Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ VÕ VĂN TRỰC: KHÂU BỀN SỢI ĐAU

Trần Hoàng Thiên Kim
Thứ hai ngày 11 tháng 7 năm 2011 10:41 PM

Khi tôi đến bệnh viện Việt Xô tìm thăm ông, nhà thơ Võ Văn Trực đang viết nhật ký, nét chữ của ông ngoằn nghèo như con giun. Nói là viết cũng không đúng, ông đang cố dùng bàn tay chỉ còn cử động được ngón cái và ngón trỏ để đưa nét bút của mình thành những hình thù khác nhau trên trang giấy. Chính ông viết ra mà rồi khi đọc lại ông cũng không hiểu mình đã viết những gì. Đời sống của ông từ trước tới nay cậy nhờ vào cây bút và trang giấy nhưng giờ đây, ông đành ngậm ngùi bất lực với chính tật bệnh của mình, căn bệnh tai biến đã cướp đi của ông dây thần kinh vận động, làm liệt nửa người bên phải. Ông nói gở rằng, đã ở tuổi 76 rồi, ông sống thế cũng đã có thể gọi là thọ. Ông học theo câu nói của Hê-ghen: “Nhận thức được quy luật là một điều tự do”, mọi việc đối với ông cũng coi như đã làm xong: nhà cửa đã sửa sang, con cái đã trưởng thành, sự nghiệp văn chương đã ghi dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ, vừa đủ để làm nên danh phận, tiếng tăm…

Nhà thơ Võ Văn Trực sinh năm 1936 tại làng Hậu Luật, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ ngoại giao nhận về nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm việc tại một cơ quan văn hóa. Đến năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Đến năm 1977 ông về làm Biên tập viên rồi lên chức Phó tổng biên tập báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu. Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành nhưng gàn và cục tính. Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều tốt lành, may mắn.
Ông được coi là một chứng nhân của làng văn nghệ, bởi vì ông làm việc ở báo Văn nghệ ngay từ những thời kỳ đầu tiên, trải qua ba thế hệ Tổng biên tập: nhà thơ Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Đào Vũ và nhà văn Nguyên Ngọc. Ông được chứng kiến những thời khắc thịnh suy, những tính cách, lối sống khác nhau của các nhà văn nhà thơ cùng thời. Có người khiến ông nể trọng, có người khiến ông coi thường, cũng có người giúp ông lấy lại được thăng bằng cho cuộc sống. Tất cả những điều đó ông nhớ rành rẽ từng chi tiết nhỏ, không phải ông là người có trí nhớ siêu phàm, mà vì ông là người thường xuyên viết nhật ký. Cho đến nay ông đang lưu giữ trong gia tài của mình tất cả 70 tập nhật ký, gần bằng số tuổi của ông bây giờ. Mỗi cuốn nhật ký là một cuốn phim bằng chữ ông đã viết từng ngày qua, có nhân vật cụ thể, có tình tiết cụ thể, có câu chuyện vui, có câu chuyện buồn, có những người tốt và có những người xấu. Trong đó cũng dày đặc những trang văn đẹp viết về những người bạn gái thuở hoa niên, có những trang viết đầy tình yêu thương dành cho vợ, hoặc những trang đầy xúc cảm viết về những người bạn gái là các nữ nhà văn, nhà thơ mà ông đã gặp, đã quen, đã có cảm tình trong suốt chặng đường làm nghề.
Võ Văn Trực là người ít nói. Bởi cái âm giọng đặc sệt xứ Hoan Diễn không đủ để diễn tả được hết con người ông, ngoài cái vẻ gàn gàn, cục cục và tưng tửng và ít biểu cảm. Bởi thế, trong cuộc đời mình, ông chủ yếu chơi với những người bạn tâm giao cùng xứ Nghệ. Đôi khi ông cứ lầm lũi đi về trên chiếc xe đạp cà tàng với ngổn ngang trăm mối. Có bao nhiêu nỗi niềm, ông trút hết cả vào văn thơ. Văn của ông thật thà, chua xót những nỗi niềm không dễ tỏ cùng ai. Đó là những ký ức khắc khoải về mẹ, về chị, về làng quê, cái làng mà ông yêu như máu thịt đời mình. Làng có những gốc đa, cây muỗm cổ thụ ba bốn trăm năm, có nhiều di tích lịch sử ghi lại quá trình hình thành và phát triển thôn mạc. Làng có núi Hai Vai sừng sững đứng trong truyền thuyết - chứa di tích thời đồ đá và dấu vết nhiều cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Làng có ngôi mộ cổ rộng một mẫu đất và nhà thờ Hùng lễ bá Võ Cương - một danh tướng của Lê Lợi. Làng có ngôi đền Bạch Y, một nữ thần cứu mạng vua Lê thoát khỏi vòng vây giặc Minh được Nguyễn Trãi ghi trong Lam Sơn thực lục. Võ Văn Trực. Sau Cách mạng tháng Tám ngôi làng đã bị phá. Tâm trạng của ông lúc đó rồi bời. Đến nỗi mỗi khi ông đi xa trở về đến ngã ba Diễn Châu, cách làng 6 cây số, thì ông không dám về ban ngày nữa mà phải về đêm: đi ban ngày sợ nhìn thấy cảnh làng xóm tiêu điều đau đớn lắm.
Trong ký ức đời mình, ngôi làng Hậu Luật của ông là một làng có truyền thống văn học dân gian rất lâu đời. Không biết bao nhiêu lần ông đã trở về để sưu tầm một cuốn vè làng Hậu Luật, tập vè dày độ bốn trăm trang. Khi cuốn vè này in ra thì các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đây là một làng rất phong phú về văn hóa dân gian. Làng ông có một hội tuồng nổi tiếng, cứ đến mùa xuân là đi hát khắp trong Huyện. Ông bảo, được sống trong môi trường văn hóa dân gian phong phú như thế cho nên ông yêu thích văn chương cũng là lẽ đương nhiên. Sau này, người có ảnh hưởng tới đời văn của Võ Văn Trực chính là người đàn anh đồng hương Trần Hữu Thung. Nhà thơ Võ Văn Trực kể lại: “Năm 1958, ra Hà Nội học đại học, người đầu tiên tôi tìm gặp là nhà thơ Trần Hữu Thung ở 73 phố Thuốc Bắc. Đây là ngôi nhà tập thể của Hội Nhà văn. Kiến trúc hình ống, dùng cót ngăn ra nhiều phòng. Cụ Phan Khôi ở phòng trong cùng, lần nào đến tôi cũng thấy cụ nằm đọc sách quay ra cửa sổ... Phòng Trần Hữu Thung ở rộng chừng mười mét vuông. Đồ đạc bày biện sơ sài. Hai cái giường cá nhân. Tấm ván kê làm bàn. Vài chục cuốn sách. Nồi niêu, bát đĩa để ở góc phòng. Một hòm gỗ đựng quần áo... Tôi đến chơi với anh thân tình như một đứa em. Có hôm anh đi vắng, tôi cũng lách cửa vào ngồi học. Cửa không có khóa, chỉ ngoắc một cái que thép. Nếu ai đi vắng thì nhờ người ở phòng bên cạnh trông hộ. Vả lại, có lẽ bọn kẻ cắp biết các nhà văn chẳng có tiền nong, vàng bạc, nên cũng chẳng lẻn vào. Có một năm vì công việc nên tôi phải ở lại ăn tết ở Hà Nội, hồi đó tôi có một cô bạn gái, tôi đã dẫn cô ấy đi chơi giao thừa và sau khi đi đón giao thừa về vì quá muộn nên tôi đã đến ngủ nhờ nhà anh Trần Hữu Thung. Tôi và cô ấy dù có cảm tình với nhau nhưng hai người đã ngủ ở hai giường khác nhau và sáng hôm sau hai người lại ai về nhà nấy mà không có chuyện gì xảy ra cả!”.
Một người bạn văn mà nhà thơ Võ Văn Trực trân trọng đó là nhà văn Bùi Hiển. Bây giờ, mỗi lần nhắc nhà văn Bùi Hiển, Võ Văn trực vẫn nhớ lại kỷ niệm với Bùi Hiển: “Trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Bùi Hiển thường lăn lộn mấy tỉnh Khu IV. Có một lần, tôi gặp anh ở ngay tại Quỳnh Lưu quê anh. Trong không khí chiến trường dữ dội, anh vẫn cười nhẹ nhàng, nói nhẹ nhàng. Qua trò chuyện, tôi biết dạo này anh ăn dầm nằm dề ở mảnh đất này để thỉnh thoảng lại theo dân chài ra khơi đánh cá. Tôi hơi ngạc nhiên: đã gần 50 tuổi rồi mà anh vẫn ra khơi! Tôi kém anh những 17 tuổi, vừa rồi cũng liều theo thuyền giã đôi ra khơi một chuyến say lư đừ, mệt rã. Lại còn phải đề phòng gặp tàu giặc nữa chứ. Tôi hỏi anh: Nếu gặp tàu giặc, bị giặc bắt thì sao?. Anh nhoẻn cười: Ta đã nghĩ đến chuyện đó. Nếu bị bắt, bị tra hỏi, ta cứ nói thật ta là nhà văn, đi theo dân chài để lấy tài liệu viết văn.
Ngồi trên giường bệnh, nhắc lại những câu chuyện một thời đã xa, gương mặt nhà thơ Võ Văn Trực ánh lên nét rạng ngời. Tôi cảm nhận rằng, quãng thời gian đẹp đẽ ấy đã hằn lên vết sẹo trong ký ức ông. Dù bây giờ, có lúc ông nói đi nói lại một câu chuyện như người bị lẫn. Cũng không thể nào khác được, ông đã ở tuổi “cổ lai hy” và phải hứng chịu nhiều biến động trong cuộc đời. Có lúc ông trầm ngâm rất lâu không nói năng gì nhưng hình như, trong đầu ông vẫn đang diễn ra những cảnh tưởng của cuộc sống, của từng chặng thời gian. Có lúc tôi không hỏi gì mà chỉ ngồi nhìn ông, đang yên lặng, bỗng chốc ông vẫy bàn tay về phía tôi nói: “Cô hỏi nhiều chuyện về quê hương, tôi kể cho cô chuyện hồi tôi đi học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh: Tôi thường xuyên phải đi bộ tới 30 km từ Diễn Châu xuống học ở Vinh. Vì đi học cả tuần mới về nhà nên mẹ tôi thường rang tôm trộn muối để lâu không bị thiu và làm thức ăn được cho cả tuần. Một con tôm ăn nhón nhén được cả bữa cơm đấy!”. Nhà thơ Võ Văn Trực bảo rằng, những thời khắc đau yếu thế này, người ông thường nghĩ về là mẹ. Người phụ nữ đã cho ông tựa bóng trước những thăng trầm của kiếp người. Rồi ông đọc mấy câu thơ về mẹ: “70 tuổi về trong căn nhà cũ/ Mẹ ấp iu thiếu thời/ Cơn sốt nửa chiều vàng ngọt nắng/ Bơ vơ như lạc giữa quê người/ Cháy lòng con câu hỏi/ Mẹ ơi mẹ đâu rồi/ Trái tim con the thắt/ Thèm được gọi: Mẹ ơi!”.
Dễ hiểu vì sao, ông thường đắm đuối với mảnh đất quê hương đến thế. Dù viết đủ mọi thể loại, thơ, văn, bút ký… nhưng ông luôn trở về với cái làng Hậu Luật dầm dề mưa nắng, nghèo khổ, chỉ có thiên nhiên là đẹp, là trong trẻo và ngút ngát ước mơ. Ông tâm sự: “Tôi khao khát bằng ngòi bút của mình, góp phần dựng lại gương mặt đẹp đẽ của tổ tiên, của cha ông, của làng mạc, để các thế hệ con cháu tự hào và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương”. Và trong một giá trị nào đó của văn chương, Võ Văn Trực đã làm được tâm nguyện của đời mình. Nhà phê bình văn hoc Thái Doãn Hiểu đã nhận xét: “Với thơ, Võ Văn Trực đã cởi mở tiết lộ mọi bí mật của tâm hồn anh. Đó là trái tim bóc trần của một người chính trực luôn gắn bó với đời nhưng cô độc, ưa trầm ngâm chiêm nghiệm và phán xét trước mọi nhân tình thế cố. Võ Văn Trực đã trút bỏ được đôi cánh nặng nề của hiện thực để thơ thanh thoát bay lên. Thơ anh chân mộc mà thắm, trực diện và quyết liệt, phúng thích mà vẫn trữ tình. Thơ Võ Văn Trực chứa hương, bão, máu, lửa cháy đến tận cùng buồn vui của kiếp người”.
Tôi rời bệnh viện Việt Xô ra về vì đã đến giờ chị giúp việc mang cơm tối đến cho ông. Căn phòng toàn những người đau yếu đi lại chập chững phải có người dắt dìu càng làm cho buổi chiều muộn của khu nhà này trở nên buồn đến lạ thường. Nhà thơ Võ Văn Trực có lẽ còn may mắn hơn những người già bị tai biến khác vì ông còn có thể đọc thơ, còn có thể chuyện trò, còn có thể viết loằng ngoằng một vài thứ trong cuốn sổ nhật ký thứ 71, cuốn nhật ký mà tôi chắc chắn rằng, khi ông khỏi bệnh ra viện trở về, ông sẽ cất vào một góc khuất của đời mình vì nó không thể đọc với những nét ngoằn nghèo lộn xộn xen lẫn hiện tại và ký ức của ông. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ đã đọc được đâu đó trong tập thơ của mà ông ký tặng: “Hai tờ sách mở hai bên/ Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau”.