Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÃI NHAU VÌ VŨ

Hoàng Thiên Bảo
Thứ tư ngày 18 tháng 5 năm 2011 1:39 PM

Hoàng Thiên Bảo

Mình vừa cãi nhau với mẹ Bòng về chuyện của chú Vũ (Đặng Lê Nguyên Vũ). Thực tình, mình chả quen biết, giao du gì với ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ mà cũng chẳng có ý định “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”. Gọi là chú vì tính mình ai hơn tuổi thì gọi là bác, là anh. Ai kém tuối thì gọi là chú, là em. Còn giàu có, họ có cho mình đâu. Làm quan, họ đáp vào bản thân với họ hàng nhà họ. Họ cũng chả phải sếp của mình nên thôi thì cứ lấy tuổi tác mà làm bề bậc vậy.
Mà cái chuyện về Đặng Lê Nguyên Vũ này lại càng không liên quan đến mình.
Chả là gần đây, dư luận xôn xao xung quanh tác phẩm Tài năng và Đắc dụng của NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật. Cuốn sách in từ năm 2008, viết về tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc 3 lĩnh vực. Lĩnh vực Lãnh đạo, quản lý gồm: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn (Thái Lan). Lĩnh vực Khoa học công nghệ gồm: Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison. Lĩnh vực Kinh tế kinh doanh gồm: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Thế là ngay từ sáng sớm, mẹ Bòng đã xả ra một tràng:
- Thật là nhí nhố, nhăng nhít, lôm côm. Xếp Đặng Lê Nguyên Vũ cùng với các vị Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh là sự báng bổ không thể chấp nhận…
- Mẹ Bòng ơi, “quảng bình, hà tĩnh” lại cho “tỉnh táo cái gáo dừa” đi nào. Chuyện có hẳn như thế đâu!
- Sao lại không hẳn như thế. Báo đăng ầm ầm kia kìa… Ba Bòng thì có biết gì đâu. Suốt ngày chỉ thơ ca vớ vẩn, mây gió lăng nhăng.
- Mẹ Bòng nói thế là thiếu chính xác. Thứ nhất, đây là cuốn sách viết về những tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Có chính khách, có nhà văn hóa, có nhà khoa học, có doanh nhân và có trong nước, có thế giới, có cổ đại, có đương đại… Tuy gọi là cùng một “sân đình” nhưng có nhiều “chiếu” khác nhau. Có chiếu trên, chiếu dưới, có chiếu chính, chiếu phụ…
- Nhưng xếp Đặng Lê Nguyên Vũ vào cùng cuốn sách đó là vô lý, là khập khiễng.
- Nếu nói như ý của mẹ Bòng thì xếp các vị Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Công Trứ cùng với Hồ Chủ tịch hay Trần Hưng Đạo cũng là khập khiễng, là vô lý. Công bằng mà nói, ngay cả cùng một “chiếu” mà xếp Lê Quý Đôn và Trần Văn Giàu với Albert Einstein và Thomas Edison cũng chả hợp lý tý nào. Việc xếp Đặng Lê Nguyên Vũ xếp ở “chiếu” doanh nhân cùng với Bạch Thái Bưởi thì cũng chả có gì là quá. Mỗi người có thời của mình…
- Này, ba Bòng thích lý sự hả? Thế hỏi ba Bống, Đặng Lê Nguyên Vũ có công trạng gì với đất nước này?
 - Mẹ Bòng lại nâng quan điểm, làm to tát vấn đề rồi. Đây chỉ là một cuốn sách, do một số người biên soạn của một nhà xuất bản chứ có phải là đúc chuông vàng, dựng tượng đồng đâu. Còn công lao, “nắp quan hậu sự”. Nhưng phải nói đến thời điểm này, tay Vũ cũng có công đấy chứ.
- Công, công lao cái gì?
- Này nhé, Tập đoàn Trung Nguyên có hàng vạn lao động, tức là họ đã tạo ra cho hàng vạn người lao động có công ăn việc làm, hàng vạn gia đình có khoản thu hàng tháng, tức là cũng có hàng vạn trẻ em có cơm ăn, áo mặc được cắp sách đến trường. Thứ hai, hàng vạn người nông dân bán được cà phê, tức là hàng vạn ha đất hàng ngày sinh ra của cải. Thứ ba, trước khi có Trung Nguyên, các hãng cà phê ngoại làm mưa, làm gió trên thị trường, gần như không có đối thủ. Nếu không có sự lớn mạnh của Trung Nguyên làm đối trọng, chúng ta còn chịu sự độc quyền của họ đến bao giờ? Không chỉ người tiêu dùng phải mua đắt, người nông dân bị bắt chẹt mà cả nguồn lợi nhuận khổng lồ cũng ào ào chảy ra nước ngoài. Mẹ Bòng xem, giá cà phê mấy hôm nay đang lên ầm ầm đấy. Ba Bòng thấy cha này lắm tham vọng, còn âm mưu quảng bá Trung Nguyên ra cả thế giới.
- Thì háo danh thế mới chết.…
- Ôi mẹ Bòng ơi! Háo danh là bản chất của con người, chả có gì xấu xa cả. Mẹ Bòng có háo danh không? Có thích là nhà báo có tên tuổi không? Có, đúng không nào? Ba Bòng cũng thèm có danh tiếng lắm, mong được trở thành nhà thơ nổi tiếng lắm chứ. Có tham vọng thì mới có động lực chứ con người ta không có tham vọng thì chả làm được cái gì ra hồn đâu mẹ Bòng ạ. Mà từ xưa, các cụ đã dậy “Phải có danh gì với núi sông”. Ai cũng háo danh nhưng doanh nhân thì càng phải háo danh bởi danh tiếng của họ gắn liền với thương hiệu. Nên hiểu việc làm này là một cách quảng bá thương hiệu của chú ấy thôi. Mà mẹ Bòng có tự hào không nếu Trung Nguyên trở thành hãng cà phê có danh tiếng thế giới?
- Có chứ!
- Thì đấy, mẹ Bòng chả liên quan gì còn mong muốn như thế nữa là người ta.
- Ba Bòng chỉ giỏi lý sự. Thế tại sao không chọn người khác mà đưa vào cuốn sách đó. Nước mình thiếu gì người?
- Cái này thì nó có lý do tế nhị của nó mẹ Bòng ạ. Những người làm sách, họ muốn dành một suất “ưu tiên” cho những doanh nhân sau Đổi mới. Đành rằng chú Vũ không phải là người thành đạt nhất nhưng có thể ít tai tiếng hoặc mặt hàng Vũ kinh doanh có độ an toàn cao hơn, hay nói cách khác, ít rủi ro hơn chăng? Thực tế, chọn một doanh nhân đương đại rất khó vì kinh doanh nó mờ mờ, ảo ảo - nay thành, mai bại. Không may vớ phải bác lúc này thì lên như diều nhưng chỉ vài bữa sau lại đổ bể thì ế mặt cho nên giải pháp khôn ngoan nhất là độ an toàn. Vả lại, theo mẹ Bòng thì chọn ai và ai là có thể sẽ làm thỏa mãn tất cả mọi người?    
- Đó là việc của những người làm sách. Nhưng đằng này, anh ta còn quá trẻ.
- Anh vào Google thấy cậu ta sinh năm 1971, tức là ở cái tuổi “tứ thập bất hoặc” rồi chứ trẻ trung gì nữa. Mà tầng lớp doanh nhân Việt Nam mới xuất hiện trở lại từ Đổi mới (1986) thì doanh nhân trẻ mới là phải lẽ, mới đáng trân trọng chứ.
 - Mà tại sao ba Bòng cứ bênh chằm chặp thế nhỉ? Hay là…
- Mẹ Bòng đừng nghi oan ba Bòng nhé. Cho đến bây giờ, ba Bòng chưa được ngụm cà phê miễn phí nào đâu. Mà mẹ Bòng biết đấy, anh chưa gặp chú Vũ bao giờ và anh cũng không thích uống cà phê.
- Ba Bòng đừng có mà bắt nạt. Nếu giỏi, ba Bòng đăng tải cuộc “đấu khẩu” này lên báo để mọi người phân định.