Thú thật, khi viết bài này tôi phải đắn đo nhiều. Bởi nó dễ đụng chạm đến suy nghĩ đã thành nếp ở rất nhiều người. Dù sao, đây cũng là tiếng nói của thảo dân. Ở một góc độ nào đó -Không nói (im lặng) cũng là có tội!
Tôi không tin- không có nghĩa là mất niềm tin. Người ta bảo, mất danh dự thì còn có thể (phục hồi) lấy lại được. Nhưng mất niềm tin là mất hết.
Tôi không tin, những người không đi biểu tình trong 5 chủ nhật liên tiếp vừa qua là những người không yêu nước. Vì sao họ không đi? Bởi mỗi người biểu thị lòng yêu nước mỗi khác. Nhưng cũng có người vì họ sợ hoặc họ chờ. Trên chưa ra lệnh thì...hãy đợi đấy! Bảo làm thì làm, bảo đi thì đi, bảo đứng là đứng. Thụ động, ỷ lại ghê gớm. Chả trách cải cách hành chính cứ ì ạch mãi. Riêng đối với cán bộ công chức làm công ăn lương, cái sợ lớn nhất của họ là ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh, đến miếng cơm manh áo. Không cẩn thận họ dễ bị quy chụp “làm trái với chủ trương, đường lối chính sách của nhà nước” hoặc bị “các thế lực thù địch xúi giục”. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, rắp tâm xâm lược Việt Nam. Một tổ chức đoàn thể chính thống kêu gọi, họ sẽ kéo nhau đi ùn ùn. Hiện tại rất nhiều người chẳng hiểu “mô tê răng rứa chi hết”. Họ sợ “nói chuyện chính trị”. Ngưồi ta vẫn nói, đó là chuyện “nhạy cảm” (tôi rất ghét từ này). Vì sao họ sợ? Vì họ mất dân chủ quá nhiều, có bao nhiêu chuyện phi lý, trái đạo đức, gây bức xúc trong nhân dân, họ biết nhưng vẫn câm lặng. Họ sợ nói ra không khéo lại là kẻ “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Cứ nói đến hai từ “dân chủ” là hình như có cái gì e ngại. Rất dễ bị quy là “diễn biến hoà bình” là “thế lực thù địch” “gây kích động bạo loạn”... Thế là họ “mũ ni che tai”. Cụ Hồ bảo: “dân chủ là để người dân được mở miệng ra nói”. Dân không được nói dĩ nhiên là mất dân chủ. Khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” lâu nay bị lu mờ, chưa đi vào thực chất. Nhưng tôi tin, những người biết xấu hổ cũng là những người yêu nước. Và tôi nghĩ, gieo mầm tình yêu đối với Tổ quốc đã khó, giữ gìn bồi đắp lại càng khó hơn.
Tôi không tin những người biểu tình họ bị kích động như lời ông Giáo sư Nguyễn Thế sự phát biểu: “...những thanh niên đi biểu tình chủ yếu là do phái “phản động” Việt Nam kích động gây ra”. Ông Sự nếu có lỡ lời thì hãy mở mồm xin lỗi những người yêu nước. Bởi 5 cuộc biểu tình vừa qua không thấy phái phản động nào hết. Người dân không cam chịu, “tức nước vỡ bờ”, bị dồn nén, bức xúc quá mà đứng lên. Họ chờ một người đứng mũi chịu sào, dẫn dắt họ, đồng hành cùng họ. Nhưng chờ mãi không thấy và bị rơi vào im lặng. Lòng yêu nước không do ai ban phát, nên họ xuống đường biểu tình chống Trung Quốc. Bởi họ không thể đợi chờ lâu hơn được nữa. Thử hỏi, các nhân sỹ trí thức có tên tuổi, c ùng thanh niên sinh viên xuống đường là “thuộc phái phản động”? Nhà PBVH Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội (người đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc) đã có bài tham luận tại Đại hội Hội LHVHNT Hà Nội ngày 6-7 tháng 7-2011 với mong muốn: “Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu. Đó là cách chúng ta xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”.
Tôi đề nghị đại hội chúng ta ngay bây giờ hãy có một hình thức cụ thể bày tỏ tấm lòng của các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đối với đồng bào và chiến sĩ ở Hoàng Sa - Trường Sa, hai quần đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam.”
Chẳng biết ông Sự, Giáo sư của một trường đại học nghĩ sao về chuyện này? Nếu ông bị kẻ ác vu khống, bịa đặt thì xin ông hãy lên tiếng!
Tôi không tin dân ta sẽ nghe theo những lời có cánh về tình hữu nghị Việt-Trung với “16 chữ vàng’ và “4 tốt”. Họ không bao giờ là “đồng chí” của ta. Chỉ cần họ là người láng giềng tử tế, biết điều là đủ. Chúng ta nếu phụ thuộc quá nhiều về kinh tế, yếm thế trong bang giao thì sẽ bị phụ thuộc về chính trị. Cứ nói đến Trung Quốc là chúng ta phải cảnh giác!
Tôi không tin tất cả các cuộc đình công của công nhân có bàn tay của “thế lực thù địch”. Công nhân mình đều xuất phát từ nông dân mà ra. Họ chịu thương chịu khó lam làm và... cam chịu. Do đời sống công nhân đã xuống đến mức báo động, nhìn vào bữa cơm của họ mà thấy xót xa. Dè xẻn từng mớ rau, nắm gạo. Họ đòi hỏi giới chủ tăng lương nhưng không được giải quyết. Công đoàn ở đó thì chỉ “ăn theo, nói leo” không bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Nhiều Chủ tịch công đoàn còn hùa theo giới chủ. Vì thế, “cực chẳng đã” họ mới đình công. Ở nước ngoài công nhân đình công là chuyện thường. Với Việt Nam, chờ xin phép được đình công thì...hơi bị lâu đấy.
Tôi không tin câu nói của PTT Nguyễn Sinh Hùng: “Nghiêm ở đây không phải sai là chặt chém ngay, thế thì lấy đâu ra người làm. Dẹp đi là bầu không kịp". Xin thưa, đã là sâu mọt thì phải chặt chém cho bằng hết. Phải phun thuốc trừ sâu cực manh, liều cao để diệt tận gốc. Đảng viên tha hoá, biến chất tràn lan, "một đàn sâu làm rầu nồi canh". Dân có việc, vào đâu, đến đâu cũng phải tiền. Lúc này, người dân rất cần những “đầy tớ” có tâm có tài. Chỉ có điều ta trọng dụng nhân tài như thế nào mà thôi. Nhất quyết chọn người tài chứ đừng chọn người hiền. Bởi hiền dễ sinh nhu nhược, ươn hèn. Và, thưa PTT, theo tôi - cứ dẹp đi là... bầu vẫn kịp!
Lại nữa, tôi không hiểu việc từ chức của các quan sao mà khó đến thế. Những việc làm sai trái, lộng hành, vi phạm đạo đức, thất thoát tài sản, tham ô, tham nhũng, mất tín nhiệm với dân mà chẳng thấy ai xin từ chức, chẳng ai xin lỗi dân cả. Họ cứ ì ra, đổ vấy trách nhiệm cho nhau. Cứ nhìn vào các nước tiên tiến, nhất là nước Nhật mà thèm. Họ từ chức dễ thế, bởi họ có lòng tự trọng cao. Còn các quan nhà ta, chuyện này quá hiếm!
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Bác: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa.”. (Kính thưa Bác, Dân phê bình chính phủ thì đã có. Nhưng đuổi chính phủ thì chưa)
Tôi không tin, hiện nay người dân Việt Nam nào cũng đều nói dối. Mặc dầu nói dối, nói xấu sau lưng, đố kỵ hẹp hòi, ích kỷ đã trở thành phổ biến. Người lớn, trẻ con đều biết nói dối . “Đi nói dối cha, về nhà nói dối chú”, mua bằng, mua điểm tràn lan. Người nói thẳng, nói thật bị trù dập. Kẻ xu nịnh, kẻ có chức có quyền “gắp lửa bỏ tay người”, tráo trở, lật mặt không phải là ít. Thời buổi này, tìm một lời “trung ngôn nghịch nhĩ” thật khó!
Tôi không tin tới đây, Quốc hội sẽ phê chuẩn xây dựng đường sắt cao tốc.
Tôi không tin, Quốc hội tới đây sẽ tiếp tục bàn thảo việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Bởi hậu quả động đất và sóng thần ở Nhật vừa qua vẫn còn sờ sờ ra đấy. Tôi nghĩ, khi vận hành, với máy móc, thiết bị hiện nay của Nhật, nó không xảy ra sự cố ngay, nó chịu được sóng thần, động đất. Nhưng mấy chục năm sau (tôi nghĩ thế) khi xảy ra sự cố, những người chịu trách nhiệm và những người “chẳng biết gì về điện” giơ tay biểu quyết đã về chấu ông vải từ lâu rồi. Lấy ai chịu trách nhiệm?
Tôi không tin, mọi chuyện “tày đình” cứ bị “giấu diếm” mãi. Những quyết định ảnh hưởng, liên quan đến đại cục chung không thể được coi là bí mật. Trừ những tài liệu, thông tin có thể được miễn phổ biến đã ghi trong hiến pháp. Ngoài ra, mọi người phải được tạo cơ hội tìm hiểu và phản biện các quyết định chính trị. Việc nhận thức công chúng có thể được nghiên cứu, tìm hiểu những tài liệu, thông tin do chính quyền ban hành và khả năng giám sát công việc sẽ làm gia tăng niềm tin. Việc tiếp cận thông tin sẽ giúp tránh khả năng lợi dụng quyền hạn của cơ quan công quyền.
Còn nhiều chuyện “tôi không tin”. Kể sao cho hết. Không tin, không có nghĩa là mất niềm tin, nghĩa là còn hy vọng.
„
Viết xong bài này. Tôi ngồi uống nước với cha tôi. Hai cha con rất ít nói chuyện với nhau. Nhất là chuyện chính trị, chuyện bức xúc ở làng quê, chuyện “cướp, giết, hiếp” đang tràn lan mà báo chí đưa tin. Tôi không muốn cụ vì tuổi già mà cứ phải bận tâm nhiều đến chuyện đó. Cụ bị áp huyết cao, không khéo cụ nghĩ ngợi nhiều, lăn đùng ra đấy là khổ con cháu. Nhưng không hiểu sao, tôi lại nói chuyện biểu tình cho cụ nghe.
Cha tôi năm nay 87 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, từng là cựu tù Côn Đảo thời chống Pháp. Ông cụ nặng tai. Nói chuyện với cụ mà cứ như ...cãi nhau. Nghe ra, cụ bảo: Tao ngày xưa theo cách mạng có biết chủ nghĩa này nọ gì đâu. Tin theo cụ Hồ mà đi thôi. Bị địch bắt, trong tù lúc nào cũng nghĩ đến cụ Hồ, chúng nó tra tấn thế nào cũng không có hé răng nửa lời... Tao đi làm cho đến khi nghỉ hưu, cũng nhiều người như tao thời đó, chẳng tơ hào gì hết. Bây giờ tham nhũng tràn lan. Dân mất lòng tin quá. Còn chuyện biểu tình, sao lại cấm, sao lại bắt. Dân yêu nước là mừng chứ. Sợ nhất là bà con im lặng, mặc nhà nước muốn làm gì thì làm. Thế là nguy cho chế độ. Tao tin Đảng sẽ đổi mới. Loại bỏ những sâu mọt. Những đảng viên còn nhiều người tâm huyết với đất nước này, dân tộc này lắm. Họ là những đảng viên chân chính. Họ vì dân. Tao tin, Đảng sẽ đồng hành cùng dân tộc. À, cụ Giáp thế nào nhỉ, có khoẻ không. Học trò của Bác còn mỗi cụ Giáp thôi....còn anh, là cựu chiến binh, về rồi, muốn làm gì thì làm, đừng để tiếng ác cho dân làng là được...
Hai cha con đang nói chuyện thì ông bạn đồng ngũ thời chống Mỹ với tôi đến chơi. Tán chuyện một lúc, nó bảo: - Mày nói tao nghe, cụ nhà mày 87 tuổi mà sao khoẻ thế, chẳng ốm đau bệnh tật gì... Tôi nói vui: Cụ tao khoẻ là vì cụ bị điếc. Điếc đúng thời điểm, khỏi nghe những điều chướng tai, gai mắt.
Thấy tôi nói vậy, nó cười khà khà: Tôi không tin!