Bút ký
Thâm nhập thực tế sáng tác là nhu cầu không thể thiếu đối với mỗi văn nghệ sỹ. Bởi chất lượng tác phẩm chỉ có thể có được ở vốn sống sáng tạo không ngừng được bồi đắp, đặc biệt là cảm xúc, thứ sinh khí riêng có của người cầm bút luôn phải tươi mới, đây ắp, dễ rung ngân. Chính sự dịch chuyển sẽ khơi gợi và mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo, làm nên sự giàu có phong phú tâm hồn và sức sống tác phẩm nhà văn.
Coi trọng phương pháp “nạp năng lượng” này, năm nào Hội Văn học& nghệ thuật Ninh Bình cũng tổ chức cho anh chị em văn nghệ sỹ những chuyến đi thực tế lý thú và bổ ích.
Đầu xuân năm nay, khi miền núi Đông Bắc Tổ quốc đang còn rực rỡ sắc hoa đào, thì 11 anh chị em trong ban chấp hành Hội đã khăn gói lên Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi mà ngày 3-10-2010 đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Dù có người đã đôi ba lần ngược Hà Giang, nhưng cái chênh vênh hùng vĩ, của Đồng Văn, Mèo Vạc quen thuộc hôm nào vẫn mang lại cho họ cái cảm giác háo hức lạ thường. Phải chăng đó là những dự cảm lạc quan của mỗi người, khi miềm đá cổ có 600 triệu năm tuổi này, đã trở thành công viên địa chất toàn cầu, di sản thứ 2 của một Đông Nam Á: nhiều danh thắng lắm kỳ quan. Đó cũng là cơ hội bứt phá mang tính đổi đời của các dân tộc thiểu số Hà Giang, vượt qua nghèo nàn, lạc hậu chừng đang ở mức thấp nhất, nhì nước. Đoàn gồm những nhà văn, nhà thơ, nghiên cứu sưu tầm, hoạ sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh, làm phim. Mỗi người đeo đuổi một mục đích khác nhau của chuyến đi, nhưng đều có chung niềm đam mê, háo hức - sự đảm bảo mọi thành công.
Theo kế hoạch đã định, chúng tôi khởi hành vào sớm ngày 25-2, lại không may gặp đúng ngày mở đầu đợt gió mùa đông bắc. Phía trước là con đường núi cao, vực sâu, mưa trơn, nhưng lực hấp dẫn được khám phá những điều mới lạ đã thôi thúc và chiến thắng. Chỉ có điều mọi người đều thầm cầu mong cho chuyến đi thành công và mọi sự được an lành nên đã động viên, tạo mọi điều kiện để đầu óc và tâm lý lái xe thật thoải mái, sáng suốt và chủ động cao nhất trong mọi tình huống khi xe đã xuất hành.
Vượt gió rét mưa trơn với bao nhiêu là chuyện vui sau cái tết cổ truyền, chuyện: văn nghệ, thời sự trong nước, quốc tế, chuyện loạn lạc ở Li Bi, bão giá hoành hành mà cấp số đang tăng đến chóng mặt mỗi ngày. Sự
hấp dẫn của các câu chuyện, nhất là những tiểu phẩm bi hài: Ngựa người, người ngựa, Thị Nở Chí Phèo, do nghệ sỹ ưu tú Lý Thanh Kha độc diễn làm
mọi người cười đến rơi nước mắt. Chuyện Tiếu Lâm, hài hước: cổ, kim, đông, tây, hết người này đến người khác tham gia, cứ như pháo nổ, đã làm quên hết mệt nhọc qua chặng đường 470km tới thành phố Hà Giang. Đoàn nghỉ tối tại thành phố để lấy sức đón nhận những thử thách, chiếm lĩnh những đỉnh cao và niềm vui phía trước hôm sau.
Tôi là người luôn“quy lát”về giờ giấc, nên được bố trí ngủ chung phòng với lái xe Phạm Văn Điện. Chắc trưởng đoàn muốn lái xe được yên tĩnh nghỉ ngơi, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho chuyến đi. Phạm Văn Điện chỉ hơn con trai cả tôi một tuổi, trước lại học cao đẳng Thuỷ lợi cùng nghề với tôi, nên tự nhiên bác, cháu gần gũi như người đã thân thiết từ lâu. Điện có một hoàn cảnh thật éo le, một mình phải xoay xở nuôi mẹ già 86 tuổi, vợ ung thư máu đã một năm nay và 3 con ăn học. Anh như nghẹn lại khi nói với tôi: tối qua cháu phải đưa vợ lên bệnh viện Huyết học Hà Nội, mãi nửa đêm mới về tới nhà để kịp sáng nay đưa các bác đi sớm. Tôi thật ái ngại mà không dám hỏi sâu về hoàn cảnh của anh. Điện bảo: vợ cháu cứ 20 ngày ở nhà, rồi lại một tháng nằm viện, liên tục thay máu, mà tình trạng bệnh tình cứ xấu dần đi. May mà có bảo hiểm y tế chứ không sao chạy chữa nổi. Điện kể tiếp: mỗi tháng, cháu không làm ra chục triệu thì không sao lo được việc nhà bác ạ. Từ câu chuyện của Điện làm tôi liên hệ mà xa xót nhiều điều về nhân tình thế thái, về cái nghiệp văn mà mình đã chọn và dấn thân. Vì vậy nếu có dài dòng trong đoạn ghi chép này cũng mong bạn đọc thể tất, bởi văn học chỉ cần thiết cho đời sống khi biết hướng vào thân phận, chia sẻ được với những thiếu hụt của con người. Điều làm tôi thật sự xúc động khi Điện kể: bù lại nỗi vất vả cơ cực cho cháu, là các con biết thương bố. Có lần con cháu lớn hỏi xin 2 triệu để đi thực tập, cháu đang bận việc, nên bảo con mở ví bố mà lấy, nó thấy bố còn hai triệu rưỡi nên chỉ xin một triệụ rưỡi, rồi ôm cổ bố khóc nức nở: bố ơi! con thương bố. Nghe đến đây tôi lặng người đi rồi ngẫm nghĩ, có lẽ đó là nỗi xót xa cũng là hạnh phúc tột đỉnh của người cha như Phạm Văn Điện. Điều mà có nhiều nhà quyền thế, giàu có, mơ cũng không được. Bởi họ cứ mải mê chạy theo quyền lực, làm giàu, mà không lo dạy dỗ con cháu để chúng đua đòi, sa đoạ, nghiện ngập thì hậu hoạ khôn lường. Chả thế mà ở Hàn Quốc, xem người 50 tuổi trở lên có hạnh phúc hay không, người ta chỉ cần biết con cái họ thế nào.
Chúng tôi ngược Đồng Văn theo con đường 14C: đèo cao, vực sâu, với nhiều dốc gấp cua tay áo, lại mưa mù dầy đặc. Thực lòng có lúc phải nín thở không dám nhìn xuỗng lòng khe, sông Nho Quế chỉ mờ xa, ngoằn nghèo
(2)
như một nét chì dưới vực thẳm. Đi chừng vài chục km đã thấy hiện ra dòng chữ lớn màu trắng trên vách núi cao trước mặt: “Công viên địa chất toàn cầu”. Mọi người đều reo lên! thế là nơi ta tìm đã đến. Xe chúng tôi ngụp lặn
nhập nhô trập trùng theo sức vươn của đá. Nhờ có tờ báo Hà Giang trên tay,
tôi lật xem mà biết, công viên đá trải dài trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, tổng diện tích toạ lạc, biến thiên từ độ cao:
1000-1600m so với mặt nước biển là: 574 km2 với 250.000 người của 17 dân tộc anh em chung sống, mà chủ yếu là người Mông . Cái thời tiết vùng cao cũng thật đỏng đảnh, vừa đi trong mưa mới vượt qua đèo Quản Bạ là đã gặp nắng tưng bừng. Xe dừng lại, lập tức các tay máy chuyên, không chuyên đều nhắm cao, lia xa nơi tầng tầng đá cổ màu nhuốm bạc quyến rũ, mà nhí nhoáy chớp lóe liên hồi. Nghệ sỹ Ninh Mạnh Thắng, Bình Nguyên cố len lỏi đến những đỉnh cao, vách đứng, chẳng kể hiểm nguy, chụp lấy những thảm cải hoa vàng rực rỡ vừa đến độ, như không thể thắm hơn, đẹp hơn. Những người Mông thấp thoáng sau những con bò cầy như đi trong mây, trên những thửa ruộng bậc thang như từng tầng vòng bạc đeo trên cổ người thiếu nữ Mông hình vành khăn xếp, làm mê dụ tính hiếu kỳ của biết bao du khách mọi thời. Tất cả những nét kỳ thú, đặc trưng của miền đất giàu tiềm năng, dù cao hay thấp, xa hay gần đều được rum trong ống kính những tay máy tin cậy. Cứ như thế, dù khó có chỗ đứng, nhưng xe vẫn phải dừng, vẫn phải chờ đợi đến sốt ruột những tay săn ảnh. Mặc dù khác nhau lĩnh vực, nhưng đều là lao động sáng tạo, nên đã tìm được tiếng nói chung, đó là sự cảm thông và cũng lại vì trước cái đẹp đến mê hồn của núi rừng Đông bắc mà không ai nỡ khó tính, mếch lòng. Trên đường đi đã thấy nhiều con đường đang được mở từ quốc lộ, tỉnh lộ về các bản, xã vùng sâu. Đây chắc đã là sự mở màn cho việc triển khai quy hoạch, từng bước xây dựng cơ sở kỹ thuật hạ tầng mang tính quy mô về một Công viên địa chất toàn cầu đầy sức sống. Một công viên được quốc tế đánh giá cao, có đầy đủ các dữ liệu địa chất khoáng sản, đặc biệt là được tổ chức UNESCO khảng định: tính vượt trội về bản sắc văn hoá các dân tộc. Nằm trong vùng khí hậu lý tưởng, mùa hè nóng nhất cũng không cao quá 24 độ C. Đó là một biệt đãi của thiên nhiên dành cho nghỉ dưỡng, du lịch, cho ươm trồng các loài cây dược liệu và hoa, quả quý hiếm… Nó mở ra khả năng phát triển toàn diện để làm nên sự giàu có văn mình, cho vùng đất cổ huyền diệu này.
Chúng tôi đến chợ Đồng Văn, đúng lúc mọi miền quanh vùng: ngựa, người lục tục kéo nhau về chợ phiên chủ nhật, vì hôm nay đã là chiều thứ 7 Thật tình cờ, đoàn gặp Chi hội Văn học nghệ thuật Đồng Văn tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu muộn một tuần. Biết chúng tôi là văn nghệ sỹ, nên chi hội
(3)
trưởng đồng thời là Trưỏng Ban Tuyên giáo huyện uỷ và một hội viên nguyên là Bí thư huyện uỷ đến gặp gỡ, mời cùng tham gia giao lưu. Lần đầu tiên trong đời, tôi tham dự một hoạt động văn hoá của người dân tộc thiểu số. Thật đặc sắc, nét độc đáo là: sự hào hứng đón nhận đến mê say của cả cộng đồng. Đúng 20h đêm giao lưu khai mạc, người xem đã kín cả sân chợ Đồng Văn. Cái không khí sôi động và hết sức trang trọng, nét đẹp hưởng thụ văn hoá quần chúng hiếm thấy ở miền xuôi thời bây giờ. Chủ nhà chỉ có 9 hội viên, đã cùng với các văn nghệ sỹ Ninh Bình làm nên: đêm thơ, nhạc thành công mỹ mãn. Khán giả nhiệt liệt cổ vũ và chào đón văn nghệ sỹ Ninh Bình, bằng chứng là những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt sau mỗi tiết mục. Đó có lẽ cũng là chất xúc tác mạnh mẽ nhất, để chúng tôi nhận thức đúng hơn tính nghệ thuật vị nhân sinh, trước những nhiễu loạn: nhân danh đổi mới, cách tân, khuynh hướng vị nghệ thuật, xa dời công chúng lúc này.
Một đêm văn nghệ để lại nhiều ấn tượng, sáng hôm sau cả đoàn thăm chợ phiên Đồng Văn. Được tận mắt chứng kiến những chảo thắng cố to đùng, ninh hầm nghi ngút từ suốt đêm hôm trước. Các hàng rượu “ di động ” với đủ loại: can, chai, bình chứa, bày la liệt. Hàng nào cũng đông đúc, chen chúc, cả chủ lẫn khách chỉ “rượu xếch” mà ai cũng say ngất ngưởng, la đà. Những con gia súc tới chợ, cả: chó, mèo, lợn… đều được buộc dây dắt chạy tung tăng. Xúm xít kẻ mua người bán, nét đặc trưng rất ngộ này, có lẽ chỉ còn sót lại rất ít ở các chợ vùng cao. Dư vị ngọt ngào để lại cho mỗi người có lẽ là không có cảnh tượng: tranh mua, tranh bán, không xô xát, nèo kéo, họ thật thà, kiệm lời. Người đến chợ không chỉ để mua bán hàng hoá lâm thổ sản, mà còn đến, tìm những thú vui -“chơi chợ”. Rời chợ, ai cũng thầm mong : mai kia Công viên đá dù văn minh, hiện đại đến nhường nào, cũng xin giữ lại cho được nét đẹp tinh thần, cái tình người và thời trang thổ cẩm xuống chợ vẫn ấm áp, thân gần mãi mãi hôm nay. Ai cũng vui mừng khi nơi đây trở thành công viên địa chất toàn cầu. Cả miền đá cổ này rồi sẽ được quy hoạch tổng thể, được tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh, trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, tiến kịp miền xuôi
Đầu giờ chiều chúng tôi lên Lũng Cú. Người ta nói: ai đến Hà Giang mà chưa tới Lũng Cú coi như chưa tới Hà Giang. Câu nói ấy vừa như mời gọi, vừa kích thích sự tìm tòi khám phá của mọi người. Tương truyền thời nhà Lý sau khi Thái uý Lý Thường Kiệt đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc ra khỏi bờ cõi đã dừng lại, cắm ngọn cờ chiến thắng ở chính vị trí cột cờ Lũng Cú bây giờ. Để rồi Người trao lại: niềm kiêu hãnh dân tộc và nền độc lấp tự chủ cho con cháu gìn giữ muôn đời. Chúng tôi lên Lũng Cú theo âm hưởng của bài thơ tuyên ngôn độc lập bất hủ:Nam quốc sơn hà .... Từ xa,
(4)
mọi người đã nhìn thấy và hướng theo lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2, biểu tượng của sự gắn bó thống nhất giữa 54 dân tộc anh em, đang phấp phới bay nơi đia đầu, cũng là nóc nhà của Tổ quốc. Tới nơi, làm thủ tục với đồn Biên phòng xong, ai cũng hăm hở chèo lên, thầm mong mình tới được chân cột cờ trước nhất. Dốc mòn lên đỉnh núi xưa kia, giờ đã là một hệ thống công trình liên hoàn. Từ 825 bậc lên, lan can vịn, nhà chờ, cột cờ, đều được xây dựng bằng các loại vật liệu quý hiếm, làm nên một quần thể kiến trúc hoành tráng,
tương xứng, hoà hợp với nét tươi đẹp, hùng vĩ của sông núi nơi này. Ngước lên ngọn cờ, bỗng cảm xúc trào dâng, ai nấy đều thấy hồn mình được hoà vào khí thiêng sông núi. Được bay bổng, tưởng tượng như đã đặt chân lên đúng dấu chân Lý Thường Kiệt thuở nào. Lũng cú, sự hấp dẫn đến huyêng bí, níu giữ chúng tôi tới mặt trời gác núi.
Tôi đi sau Điện, nhìn khuôn mặt ưu tư của anh thoắt rạng rỡ đứng bên cột cờ, thầm nghĩ, rồi mọi nỗi cơ cực mỗi thân phận sẽ qua đi khi Tổ quốc chúng ta đững vững vàng trên những tầng đất cổ.
Hà Giang - Ninh Bình, ngày 25/2 - 10/3 - 2011Đ/C: Lâm Xuân Vi
Hội: VHNT Ninh Bình
Email:
xuanlamvi@yahoo.com