(Lời mở đầu Hội thảo thơ MVP & ĐĐB tại Hải Phòng, 15/5/2011)
Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam;
Thưa nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng;
Thưa các vị khách quý;
Thưa các nhà thơ, các nhà lý luận phê bình và các bạn yêu thơ.
Tôi không gọi bài viết của mình là đề dẫn, bởi nếu đặt vấn đề như vậy e có sự khiếm nhã với tri thức, học vấn của rất đông các học giả, các nhà văn nhà thơ và bạn yêu thơ có mặt hôm nay. Tôi chỉ quan niệm mình là người của Ban tổ chức nên xin có đôi lời thưa trước.
Thưa quý vị, các anh chị và các bạn!
Thơ là gì? Đã có quá nhiều định nghĩa về điều ấy. Có người cho rằng Thơ, đó là cách đi tới nơi tận cùng của tâm thức. Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng v.v… Có bao nhiêu nhà thơ, người yêu thơ … thì có bấy nhiêu con đường và sự dẫn dụ cảm thụ thi ca. Mỗi nhà thơ, nhà phê bình đích thực dường như đều mong muốn vươn tới ý niệm về quan niệm thi ca riêng biệt của mình.
Thậm chí mỗi bài thơ mỗi câu thơ là một định nghĩa về nó. Thơ Đồng Đức Bốn là một định nghĩa. Và, thơ Mai Văn Phấn lại một định nghĩa khác biệt.
Hôm nay, được sự đồng ý của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Chi Hội nhà văn VN tại HP và Hội nhà văn HP đồng tổ chức Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn. Đây là hai tác giả sáng tác theo hai khuynh hướng, phong cách khác nhau, là hai hiện tượng thơ trên thi đàn trong vài thập niên qua.
Nếu thơ lục bát của nhà thơ Nguyễn Bính là hơi thở đồng nội, là hồn quê, thì theo cách nói “dân dã”, lục bát của Đồng Đức Bốn là thơ của đời thường, cất lên từ thị thành xô bồ, từ tay ướt chân ráo chốn lấm lem đồng bãi... Hơn thập niên qua, rộ lên trào lưu cách tân thơ, không ít người đã nhọc nhằn, vò đầu tìm kiếm nhặt gắp từ mới, ý lạ đưa vào thơ mình để cố làm sang, làm lạ. Đồng Đức Bốn đã đổi mới thơ theo lối khác. Cũng như Nguyễn Bính trước đây, anh không cố tình dụng công tạo nên ý thức cầu kỳ về chữ nghĩa, không nhặt góp chữ mới, ít lao tâm tìm từ lạ. Thơ anh bộn bề ngôn ngữ đời thường. Vẫn chỉ là chuông chùa, chớp bể, mưa nguồn, chăn trâu, rơm rạ, chợ quê, giếng đình, gốc đa, là bán buồn mua vui… Vốn từ trong thơ anh không mấy nhiều, nhưng tài của Đồng Đức Bốn là biết biến hóa, xếp gép số từ ít ỏi, bình dị đó để thành một bài thơ, thành nhiều bài thơ có ma lực truyền cảm, lan tỏa. Một nhà thơ đã gọi đấy là lộc trời. Có lẽ vậy. Nhiều khi có cảm giác Đồng Đức Bốn không cố ý làm thơ, chỉ là sự buột miệng tự nhiên: Ôi mẹ ơi, đê vỡ rồi / Mộ cha liệu có lên trời hay không? Hoăc: Xong rồi chả biết đi đâu/ Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương! Hoặc nữa: Em bỏ chồng về ở với tôi không? Bâng quơ, nôm na là vậy. Thơ anh cũ, nền nã mà ẩn chứa sự ngang tàng, phá cách kỳ lạ: Rét lòng khát ngọn lửa nhen/ Mà áo đỏ, ảo đỏ em đâu rồi. Nhưng thực ra anh có ý thức nâng thể loại này lên những cung bậc khác. Vẫn là cốt hồn thơ dân gian, nhưng đã ẩn chứa lối nói hiện đại. Anh biết khai thác điểm mạnh nơi mình, đấy là khả năng thể hiện nhuần nhuyễn một dạng thức của thơ truyền thống và tuyệt đối trung thành với thế mạnh ấy, thể loại ấy. Thơ Đồng Đức Bốn là xâu chuỗi những tâm trạng bất ổn, liên tiếp những cuộc lên đường để tìm đến cái tôi bình an, cái tôi đích thực của mình, và, anh đã gặp sự cô đơn đẹp đến nao lòng trong câu thơ: Tôi từ ngõ nhỏ ra đi/ Nhìn trăng trên sóng nhiều khi rất buồn.
Lục bát là loại thơ dung dị, thuần phác, dễ sắp âm vần, dễ nhập vào lối sống dân gian. Thể thơ này ngỡ như dễ làm, dụ mỵ không ít người, nhưng người viết rất khó đạt đỉnh cao. Kiếm được câu lục bát hay, quả không dễ chút nào. Bởi vậy nhà thơ Đồng Đức Bốn như là ân huệ trời cho, đó là bản năng thi sỹ khi cầm bút. Thơ anh là sự kế thừa có ý thức , nhưng lại tự nhiên như thể vô thức trong cách diễn đạt của ca dao, dân ca. Đó là lối nói bâng quơ, bắc cầu, quanh quẩn, vu vơ… Vu vơ mà không vu vơ khi nhà thơ đã nhìn thấy được cái thần thái của sự vật, giờ chỉ còn tìm cách diễn đạt thật giản dị, thậm chí nôm na cho dễ hiểu mà thôi.
Ca dao dân ca thường dùng cách nói bắc cầu, liên hoàn, vu vơ để diễn tả tâm trạng ngơ ngẩn, đắm say của trai gái nơi thôn dã như: Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em lấy chồng anh tiếc lắm thay. Đến Đồng Đức Bốn cách diễn đạt đã khác, vẫn trên nền tảng của ca dao, nhưng hiện đại và sáng tạo: Cánh hoa sắc một lưỡi dao / Vì yêu tôi cứ cầm vào như không.
Thơ Đồng Đức Bốn là thơ của công chúng, với một số bài thơ được truyền miệng, nhiều người thuộc. Có thể chưa hẳn là tất cả, nhưng có lẽ cũng là một trong những tiêu chí nhiều nhà thơ đang hướng tới. Những câu thơ giản dị như Cầm vàng bán cái vàng đi / để mua những cái nhiều khi không vàng. Hoặc: Chợ chiều đem bán những vui / Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em / Chợ buồn bán nhớ cho quên / bán mưa cho nắng, ban đêm cho ngày… là mật ngọt, là hương nhài, dễ quyến rũ, mơn man, thậm chí có đôi lúc phỉnh nịnh bộ nhớ người đọc.
Đồng Đức Bốn biết viễn du cùng ngôn ngữ, biết đặt ngôn từ thông dụng đúng ở đích chốt của thi cảnh, để ngôn từ ấy sáng nhất, thăng hoa nhất, sang trọng nhất. Người tài hoa là người biết đưa ngôn từ lên ngôi vua, ngôi hậu. Tài thơ Đồng Đức Bốn chủ yếu ở khả năng sử dụng một các biến ảo ngôn ngữ đời thường, và đầy bất ngờ, lại rất ma mị ấy.
Thơ anh nhiều sắc màu, tựa vật phẩm trang trí, dễ quyến rũ… Đồng Đức Bốn có rất nhiều câu thơ lục bát ấn tượng, tài hoa không ít người thích và thuộc, nhưng anh không nhiều lắm những bài thơ có sức nặng trí tuệ mang tính tư tưởng cao. Thơ anh giống như chùm pháo hoa bắn lên làm sướng mắt người xem, nhưng khi bình tĩnh nhìn lại, vẫn thấy tiếc một điều gì đó, cứ thấy thiếu một cái gì nằm ở đáy sâu cuộc đời găm chặt vào nỗi lòng người đọc. Nhiều khi anh đã để chất đồng giao dân dã ùa vào thơ mình, tạo nên những tác phẩm dễ dãi, vô bổ… Phải chăng đấy là sự vắng thiếu rất đáng tiếc tính chuyên nghiệp sáng tạo trong suốt sự nghiệp thi ca của anh.
Nếu Đồng Đức Bốn là nhà thơ lục bát tài ba bẩm sinh, trung thành với thơ truyền thống, bằng bút lực giàu ấn tượng đại diện tiêu biểu cho thi pháp cổ điển, thì ngược lại, Mai Văn Phấn là nhà thơ tiên phong sáng tạo theo hướng đổi mới, cách tân, định hình một tư duy thẩm mỹ mới, và điều đáng mừng là anh đã thành công, được khẳng định, được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao. Nhưng thơ Mai Văn Phấn không dễ đọc. Nó không có chỗ cho sự ù lỳ, dễ dãi. Thơ Mai Văn Phấn là sự cô đặc ý tưởng và chữ nghĩa. Do vậy đọc thơ anh, trước hết rất cần sự đồng cảm, tháo gỡ những quan niệm cũ về thơ vẫn nằm ẩn sâu trong mỗi người, cần vươn tới kiếm tìm những định tính mới, giá trị mới. Mang tâm lý cố chấp, tư duy một chiều và thói quen dị ứng trước cái mới sẽ khó tiếp cận. Hành trình thơ Mai Văn Phấn là quá trình nhận thức và đổi mới phương cách thể hiện. Cách thể hiện của Mai Văn Phấn là khát vọng trong ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp; hay đúng hơn, anh muốn phản ánh, đặt tên lại các hiện tượng trong cuộc sống. Cuộc sống vốn đa tạp và phong phú, thơ phải được gợi mở trong cấu trúc không gian đa chiều. Làm thơ là sự khổ công tìm kiếm bám níu có ý thức và vô thức lý tưởng mà mình đam mê. Đấy là bản ngã và bản lĩnh người làm thơ.
Cũng như Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn rất có ý thức trong cách sử dụng ngôn từ, nhưng anh đi theo lối hiện đại, mới mẻ, tránh sự mòn nhảm, anh biết để câu chữ lan toả trọn vẹn hết nội hàm và sức lay động của nó trong từng tình huống thơ. Đấy chính là cấu trúc điển hình ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn. Để có được bài thơ bạn đọc quan tâm thật không dễ dàng chút nào. Chữ là thứ “tiền tệ” đặc biệt trong “ngân hàng” của nhà thơ. Nhà thơ có tài phải biết cách dụng chữ, làm cho những con chữ vô tri không chỉ lên tiếng, mà còn ngân lên, mở ra được không gian thơ riêng biệt và sang trọng. Không gian ấy tường minh, soi tỏ, hắt sáng lên bề mặt cuộc sống đa hợp và nhiều biến động hiện thời. Nếu gọi chữ là sứ giả của nhà thơ, là người phát ngôn của nhà thơ, thì lấp ló sau những con chữ nhọc nhằn, biến ảo và dụng công của Mai Văn Phấn, chính là tâm thế, trách nhiệm và niềm đam mê của nhà thơ trong lộ trình thơ hiện nay. Khi đánh giá Mai Văn Phấn, chúng tôi cho rằng ngoài sự tài hoa, đam mê, phông văn hóa, tri thức, sự kiên trì nhẫn nại trong sáng tạo, anh còn là nhà thơ dũng cảm và giàu bản lĩnh. Anh làm thơ như nghệ sỹ tự tin đi trên sợi dây mảnh, dù bên dưới là vực sâu hiểm trở, nhưng vẫn luôn tự tin rằng mình sẽ đến được đích. Thơ Mai Văn Phấn hiện có bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Với tư duy và sự soi rọi trong ý thức thẩm mỹ mới , họ dễ tiếp nhận thơ anh hơn.
Hội thảo hôm nay không hẳn chỉ soi tỏ nhận dạng nhằm ghi nhận sự đóng góp của Mai Văn Phấn trong quá trình cách tân thơ đương đại, mà trên cái nền tư duy khách quan trung thực của hội thảo, trên cơ sở học thuật, rất cần những nhận định chuẩn xác, thậm chí không hài lòng, thậm chí bằng lý luận và cảm thụ vô tư, rất cần một hình thức tranh biện nhằm góp phần giải mã và tường giải sòng phẳng, không chỉ về Mai Văn Phấn mà còn một số hiện tượng thơ sau năm 1975 công bằng và minh bạch hơn.
Thơ ca viết theo phong cách nào, trào lưu nào, cấu trúc ra sao thì mục đích cuối cùng cũng vẫn không gì khác hơn là hướng tới miền cộng sinh của cái đẹp, sự tao nhã và đạo làm người. Ấy là giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của văn học nói chung. Tuy nhiên, giá trị mà mỗi người đi tìm cho bản thân mình mới quan trọng. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên tầm vóc văn chương đương đại chúng ta.
Thưa quý vị và các anh các chị!
Thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn là hai dòng thơ, hai lối thể hiện, hai thi pháp khác nhau, nhưng đã đóng góp đáng kể vào thành tựu thơ Việt Nam đương đại. Thành phố Hải Phòng tự hào vì hai nhà thơ đã thành công với hai phong cách khác biệt trên con đường sáng tạo vốn rất cô độc và lặng lẽ của các anh. Tổ chức Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, chúng tôi muốn, thêm một lần, bằng sự đúc rút của nhiều luận cứ mang tính học thuật khách quan, chúng ta cùng trao đổi, luận giải thấu đáo không chỉ đánh giá về hai tác giả thơ tiêu biểu của Hải Phòng mà qua đó, mở rộng biên độ nhận thức về sáng tạo, nhận thức về sự cần thiết đổi mới tư duy thẩm mỹ. Đồng thời cũng là dịp, qua thơ Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn, cùng giải mã mức độ ban đầu nguồn năng lượng tràn đầy cũng như những khoảng cách cần phải vượt qua của thơ đương đại. Hội thảo không phải là ngày hội, hoặc tôn vinh hai tác giả theo cảm tính, thiếu trách nhiệm. Tôi tin mong muốn ấy của Ban Tổ chức không phải tham vọng quá lớn, nhưng rõ ràng không đạt được những mục đích trên, khó nói rằng Hội thảo thành công. Hy vọng rằng, bằng bề dày học vấn và kinh nghiệm, bằng sự công bằng của tri trức và thành tâm, các anh các chị sẽ có những đóng góp đáng trân trọng, góp phần vào sự thành công hội thảo hôm nay.
Nhân đây, thay mặt Ban Tổ chức, tôi trân trọng cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam, trân trọng cám ơn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng đã tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo này.
Chúng tôi cũng trân trọng cám ơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sachi; Công ty Xuất nhập khẩu Bách Hợp - Hà Nội, Công ty TNHH Long Tuyền; Công ty Xuất nhập khẩu Móng Cái, Công ty Xử lý rác thải Tân Thuận Phong Hải Phòng đã nhiệt tình ủng hộ, tài trợ cho hoạt động văn chương nhiều ý nghĩa này.
Thay mặt Ban Tổ chức, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn.
Trân trọng cảm ơn các anh các chị và các bạn.
Hải Phòng, 15/5/2011
ĐK.