- Bác có biết văn bản nào quy định thời hạn sử dụng thực phẩm tươi ghi ngoài bao bì sản phẩm không? Nó có cái tên tây là “date” ấy mà.
- Chú phải đi hỏi các nhà quản lý chứ, tôi cũng phó thường dân như chú thì sao mà biết được.
- Em cứ thấy nghi nghi hoặc hoặc thế nào ấy! Ví dụ như sản phẩm sữa tươi tiệt trùng chẳng hạn. Thay vì trước đây ghi hạn dùng 60 ngày kể từ ngày sản xuất thì nay cụ thể hơn là ngày/ tháng/ năm, tính ra tới 6 tháng! Hình như nhà sản xuất cứ ghi đại ra theo ý muốn chủ quan mà không bị ai kiểm soát. Cái thứ hàng tươi thường bày bán ở khắp các chợ, cửa hàng, vỉa hè… dưới cái nắng như đổ lửa mà “đát” dài như thể được bảo quản trong nhà lạnh không bằng.Thật khó tin! Theo em, “đát” thực phẩm phải được đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe dựa vào điều kiện (tình huống) bảo quản khó khăn nhất bởi vì có phải ai cũng bảo quản được đúng quy định của nhà sản xuất đâu! Tính em cẩn thận, cứ xem ngày sản xuất gần nhất mà mua hàng.
- Chú tiêu dùng thông minh đấy, nhưng không có chuyên môn, đừng có xía vào việc của người khác.
- Em là người tiêu dùng, em có quyền thắc mắc, đặt câu hỏi nghi vấn chứ bác!
- Rất có thể công nghệ tiến bộ, nhà sản xuất đã cho thêm chất phụ gia nào đó vào để tăng thời hạn…xếp xó nếu hàng bán chậm . Hàng ế phải đổ đi thì có mà phá sản!
- Chuyên môn của người ta em không biết, em cứ nói đại thế này. Không phải chỉ có sữa tươi thôi đâu. Còn trăm thứ bà rằn thuộc đồ ăn như bánh kẹo v.v cái date trên bao bì cũng khó mà tin được Rất có thể nhà sản xuất vừa đá bóng, vừa thổi còi mà lại qua được mắt mấy bác chức năng. Cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu hậu quả. Cái “đát”… ma làm người ta mắc bệnh thì anh nhà thuốc, y tế cũng có phận nhờ.
- Đừng có chủ quan hồ đồ! Trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần có sự liên kết của các “nhà”, nhưng không phải là kiểu như chú nói .