Đến với Đồng Lộc, là đến với lòng tri ân.
Đến Đồng Lộc, là đến với tấm lòng thành.
Nơi đây, không thể chấp nhận sự tùy tiện và bất kính
Ngã Ba Đồng Lộc là Ngã Ba Xương Máu.
Nơi đây đã là chiến trường ác liệt bậc nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Khi cao điểm, ta đã tập trung gần 20 ngàn quân để bảo đảm giao thông. Giặc Mỹ cũng dốc bom đạn tập trung đánh phá. Từ tháng 3 đến tháng 10/1968, hơn 48.600 quả bom đã trút xuống. Mỗi mét vuông đất ở đây, phải gánh chịu 3 quả bom tấn, chưa kể các loại bom khác.
Nơi đây, hàng vạn chiến sỹ đã ngã xuống. Ngày 24 tháng 7 năm 1968, mười cô TNXP đã cùng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Mỗi nắm đất Ngã Ba Đồng Lộc đều thấm máu xương những người con ưu tú.
Ngày nay, quần thể di tích Ngã Ba Đồng Lộc, là nơi thể hiện lòng tôn kính của nhân dân với các anh hùng liệt sỹ.
Ấy thế mà, ngay tại chốn linh thiêng này, đang có dấu hiệu dung dưỡng sự tùy tiện và bất kính.
Trước Đài tưởng niệm, sừng sững dãy cột đá uy nghi. Trên chỗ trang trọng nhất đó, lại khắc những dòng chữ bất minh:
Thắm dạ mồ sâu vẹn tiết trinh,
Hiến thân báo quốc sáng anh linh.
Hồn bay trong gió bên Hồng Lĩnh,
Dậy khắp núi sông khúc nhạc tình.
Không cần bàn thêm về hình thức của bài “nửa đối - nửa thơ” trên. Các thức giả đã phê phán nhiều và đã yêu cầu gỡ bỏ. Có tin, Sở Văn hóa Hà Tĩnh “đã nhận sai và cho hạ xuống”. Nhưng lại không hiểu sao, những câu “không thơ, chẳng đối” này vẫn trơ gan ở đó.
Vì nó vẫn còn tại vị, nên đành phải hỏi những người tạo dựng ra nó, về “nội dung” của những câu viết trên. Bởi quá nhiều người không hiểu, nhiều người lại cho rằng, những câu này là quá tùy tiện và đại bất kính.
Xin hỏi tác giả, “Thắm dạ” (hay thẳm dạ) nghĩa là gì, phải chăng muốn nói tới "tấm lòng son”?. Sao tác giả lại nói đến“tiết trinh” ở nơi này, phải chăng điều muốn nói lại là tấm gương “trinh liệt”?
Sao tác giả lại viết là “Hiến thân” mà không dùng “Xả thân”. Hiến thân theo hàm ý gì đây?. Đã là“Anh linh” tất nhiên là phải sáng, sao lại còn viết “sáng anh linh”?
“Hồn bay trong gió bên Hồng Lĩnh” nếu nói về người sống, thì có thể hiểu là tâm hồn phiêu du, lãng đãng như khói như sương. Nhưng khi dùng cho người đã khuất, phải chăng phải hiểu rằng: hồn phách vật vờ, lang thang vô định, hồn xiêu phách tán không nơi thờ phụng?.
Đọc câu thơ đó, dù muốn hiểu: “Anh linh các liệt nữ đã nhập vào hồn thiêng sông núi”, cũng không thể được.
Thế nào là “Dậy khắp núi sông khúc nhạc tình”?. Xin hỏi “khúc nhạc tình” này là “tình” gì? Là nghĩa tình, là ân tình, là tình yêu, hay lại là tình dục?. Không! Không thể bất kính đến như vậy.
Phải chăng tác giả đã cố tạo một “mạch liên kết ngầm” giữa các câu?. Đầu tiên, tác giả nói tới “tiết trinh” rồi đến “hiến thân” lại “hồn bay trong gió”, cuối cùng là “dậy khúc nhạc tình”. Dòng câu chữ này, thoảng “mùi son phấn” của loại “thơ chốn lầu hồng”. Tác giả dù ẩn danh, nhưng “thơ là người”, từ mạch liên kết trên, dễ đoán ra tính cách chủ nhân. Phải chăng, các chủ nhân đều là những “khách phong lưu”?
Sở Văn hóa Hà Tĩnh hiểu thế nào về mấy câu này, khi cho tạc lên đá? Có hay không sự cẩu thả, tắc trách? Có hay không sự bất kính với người đã khuất?
Hay là, do không tìm được các câu đối thích hợp để tạc vào cột cổng?
Hay là, do không tìm được một bài thơ nào khác, viết về các Nữ anh hùng ?
Nhưng ai cũng biết, đã có một bài thơ tuyệt vời, đó là bài“Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng. Chắc là, Mười Cô gái đã nhập hồn vào nhà thơ, để viết nên “Lời thỉnh cầu” này. Bài thơ được khắc vào bia đá nhỏ, đặt tại mộ Mười cô gái.
Tôi đã chứng kiến các bạn tôi, Trần Hà, Lê Trung ngồi khóc trước bài thơ ấy. Các anh khóc cho những người bố liệt sỹ, mà hài cốt còn bất định ở chiến trường xa.
Tôi đã chứng kiến đồng nghiệp tôi, anh thương binh Nguyễn Đức Hạnh, vừa đọc lại vừa nức nở. Anh khóc những người bạn thân đã ngã xuống tại Ngã Ba Đồng Lộc này.
Tôi đã chứng kiến chị gái tôi, người cựu TNXP lặng lẽ khóc khi đọc thơ. Chị là đồng đội của Mười cô gái Đồng Lộc.
Tôi và bao nhiêu người cũng đã khóc trước tấm bia thơ. Bài thơ như lời người cõi âm thì thầm với ta những lời tâm nguyện. Bài thơ đó, là hóa thân của ngàn vạn linh hồn và máu xương.
Bài thơ đó không được chọn đặt trước Đài tưởng niệm. Ở đó đã dành chỗ cho một bài thơ bất minh. Cách chọn chỗ này, là một sự tùy tiện đến bất kính.
Tương truyền rằng, Thi Tiên Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách. Lý Bạch đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
Dịch nghĩa:
Trước mắt thấy cảnh không tả được,
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.
Mong sao những người làm văn hóa đời nay, có được chút cốt cách của người xưa. Đã có bài thơ của Vương Trọng ở Đồng Lộc, lẽ nào còn đục đẽo một bài thơ khác? Một bài thơ bất tường, lại đặt nơi trang trọng nhất? Một bài thơ dư vị phong nguyệt, lại đặt chốn linh thiêng?
Xin hãy đừng quên: Nơi đây là Ngã Ba Đồng Lộc.
Mảnh đất Máu Xương này, không thể dung dưỡng sự tùy tiện và bất kính.
Trần Đình Trợ- Giáo viên trường THPT Hương Sơn
LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC
- Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.
- Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.
- Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.
- Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.
Vương Trọng