không ai giở võ ra với bà con hàng xóm bao giờ. Xét cơ chế vận hành, từ tác giả đến độc giả, văn tự nó đã là hiện tượng xã hội, không nên dùng ngón độc của văn ra công kích cá nhân, nhất là đối với đồng nghiệp, trừ những kẻ cực kỳ gian trá tự tước bỏ tư cách “đồng nghiệp” của mình. Bài viết của anh Văn Gía rất cần sự đóng góp, bổ xung thêm cho  ba vấn đề anh đưa ra để được hoàn thiện hơn. Đối thoại, trao đổi không có nghĩa là chỉ nên tìm từ ngữ mà bắt bẻ, chúng ta nên tìm ra vấn đề chung còn nan giải để được giải quyết một cách nhanh nhất, được lòng cả đôi bên.
       Không chỉ có những tác phẩm lý luận phê bình bị “rẻ rúng” mà theo tôi “nghiệp” văn chương nói chung đều bị “rẻ rúng”. Có phải vì nhà lý luận phê bình Văn Gía đang trong tâm trạng bức xúc quá chăng khi mà anh chỉ nói thiên về tác phẩm lý luận phê bình? Đành rằng, tôi hiểu để đào tạo một người làm lý luận phê bình không đơn giản. Cái tiên quyết là họ phải có năng khiếu, có tố chất của người yêu thích lý luận phê bình, phải có một trình độ nhất định…Nỗi bức xúc của Văn Gía cũng là nỗi xót xa của tôi khi anh bày tỏ: “Các báo đều đánh đồng hoạt động LL-PB, nhất là PB chỉ như là những bài đọc sách, điểm sách, mạn đàm, nhàn đàm… về các vấn đề thuộc sinh hoạt thực tiễn văn học. Như vậy, nó chỉ quan tâm tới phê bình kiểu báo chí, chứ xem thường, thậm chí khinh miệt những tác phẩm LLPB chuyên nghiệp. Chứng cớ là, các tờ báo quy định viết mang tính phổ thông, dễ hiểu, ngắn, dung lượng chỉ cho phép đến vậy, viết theo đơn đặt hàng của các ông chủ báo. Nếu dài quá so với quy định là cắt. Nếu trình bày hàn lâm, nhiều khái niệm quá, cắt.  Cuối cùng là các bài LLPB chỉ là loại phê bình kiểu báo chí. Loại PB này cũng quan trọng ở chỗ là nó làm báo dưới hình thức giới thiệu, đưa tin về văn học, thế thôi, chứ nó không có khả năng đi sâu vào hoạt động phê bình, tức là thẩm định cắt nghĩa, đánh giá giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Yêu cầu này chỉ có thể đạt được khi phê bình chuyên nghiệp lên tiếng. Mà PB chuyên nghiệp lại vượt khung khổ của một tờ báo. Nó buộc phải viết có ngọn ngành, bài bản với khung lý thuyết, với khái niệm, với những diễn giải khoa học… Nên buộc nó phải có độ dài nhất định. Trong khi đó các báo không chấp nhận những bài dài. Mâu thuẫn là ở đó.
Chính vì thế, ngày nay do cung cách của báo chí, LLPB trong con mắt của đại đa số, đã tự biến thành hoạt động thông tin báo chí thuần tuý, đánh mất vai trò chuyên nghiệp và tính trí thức của nó.”
    Đúng là tôi thấy hầu hết các trang báo văn nghệ, các bài liên quan tới văn học chỉ toàn mang tính chất điểm sách, giới thiệu về cuốn sách mang tính chất thị trường là chính. Và hình như các trang báo văn nghệ hay tạp chí văn học chỉ sợ văn chương lấn sân, chỉ sợ không còn đất để “dụng” các mảng khác. Điều này nhà lý luận phê bình Văn Gía nói rất chính xác. Thôi thì thưa nhà phê bình Văn Gía,  Nguyễn Du tiên sinh cho rằng :
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Nhà thơ, nhà báo đãng tử Tản Đà lại chịu chơi hơn, khuyên bảo:
Đã trót đa mang cứ phải làm nên đã ngông ngênh với đời:
Người đời có ai chơi như thế
Chơi văn sướng đến thế thì thôi
 
Cứ ám ảnh mãi hình ảnh đó, đêm về, thả hồn trong thơ, trong giấc ngủ chập chờn, được gặp Tản Đà tiên sinh, xin tiên sinh chỉ giáo đôi điều:
- Thưa tiên sinh, viết cái gì dễ?
Tiên sinh mỉm cười đáp:
- Viết bựa, viết bừa, chửi: chửi bậy, chửi bạ, chửi chó, mắng mèo, chửi ông chửi cha, đào mồ cuốc mả, chửi bới lung tung...khỏi cần đọc sách, khỏi cần phải học, khỏi cần nghiền ngẫm, biết được một trăm chữ để viết tới viết lui
- Thưa tiên sinh, viết cái gì dễ?
Tiên sinh trầm ngâm một lát rồi đáp:
-Viết sao cho ra cái giống người, trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, có 48 điều, đơn cử vài điều của người xưa đã được đề cập. Đại khái Văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là sự việc lớn của kinh tế. Văn chương cần phải uyển chuyển, hồi phục, đầu đuôi tương ứng, mới là hay. Đỗ Phủ có thơ rằng Văn chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri (Văn chương việc ngàn đời, hay dở lòng biết thôi)
Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được, chớ không nên chê mắng. Cái văn cái vẻ phải hài hòa tô điểm cho nhau. Văn phải sinh khí mới cảm nhận được.
Hàn Dũ cho rằng Văn dĩ minh đạo, Chu Đôn Di để lại câu nói cho đời thường nhắc nhở Văn dĩ tải đạo Văn làm sao vừa truyền đạo đức và tình cảm chân thật và trong sáng. Vì vậy, Văn Thiên Trường đã khuyên làm người cũng như mang nghiệp cầm bút Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Làm sao để lại tấm lòng son soi sáng) nôm na phải giữ được sĩ diện, nhất là người cầm bút, người làm công tác truyền thông.... Bản thân tôi là người ngoài cuộc, chỉ có cái tâm huyết yêu văn chương cháy bỏng, chứ chẳng phải nhà này, nhà nọ hay nhà phê bình gì cả. Nhưng tôi nghĩ: “nghiệp” cầm bút của các nhà văn , nhà phê bình chân chính muôn đời họ vẫn nghèo khổ vì đi theo cái “nghiệp” trời cho. Đáng lẽ ra, anh Văn Gía không nên so sánh giữa những người làm lý luận phê bình với những người sáng tác làm gì. Bởi công việc của người cầm bút có tâm và lòng nhiệt huyết, họ đều lao lực cả anh ạ. Chúng ta nên nhìn ở góc độ cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Nếu như anh đọc bài thơ “ Hẩm hiu” này của một nhà thơ thì tôi dám chắc rằng anh sẽ không thể nào cầm lòng được:
“Đói quá mang thơ đi bán
Xem xong người chẳng thèm mua
Bà bán bún riêu cảm thán
Thơ gì thua cả ...con cua
Giận quá, mang thơ vào Chát
Xem qua thiên hạ đâm lo :
Con này từ hành tinh khác
Bị điên nên diễn lắm trò
Buồn quá , mang thơ về cất
Nằm queo nhớ bữa cơm chiều
Thương quá , bỗng trào nước mắt
Nghìn đời thơ vẫn hẩm hiu !”
      Anh có thể mất thì giờ đọc hàng nghìn trang sách của một tác giả để có được bài lý luận phê bình, rồi còn phải nghiền ngẫm, cảm nhận đánh giá xu hướng của tác phẩm. Tôi hiểu sự lao động của anh đã khổ ải biết nhường nào. Thế thì, từ sự khổ luyện của anh,  tại sao anh không hiểu được nỗi khổ của người sáng tác cũng mất từng đó thời gian để có được một công trình chỉnh thể thống nhất cho anh đọc và phê bình? Có thể trong một sự bức xúc nào đấy, anh Văn Gía chưa nhận ra cái khổ của người sáng tác. Ví như nhà văn Hộ trong “Đời thừa” của Nam Cao đã từng rơi vào tấn bi kịch của cuộc sống đời thường. Tôi biết rằng, cuộc sống này “Cơm áo không đùa với khách thơ”,  bi kịch của nhà văn Hộ ra sao, thì có lẽ anh là người hiểu hơn ai hết. Đã nhà nhà văn nói chung thì ai cũng nhức nhối và ai cũng từng ở trong giai đoạn quằn quại khi phải đối chọi với muôn mặt của cuộc sống hết. Thù lao của văn chương thì đáng là bao hả anh? Tôi nghĩ, anh đã tinh ý nhận ra được “Các tác phẩm lý luận phê bình bị rẻ rúng”, thì tại sao anh không mở rộng thêm để hiểu:“nghìn đời thơ vẫn hẩm hiu”, để chúng ta cùng nhau nhỏ những giọt nước mắt cho cái “nghiệp” văn chương chân chính.
     Qua bài viết của nhà lý luận phê bình Văn Gía và tổng hợp các ý kiến từ bài viết của tác giả Trần Đình Thu, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị, tôi cho rằng : mấu chốt vấn đề bây giờ nên dừng lại và chờ ý kiến cuối cùng của người lãnh đạo cao nhất trong Hội Nhà văn. Trong phê bình, kể cả bút lẫn lưỡi, tình hình càng không kém phần như vậy. Anh này chê “ác tâm”, anh kia liền phán “mất nhân cách”. Anh này chê “dốt”, thì anh kia lại bảo “ngu”. Anh này phán là “cơ hội”, anh kia liền lấy “gậy ông đập lưng ông”bằng những bằng chứng đanh thép kèm theo, e cũng khó lòng phản bác. Mà cũng đừng tách lừng lát cắt ra, nó có liên hệ nhân quả, phản ứng dây chuyền cả đấy. Chí Phèo thì không hay rồi, nhưng căn do lại là Bá Kiến chứ. Tất nhiên , tôi hiểu rõ, nêu một câu hỏi “Ai gây ra trước?” ở đây sẽ như lửa đổ thêm dầu, vả chăng kinh nghiệm thường cho thấy, ai hưu chiến sau thì thường là kẻ gây chiến trước. Cho nên thay vào đó là một sự mong mỏi: Chúng ta ai nấy đều rất nên đi tận cùng chính kiến của mình, nhưng phải biết tôn trọng người khác. Biết lắng nghe, thậm chí tạo điều kiện cho đối phương bày tỏ hết mọi nhẽ, đó cũng là một biểu hiện của văn hóa tranh luận. Ngay các hiệp sĩ thời xưa ( xin lỗi, lại nói đến chuyện võ) còn biết nhặt vũ khí trao lại cho đối phương chỉ còn tay không. Trong văn chương có lẽ cũng như vậy. Nếu quả anh tin sẽ thuộc về anh, tại sao anh lại cứ cắt xén hoặc đơm đặt, thậm chí chặn họng kẻ khác.
     Cuộc đời thì phức tạp, văn chương thì đa nghĩa, chúng ta không nên áp đặt, quy chụp vấn đề, không phải là quan điểm của anh tôi phải theo. Văn chương khác toán học là ở chỗ đó. Sự hiểu biết về văn chương của tôi cũng chỉ thu hẹp chừng đó. Ngoài cái tình khi đến văn chương, tôi chả có gì sâu sắc cả. Xin được mạo muội gửi đến nhà lý luận phê bình Văn Gía tấm lòng chia sẻ một cách sâu sắc nhất.
                                                  Sài Gòn, ngày 08/07/2011
                                                                     T.H.N