(Kính viếng hương hồn nhà văn Trần Hoài Dương)
Xin thắp nén nhang khấn vọng anh. Xin tạ lỗi với anh, mặc dù không biết mình có lỗi gì với anh. Không biết. Nhưng tôi biết là anh giận. Giận từ hôm gặp nhau ở Đại hội Nhà văn năm ngoái. Giận đến nỗi sau đó ít lâu anh có việc trở ra Hà Nội, đi chơi với bác Trần Nhương, ở cùng khu Ngã Tư Sở với gia đình tôi, mà không thèm gọi tôi một tiếng, rồi khi vợ chồng tôi vào Sài Gòn dự đám cưới chú em trai, có nhờ bác Thanh Tùng báo với anh, anh cũng không muốn gặp. Tôi không hiểu vì lý do gì mà anh giận tôi đến thế. Nhưng tôi nghĩ rồi thế nào cũng có dịp anh em ngồi lại với nhau, để giãi bày, hoặc cùng lắm là mắng nhau một chập, rồi thôi.
Ấy thế mà…
Sáng chủ nhật (8/5/2011) vào Trannhuong.com, được tin anh mất đột ngột, không có ai ở bên, đến hai ngày sau mọi người mới biết, tôi không kìm được nước mắt. Tôi lặng lẽ khóc một mình, trong phòng viết của mình. Rồi lặng lẽ đến bên giá sách, lấy ra cuốn “Truyện chọn lọc” anh gửi tặng hồi nào, kèm theo bức ảnh chụp vào ngày cưới cháu Quỳnh tại một nhà hàng nào đó trong Nam. Đặt bức ảnh trên nền bìa sách xanh thắm thiết được tỏa sáng bởi những đốm vàng trăng huyền ảo, vừa ngắm nhìn vừa khóc. Anh đứng bên này, chị Trinh đứng bên kia. Hội ngộ rồi lại xa lìa, và anh lại sống một mình như bao năm tháng trước đây, để giờ đây anh ra đi chỉ có một mình. Lặng lẽ một mình đi…
Và tôi khóc. Khóc một mình trong nỗi hối tiếc vì đã làm anh giận vào lần gặp cuối cùng.
Con trai thứ của tôi học năm cuối khoa piano ở Nhạc viện Hà Nội, nó vừa đi tập hòa tấu ở Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ về, đang mở nhạc trên phòng nó ở tầng 3. Tôi chạy lên báo tin bác Hoài Dương đã mất, bảo nó chơi một số tác phẩm của Trần Lê Quỳnh cho tôi nghe. Nó bảo bố nên nghe các ca khúc của anh ấy trên mạng thì hay hơn, ca từ của anh ấy hay lắm, chỉ nghe nhạc thôi không cảm được hết đâu, bố ạ.
Nhiều năm tháng đi qua
Bao buồn vui trôi xa
như tình yêu
đầu
Miền thơ ấu
hóa mây bay
Trôi về đâu…
Đó là lời bài hát “Khi mẹ khóc” của Trần Lê Quỳnh, con trai duy nhất của anh. Tôi vừa nghe vừa nhớ về anh, nhớ chị Trinh, nhớ những kỉ niệm về anh qua mỗi lần gặp gỡ.
Tôi gặp anh lần đầu vào năm 1977, trong dịp đi học lớp bồi dưỡng những người viết trẻ tại Quảng Bá. Lâu lắm rồi anh nhỉ? Nhưng lúc này tôi cảm thấy như vừa mới đây thôi. Hôm ấy, một buổi tối mùa đông, tôi cùng Anh Chi, Đạo Tĩnh đến chơi nhà anh tại một căn gác nhỏ ở phố Đường Thành. Bấy giờ anh vừa cưới chị Trinh, được tòa soạn báo Văn Nghệ cho nghỉ sáng tác để hưởng tuần trăng mật. Chị Trinh vốn gốc người Hà Nội, là giáo viên cấp ba, người đẹp và sang, đeo kính trắng càng sang, nhưng không tỏ ra đỏng đảnh chút nào mà ngược lại, rất chân tình, cởi mở. Anh cũng thế, rất ân cần với khách, mặc dù chúng tôi chỉ là dân tỉnh lẻ, cộng tác viên của báo mà thôi. Lúc đầu tôi rất lúng túng, không dám bước vào nhà. May mà có Anh Chi, một nhà thơ vốn quen biết anh từ trước, lại hiểu nhiều biết rộng và rất hoạt ngôn, đối khẩu được với anh, trò chuyện với anh rất sôi nổi về mọi thứ. Văn chương, Triết học, Sử học…rồi hai người xoáy vào chủ đề văn học Nga với những ông Ốp ông Ép…chốc chốc lại cười ha hả. Đạo Tĩnh thì được chị Trinh dẫn đi tham quan phòng trong phòng ngoài, nhà tắm, hành lang, rí rủm chuyện trò vui vẻ lắm. Mỗi tôi ngồi trơ ra, chẳng biết nói gì, làm gì. Tôi đưa mắt nhìn quanh nhà, nhìn chiếc piano đặt ở góc phòng, tỏ ý bái phục anh có đủ cầm kì thi họa. Anh cười bảo chiếc đàn đó là của Trinh, mình có biết chơi đâu, chỉ viết thôi mà, và mình chỉ viết cho thiếu nhi thôi, không có tham vọng gì lớn đâu, Huệ ạ. Tôi bảo anh khiêm tốn quá. Anh là Trưởng ban Văn báo Văn Nghệ, một tờ báo to nhất nước về Văn học kia mà. Anh cười bảo Trưởng ban Văn là cái gì đâu. Điều quan trọng là anh có phát hiện và bảo vệ được những văn tài không, hay là… Rồi, như cảm thấy mình hơi quá lời, anh chuyển sang chuyện khác, nói rằng các anh chị ở ban Văn báo Văn Nghệ (do anh phụ trách), từ Ngọc Tú, Ngô Ngọc Bội, Ngô Văn Phú, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách… đều rất thích những truyện ngắn của Huệ. Anh bảo rằng Huệ có cái hay là viết về công nhân nhưng truyện nào cũng vượt thoát khỏi đề tài công nhân, nêu được ý nghĩa nào đó của cuộc đời, có tính phổ quát, rất được, rất được! Tôi bảo em nghĩ đề tài nào cũng vậy thôi, nó chỉ là cái cái cớ, cái phông, mình diễn tả sao cho nó thật sinh động, còn cái mình định nói phải là cái khác, phải là cái khác thì mới ra chuyện được, anh à! Anh gật đầu nói đúng đấy đúng đấy. Rồi hứng lên, anh nói sang chuyện biên tập báo, trong tình hình hiện nay phải thế nào, thế nào… Thú thực với các bạn là trong tay mình hiện có khá nhiều truyện hay gửi đến. Mình đã hết sức bảo vệ mà vẫn không in được, vì rằng…vì rằng … À, mình kể cho Đức Huệ và Anh Chi nghe một vài truyện mình đang viết nhé. Không biết các bạn có thích không, riêng mình rất thích, chuyện thế này… Anh kể về tác phẩm Cây Hoàng Lan, Cây lá đỏ... Tôi và Anh Chi chăm chú nghe. Nhưng có lẽ cả hai đều không lĩnh hội được, bởi lẽ truyện của anh không có chuyện. Nó là những cảm xúc của anh trước một hiện tượng nào đó của thiên nhiên, của cuộc đời, chi tiết không có mấy, như một tản văn hơn là truyện. Chúng tôi nghe loáng thoáng, rồi quên.
Lớp học kết thúc, tôi ra bến Nứa (lúc bấy giờ là bến xe chính ở Hà Nội tỏa đi các tỉnh) để mua vé về Quảng Ninh. Thấy người ta xếp hàng đông quá, còn lâu mới đến lượt mình, tôi đi bộ đến nhà anh, chào tạm biệt. Anh bảo lấy thẻ nhà báo của anh ra mà mua vé, sẽ được ưu tiên. Tôi rất ngại, mình là thằng thợ ở công trường, cầm thẻ nhà báo của anh sao được. Anh liền dùng xe đạp lai tôi ra bến, mua vé cho về, lại tiễn tôi đến tận chỗ đỗ xe, nói với họ điều gì đó. Hình như họ có quen anh nên xếp cho tôi ngồi ngay ghế đầu, ghế của phụ xe, không bị ai chèn ép. Suốt dọc đường tôi cứ thầm cám ơn anh, nghĩ thân phận mình gặp được anh là phúc lắm.
Về đến Quảng Ninh được ít ngày thì được đọc mấy cái truyện viết cho Thiếu nhi mà anh đã kể cho nghe hôm nọ, in trên báo, sau đó được anh Trúc Thông giới thiệu trên Đài TNVN, tôi mới sững sờ. Không ngờ truyện của anh hay đến thế! Hay đến mức tôi nghĩ rằng có cho mình cốt truyện ấy mình cũng không viết được. Mà không chỉ tôi đâu. Tôi là cái thứ gì! Đến Tchekhop với Thảo Nguyên, Andecxen với những tác phẩm cổ tích lừng lẫy thế gian, giờ sống lại chắc cũng phải cúi đầu bái phục anh - Nhà văn Việt Nam Trần Hoài Dương. Tôi nghĩ vậy. Truyện viết cho thiếu nhi hay như thế, văn hay như thế thì quả thật là… bất tử!
Bầy chim trắng vẫn thường qua
Theo những vụn bánh cha thả trên sân
Từng chậu hoa như bạn thân
Yên lắng cùng cha
Đêm mùa xuân…
Tôi khóc.
- Bố nghe nữa không? – Con tôi hỏi.
Tôi lau nước mắt, khẽ gật đầu. Con tôi mở bài hát tiếp theo. Và tôi lại chìm trong nỗi nhớ.
Mùa hè năm 1981. Tôi nghỉ phép về quê. Trên đường ra bến Nứa, tôi lại tạt vào thăm anh chị. Cháu Quỳnh lúc này đã hơn ba tuổi, bi bô nói chuyện suốt ngày. Chị Trinh vui lắm. Anh chị giữ tôi ở lại chơi, mai hãy đi. Tôi bảo em nghỉ quá phép mấy hôm rồi, ở lâu không được. Anh ghé tai tôi bảo mình đang có chuyện muốn nói với Huệ. Tôi băn khoăn, song cũng nghe lời. Tối hôm đó, anh dẫn tôi đi dạo quanh bờ hồ Gươm, tâm sự rằng anh chị sẽ chuyển vào miền Nam ở. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao. Anh ngần ngừ rồi nói rằng chị Trinh thích khí hậu miền Nam hơn, ở ngoài này hơi khó thở. Tôi cảm thấy có điều gì đó nhưng không dám hỏi thêm, chỉ khẽ gật đầu. Ngoài này đúng là khó thở hơn trong ấy thật.
Bẵng đi hơn chục năm, tôi mới có dịp gặp lại anh. Bấy giờ tôi đã chuyển về Đài PTTH Quảng Ninh, làm Biên tập viên Văn Nghệ. Dịp đó Đài TW tổ chức Liên hoan PTTH ở Thành phố HCM, tôi được tháp tùng Giám đốc Đài, vào dự. Vào hôm trước hôm sau tôi tìm đến nhà anh, ở mãi tận Gò Vấp. Một tòa biệt thự rất rộng lớn, rất nhiều phòng, xung quanh vườn tược um tùm bao bọc. Anh ở có một mình, ngại nấu nướng, bèn lấy xe máy lai tôi đi ăn lẩu ở một tiệm ăn trong thành phố. Lúc cụng ly, anh nói mình với Trinh chia tay rồi Huệ ạ. Tôi nói em biết rồi. Anh lại nói cháu Quỳnh ở với Trinh. Tôi nói em biết rồi. Anh nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, Không phải ngạc nhiên vì tôi đã biết chuyện này. Anh là nhà văn nổi tiếng, chuyện gì về anh người ta chả biết, nhất là bạn trong nghề, trong Hội. Điều khiến anh ngạc nhiên có lẽ vì không hiểu sao tôi lại thản nhiên như vậy. Tôi nói có vô vàn lý do cho những cuộc chia tay. Anh nói cậu trưởng thành rồi đấy. Tôi nói em vẫn thế thôi mà. Anh nói cậu xem ở Quảng Ninh có cô nào giới thiệu cho mình, mình sẽ bán nhà về Hạ Long ở với cậu cho vui. Tôi nói em chịu. Anh hỏi tại sao. Tôi nói khó mà tìm được người như chị Trinh, vừa xinh đẹp vừa sang trọng vừa uyển chuyển, lại rất đảm đang. Em nghe nói hồi còn ở Hà Nội, có thời kỳ chị ấy vừa dạy học vừa tranh thủ bán kem kiếm thêm để giúp anh sáng tác, phải không. Anh lắc đầu. Xong lại gật. Hồi ấy đúng là khổ thật. Khổ vô cùng, đến nỗi đôi khi mình nghĩ cái sự theo đuổi văn chương của bọn mình thật vô tích sự.
Những khi mẹ khóc
Người đàn ông bỗng thấy mình bé lại
Những giấc mơ thanh cao cũng xốc lại
Thấy niềm kiêu hãnh là người
lại bừng lên giữa đêm dài u tối…
Mười năm sau, mùa hè năm 2004. Anh ra Hạ Long thăm tôi. Tặng tôi liền một lúc vài bộ sách – thành quả lao động của anh trong ngần ấy năm trời, trong đó có hai tập tiểu thuyết “Miền xanh thẳm” – Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2000, bảo tôi rằng nếu Huệ đọc thấy thích thì viết giới thiệu cho mình lên báo nhé. Tôi cười bảo cỡ anh thì phải bác Tô Hoài viết mới xứng, em viết có khi lại làm anh ngượng mất thôi.
Tôi dẫn anh đi quanh thành phố, vòng qua cầu treo quanh núi Bài Thơ đến thắp hương trước hai bài thơ khắc đá của Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương. Sau đó dẫn anh vào nhà hang, đãi anh món chả mực, tôm hùm rồi lại rong ruổi tiếp ở vùng biển đảo. Tối về, tại ngôi nhà mới xây trong xóm núi của vợ chồng tôi, anh và tôi, cả vợ tôi, ngồi nghe cháu Vượng, thằng con thứ của chúng tôi, lúc đó mới học xong lớp Trung cấp nhạc, trình diễn đàn organ với ca khúc “Chân tình” rất nổi tiếng của con trai anh, nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh.
Như anh được sống giây phút đầu tiên
Có em cần đến những giây cuối cùng
Suốt cuộc đời anh không quên chân tình
Giành hết cho em…
Ấy thế mà đến cuối đời, anh lại giận tôi. Khi tôi nghỉ hưu, chuyển gia đình về Hà Nội, được anh Hữu Thỉnh kéo về làm trang Wesite của Hội ta, phụ trách mục “Nhà văn ta đang làm gì”. Tôi gọi ngay cho anh, thông báo về chuyện đó và ngỏ ý muốn viết về anh. Anh từ chối. Kiên quyết từ chối. Còn giễu cợt tôi qua điện thoại. Tôi không hiểu vì sao, đành gác lại, đi viết về người khác, về các nhà văn ta ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Tôi viết về họ bằng cả tấm lòng mình, viết một cách trân trọng và chân thực. Nhiều anh em bảo tôi viết về bạn bè ấm áp lắm, thân tình lắm và sáng lắm. Nhưng không ai biết rằng đó chính là điều tôi học được ở anh, người mà tôi luôn coi là một người anh, người anh trong văn chương và trong cả cuộc đời. Tôi nghĩ anh sẽ hiểu điều này nên lại gọi cho anh lần nữa, xin được viết về anh. Nhưng một lần nữa, anh lại chối từ. Kiên quyết chối từ. Và tôi không thể nào hiểu được.
Cho đến hôm Đại hội Nhà văn, vào lúc giải lao, tôi đang ngồi uống bia với bác Thanh Tùng và Hoàng Minh Tường thì anh đến. Anh cụng ly với tôi và nói một câu rất khách sáo: “Chào anh bạn vàng!”. Tôi cười nói: “Em chỉ là bạn bạc thôi!”. Thế là anh quay ngoắt đi, không thèm nói nửa lời. Tôi chạy theo, nói thế nào anh cũng ngoảnh đi, không đáp lại.
Và anh giận tôi từ đó.
Bây giờ anh đã ra đi. Chẳng thế nào gặp anh được nữa. Tôi lặng lẽ khóc một mình, thắp nén nhang này tạ lỗi cùng anh. Anh Trần Hoài Dương ơi, ở thế giới bên kia, anh có nghe tiếng thằng em đang thầm thì khấn vọng, ở nơi này?
Như chưa từng có những phút lìa xa
Dẫu gương mặt trên vai anh khóc òa
Những con đường anh đi
Rồi cũng đưa anh về bên em…
Làng Khương một đêm giông gió.
N.Đ.H
Ghi chú: Những chữ in nghiêng là lời bài hát của nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh, con trai nhà văn Trần Hoài Dương.